Văn hóa truyền thống Trung Hoa bác đại tinh thâm dường như khắc sâu in đậm trong Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. 

Tào Tuyết Cần viết nên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này không chỉ miêu tả sự biến đổi thăng trầm của một gia tộc lớn, mà bao hàm cả văn hóa Trung Hoa cổ xưa. Theo thống kê, bộ tiểu thuyết tổng cộng có 975 nhân vật, trong đó 732 người có tên có họ. Người ta nói, Hồng Lâu Mộng là ‘Nhất tính nhất danh giai cụ tinh ý” ý nghĩa là: từng tên người từng tên dòng họ đều mang ý nghĩa tinh hoa. giải đọc hàm nghĩa của những tên họ này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải đọc tác phẩm kinh điển này. 

Trong phần mở đầu của Hồng Lâu Mộng có dẫn dắt bài thơ “Đề thạch đầu ký” như sau:  

“Mãn chỉ hoang đường ngôn
Nhất bả tân toan lệ
Đô vân tác giả si
Thùy giải kỳ trung vị”.

Ý nghĩa là: 

Đầy trang những chuyện hoang đường
Tràn tít nước mắt bao nhường chua cay
Đừng cho chỉ giả là ngây
Ai hay ý vị chỉ đầy ở trong
(Bản dịch nhóm Vũ Bội Hoàng)

Bài thơ này thật ra là có lời nói trước với độc giả, biểu hiện bề mặt của bộ sách này là câu chuyện tình yêu giữa nam và nữ, là “những chuyện hoang đường”, nhưng ý nghĩa chân thực bên trong không phải ở đó. Tình yêu giữa nam và nữ chẳng qua chỉ là “chuyện hoang đường” mà thôi. Mà “ý vị bên trong đó” không có công khai rõ ràng, điều này cần độc giả tự lý giả. Đây là phương pháp Tào Tuyết Cần nhắc nhở những người đọc Hồng Lâu Mộng. 

Tên nhân vật trong “Hồng Lâu Mộng” ẩn chứa huyền cơ

Mỗi tên nhân vật trong Hồng Lâu Mộng đều không được đặt một cách tùy tiện, mỗi tên đều ẩn chứa huyền cơ, ví dụ: Bảo Ngọc, Đại Ngọc, Bảo Thoa, Giả Vũ Thôn, Chân Sĩ Ẩn…

Giả Vũ Thôn, Chân Sĩ Ẩn

Giả Vũ Thôn và Chân Sĩ Ẩn là hai nhân vật xuất hiện sớm nhất trong Hồng Lâu Mộng. Chân Sĩ Ẩn 甄士隐 đồng âm (hài âm) với Chân sự ẩn 真事隐 (việc thật bị ẩn giấu), Giả Vũ Thôn 贾雨村 hài âm với Giả ngữ tồn 假语存 (lời giả dối tồn tại) hay Giả ngữ thôn thôn (lời bịa đặt).

Chân Sĩ Ẩn có họ là Chân 甄, tên gọi là Phí 费, tự là Sĩ Ẩn 士隐. Riêng cái tên “Chân Phí” cũng đã hài âm với “Chân phế” 真废 ý nghĩa là đồ vô dụng. Đây cũng chính là sự đánh giá về Chân Sĩ Ẩn, một con người đạm bạc với danh lợi lúc bấy giờ.

Giả Vũ Thôn, họ là Giả 贾, tên Hoá 化, tự là Thời Phi 时非, biệt hiệu là Vũ Thôn 雨村. Giả Hoá hài âm với “Giả thoại” 假话 (những lời giả dối). Còn “Thời Phi” hài âm với “Thực phi” 实非, là phi thực tế, tức thực tế không phải như vậy.

Tên của hai nhân vật này lại một lần nữa nhắc nhở: Những điều tồn tại trên bề mặt cuốn sách là những lời giả dối, tư tưởng thật sự là bị ẩn dấu. Tào Tuyết Cần chính là dùng tên của hai người này để một lần nữa nhắc nhở độc giả: Khi đọc tác phẩm cần chú ý tới nội hàm thực sự của tác phẩm. 

Giả, Sử, Tiết, Kim Lăng Vương

Trong hồi 4 của Hồng Lâu Mộng, có đoạn miêu tả về “Hộ quan phù” miêu tả bốn dòng họ nổi tiếng như sau: 

“Anh lính nói:

– Cụ đến nhận chức ở đây, có nhẽ nào lại không có một bản “hộ quan phù” của tỉnh này.

Vũ Thôn vội hỏi:

– Tôi chưa biết thế nào là “hộ quan phù”

Anh lính nói:

– Việc này cụ không biết thì làm quan lâu dài ở đây sao được. Hiện nay các quan địa phương ai cũng có một cái sổ riêng, chép rõ họ tên những nhà thân hào lớn, có tiền, có thế trong tỉnh. Ở đâu cũng thế, nếu không biết, nhỡ xúc phạm đến người nhà những bọn này, thì không những quan tước, mà cả đến tính mệnh cũng khó giữ được! Vì thế gọi là “hộ quan phù”. Vừa rồi nói đến nhà họ Tiết, cụ gây chuyện thế nào được với họ? Cái án này thực ra chẳng có gì là khó xử. Các quan phủ trước chỉ vì nể mặt họ mà không xử đấy thôi.

Nói xong, anh ta móc túi lấy ra một tờ “hộ quan phù”, đưa cho Vũ Thôn. Khi xem thấy có mấy câu tục ngữ cửa miệng về những nhà quyền quý ở địa phương. Câu nào câu nấy viết rất rõ ràng, bên dưới lại có ghi cả từ ông thủy tổ, quan tước và chi nhánh nữa. Ở hòn đá cũng sao lại một bản như sau:

Giả không phải là giả dối, ngọc làm nhà ở, vàng làm ngựa cưỡi (Con cháu Ninh công Vinh công cộng hai mươi chi. Tám chi họ gần ở kinh đô, mười hai chi ở nguyên quán).

Cung A phòng (1) xây lên ba trăm dặm đã đủ chưa? Họ Sử đất Kim Lăng vẫn ở không vừa. (Con cháu Bảo linh hầu Thượng lệnh sử công cộng mười tám chi. Mười chi ở kinh đô, tám chi ở nguyên quán).

Vua Đông Hải thiếu ngọc trắng làm giường, phải đến vay Kim Lăng vương. (Con cháu Đô thái úy, Thống chế huyện bá vương công cộng hai mươi chi. Hai chi ở kinh, còn ở nguyên quán)

Được mùa tuyết lã chã rơi, ngọc châu như đất, vàng thời sắt thoi. (Con cháu Tử vi xá nhân Tiết công, hiện lĩnh tiền khi đi mua hàng, có tám chi)”.

Đó chính là các loại quan hệ phức tạp giữa bốn gia tộc lớn, xen lẫn biểu hiện ra các mâu thuẫn chủ yếu trong Hồng Lâu Mộng.

Hồ lô tăng

Câu mở đầu trong hồi 4 của Hồng Lâu Mộng như sau: “Gái bạc mệnh gặp trai bạc mệnh; Sư Hồ lô xử án Hồ lô”. Tên gọi Hồ Lô ở đây chính là tên của Giả Vũ Thôn năm đó xuất gia ở miếu Hồ lô, cũng là nơi Giả Vũ Thôn chán nản ẩn cư”. Theo ý nghĩa thông tục khi đó, hồ lô nghĩa là bất thanh bất bạch, mơ mơ hồ hồ. Điều này quả thật nhất trí với phương thức xử án của Giả Vũ Thôn trong tác phẩm. Dùng tác dụng của từ “hồ lô tăng” để nhắc nhở gợi ý nội hàm bên trong.

Anh Liên

 Con gái của Chân Sĩ Ẩn có tên Anh Liên. Chữ “anh” có nghĩa là dũng cảm, còn “liên” (hoa sen) vừa đẹp vừa trong trắng tinh khôi. Tên cũng như người, Anh Liên (Hương Lăng) là người phụ nữ có nhan sắc và tính cách thẳng thắn, can trường chịu đựng sự hành hạ của Tiết Bàn, nhưng Anh Liên còn đồng âm với “ứng liên” (đáng phải thương xót).

Số phận của Anh Liên từ đầu đến cuối Hồng Lâu Mộng buồn nhiều hơn vui do sự tàn nhẫn của Tiết Bàn, sự độc địa của Hạ Kim Quế. Sau này Hạ Kim Quế lại đổi tên nàng thành Thu Lăng. Hoa lăng là củ ấu, nhưng chữ “lăng” còn có nghĩa lăng mộ, chữ “thu” hài âm với “khưu” cũng có nghĩa là mồ mả. Ý đồ nham hiểm của Hạ Kim Quế muốn ám hại Hương Lăng đã được tác giả báo trước từ câu chuyện đổi tên tưởng chừng vô thưởng vô phạt này. Phùng Uyên là nạn nhân của Tiết Bàn. Chữ Phùng còn có thể đọc theo nghĩa 逢 (gặp phải), chữ Uyên lại hài âm với chữ Oan 冤 (oan khuất, oán hờn). Sự bất hạnh của Phùng Uyên đã được báo trước ngay từ cái tên. 

Anh Liên từ thân phận tiểu thư cao quý, do số phận trớ trêu mà trở thành nàng hầu của Tiết Bàn. Ngược lại, a hoàn của Chân Sĩ Ẩn vì đứng hái hoa, liếc nhìn Giả Vũ Thôn mà sau này một trở thành chính thất của quan, được bao người ngưỡng vọng. Tên của a hoàn này là Kiều Hạnh (hoa hạnh mềm mại). Thứ nhất, cái tên nói lên vẻ đẹp ngọt ngào, say lòng của nàng ta. Thứ hai, Kiều Hạnh đồng âm với “kiểu hãnh” – tốt số, may mắn. Cái tên đã nói lên vận mệnh “một bước lên bà” của Kiều Hạnh. 

Bảo Ngọc, Đại Ngọc, Bảo Thoa

Bảo Ngọc, Đại Ngọc, Bảo Thoa là ba nhân vật mấu chốt nhất trong tác phẩm. Hai chữ “Bảo Ngọc” đã gửi gắm sự kỳ vọng của những người trong Giả phủ, tuy nhiên sự mong đợi đó lại là “giả”. “Giả Bảo Ngọc” cái tên đã ám chỉ tính cách của kẻ phản nghịch. Trong tên “Đại Ngọc” có chữ “Ngọc” trong từ “Bảo Ngọc” mang ý nghĩa thuần tịnh, tinh khiết. Trong tên gọi “Bảo Thoa” cũng có từ “Bảo” của tên gọi “Bảo Ngọc”, mang ý nghĩa giàu sang, phú quý. Tên của ba người này mang hàm nghĩa trong bạn có tôi, trong tôi có bạn, liên quan dính líu đến nhau. Từ tên gọi ba người có thể thấy mối quan hệ vướng mắc rắc rối không thể phân chia giữa ba người. 

Thông qua việc giải độc những tên nhân vật trong tác phẩm, chúng ta có thể thấy được hàm ý tâm sâu trong cách sử dụng từ ngữ của Hồng Lâu Mộng. Cho dù là lựa chọn tên nhân vật, Tào Tuyết Cần cũng rất chú ý và dụng tâm. 

Theo Vision Times
Bình Nhi biên dịch

Từ Khóa: