Vào triều Minh, vùng Chư Kỵ Chiết Giang xuất hiện một họa sỹ đại tài, tên gọi Vương Miện. Khi Vương Miện còn nhỏ, gia đình rất nghèo, cha Vương Miện đành phải cho Vương Miện đến nhà địa chủ ở để chăn trâu cho họ.

Trong làng có một trường học. Vương Miện đi chăn trâu qua, nghe tiếng đọc sách vang vang, trong lòng rất lấy làm ngưỡng mộ. Vương Miện thường buộc trâu ở gốc cây rồi nhẹ nhàng bước vào trường học nghe thầy giảng, có lúc còn mượn thầy sách về đọc. Có lần, khi Vương Miện nghe giảng xong vừa từ trường học bước ra thì không thấy trâu đâu. Cha Vương Miện nghe nói Vương Miện để mất trâu nhà địa chủ, vừa tức giận, vừa sợ hãi, cầm ngay cái then cửa đánh Vương Miện. Vương Miện sợ quá bỏ chạy, trốn vào một ngôi chùa ở qua đêm. Đêm xuống, Vương Miện ngồi lên đầu gối của tượng Phật, nhờ ánh sáng ngọn đèn phía trước tượng Phật đọc mấy quyển sách cũ nát mượn được ở trường học.

Vương Miện không những rất thích đọc sách mà còn rất thích vẽ tranh. Một năm vào đầu mùa hạ, lúc hoàng hôn sau trận mưa rào, Vương Miện đến bên hồ chăn trâu. Khi đó, mặt trời chiếu qua tầng mây trắng, hắt ánh nắng đỏ rực rỡ khắp mặt hồ. Trên ngọn núi bên hồ, những mảng màu xanh lục, lam vô cùng đẹp mắt. Những lá cây được mưa gột rửa, xanh non thật đáng yêu. Những bông sen trong hồ cũng nở vô cùng rực rỡ, trên những chiếc lá sen xanh biếc là những giọt nước mưa như những hạt châu ngọc lăn qua lăn lại, quả là đẹp vô cùng. Vương Miện trong lòng nghĩ, nếu vẽ lại cảnh tượng này thì đẹp biết bao. Phải rồi, mình sẽ học vẽ hoa sen.

Vương Miện đã vẽ ra những bông sen giống y như những bông sen trong hồ, vô cùng đẹp. (Ảnh: ok.ru)

Vương Miện xin mấy cây bút hỏng của các học trò, giã nát lá cây vắt lấy nước làm màu vẽ màu xanh lục, rồi mài đá đỏ thành bột, hòa với nước làm màu vẽ màu đỏ, rồi ngồi bên hồ vẽ hoa sen.

Ban đầu Vương Miện vẽ hoa sen lá sen trông không giống một chút nào. Nhưng Vương Miện không nhụt chí, vẽ một bức tranh không giống, liền lại vẽ bức khác. Vương Miện vừa vẽ vừa chú ý ngắm nghía chi tiết hoa sen. Cứ như thế vẽ đi vẽ lại, xem xét, ngắm nhìn, suy nghĩ kỹ lưỡng, Vương Miện đã vẽ ra những bông sen giống y như những bông sen trong hồ, vô cùng đẹp.

Sau khi vẽ hoa sen thành công, Vương Miện lại học vẽ sông núi, vẽ trâu ngựa, vẽ người. Cuối cùng, bất kể Vương Miện vẽ cái gì đều sống động giống y như thật.

Lời bàn:

Tài năng có được từ đam mê và khổ luyện. Hoàn cảnh, môi trường đều là những điều kiện bên ngoài, nó chẳng thể quyết định thành tựu tài năng hay không được.

Hiện nay chúng ta thường tìm các điều kiện bên ngoài để bồi dưỡng phát triển tài năng cho cho con em, như đầu tư tiền mua vật dụng, dụng cụ tốt, tìm mọi cách để cho con em được học ở trường chất lượng cao, lại tìm mọi cách cho con em vào được lớp chọn, rồi chọn thầy cô giỏi. Ngoài ra, lại cho con em học thêm gia sư giỏi, tìm các trung tâm danh tiếng… Nhưng rất ít người thành công. Thường sau một thời gian, các em đều bỏ dở, hoặc học hành cầm chừng.

Nếu dựa dẫm vào các điều kiện bên ngoài, mà không tìm cách khơi dậy niềm đam mê từ nội tâm của các em thì chắc chắn không thể thành tài được. Mà để các em đam mê, thì nên giảm áp lực học hành, chỉ nên cho các em học thêm môn gì các em thích. Đặc biệt, chúng ta nên bỏ tâm lý muốn con em mình giỏi giang hơn người, muốn có thành tích thi cử, điểm số cao.

Nhiều phụ huynh ngày nay đặt nặng việc học mà quên mất trẻ cũng có khoảng không để phát triển sở trường. (Ảnh: Onet Kobieta )

Hãy để các em được lựa chọn. Nếu các em có kém vài môn nào đó thì cũng là bình thường, không có gì là nghiêm trọng cả. Mỗi người đều có sở trường sở đoản và thiên hướng bẩm sinh. Hãy để các em phát triển theo sở trường sở thích riêng. Tài năng chỉ có được từ đam mê và khổ luyện trong tâm trạng vui thích, tự do thoải mái, chứ không bao giờ thành tài bởi cha mẹ, thầy cô ép buộc được.

Và quan trọng nhất là để các em tìm được niềm vui trong học tập. Khổng Tử sở dĩ là bậc thầy muôn đời (Vạn thế sư biểu) cũng là bởi ông biết và áp dụng đạo lý: “Biết không bằng thích, thích không bằng vui”, để học trò vui thích với học hành tùy theo sở trường, sở thích mỗi người.

Triêu Lộ

Từ Khóa: