Các tượng binh sĩ chôn cùng hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc đã được phát hiện vào năm 1974, nhưng ngôi mộ mà họ canh gác vẫn còn nằm trong bóng tối bí ẩn. 

Vào tháng 3 năm 1974, năm anh em nhà họ Dương và người hàng xóm họ Vương đào một cái giếng trong cánh đồng trồng lựu và hồng cách Tây An (thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), một giờ xe buýt về phía đông bắc. Xẻng của họ va vào một đầu một bức tượng bằng sành, thứ mà họ tưởng là tượng Phật. Chưa đầy 1 tháng sau, các nhóm chuyên gia khảo cổ và quan chức đã đến hiện trường.

Thứ mà những người nông dân đào được đã hé mở bí mật về một trong những khám phá khảo cổ lớn nhất của thế kỷ 20. Chôn dưới những cánh đồng là hàng ngàn chiến binh bằng đất nung được nặn khéo léo từ thế kỷ thứ 3 TCN dưới triều đại Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa.

Có thể một sự an bài thần kỳ nào đó đã để đội quân đất nung được phát hiện vào cuối thời Đại cách mạng văn hóa. Năm 1969, ở Bắc Kinh, Hồng vệ binh thấm nhuần tư tưởng Mác-xít và nhiệt tình cách mạng đã mở một chiến dịch tấn công dữ dội nhắm vào các di sản của chế độ phong kiến. Họ thậm chí đã quật mộ Hoàng đế Minh Thần Tông (1563-1620), người được biết đến rộng rãi với niên hiệu Vạn Lịch. Hài cốt của Hoàng đế và hai phi tần đã bị lôi ra cửa lăng để sỉ vả, đấu tố công khai và bị thiêu trụi. Đó là một vài năm trước khi Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào du lịch. 

Cảnh Hồng vệ binh tiến vào miếu thờ Khổng Tử đập phá văn vật. Ảnh vi.wikipedia.org

Việc khám phá những đoàn quân chiến binh bằng đất nung với kích thước như người thật đã khiến Trung Quốc thấy phấn khích và làm cả thế giới kinh ngạc. Những người lính của Tần Thủy Hoàng đã “diễu binh” tại bảo tàng Anh vào tháng 9/2007. Trong vòng 6 tháng đã có hơn 850.000 du khách đến chiêm ngưỡng. Chỉ có triển lãm Kho báu của Pharaon Ai Cập Tutankhamun năm 1972 là thu hút được số người tham quan lớn hơn.

Một số chiến binh đang trưng bày cùng 160 tác phẩm nghệ thuật khác được lấy từ 32 viện bảo tàng và các viện khảo cổ học của Trung Quốc trong triển lãm “Thời đại những Hoàng đế: Nghệ thuật Trung Quốc triều đại Tần – Hán” tại Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô New York, hứa hẹn có rất nhiều khách tham quan.

Những chiến binh này thực sự đặc biệt. Được chôn thành đội hình trong các chiến hào bao bằng gạch, mỗi người có một nét riêng, mặc dù trên thực tế các khuôn mặt râu ria ấy xuất phát từ 10 kiểu cơ bản nhất. Những tượng binh mã được nặn từ đất sét, nung trong lò ở nhiệt độ thấp, sau đó được phết một lớp sơn mài với các màu đỏ, lam, hồng và vàng lên bên ngoài để tăng độ bền. Theo các nhà khảo cổ, khuôn mặt, kích cỡ, màu sơn của các bức tượng không hề giống nhau, sống động như một đội quân thật. Theo thời gian và phong hóa, các chiến binh đã bạc màu và cũng đã mất đi những vũ khí thực sự mà họ từng cầm trong tay. 

Hơn 1.5 triệu người tới thăm địa điểm khai quật tượng chiến binh đất nung ở Tây An hàng năm. Những bức tượng này đã thu hút rất nhiều người tới các bảo tàng trên khắp thế giới. Ảnh: Getty Images

Có một điều bất ngờ là chiến binh và giáp phục của họ cho thấy những tượng này đã được chế tác dưới một hình thức sản xuất hàng loạt sơ khai. Những tượng đất nung ấy chính là ý tưởng của Tần Thủy Hoàng, vị vua trẻ năng động đã thống nhất Trung Nguyên vào năm 221 TCN và tạo dựng đế quốc rộng lớn của mình qua việc thống nhất về chữ viết, tiền tệ, trọng lượng và đo lường, khai kênh mở đường… Cùng với Vạn Lý Trường Thành, tượng đất nung chính là một trong những di sản vĩ đại nhất của thời đại Tần Thủy Hoàng. 

Với rất nhiều tham vọng, Tần Thủy Hoàng luôn mong muốn trường sinh bất tử. Ông phái một đại sứ đi tìm liều thuốc phép thuật đó nhưng ông này không bao giờ quay trở về. Tin là các vị vua và những hiền triết thời trước đã sống hơn 10.000 năm bằng cách ăn sulfua thủy ngân (HgS), ông đã uống rượu được làm ngọt bằng mật ong và pha thủy ngân.

Vào thời điểm qua đời ở tuổi 49 (có thể do ngộ độc thủy ngân) Tần Thủy Hoàng đã hoàn thành phần lăng mộ ngầm dưới lòng đất. Nếu không thể cai trị mãi mãi trên trần thế thì ông vẫn sẽ là Hoàng đế vĩnh viễn ở thế giới bên kia.

Quy mô lăng mộ của Hoàng đế bằng kích thước của một thành phố cổ lớn, trông rất ngoạn mục, phần chính yếu của lăng là một kim tự tháp đã có thời cao tới 100m. Tuy đã bị bạt mất một nửa và hiện bị cây cỏ xanh rờn che phủ, kim tự tháp này trông vẫn rất long lanh như long nhãn của một vùng long huyệt trù phú.

