Có hay không câu chuyện Thiên Đàng – Địa ngục, hay thế giới Thiên Quốc mỹ diệu của Phật Pháp nhiệm màu? Câu hỏi này từng khiến nhân thế ngàn năm băn khoăn trăn trở: giới tu luyện chính Pháp, chính Đạo thì luôn tin đó là ‘Bến quê’ – nơi trở về của ngọn nguồn sinh mệnh, giải thoát mọi khổ đau phiền lụy trong cõi vô thường. Người chưa ngộ Đạo lại coi đó là chuyện huyền bí hoang đường, phi thực tại…

Trong khuôn khổ của loạt bài viết này, chúng tôi không đưa ra lời khẳng định từ cơ điểm khoa học hoặc tôn giáo mà chỉ đơn thuần khách quan giới thiệu lại câu chuyện trải nghiệm của một vị cao tăng – Pháp sư Khoan Tịnh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Chuyện được ông kể lại trong buổi thuyết giảng tại núi Nam Hải Phổ Đà (Sin-ga-po) vào tháng 4 năm 1987, ngõ hầu đem tới cho quý độc giả những hình dung thú vị về một cảnh giới nào đó thuộc Thế giới cao tầng. Nếu không tin, các bạn cũng có thể xem như là mình vừa nghe một câu chuyện cổ tích.

“Tây phương Cực Lạc thế giới du ký” được Bút giả cư sĩ Lưu Thế Hoa căn cứ theo lời kể của Khoan Tịnh Pháp sư mà ghi lại, phóng viên báo Đại Kỷ Nguyên tổng hợp và giới thiệu. 

Cuộc chu du đến cung trời Đâu Xuất

Trên đường đi, tôi gặp rất nhiều điện vàng bảo tháp nguy nga tráng lệ, tất cả đều phát sáng khiến tôi nhìn không chớp mắt nhưng Sư Viên Quang thôi thúc nói thời giờ eo hẹp, đi cho nhanh lên!

Mãi sau này tôi mới biết, thời gian trên Thượng giới khác với thời gian chúng ta sống, không nên để luống qua, nếu không về tới Ta Bà đây chắc cũng đã trải qua vài trăm năm, có khi cả ngàn năm không chừng…

Trên đường đi, tôi gặp rất nhiều điện vàng bảo tháp nguy nga tráng lệ… (Ảnh minh họa: youtube.com)

Dọc đường đi tôi thấy hầu hết những con đường nơi đây đều được xây bằng đá tảng lớn màu trắng, ẩn hiện ánh hào quang. Trên núi hoa thơm cỏ lạ muôn vàn, nương theo gió mà hắt lại những mùi thơm ngát trời. Chúng tôi đi quanh co theo mấy cái eo trên triền núi, đến một cái vực sâu cả mấy chục ngàn thước, rất sâu. Ẩn hiện phía trước một cây cầu để bước qua bên kia vực, nhưng không thấy đầu cầu và cuối cầu. Mây từng cụm là là che phủ, chỉ thấy một đoạn vòng lên cao ở giữa cầu. Tôi thầm nhủ:

– Cái cầu như vậy làm sao qua được đây?

Ngay lúc ấy sư Viên Quang hỏi tôi:

– Hằng ngày ông thường trì chú những Chú gì? Kinh gì?

Tôi trả lời:

– Tôi hay trì Chú Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa. Sư bảo tốt, thế giờ ông trì chú đi!

Tôi bắt đầu trì chú. Chú Lăng Nghiêm có hơn ba nghìn chữ, vậy mà mới trì có hai ba trăm chữ, cảnh đằng trước tôi hóa ra khác rồi: tôi thấy cây cầu lúc ấy hiện rõ hai đầu cầu nối lại với lại bờ đất, cầu tỏa sắc óng ánh vàng, lóng lánh chói lọi. Cả cầu được dựng bằng bảy châu báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ v.v… trông như cầu vồng treo giữa lưng trời vậy, đẹp mắt vô cùng! Thành cầu có nhiều cột đèn, đèn bằng hạt châu sáng và thật to, đầu cầu có dựng cổng trên đó khắc năm chữ lớn, trong đó có bốn chữ như ở đại điện đã thấy, nên tôi đoán năm chữ ấy là “Trung Thiên La Hán Kiều”, qua khỏi cầu, nghỉ lại đôi chút tôi vội hỏi sư Viên Quang:

– Bạch Sư, tại sao khi chưa niệm chú tôi chẳng thấy hai đầu cầu, niệm rồi lại rõ ra như vậy?

Sư Viên Quang giảng rằng:

– Khi chưa niệm chú, bản tính của ông tức ‘Bản lai diện mục’ của ông bị nghiệp chướng của tự thân trùng trùng vây chặt, siêu thắt mình lại, ngáng cả tầm nhìn, không thể thấy được chân tính đâu. Sau khi niệm chú do oai lực của chú, nghiệp chướng tức thì tiêu tan nên chẳng bị che khuất, tự tâm thanh tịnh, hiện ra cảnh giới thật của nó, từ mê chuyển tỉnh, nên nói muôn dặm không thấy muôn dặm trời là vậy đó!

Chúng tôi lại bắt đầu đi, vừa đi vừa trì chú. Tự nhiên phía trước bước chân của tôi hiện ra những đóa hoa sen to đùng, từng cánh sen chiếu ánh sáng xanh lóng lánh như pha lê vậy. Tôi bước lên hoa sen, hoa nâng bổng tôi lên lưng trời giống như cưỡi mây lướt gió, chỉ nghe tiếng gió rít bên tai nhưng mà không cảm thấy gió to gì cả. Tốc độ bay có thể sánh với máy bay siêu tốc, chỉ thấy cảnh vật chung quanh cứ vùn vụt mà ném lại đằng sau!

Những bông hoa sen nâng bổng tôi lên lưng trời mà bay đi. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Không bao lâu toàn thân tôi nóng dần lên, lúc ấy tôi thấy có một cái cổng to, nếu sánh với Thiên An Môn ở Bắc Kinh thì cổng này hùng vĩ hơn rất nhiều: những cột to có dáng rồng phượng lóng lánh hào quang, trên chóp có mái dạng như cung vua vậy, nhưng toàn một màu bạc óng, toàn cảnh như một cổng thành bằng bạc khối chiếu sáng vô cùng hùng tráng. Bảng cổng có ghi bằng năm loại văn tự, về Hán văn thì đọc được là ‘Nam Thiên Môn’. Nam Thiên Môn là trụ xứ của Tứ Đại Thiên Vương. Trong Nam Thiên Môn có rất nhiều người trời đứng thành hai hàng, văn võ hai bên, nhóm văn võ đều mặc trang phục như tướng trong cung vua vậy, nhưng đều tỏa chiếu hào quang, vô cùng uy vũ! Tất cả đều chắp tay mỉm cười làm lễ nghênh tiếp hai chúng tôi, nhưng chẳng nói một lời. Vào trong thấy một tấm gương lớn, nghe đâu gương này soi thấy nguyên thần, biết được thật giả. Suốt đường vào trong, thấy rất nhiều cảnh lạ như: ráng trời, cụm mây, bông hoa, sấm chớp… cứ vùn vụt lướt qua lướt lại, hoán vị liên tục. Bên ngoài các tầng mây thấp thoáng những đình đài, lầu các mũi tháp chập chùng, sư Viên Quang bảo tôi:

– Đây là tầng trên của trụ xứ ‘Tứ Đại Thiên Vương’, tầng thứ hai của trời Dục Giới, gọi là trời Đao Lợi, là nơi ngự của Ngọc Hoàng Đại Đế, cai quản ba mươi hai vùng trời bốn phương.

Tôi không được nhìn ngắm lâu, cứ thế mà lướt qua mấy tầng trời.

Sư Viên Quang nói tiếp:

– Đây rồi, nơi này là trời Đâu Xuất, tầng thứ tư trời Dục Giới.

Thoáng chốc chúng tôi đã đến trước một cổng điện các lớn. Ra đón chúng tôi có hơn hai mươi người, trong đó có một người không xa lạ gì, đó là ân sư truyền giới cho tôi: Hư Vân lão hòa thượng, là một trong ba cao tăng của Trung Nguyên thời cận đại. Còn hai người nữa mà tôi nhận biết được là hòa thượng Diệu Liên và Đại sư Phước Vinh, họ đều khoác y đỏ, rất hoa lệ. Gặp ân sư tôi vội quỳ xuống đảnh lễ, suýt chút nữa là tôi bật tiếng khóc vì xúc động. Ân sư hỏi tôi:

– Lúc này con thấy sao, trong lòng có thanh tịnh không? Con có biết vị đưa con đến đây là ai không?

Tôi trả lời:

– Bạch Thầy vị ấy là Viên Quang lão Pháp Sư.

Lúc ấy ân sư mới tiết lộ cho tôi biết:

– Đó chính là vị mà hằng ngày con vẫn niệm: Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát đó!

Nghe qua tôi đã hết hồn, vội quỳ xuống đảnh lễ sư Viên Quan (hóa thân của đức Bồ Tát Quán Âm). Thật là có mắt mà chẳng thấy núi Thái Sơn! Trước đức Bồ Tát Quán Âm, trong khoảnh khắc ấy tôi không biết nói làm sao cho phải!

Thật không ngờ sư ‘Viên Quang’ lại là hóa thân của đức Bồ Tát Quán Thế Âm. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Người ở trời Đâu Xuất chẳng giống người ở cõi Ta Bà mình: thân cao hơn ta tới năm hoặc sáu lần, nhưng nhờ có Bồ Tát Quán Âm đã đưa tôi đến đây, lại khiến cho tôi hóa ra lớn bằng tầm cỡ trên này. Ân sư dặn dò tôi:

– Khi về thế gian, con cần phải khổ công tu luyện, nghiệp chướng cần thông qua thử thách mới có thể lần hồi giải trừ được… giải trừ được. Ân sư còn dặn tôi phải chu toàn công đức.

Ở trên này, tôi có gặp một số người nữa, trai gái trẻ già đều có, trang phục của họ đều hao hao giống triều đại nhà Minh…

Đôi chút luận bàn:

Phật Gia có giảng đại ý rằng: Một sinh mệnh muốn thăng hoa lên đến tầng thứ nào thì phải đạt đến cảnh giới sinh mệnh của tầng thứ đó. Bởi thế sẽ không có chuyện phàm nhân thăng thượng. Vậy cảnh giới là gì? Với người tu luyện thì đó chính là Tâm tính. Một người không đạt đến tiêu chuẩn tâm tính theo cảnh giới của thế giới Thiên Quốc thì tuyệt đối sẽ không thể tiến nhập vào tầng trời đó được. Ví như Pháp sư Khoan Tịnh trong câu chuyện, ông đã tu luyện đến một tầng thứ nhất định rồi nhưng vì tu chưa xuất lai, chưa công thành viên mãn nên cần phải có đức Quán Thế Âm Bồ Tát tiếp dẫn, lại phải vận thần thông qua phương thức trì chú mới có thể đi qua cây cầu “Trung Thiên La Hán Kiều” mà tiến nhập sang cung trời Đâu Xuất.

Lại nhớ trong truyện “Tây Du ký”, nhân vật Tôn Ngộ Không có bảy mươi hai phép thần thông biến ảo vô cùng, trong đó có thuật “Cân đẩu vân”, chỉ cần nhào lộn một vòng trên mây đã có thể bay xa mười vạn tám nghìn dặm (tương đương khoảng 54 nghìn ki-lô-mét). Vậy tại sao vị Đại đệ tử này của Đường Tăng không dùng phép “Cân đẩu vân” mà cõng sư phụ của mình bay sang Tây Trúc? Đó cũng là vì thần thông không hóa giải được nghiệp lực, bốn thầy trò Đường Tăng cũng phải kinh qua gian khổ mà đề cao tâm tính cũng chính là đề cao cảnh giới và tầng thứ đồng thời tiêu trừ nghiệp lực của tự thân thì mới có thể công thành viên mãn được. Đó chính là đạo lý. 

Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên khi tại cung trời Đâu Xuất ấy, Vân Hư lão hòa thượng khẩn thiết dặn dò đệ tử của ông – pháp sư Khoan Tịnh rằng: “Khi về thế gian, con cần phải khổ công tu luyện, nghiệp chướng cần thông qua thử thách mới có thể lần hồi giải trừ được… giải trừ được”. Nên chăng ‘khổ công tu luyện’, ‘giải trừ nghiệp chướng’ ấy cũng chính là quá trình người tu luyện cần đề cao tâm tính thường hằng mà tu lên? Phật Pháp có câu: “Phật tại tâm  trung”, chính là vẫn phải tu cái tâm ấy thì mới có thể thành tựu và hồi thăng sinh mệnh được. Khi xưa đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng về: ‘Giới – Định – Huệ’; Pháp môn Tịnh Độ giảng về ‘Tín – Nguyện – Hạnh’; Pháp môn Mật Tông giảng về ‘Thân – Khẩu – Ý’. Còn Đại Pháp của vũ trụ thì giảng về nguyên lý: Chân – Thiện – Nhẫn. Dù các môn pháp tu luyện là có phương thức khác nhau nhưng phải chăng hết thảy đều là tu ở chữ Tâm ấy vậy? 

Còn tiếp… 

Đường Phong