Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu) 

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa? 

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng. 

Thủy quân Tây Sơn tinh nhuệ, thiện chiến, được đánh giá ngang với các hạm đội phương Tây hùng mạnh lúc bấy giờ. Loạt bài này sẽ cùng bạn đọc khám phá những câu chuyện chưa từng kể xung quanh hạm đội Tây Sơn và Đô đốc Quang Trung Nguyễn Huệ. 

Xem thêm: Phần 1

Ngoại trừ người Viking ra thì xưa nay chưa có ai nghĩ đến chuyện thu dụng hải tặc làm lính chính quy vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng Nguyễn Huệ không những thu dụng họ mà còn làm cho họ tín phục ông suốt đời. Thậm chí khi nhà Tây Sơn mất rồi mà vẫn có thủ lãnh hải tặc dám âm mưu tấn công Phú Xuân để trả thù cho ông.

Vậy Nguyễn Huệ làm cách nào để thu dụng hải tặc làm thủ hạ trung thành của mình?

Không những trí dũng, còn thu phục được một lực lượng tinh nhuệ từ hải tặc (Ảnh: PeopleInfo)

Để trả lời câu hỏi trên một cách tường tận có lẽ sẽ mất nhiều thời gian khảo cứu vì chính sử rất ít đề cập đến những điều này. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể rút ra một vài điểm chính như sau:

Nguyễn Huệ cho họ sự tín nhiệm và tôn trọng

Cướp biển cũng đã từng là ngư dân và có thể ngược lại, họ vì nhiều lý do kể cả nghèo khó mà phải làm cướp. Thời xưa, họ là những thành phần thuộc tầng đáy của xã hội, hoàn toàn không được xem bình đẳng như một người dân trước chính quyền. Họ hoàn toàn nằm bên rìa của lịch sử. Chỉ có Nguyễn Huệ là người duy nhất và đầu tiên quan tâm sử dụng họ và cho họ những điều họ muốn.

Trong nghiên cứu “Vai trò của Hải phỉ trong chiến thắng Kỷ Dậu” của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã chỉ rõ ra rằng: “Thành phần dân chúng sống liên quan trực tiếp đến biển cả vốn dĩ bị bỏ quên trong một thời gian dài của lịch sử. Đây là những người làm nghề chài lưới, có khi sống hẳn trên thuyền như một loại nhà nổi, có khi sống dọc theo duyên hải nhưng sinh nhai chính là đánh cá và sản xuất những sản vật trực tiếp từ biển khơi như muối, rong biển, hải sản… Họ sống rất thầm lặng và không được liệt kê vào bốn thành phần căn bản của xã hội sĩ nông công thương (tứ dân) mà chỉ được coi như những sinh vật dưới con người, trên cầm thú một tí.

Trên thực tế, vì ngày đêm chỉ sống quây quần với đồng bọn, gia đình trên một xã hội nhỏ bé, sinh hoạt chủ yếu của họ rất đơn sơ, tiếng nói cũng hạn chế, phần lớn chỉ là những từ cụ thể, tiếng gọi, tiếng chửi, hoàn toàn chưa đạt tới mức độ gọi là văn hóa. Rất hiếm ai biết chữ và vì thế họ cũng khó tiến thân ngoài việc tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp của ông cha và qua lại giữa hai sinh hoạt, đánh cá và ăn cướp.

Đối với ngư dân, chiếc thuyền vừa là một nơi cư ngụ, lại vừa là nơi làm việc và cũng là toàn bộ tài sản của họ. Có thể nói đó chính là thế giới riêng, và vì thế nảy sinh ra một tình cảm phục tòng tuyệt đối người thuyền trưởng (và cũng là gia trưởng). Người chủ thuyền phải luôn luôn làm gương cho những người khác, hi sinh và phải chứng tỏ là mình trội hơn những người chung quanh để tiếp tục giữ quyền chỉ huy. Chính tập quán tự nhiên đó hình thành một sức mạnh tập thể gắn bó, sống chết với nhau trong nghề nghiệp cũng như trong chiến đấu, chỉ tuân phục những người có cùng một cá tính như họ và cũng là điều tại sao họ đi theo Nguyễn Huệ mà dần dần bỏ rơi Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ”. 

Nguyễn Huệ cho họ địa vị, cơ hội đổi đời và 1 mảnh đất sinh sống

Do địa vị thấp hèn bên lề xã hội nên khi được trưng dụng vào quân đội chính quy chiến đấu cho nhà vua, và khi chiến thắng còn được phong tước nên họ hoàn toàn trung thành với Nguyễn Huệ. Một ví dụ dễ thấy nhất chính là các chức quan trong quân đội Nguyễn Huệ toàn mang danh xưng là Đề đốc, Đô đốc và Đại đô đốc như Đô đốc Long, Đô đốc Lộc…

Những chức vụ vốn dĩ là các cấp chỉ huy thủy binh, và những nhân vật nhiều công trạng này không bao giờ có một tiểu sử rõ rệt, lắm khi chỉ có tên mà không có họ, xuất hiện một cách bất ngờ rồi không còn thấy trong những biến cố khác. Ngoài ra Nguyễn Huệ còn cấp cho họ một sào huyệt để tự do giao dịch buôn bán dưới sự bảo trợ của quân đội trên 1 hòn đảo một khu vực gần biên giới Việt – Hoa gọi là Giang Bình (Jiangping).

Hải tặc là bộ phận quan trọng của thủy quân Tây Sơn (Ảnh: doctruyentranh)

Dian H Murray trong “Các ảnh hưởng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn trên sự phát triển của hải tặc Trung Hoa” nhận định rằng:

“Có lẽ đặc ân lớn lao nhất trong tất cả mọi điều là, trong khi cấp quyền chiến tranh cho các tư nhân, nhà Tây Sơn đã hợp thức hóa tình trạng hải tặc, và từ đó đã biến đổi một cách triệt để vị thế của các kẻ hoạt động trong thế giới tội phạm, nâng cấp chúng từ “tầng lớp cặn bã của biển cả” thành “các thủy thủ trong hải quân của một Quốc Vương”.

Đột nhiên, các vụ cướp phá trắng trợn nhất, bởi chúng được tiến hành nhân danh Hoàng Đế Việt Nam, đã trở thành các công tác hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền. Hậu quả, giới hải tặc giờ đây thu hút các kẻ khác từ thế giới biển cả, những người nhìn nó như một cách tiến thân, không chỉ về mặt kinh tế, mà cả về mặt vị thế, quyền hành và uy tín.

Đối với những kẻ đã trở thành hải tặc, sự gia nhập vào tầng lớp thượng lưu của xã hội nằm quá lãnh vực khả hữu; chúng có thể mong đợi sống một cuộc đời của những kẻ “không là gì hết”, bị dằn vặt bởi các nhu cầu và sự bóc lột của các thượng cấp. Nhưng trong tình đồng đạo hải tặc, tầng lớp hạ lưu này đã có một cơ hội thăng tiến xã hội. Xuyên qua các nỗ lực của riêng mình và chiến công quân sự, chúng có thể trở thành “một kẻ nào đó”. Chúng có thể nhận được cấp bậc, danh dự, và sự thừa nhận, và dành đạt được uy tín đã từ khước chúng ở trên bờ”.

Nguyễn Huệ là thủ lĩnh tối cao của hải tặc

Đối với hải tặc Nam Trung Hoa và Đông Nam Á mà nói, sau khi Trịnh Thành Công mất đi và hàng ngũ họ Trịnh tan rã dưới sự truy quét của hải quân Nhà Thanh thì không còn ai có đủ uy tín để một lần nữa thống lĩnh hải tặc khu vực này thành một lực lượng tầm cỡ. Nhưng Nguyễn Huệ và nhà Tây Sơn đã xuất hiện đem đến cho họ một cơ hội mới.

Cũng trong công trình kể trên, nhà nghiên cứu Dian H.Murray viết: “Sự bộc phát một cách hết sức đáng kể của những đám giặc bể vào cuối thế kỷ thứ 18 không phải do vấn đề dân số hay thương mại mà chính là vì những yếu tố chính trị mới của Trung Hoa cũng như Việt Nam khiến cho hải khấu đã chuyển biến từ những đám giặc cướp “cắn trộm” (hit-or-miss, small-time operations) thành những đám hải phỉ “qui mô và chuyên nghiệp” (full-blown professional piracy). Cho đến cuối thế kỷ thứ 18, hải phỉ tại biển Đông hùng cứ một vùng lãnh hải rộng lớn trong giấc một tranh bá đồ vương và bảo vệ một khu vực thương mại sống còn kéo dài từ Nhật Bản xuống tới tận eo biển Malacca”. 

Ông chính là vị “đại ca” mà toàn thể hải tặc đều kính trọng và phục tùng, chỉ có theo chân ông, họ mới có đất sống và vinh dự. Họ chỉ có thể hùng mạnh khi tập hợp dưới chân ông.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính, trong bài viết “Việt Thanh Chiến dịch và Quang Trung ra Bắc” nhận định: “Trong nhiều thế kỷ tuy nạn cướp biển có hoành hành nhưng cũng không trở thành một lực lượng đáng kể vì thiếu một căn cứ địa để trốn tránh khi bị săn đuổi. Thế nhưng đến cuối thế kỷ thứ 18, Nguyễn Văn Huệ đã nhìn ra được tiềm năng và vai trò của họ nên đã thu dụng và trở thành một vị thủ lãnh tập hợp được nhiều nhóm khác nhau, phân chia mỗi nhóm một lãnh bàn hoạt động, chỉ đạo các chiến dịch và cho họ nơi trú ẩn. Ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, cướp biển ở biển Đông đã tập họp thành một vài nhóm, có đến hàng ngàn chiến thuyền, tổng cộng đến hơn 7 vạn người“.

Dian Murray cũng nhận định: “Đối với đám hải khấu lẻ tẻ vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tô, Nguyễn Văn Huệ được gọi là Đại Ca Việt Nam, là người bán những đồ họ cướp được và chia cho họ từ 20 đến 40% số tiền. Những bọn cướp lớn cũng được Hoàng đế che chở vì họ không những được phép neo thuyền tại vùng biên giới (Trung Hoa và Đại Việt) để tuyển quân và trộm lương thực mà còn có thể dùng Việt Nam như một “sào huyệt” để rút về. Bọn hải khấu đó coi nhà vua như chủ nhân của họ vì dưới thẩm quyền của ông họ có thể thu hoạch nhiều nguồn lợi từ biển cả”. 

Hải quân nhà Thanh, Anh, Bồ Đào Nha bất lực trước sức mạnh của hải tặc, Nguyễn Huệ nhanh chóng nhận ra điều này  nên đã thu dụng và trở thành một vị thủ lãnh tập hợp được nhiều nhóm hải tặc khác nhau (Ảnh: President’s Medals)

Nguyễn Huệ tái cơ cấu hải tặc thành chính quy và có tiền đồ cho tất cả

Vào thời điểm đó, quả thực Nguyễn Huệ là người duy nhất có đủ tiềm lực để tái vũ trang cho các toán quân hải tặc trở thành một đạo quân chính quy đúng nghĩa. Dian Murray viết: “Bất kể đến sự thất bại chung cuộc của cuộc khởi nghĩa và các nỗ lực của hải tặc nhân danh nó, sự bảo trợ của Tây Sơn đã là một ân sủng lớn lao cho giới hải tặc. Các chiếc tàu Việt Nam, với các cột buồm cao hơn 80 bộ Anh (feet) và các cạnh sườn được bảo bọc bằng các lớp da bò và lưới, thì lớn hơn và bền chắc hơn bất cứ chiếc thuyền nào mà hải tặc có thể tự mình kiếm được. Với đại bác cân nặng tới 4.000 cân Á Châu (catties), chúng cũng được vũ trang mạnh hơn nhiều. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất trên mọi thứ là nơi ẩn náu mà chúng có được từ nhà Tây Sơn. Các tổng hành dinh an toàn và các căn cứ hoạt động được bảo vệ giúp cho tình trạng hải tặc được nẩy nở cả ở Việt Nam lẫn Trung Hoa”. 

Hơn thế nữa, Quang Trung cũng là người đã tái tổ chức lại cơ cấu của hải tặc thành các quân đoàn riêng biệt với phạm vi hải phận khác nhau và phong chức tước cũng như quyền hạn rất rõ ràng. Hải tặc vào tay ông không còn là cướp mà là một đạo quân chính quy, có lý tưởng, có tiền đồ.

Theo đó, quan tước nhà Tây Sơn dùng cho hải tặc có cả 2 loại là tước hàm và chức vị quân sự. Tước hàm thì thấp có Hầu tước ví dụ như: Hiệp Đức Hầu cho đến cao nhất là cả Vương Tước cao quý nhất như Đông Hải Vương Mạc Quan Phù, Bình Ba Vương…

Chức vị quân sự từ thấp lên cao quy định rất rõ ràng lấy đơn vị tổ chức theo từng chiếc tàu mà nhà Tây Sơn gọi là Tàu Ô (Ô Tào). Thuyền trưởng một tàu gọi là Ô Tào Tổng Binh, cao hơn có chức Tướng Quân như Ninh Hải Phục Tướng Quân Ô Thạch Nhị, chức Đại Tư Mã như Đại Tư Mã Trịnh Thất…

Bản lĩnh cá nhân của Nguyễn Huệ cũng đã hàng phục hết tất cả những tướng cướp sừng sỏ nhất. Điều quan trọng nhất là ông đã phân chia lãnh hải rõ ràng để việc quản lý không giẫm chân nhau và đảm bảo quyền lợi công bằng. Nguyễn Huệ đã làm điều này tốt nhất trong tất cả các ông trùm cướp biển từ xưa đến nay.

Nguyễn Huệ phân loại hải phỉ thành nhiều nhóm theo tên gọi chẳng hạn như Phượng Vĩ, Tiểu Miêu, hoặc có khi chia thành nhiều màu cờ như Thanh Kỳ, Hồng Kỳ, Hoàng Kỳ, Hắc Kỳ, Lục Kỳ… Mỗi nhóm có một vùng hoạt động, những thủ lĩnh được phân bố chặt chẽ với cấp bậc và quy định thưởng phạt rõ ràng. Các thủ lĩnh cao cấp còn có ấn tín và phù hiệu để phong tước cho thuộc hạ lập chiến công hay để chiêu dụ những người có tài.

Sau khi nhà Tây Sơn bị lật đổ, những nhóm đó đã tự động tập hợp lại để ký với nhau một thỏa hiệp xác định lại một số quy luật để không rơi vào tình trạng chém giết lẫn nhau, đó chính là nguyên nhân ra đời của Đế chế hải tặc lớn nhất châu Á thời đó – Hồng Kỳ Bang do Trịnh Nhất, một chủ tướng hải tặc cũ từng theo Nguyễn Huệ lập ra. Đế chế này khuynh đảo châu Á và Trung Quốc một thời gian dài. Thời điểm cực thịnh có hàng mấy nghìn thuyền và hàng vạn thủy thủ.

Để có thể được xem là một thủ lĩnh hải tặc chân chính, ngoài bản lĩnh võ công cao cường, đủ đánh bại tất cả thủ lĩnh khác thì còn phải có kỹ năng chỉ huy hạm đội hiệu quả, thưởng phạt phân minh, điều phối công bằng, phân chia của cải tốt với tất cả hải tặc dưới trướng. Nguyễn Huệ là vị Hoàng đế duy nhất trong lịch sử của Đông Nam Á và cả Trung Quốc có thể đáp ứng điều kiện này.

Ông là một trong những võ tướng sở hữu võ công cao cường hiếm thấy, khả năng chỉ huy hạm đội tuyệt vời thể hiện qua trận Rạch Gầm – Xoài Mút và hàng loạt cuộc hành quân đường biển đánh quân Nguyễn và Trịnh. Lãnh địa hải tặc dưới thời ông rất ổn định về kinh tế. Vì thế dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ, vai trò của hải tặc biển Đông được nâng cao trong thời đại Tây Sơn. Họ đóng góp rất lớn vào chiến công thắng quân Thanh năm Kỷ Dậu.

Chính vì cái ân tri ngộ đó mà 10 năm sau khi nhà Tây Sơn mất sử cũ còn ghi lại những đám hải khấu này vẫn còn mưu toan đánh vào Phú Xuân để khôi phục lại vương quyền cho chủ cũ nhưng không thành công. Ngay cả Trịnh Thành Công lúc còn sống cũng không thể có được sự phục tùng vô hạn của những hải tặc này như Quang Trung đã làm được. Có thể nói ông là vị Hoàng đế cướp biển duy nhất của châu Á cũng không ngoa vậy.

Hình vẽ minh họa đội quân hải tặc trên biển (Ảnh: aseanstrategic)

Tác giả Dian Murray trong nghiên cứu về sự phát triển của hải tặc Trung Hoa dưới sự bảo trợ của Nguyễn Huệ viết: “Sự bảo trợ của Tây Sơn đã nâng cấp một cách ngoạn mục các kỹ năng chiến đấu của hải tặc đã tham gia chiến trận. Nơi đó chúng đã thu hoạch được các kinh nghiệm quý báu khi đương đầu với một đối thủ trực diện, phát triển một mức độ kỷ luật, và học cách sử dụng vũ khí và kháng cự trên biển. Chúng không còn là các kẻ ngoài vòng pháp luật chuyên đánh phá cướp bóc nữa.

Sự bảo trợ của Tây Sơn đã tạo ra các hải tặc với kế hoạch, biết học cách liên kết các lực lượng và lái thuyền mỗi mùa xuân sang Quảng Đông và trở về Việt nam vào mỗi mùa thu. Hơn nữa, giờ đây hoạt động với một thời khóa biểu ít nhiều cố định, chúng cũng đã có thể hợp tác với các thổ phỉ trên bờ. Như viên chức nhà Thanh, Wei Yuan [Ngụy Nguyên], than phiền sau này, “Khi chúng ta đánh nhau với hải tặc, khi đó quân thổ phỉ địa phương cướp bóc một cách thản nhiên; và khi chúng ta đánh nhau với quân thổ phỉ, các hải tặc đến trợ giúp chúng“.

(Còn nữa)
Tĩnh Thủy