Những kẻ cướp lăng mộ

Tần Thủy Hoàng được chôn trong một lăng mộ khổng lồ, đến nay vẫn chưa được khai quật, có đội quân bằng đất nung vây quanh. Ảnh: Getty Images

Đối với 8.000 chiến binh đất nung xếp hàng phía ngoài ngôi mộ, họ ở đây để bảo vệ bí mật đế chế dưới lòng đất của Tần Thủy Hoàng. Và bí mật vẫn còn đó, trong nhiều năm tới nữa, vì ngôi mộ vẫn còn được niêm phong.

Các nhà khảo cổ học và bảo tàng học trên toàn thế giới đồng ý rằng việc mở lăng mộ sẽ là một thảm hoạ, vì sự tiếp xúc với không khí sẽ tàn phá nó một cách không thể vãn hồi. Trong những cuộc đào bới ban đầu để đưa ra những chiến binh đất nung, lớp sơn mài dưới khuôn mặt và đồng phục của họ đã bị uốn cong chỉ sau 15 giây.

Hơn thế, theo sử gia Tư Mã Thiên (thế kỷ thứ 2 TCN) có những con sông chứa thủy ngân bao quanh hầm mộ của Hoàng đế. Sự miêu tả của ông tỏ ra chính xác phi thường so với những hiểu biết của sử gia hiện đại ngày nay. Vì vậy, tiến vào nơi này là rất nguy hiểm. Các nghiên cứu gần đây cho thấy đất ở đây có nồng độ thủy ngân cao bất thường, mặc dù quần thần của Hoàng đế có thể sản xuất ra được nhiều thủy ngân đến thế hay không vẫn chỉ là phỏng đoán. 

Không một ai muốn đi vào thăm dò lăng mộ vì sợ gây ra hư hại cho kho báu nằm bên trong đó. Nhưng vẫn còn rất nhiều lý do để tránh xa nó. Theo Tư Mã Thiên, có các nỏ tự động canh giữ ở cửa vào và lối đi. Chúng tồn tại không? Chúng bị hoen rỉ chưa hay do mạ crom chúng có thể vẫn bắn ra mũi tên bay chiu chíu trong bóng tối vào thân thể những người tìm mộ như Indiana Jones? 

Bí mật của ngôi mộ Tần Thủy Hoàng sẽ vẫn là một bí ẩn ám ảnh cho đến khi có các kỹ thuật khảo cổ mới. Trong khi đó, đội quân chiến binh đất nung được tìm thấy ở bên ngoài cũng vẫn nằm trong giả thuyết. Khi các hố khác được đào tiếp trong những năm 1970, các kỵ binh và xe ngựa bằng kích thước thật được đào lộ ra cùng các tượng mô phỏng tướng quân và quan chức cao cấp. Những người lính bộ binh nai nịt vốn được rất nhiều khách tham quan bảo tàng biết đến thì nay có thêm các lính bắn cung, đứng hoặc quỳ, lính trên xe cầm giáo, những lực sĩ, người nhào lộn, vũ công, nhạc sĩ hay các tượng thiên nga, vịt và sếu bằng đồng cực kỳ tinh xảo. 

Các chiến binh đã ngủ vùi hơn 2000 năm nhưng vẫn chinh phục được sự hâm mộ của cả thế giới. Ảnh: Getty Images

Các mẫu DNA lấy từ một số bộ xương cho thấy một số người trong lực lượng lao động khổng lồ của Hoàng đế có nguồn gốc châu Âu. Người Hy Lạp cổ đại liệu có chỉ dẫn người Trung Quốc cách điêu khắc người và ngựa đẹp tuyệt vời như Phidias và xưởng điêu khắc của ông đã làm khi chạm khắc những họa tiết của điện Parthenon vào thế kỷ 5 TCN ở Athens? Chắc chắn rằng người ta chưa hề thấy ở Trung Quốc những gì giống như các chiến binh đất nung hoặc ngựa của kỵ binh trước khi xây dựng lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. 

Chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc chờ đợi để khám phá ra bí mật của lăng mộ được anh em nhà họ Dương và lão Vương tìm ra cách đây 43 năm. Không giống như các chiến binh đất nung, những người nông dân này đã phải vật lộn với cuộc sống, họ nào được gì từ những khám phá này? Vì lợi ích của du lịch, đất của họ bị thu hồi. Năm 1997, vì đói nghèo và bệnh tật, lão Vương treo cổ tự vẫn. Trong vòng ba năm, 3 anh em thất nghiệp và không có khả năng trả tiền bác sĩ, đã qua đời ở tuổi 50. 

Năm 2007, trong cảnh nhà tan cửa nát, vợ của ông Dương đã nói với báo South China Morning Post rằng chồng bà sợ rằng ông và anh em mình “đã gây ra tội lỗi rất lớn, nên bất hạnh đã đến với gia đình, có lẽ không nên khai quật những chiến binh đất nung”. Theo văn hóa truyền thống việc quật mồ quật mả chính là những tội ác tày trời. Những Hồng vệ binh thời Đại cách mạng văn hóa cũng đã khai quật mộ của rất nhiều danh nhân văn hóa và phỉ báng những điều mà họ cho là tàn dư của chế độ cũ. Mộ của Khổng Tử cũng bị quật lên, Khổng miếu bị tàn phá nặng nề. Hàng chục năm sau đó, những người cầm cuốc xẻng ngày nào đập phá lăng mộ tiền nhân đều phải chịu những quả báo nghiệt ngã nhất. 

Theo BBC
Đạo Nhất biên dịch

Xem thêm: