Ông thầy Park Hang Seo, không biết vô tình hay hữu ý, đã ứng dụng rất nhiều lý thuyết binh pháp vào trong phương pháp huấn luyện của mình. Đó là cơ sở giúp đội U23 Việt Nam tạo ra hàng loạt cơn địa chấn ở giải đấu vừa rồi. 

Binh pháp Tôn Tử là cuốn sách binh pháp, nhưng lại chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc, có thể áp dụng vào mọi mặt đời sống xã hội. Người làm quan đọc vào thì biết được thuật chính trị, tiến thoái chốn quan trường, kẻ làm giàu đọc vào thì biết quy luật thị trường, kinh doanh. Người trí thức đọc để thấy cái hay trong câu chữ, văn phong, đến ngay người ít học đọc cuốn sách ấy cũng hiểu được thế nào là mưu lược, là nghệ thuật chiến tranh, binh chinh thiên hạ.

Bóng đá cũng không ngoại lệ, người khéo áp dụng ắt sẽ thành công. Thành công vang dội trên đấu trường châu lục của U23 Việt Nam, đội bóng mà trước giải đấu bị coi là “chiếu dưới”, là “viên gạch lót đường”, chính là nhờ huấn luyện viên Park Hang Seo đã áp dụng trí tuệ trong “Binh pháp Tôn Tử” vào bóng đá.

Ông Park Hang Seo giờ đây được mọi người Việt Nam biết đến, ái mộ, và coi như người hùng, người có công lớn nhất giúp bóng đá Việt Nam từ “em bé lên ba vươn mình đứng dậy như Phù Đổng Thiên Vương”. Vì vậy xin được gọi tên ông theo âm Hán Việt, cho gần gũi với người Việt chúng ta. Park Hang Seo là âm tiếng Hàn Quốc, nếu đọc tên ông theo âm Hán Việt sẽ là Phác Hằng Tự. Trong bài viết, xin được gọi là ông Phác (chất phác), cái tên này thực cũng đúng như tính cách của ông.

Ngay chương thứ nhất Binh pháp Tôn Tử (Kế thiên) nói về đạo dụng binh, nó không đơn giản chỉ là tướng lĩnh, sỹ tốt, vũ khí mà nó bắt nguồn từ đạo trị quốc, đạo của tướng soái, và phép xây dựng quân đội. Đội bóng cũng là một quốc gia thu nhỏ, nên có thể nhìn ra ông Phác đã vận dụng binh pháp như thế nào.

Trí tuệ trong binh pháp Tôn Tử được áp dụng, không những mang lại chiến thắng mà còn lấy được lòng người. (Ảnh: plo.vn)

Đạo trị quốc: khiến cho dân chúng và quân vương đồng lòng, cùng sống chết, lòng người không ly tán

Để xây dựng một tập thể đồng tâm nhất trí, cùng chia ngọt sẻ bùi, “cùng sống chết”, ông Phác thường xuyên quan tâm và sinh hoạt cùng các cầu thủ trong mọi việc nhỏ nhặt nhất thường ngày, khiến các cầu thủ cảm giác ông như người cha, mọi người như anh em cùng gia đình, tạo lên một sức mạnh tinh thần to lớn, tạo lên sức mạnh tập thể đại đoàn kết:

“Nhân dân bốn cõi một nhà,
Dựng cần trúc, ngọn cờ phấp phới;
Tướng sĩ một lòng phụ tử,
Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”

Đây là nhận xét của chính những người trong cuộc:

Xuân Trường: “HLV Park Hang Seo rất thích sang phòng cầu thủ rồi lấy đồ ăn vặt để ăn. Lúc đầu, em cảm thấy khá bất ngờ nhưng nghĩ lại “À, tại sao mình lại có vị HLV gần gũi, thích chơi, trêu đùa các học trò của mình như thế”. Ông ấy rất gần gũi và gần như không có khoảng cách nào với các cầu thủ cả.”

Và: “Thầy Park mỗi sáng đều đến gặp từng cầu thủ hỏi han, quan tâm đến tình trạng sức khỏe của họ có ổn không, chỉ những lời nói, hành động nhỏ như vậy thôi của ông cũng khiến các học trò cảm động như cha quan tâm đến những đứa con ruột thịt của mình”.

Phan Văn Đức: “Với em thấy thì HLV Park Hang Seo rất vui tính và sống rất tình cảm. Ông rất hay sang phòng của bọn em để tâm sự và nói chuyện rất nhiều. Ông cũng chỉ cho anh em chơi điện tử 1 tiếng (mỗi ngày) thôi để tập trung vào các trận để đá”.

Ông Phác yêu cầu mọi thành viên bỏ đi cái tôi: “Chúng tôi là một đội, tất cả cần bỏ đi cái tôi. Tôi là HLV trưởng, phải là người tiên phong làm gương. Tôi muốn họ nghĩ tôi như một người anh trai”.

Ông Phác đã xây dựng được tập thể đồng lòng, cùng sinh tử: “Tôi họ Park nên một số cầu thủ cũng đùa nhau đổi sang họ Park, ví dụ như Park Huy, Park Minh… Điều đó giống như cha con vậy. Cầu thủ muốn tạo một không khí thân thiện. Các cầu thủ là của tôi. Tôi chọn họ và tôi chịu trách nhiệm về họ. Cũng như chúng ta làm cha mẹ thì nên có trách nhiệm với sai lầm của con cái”.

Hình ảnh ấm áp của thầy trò Park Hang Seo. (Ảnh: ngoisao.vn)

Đạo của tướng soái: thứ nhất, tài trí mưu lược; thứ hai, thưởng phạt phân minh, thành tín; thứ ba, yêu thương bảo vệ sỹ tốt; thứ tư, dũng cảm kiên định; thứ năm, uy nghiêm chỉnh tề

Ở đội bóng, ông vừa là vai trò một “quân vương”, lại vừa làm một “chủ soái”. Ông đã chọn, mời các “tướng” phụ tá cho mình, điển hình là ông Lee Young-jin, người “phó soái” đắc lực như ông Phác chia sẻ: “Trong quá trình thi đấu, chúng tôi đã chuẩn bị nhiều kịch bản. Nhưng trận đấu diễn ra với những tình tiết nhanh, chúng tôi phải đưa ra quyết định gấp rút. Anh Lee là người đưa ra lời khuyên khi đó. Anh luôn nắm bắt được quyết định tôi muốn nói. Kết quả lần này có đóng góp lớn của anh Lee, cũng như các cộng sự trong ban huấn luyện Việt Nam”

Ông là người mưu lược, biết những đòn cân não ở những thời điểm quyết định, đó cũng là bí mật mà U23 thắng liền 2 trận ở loạt cân não penalty: “Khi đá 11m, cầu thủ họ có nhịp, nếu cắt được nhịp đó thì ta sẽ thắng dù bị thẻ vàng đi nữa. Tôi luôn bảo các học trò như vậy, vì đá 11m là cuộc chiến tâm lý. Tiến Dũng (thủ môn) có lẽ có kinh nghiệm trong việc này”

“Có một điều tôi chưa từng tiết lộ. Ở trận Qatar, tôi không định cho Văn Thanh đá quả cuối, định cho cậu ấy đá quả thứ hai hay thứ tư, nhưng Thanh xung phong đá quả cuối. Tôi hơi lo. Nhưng tôi nghĩ Văn Thanh hiểu được tầm quan trọng và tự tin nên mới xung phong làm điều đó”

Ông Phác đã đề ra kỷ luật nghiêm ngặt “Quân lệnh như sơn”. Tính kỷ luật, tập thể là điều mà ông Phác đặt lên hàng đầu ngay trong những ngày đầu cầm quân của mình ở đội tuyển Việt Nam. Mọi thành viên ban huấn luyện đến các cầu thủ, tất cả đều phải tuân thủ quy định đề ra. Ông từng nói: “Ở đội tuyển Việt Nam sẽ không có ai là ngôi sao cả. Tất cả phải nhìn về một hướng và thực hiện các mục tiêu đề ra.”

Ông Phác đã đưa ra nhiều quy định bắt buộc các tuyển thủ phải thực hiện dưới sự dẫn dắt của ông. Trong số đó có các quy định như các cầu thủ đội tuyển Việt Nam phải tuyệt đối đúng giờ, tuân thủ đúng lịch, tập luyện, ăn uống, nghỉ ngơi của toàn đội, không có giờ giới nghiêm cụ thể. Các tuyển thủ Việt Nam cũng không được sử dụng điện thoại di động khi đi ăn hoặc đi họp cùng toàn đội để tránh xao nhãng, ảnh hưởng đến tinh thần tập trung của toàn đội.

Ông Park là một HLV giỏi chuyên môn và cực kỳ tâm lý (Ảnh: theleader.vn)

Sau khi đoạt vé vào chung kết, ông Lê Huy Khoa, trợ lý ngôn ngữ của ông Phác đã viết: “Đừng hỏi chúng tôi không tổ chức vui vẻ sau trận đấu. Sau trận đấu, tất cả đội chúng tôi không bao giờ có việc thả cửa, vẫn 10 giờ đi ngủ, không lang thang, không nhậu nhẹt, không la cà, không nói nhiều đến chiến thắng, không ngủ quên trên chiến thắng, không làm việc chưa được phép nếu ảnh hưởng mọi người. Vẫn rất quyết tâm cho trận đấu. Và tất nhiên, quân lệnh như sơn”.

Ông luôn dũng cảm nhận trách nhiệm thay, và bảo vệ các cầu thủ: “Tôi xin chịu trách nhiệm về cú đá hỏng của Quang Hải, dù cầu thủ cần cố thực hiện thành công. Sau khi Quang Hải đá hỏng, tôi hiểu điều đó sẽ khiến đồng đội mất tự tin. Nhưng tôi đã nói với Hải rằng chuyện đá hỏng cũng là bình thường”.

Tiền đạo Công Phượng đã dành những lời khen ngợi tới thầy của mình là HLV Park: “Ông Park Hang Seo là HLV cực giỏi, có tầm hiểu biết sâu sắc về bóng đá nói chung và từng cầu thủ U23 Việt Nam nói riêng. Đó là chìa khóa giúp ông đưa ra những chiến thuật tốt nhất”.

Ông Park Hang Seo là HLV cực giỏi, có tầm hiểu biết sâu sắc về bóng đá. (Ảnh: bongda.com.vn)

Xây dựng quân đội: biên chế quân, chức năng quan quân, quân nhu hậu cần

Ông chọn quân theo hai tiêu chuẩn: kỹ thuật, tư duy chiến thuật, và phẩm chất đạo đức, thói quen sinh hoạt: “Tôi có thói quen lựa chọn cầu thủ bằng cách đến trực tiếp xem anh ta thi đấu, cùng với trợ lý Lee. Tuy nhiên, việc xem hàng trăm cầu thủ để lựa chọn cầu thủ cho U23 Việt Nam là điều không thể. Vì vậy, đội ngũ trợ lý cũng như Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede cũng đóng vai trò tham vấn, giúp tôi tuyển chọn đội hình”.

“Bên cạnh việc xem trực tiếp cầu thủ, tôi cũng quan tâm đến phẩm chất đạo đức, và thói quen sinh hoạt của từng người. Tôi chỉ chọn cầu thủ nếu anh ta có cách sinh hoạt lành mạnh và đối xử tốt với mọi người”.

Ông coi trọng công tác “hậu cần”, đã yêu cầu thay đổi chế độ ăn, thói quen sinh hoạt để tăng sức mạnh cho cầu thủ: “HLV Park còn yêu cầu tăng cường cá hồi và bò bít tết thường xuyên. Đặc biệt, ông Park còn liên tục đổi món mới lạ như lẩu shabu shabu để kích thích các cầu thủ ăn ngon miệng hơn”.

“Đặc biệt, HLV Park còn đưa ra một lệnh cấm nghiêm ngặt về một thói quen trong khi ăn mà hầu như bạn trẻ nào cũng mắc phải. Đó là tuyệt đối cấm sử dụng điện thoại trong lúc ăn. Bởi việc sử dụng điện thoại trong lúc ăn không những gây rối loạn tiêu hóa, gây hại dạ dày, dinh dưỡng không được hấp thụ tốt mà còn khiến các thành viên trong đội ít trò chuyện, ít gần gũi nhau. Trong khi đó tình cảm đồng đội cũng là yếu tố quyết định cho thành bại của trận đấu”.

Ông thay đổi lại thói quen các cầu thủ sinh hoạt theo nhóm nhỏ, muốn các cầu thủ ở ghép phòng theo yêu cầu của ông, những người chơi cùng vị trí sẽ ở cùng nhau thay vì tự do chọn bạn cùng phòng như trước để tăng tính đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các cầu thủ trong đội. Quy định này cũng là để tránh tình trạng chỉ có các cầu thủ ở CLB chơi với nhau, sinh hoạt cùng nhau. Tất cả đã lên đội tuyển là như một gia đình.

Nâng cao tinh thần tự giác và thấu hiểu lẫn nhau, các cầu thủ trong đội như anh em trong một nhà vậy. (Ảnh: VTV)

Lời kết

Ông Phác đã áp dụng Binh pháp Tôn Tử rất uyển chuyển vào quản lý, xây dựng, rèn luyện đội U23 trở thành một đội quân hùng mạnh, đáng nể. Để U23 và tuyển quốc gia thực sự trở thành thế lực bóng đá châu lục, vươn ra tầm thế giới thì mình ông Phác là không đủ, vì khi các cầu thủ trở về các câu lạc bộ, họ có thể sẽ không giữ được tố chất mà ông huấn luyện.

Ngoài ra, ở bình diện quốc gia thì liên đoàn bóng đá mới là “Quân vương”, ông Phác chỉ là “tướng ngoài sa trường” mà thôi. Để tiếp tục phát huy được sức mạnh các đội tuyển quốc gia, thiết nghĩ các lãnh đạo liên đoàn, các lãnh đạo các câu lạc bộ nên học ông Phác, học Binh pháp Tôn Tử, để tiếp bước những thành công mới.

Đào tạo được cầu thủ tốt theo đúng tiêu chuẩn ông Phác là “kỹ thuật, tư duy chiến thuật” và “phẩm chất đạo đức và thói quen sinh hoạt” là rất khó, xây dựng được tập thể đội bóng mạnh “Tướng sỹ một lòng phụ tử” còn khó khăn gấp ngàn lần. Nhưng hủy một cầu thủ rất dễ, hủy một đội bóng còn dễ hơn.

Trong xã hội đầy cám dỗ của hư danh của vinh quang, được vây quanh sự tung hô của người hâm mộ, của báo đài truyền thông, của tiền tài, lương thưởng, của tình, của sắc, khi mà có bao nhiêu “chân dài” đã bày tỏ “muốn nâng khăn sửa túi” cho các “chiến binh”. Giữ vững mình thành các chiến binh thép, quả không dễ dàng.

Bài học nhãn tiền của các đàn anh vang bóng một thời vẫn còn đó. Bản thân các cầu thủ cần ý thức được những “hiểm nguy” “cạm bẫy” đang rình rập mọi lúc mọi nơi, các cấp quản lý, các câu lạc bộ, và liên đoàn cũng phải chủ động có các biện pháp bảo vệ: “Trước mũi tên hòn đạn” của xã hội, cần trang bị cho các “chiến binh” thêm “giáp sắt” và “áo chống đạn”.

Chiến thắng ở một giải, vài giải thi đấu, chỉ là chiến thắng nhỏ, trở thành thế lực của bóng đá châu lục, của bóng đá thế giới mới là chiến thắng lớn, “Tiểu thắng kháo trí, đại thắng kháo đức” (Chiến thắng nhỏ là dựa vào cơ trí, chiến thắng lớn là dựa vào đức độ). Con đường phía trước còn rất xa, rất gian nan, mà chiến thắng ở cúp châu Á lần này chỉ là bước khởi đầu.

Nam Phương

Từ Khóa: