Khi lật giở lại những trang sách cổ, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng trình độ phát triển khoa học cổ đại thực sự khiến con người hiện đại phải kinh ngạc. Ví dụ người xưa khẳng định biển có mắt, và gọi đó là “Hải Nhãn”. Lý giải chuyện này ra sao? 

Các thành tựu khoa học kỹ thuật của con người ngày nay rất phát triển. Nhưng đối với con người hiện đại mà nói, đại dương bao la, kỳ bí vẫn là một câu đố khó giải. 

Trái lại, từ hàng nghìn năm trước, nhận thức khoa học của cổ nhân nhiều khi đã vượt xa hơn những gì chúng ta tưởng tượng. Có điều đã được chứng thực nhưng cũng có nhiều điều mà con người ngày nay không thể lý giải.

Ví như cổ nhân nói rằng đại dương có “Hải Nhãn” (mắt biển). Thực tế, có thể tìm thấy những ghi chép về “Hải Nhãn” này trong sách cổ. 

Theo ghi chép của “Ngọc Đường nhàn thoại” (Chuyện phiếm nơi Ngọc Đường), ngoài cửa Nam của thành Giang Lăng, phía tường Đông trong thành Ung Môn có một căn phòng nhỏ, phía trên lợp mái ngói. Phòng này chỉ cao hơn 1 thước (chừng 0,33m). 

Mặc dù căn phòng rất nhỏ, nhưng dầm, cột, cửa đi, cửa sổ đều đầy đủ không thiếu thứ gì. Hỏi người dân trong khu vực châu này rằng đây là kiến trúc gì thì họ trả lời, đây là “Tức Nhưỡng” (Đất tự đùn lên).

Đại dương bao la, kỳ bí vẫn là một câu đố khó giải. (Ảnh dẫn theo huesa.org)

Lại hỏi rằng “Tức Nhưỡng” từ đâu mà có? Người dân bèn nói rằng, vài trăm năm trước, lũ lụt tràn trên vùng đất này, đa số đất đai đều bị nhấn chìm trong biển nước, chỉ còn sót lại vài ba căn nhà. Tổng trấn châu này rất sợ hãi, luống cuống không biết phải làm sao. 

Lúc này có người mách ông rằng: “Ở ngoại ô có một thư sinh, cậu này học nhiều biết rộng, tài năng xuất chúng. Xin ngài hãy mời cậu ta đến hỏi thử xem sao“. 

Vị quan tổng trấn bèn cho gọi người thư sinh tới hỏi. Cậu thư sinh đến yết kiến, nói:

Đây là “đất tự sinh trưởng” được xây ở cửa Nam. Tôi đã từng đọc trong cuốn “Tức Nhưỡng Ký” (Ghi chép về đất tự sinh trưởng) rằng nơi đây có mắt biển, nước biển sẽ trào ra từ mạch nước này. Vì muốn chặn đứng con lũ lớn, xưa kia Đại Vũ đã cho người tạc một hòn đá thành hình long cung và lấp vào trong huyệt, dùng để chặn mạch nước này“. 

Tôi nghe nói sau này vì muốn xây dựng lại nhà cửa mới mà người ta đã hủy mất những kiến trúc cũ, cũng hủy mất hòn đá mà vua Đại Vũ dùng để chặn mạch nước nên mới gây nên lũ lụt lớn như vậy. Xin ngài hãy cho người tới tường phía Đông đào thử xem”. 

Thế là vị Tổng trấn cho người đi ra tới tường phía Đông để đào. Mọi người mới đào được vài thước ở tường Đông thì quả nhiên tìm thấy một thủy cung được điêu khắc bằng đá đã bị hư hại, không còn nguyên vẹn. 

Tổng trấn Kinh Châu bèn cho người tu sửa lại rồi chôn xuống đất, dùng đất dày lấp lên. Sau đó, quả nhiên lũ lụt không còn xảy ra nữa. Từ đó, người dân trong vùng được sống yên ổn. 

Hiện nay, trên khu đất này người ta đã cho xây một căn phòng nhỏ để đánh dấu vị trí ấy. Khi đối chiếu với những ghi chép trong “Tức Nhưỡng Ký” mới thấy lời của cậu thư sinh nọ quả là rất chuẩn xác. 

Nước ở Hải Nhãn phun lên gây ra lũ lụt hoành hành, cần có tức nhưỡng mới có thể làm cho Thủy – Thổ cân bằng. (Ảnh dẫn theo sophic.rssing.com)

Truyền thuyết trong dân gian

Như vậy ở đây có hai khái niệm là “Hải Nhãn” và “Tức Nhưỡng”. “Hải Nhãn” (mắt biển), theo truyền thuyết chính là “huyệt nước”, là vị trí nước không bao giờ cạn. Bởi vậy, người ta dùng “Tức Nhưỡng” để chặn mạch nước ấy.

Theo quan niệm của người xưa, “Tức Nhưỡng” tức là đất tự đùn lên, đặt trên “Hải Nhãn” thì chính là nước dâng bao nhiêu, đất lấp bấy nhiêu. Như thế có thể đạt được sự cân bằng, thủy thổ hài hòa, người ta có thể sinh sống mà không lo sợ lũ lụt.

Còn có một truyền thuyết khác về “Tức Nhưỡng” được nhiều người truyền tụng trong dân gian. Theo “Sơn hải kinh”, một cuốn cổ tịch thời Tiên Tần, do nóng lòng trị lụt, ông Cổn là cha của Đại Vũ, để trị lũ lụt nên đã lên Thiên Đình ăn trộm bảo bối tên là “Tức Nhưỡng”, vốn là một chiếc túi đựng đất ở trên trời.

Khi đất trong túi được gió thổi đi, nó sẽ nhanh chóng lan rộng và tạo lập nên một vùng đất rộng lớn dưới hạ giới. Sử dụng “Tức Nhưỡng”, ông Cổn đã xây dựng được một con đập khổng lồ, và hy vọng rằng nó có thể ngăn được nước lũ.

Tuy nhiên khi Ngọc Hoàng biết chuyện đã rất giận dữ, càng làm cho nước lũ hung dữ hơn. Cuối cùng con đập vỡ, vương quốc bị tàn phá, vua Thuấn cách chức ông Cổn và cho lưu đày, sau lại cho con của Cổn là Vũ để tiếp tục trị thủy. Và cũng từ đó, chúng ta có câu chuyện Đại Vũ trị thủy như ngày nay.

Con người ngày nay, vì xây dựng nhà cửa, đường sá mà tháo dỡ rất nhiều kiến trúc cổ. Khá trùng hợp là có nhiều tai nạn xảy ra ngay sau đó. Người ta cũng thường cho đó là vấn đề phong thủy, nhưng thực tế thì vẫn không hiểu được bản chất là gì.

Về “mắt biển”, có người sẽ cho là chuyện mê tín viển vông. Nhưng có lẽ một ngày nào đó người ta sẽ phát hiện ra rằng hóa ra mọi thứ cổ nhân nói đều là sự thực rõ ràng, và cái gọi là truyền thuyết đôi khi chính là sự thật lịch sử đã bị vùi lấp bởi những lớp bụi  mờthời gian mà thôi.

Hiểu Liên

Xem thêm: