Là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất thế kỷ 20, đến nay lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn còn ẩn giấu nhiều bí mật làm đau đầu các nhà khoa học và khơi gợi trí tò mò bất tận của công chúng. 

Tháng 3/1974, khi đang đào giếng trên cánh đồng lựu và hồng, những người nông dân ở Thiểm Tây đã chạm xẻng vào một đầu người bằng sành mà họ tưởng là tượng Phật. Vài tháng sau, các chuyên gia mới đến hiện trường và vô cùng bất ngờ trước những gì được nhìn thấy.

Và thế là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất lịch sử được chính tay xẻng của những nông dân phát hiện. Chôn dưới cánh đồng là hàng ngàn bức tượng binh lính bằng đất nung được tạc cách đây hơn 2000 năm dưới thời Tần Thủy Hoàng.

Tần Thủy Hoàng (259 – 210), tên thật Doanh Chính, là vị Hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Ông chính là Hoàng đế đầu tiên xây dựng lăng mộ cho mình. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện nằm ở khu vực chân núi Ly Sơn, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, còn có tên gọi khác là Địa lăng Tần Thủy Hoàng.

Mặc dù được phát hiện từ mùa xuân năm 1974 nhưng suốt 43 năm, chính phủ Trung Quốc hầu như không có ý định mở nắp quan tài. Họ cho rằng hàm lượng thủy ngân trong lăng mộ quá cao so với mức bình thường (hơn 280 lần) để thuyết phục công chúng. Điều đó càng làm dấy lên những nghi ngờ rằng lăng mộ Tần Thủy Hoàng thật sự có liên quan tới một bí mật kinh thiên động địa nào đó.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện nằm ở khu vực chân núi Ly Sơn, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, còn có tên gọi khác là Địa lăng Tần Thủy Hoàng. Ảnh dẫn theo (pinterest.com)

1. Địa cung chưa hề được khám phá

Theo các nhà khảo cổ Trung Quốc, khu lăng xây theo hình bát quái, bên trên là một lớp đất được đắp nổi cao tới 76m. Mặt đông tây dài khoảng 260m, nam bắc dài 160m, tổng diện tích là 41.600m2. Đây là khu lăng mộ có quy mô lớn nhất trong thời Tần – Hán, tương đương với diện tích của 5 sân bóng tiêu chuẩn quốc tế.

Sử gia Tư Mã Thiên cũng đã từng tả về lăng mộ của Tần Thủy Hoàng là: “Thông suốt tới tam tuyền“, lại vô cùng sâu. Bên trong lăng mộ mô phỏng kiến trúc kinh đô Hàm Dương của nước Tần, bao bọc bởi các thành quách, được chia làm hai phần: Thành nội và Thành ngoại. Thành nội có chu vi khoảng 2,5km, Thành ngoại chu vi 6,3km. Giữa hai lớp thành có các lầu gác, cung tẩm, chùa chiền, nhà ở… Từ cửa lăng mộ tới phần đáy có độ sâu thực tế khoảng 26m.

Địa cung nằm ở phía tây nam của Thành nội, lưng dựa hướng tây, mặt hướng về đông, là nơi đặt quách của Tần Thủy Hoàng. Ngoài địa cung, gần khu vực có lớp đất bao bọc bên trên phát hiện thấy 300 đường hầm bồi táng, chôn kèm theo trên 50.000 cổ vật quan trọng. Địa cung là khu vực có giá trị nhất trong lăng. Nhưng với trình độ bảo tồn hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa thể khai quật được đến khu vực này. Người ta sợ rằng một khi mở Địa cung, các cổ vật, di tích bên trong sẽ không còn được nguyên vẹn. 

Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên thuật lại việc xây lăng mộ Tần Thủy Hoàng như sau: “Khi Tần Thủy Hoàng mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ thì dời 70 vạn người trong thiên hạ đến xây lăng mộ, đào ba con suối, ở dưới đổ đồng nung và đưa quách vào. Đem những đồ quý báu của các cung điện, của trăm quan xuống cất đầy ở dưới. Lại sai thợ làm máy bắn tên hễ có ai đào đến gần thì bắn ra. Sai lấy thủy ngân làm một trăm con sông, như Trường Giang, Hoàng Hà và biển lớn. Các máy móc làm cho nước sông và biển chảy vào nhau. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy đầu cá nhân ngư để thắp đuốc, trù tính thế nào để cháy mãi mãi“. 

Tư Mã Thiên tả lăng mộ này “ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý” là hàm ý là gì? Theo suy đoán của nhà khảo cổ học nổi tiếng Trung Quốc Hạ Nãi, đó có lẽ là lời mô tả về những bức vẽ và điêu khắc giống hình mặt trăng, mặt trời, ngôi sao ở trên đỉnh lăng mộ vẫn được bảo tồn cho tới ngày nay. Phía trên là các bức bích họa hoàn chỉnh của 28 vị tinh tú trên bầu trời, còn phía dưới là những dòng sông thủy ngân đại diện cho núi sông địa lý. Như vậy, ở trong vương quốc dưới lòng đất của mình, linh hồn Tần Thủy Hoàng vẫn có thể “ngưỡng quan thiên văn, phủ sát địa lý” (ngẩng lên xem thiên văn, cúi xuống nhìn địa lý) thống trị tất cả mọi thứ nơi đây. 

Khu lăng mộ có quy mô lớn nhất trong thời Tần – Hán, tương đương với diện tích của 5 sân bóng tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh dẫn theo (zh.wikipedia.org)

2. Dòng sông thủy ngân 

Dòng sông thủy ngân dưới lòng đất cũng là một bí ẩn được ghi chép trong “Sử ký”. Trong “Hán Thư” cũng có những miêu tả tương tự. Rốt cuộc trong khu vực lăng mộ có bí ẩn về dòng sông thủy ngân hay không? Theo Sử ký ghi chép, từ khi còn trẻ, Tần Thủy Hoàng đã say mê việc luyện thuốc trường sinh. Và thủy ngân là một thành phần chính trong “thuốc tiên”.

Bởi vậy dòng sông thủy ngân phải chăng thể hiện sự thịnh vượng, giàu có và tham vọng trường tồn vĩnh cửu của Tần Thủy Hoàng? Bên cạnh đó, nguồn thủy ngân khổng lồ được dẫn từ đâu để tạo thành trăm sông trong lăng mộ vẫn là một câu hỏi lớn không thể giải thích được.

Lật lại lịch sử, hai thiên niên kỷ trước, quận Ba ở thời Tần (thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc ngày nay) có người quả phụ họ Thanh, chuyên khai thác đá chu sa mà trở nên giàu có. Tần Thủy Hoàng đã cho xây dựng “Hoài Thanh Đài” để ca ngợi sự trinh liệt của người phụ nữ này. Vì sao Tần Thủy Hoàng lại đặc biệt chiếu cố đến nữ thương nhân họ Thanh này đến vậy? 

Theo khoa học hiện đại, chu sa hay thần sa, đan sa, xích đan, cống sa, là các tên gọi dành cho loại khoáng vật của thủy ngân sẵn có trong tự nhiên, có màu đỏ. Thành phần chính của nó là sulfur thủy ngân (II) (HgS). Chu sa được người Trung Hoa cổ đại sử dụng phổ biến để luyện thủy ngân, làm thuốc và làm thủ cung sa để đánh dấu trinh tiết người phụ nữ. Thời đó người Tần đã biết cách luyện thủy ngân từ đá chu sa. Tư Mã Thiên viết: “Giang Nam có đá chu sa. Chu sa là nguyên liệu chính để luyện thủy ngân“. 

Gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra lăng mộ của quả phụ họ Thanh, từ đó nghiên cứu được rằng ở thời Tần, gia tộc họ Thanh ở quận Ba vốn là một gia tộc giàu có và thế lực. Vùng quận Ba có ngọn núi Vu Sơn. Trong các câu chuyện thần thoại cổ Trung Quốc, đây là nơi các vị thần thường ghé đến, đây được cho là nơi khởi nguồn cho thuật mo và luyện đan. 

Từ những khám phá khảo cổ, có thể suy luận rằng “Thanh” chính là một truyền nhân thuật mo cũng như nắm giữ được nguồn chu sa và thủy ngân khổng lồ. Nhiều khả năng, người phụ nữ họ Thanh chính là người đã có công lớn trong việc cung cấp thủy ngân trong Địa cung và hoàn tất giấc mộng sánh cùng thần tiên của Tần Thủy Hoàng. 

Hình ảnh mô phỏng địa cung của Tần Thủy Hoàng với các dòng sông thủy ngân. Ảnh dẫn theo (en.wikipedia.org)

3. Có bao nhiêu châu báu trong lăng mộ này? 

Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên viết: “Kỳ khí trân quái tỷ tàng mãn chi“, tạm dịch: Những thứ trân quý và vàng bạc được táng theo rất nhiều. Từ trước tới nay chưa có vị vua nào lại chôn chất nhiều vàng bạc châu báu như Tần Thủy Hoàng. Vậy trong khu lăng mộ thần kỳ này rốt cuộc táng theo những loại châu báu trân quý nào? 

Theo “Sử Ký” ghi chép, trong lăng có chứa rất nhiều loại báu như ngọc phỉ thúy, trân châu… những loại khác nhiều vô số không tính nổi. Vào cuối thập niên 80, các nhà khảo cổ học còn khai quật được một cỗ xe ngựa bằng đồng với những hoa văn và trang trí lạ mắt vô cùng hiếm thấy ở phía tây khu lăng mộ. 

Phần thân xe được đúc bằng đồng xanh, một số phụ kiện được làm từ vàng và bạc. Kích cỡ của xe, ngựa và người điều khiển được mô phỏng y như thật. Các bộ phận được đúc riêng, sau đó được lắp ráp, hàn nối lại với nhau, thể hiện trình độ cơ khí đáng nể của người thợ thời Tần. Đặc biệt, phần đầu ngựa có thể cử động được linh hoạt là nhờ được hàn bằng những sợi tơ đồng rất mảnh. 

Dưới kính hiển vi, các chuyên gia phát hiện những sợi tơ đồng này có độ mảnh đều nhau khoảng 0,5 mm. Kỹ thuật nào được áp dụng để kéo ra những sợi đồng mảnh như tơ và làm thế nào để hàn nối những đầu sợi đồng này vẫn còn là một bí ẩn không thể giải đáp. Ngoài tượng người đánh xe ngựa được làm bằng gỗ, tất cả mọi thứ trang trí trong xe đều được đúc bằng vàng, bạc, đồng. Phía bên ngoài của khu lăng mộ đã được táng theo nhiều thứ đồ trân quý, tinh xảo như vậy thì không biết bên trong tẩm cung còn có những đồ quý ra sao? 

Kích cỡ của xe, ngựa và người điều khiển được mô phỏng y như thật. Ảnh dẫn theo (pinterest.com)

4. Chim yến bằng vàng lưu lạc hàng thế kỷ 

“Tam phụ cố sự” có ghi lại rằng, khi Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ diệt nhà Tần, vì mang lòng căm hận với sự tàn bạo của Tần Thủy Hoàng nên đã cho 30 vạn quân khai quật lăng mộ. Kỳ lạ thay, trong khi đào bới, từ bên trong lăng mộ có một con chim yến bằng vàng vụt bay ra ngoài, cứ hướng về phía nam mà bay đi.

Mấy trăm năm sau, vào thời Tam Quốc, ở phía nam có Thái thú Trương Thiện được người dâng tặng một con chim yến bằng vàng. Từ văn tự ghi trên người con chim này, Trương Thiện liền biết đó chính là linh vật thoát ra từ lăng Tần Thủy Hoàng trước mắt đoàn người của Hạng Vũ năm nào.

Khi đọc lại các ghi chép trong sách sử chúng ta có thể phát hiện Tư Mã Thiên và Ban Cố đều từng miêu tả về “chim yến bằng vàng biết bay“. Chim yến được chế tác tinh xảo bằng vàng lại bay được là có thể có thật. Nguyên nhân là bởi vào thời Xuân Thu, Lỗ Ban đã có thể làm ra chim yến bằng gỗ bay được tới tận tường thành của nước Tống.

Tuy nhiên một vật thể bằng kim loại có thể bay trong không trung ắt phải có sự tác động của động cơ máy móc, không chỉ đơn thuần dựa vào sức gió tự nhiên. Giả sử như thời nhà Tần có thể làm ra chim yến bằng vàng bay trong không trung như vậy, thì khi được chôn vùi trong lăng mộ nó sẽ tự động bay liên tục không ngừng trong 1000 ngày đêm mà không nghỉ. Nếu như đây không phải là truyền thuyết mà là một kỳ tích thì hệ thống điều khiển ở trong con chim yến này quả là siêu thường mà đến máy tính của con người hiện đại chúng ta ngày nay cũng không theo kịp.

(Còn nữa)

Kiên Định 

Vì sao thắp hương bái Phật lại không linh nghiệm? Bí mật được che giấu suốt mấy nghìn năm!

videoinfo__video3.dkn.tv||7283d113b__