Mục lục bài viết
Lời toà soạn: ‘Bà mẹ 8 con ở Từ Châu’ là loạt bài kể về một thảm hoạ nhân quyền ở Đại lục, đồng thời đưa ra cách nhìn nhận giữa các bên, từ đó để người đọc hiểu rõ xã hội dưới sự thống trị của ĐCSTQ.
- Loạt bài Bà mẹ 8 con ở Từ Châu
Đầu năm 2022, câu chuyện về Bà mẹ 8 con ở huyện Phong, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Người phụ nữ tội nghiệp bị bắt cóc, bị ép phải sinh đến 8 người con, bị xích cổ trong một nhà kho tồi tàn, răng thì bị nhổ…

Nhìn cảnh tượng này nhiều người không khỏi rợn người vì mức độ đạo đức của người Trung Quốc, họ đối xử với người phụ nữ không còn ra hình người.
Tuy vậy vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về sự việc này. Một nhà văn Trung Quốc là Giả Bình Ao nói rằng: “Nếu không mua bán phụ nữ, thôn trang này sẽ tuyệt hậu mất”, ý ở ngoài lời là vì để duy trì nòi giống mà có thể chấp nhận tội ác này. Cách nói này thật sự vô lý, tại sao?
Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ’ đăng ngày 14/2, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã đưa ra nhận thức thông thường để phản biện, sau đó kể câu chuyện bắt cóc nữ nghiên cứu sinh của một gia đình trí thức và kèm theo nhìn nhận nhân văn như sau.
“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”: Điều mình không muốn, chớ làm cho người
Đầu tiên Giáo sư Chương cho rằng, khi sự việc như thế này phát sinh, chúng ta nên đặt mình vào vị trí người bị hại để suy nghĩ vấn đề, chứ không phải vị trí người được lợi. Chúng ta không thể nói kiểu: ‘Nếu không có cô dâu thì thôn làng tuyệt hậu’, ‘nếu không ăn cắp thì không sinh sống được’ v.v. Do đó cách nói của nhà văn Giả Bình Ao là cực kỳ vô lý.
Khi gặp những điều như thế này, chúng ta có thể dựa vào nhận thức thông thường để ‘phản vấn’ (hỏi ngược lại) thì sẽ thấy mấu chốt vấn đề: Nếu bạn là người bị hại, bạn sẽ suy nghĩ ra sao?
Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn, chớ làm cho người), nếu nhà văn Giả Bình Ao này có một người con gái bị bắt cóc, ông có thể nói những lời như thế không? Do đó điều ông nói hoàn toàn không có đạo lý.

Nếu vì mục đích duy trì nòi giống mà bắt cóc phụ nữ, để cho thôn trang này tồn tại, vậy thì sự tồn tại của thôn trang có ý nghĩa gì? Chẳng lẽ vì để không tuyệt hậu mà duy trì tội ác và thống khổ hay sao?
‘Chồng’ của bà mẹ 8 con – Đổng Chí Dân phạm tội tiêu thụ ‘đồ ăn cắp’, cưỡng gian, hạn chế tự do cá nhân của người khác, ép người lao động cưỡng bức, phản nhân loại v.v. ấy thế mà ông ta còn dựa vào đó để nhận tiền quyên góp, thậm chí trở thành người nổi tiếng.
Giáo sư Chương nhìn nhận, những người giúp đỡ và quyên góp cho Đổng Chí Dân không phải là đối xử tốt với ông ta. Trên thực tế, đối xử tốt với một người không phải là phóng túng tội ác của người đó, mà là khuyên họ làm người tốt. Đây là việc công đức vô lượng.
Nhân câu nói của Giả Bình Ao và hôm 14/2 (ở Mỹ là 13/2) là ngày cuối tuần, Giáo sư Chương kể thêm một câu chuyện cũng ở thành phố Từ Châu nhưng cách đây 30 năm. Tôi còn nhớ như in khi xem câu chuyện này, đó là vào lúc gần nửa đêm, sau khi xem xong tôi có chút bần thần, không phải vì những chi tiết ‘giống phim Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên’, mà là thở dài vì người đạo đức người Trung Quốc.
Khổng Tử nói: “Cố viễn nhân bất phục, tắc tu văn đức dĩ lai chi” (khi người xa không phục, thì tu văn đức để họ đến). Sở dĩ Trung Quốc trước đây có ‘vạn quốc lai triều’ là vì nơi ấy đạo đức cao thượng, người ta đến để học hỏi văn hoá, nhưng giờ đây Đại lục đã trở thành ‘lòng chảo văn hoá’ (nơi thấp nhất về văn hoá).
Câu chuyện nữ nghiên cứu sinh bị bắt cóc ở Từ Châu 30 năm trước
Gia đình bị hại còn phải trả tiền bồi thường cho kẻ mua con mình
Câu chuyện có tiêu đề là ‘Tội nhân‘ do Lao Phu viết. Lao Phu là từng là Giám đốc Trung tâm An sinh Xã hội thuộc Sở Tây An, cho nên bài viết này hoàn toàn là sự thật. Câu chuyện rất dài, nhưng Giáo sư Chương tóm tắt ngắn gọn như sau.
Chuyện kể rằng, Lao Phu từng làm trưởng bộ phận xe lửa, ông nói rằng sau khi nghe câu chuyện ‘Bà mẹ 8 con ở Từ Châu’ thì nhớ đến một câu chuyện trước đây đó là: dân làng địa phương đã bắt và bán một nữ nghiên cứu sinh tại một trạm xe lửa gần Từ Châu cách đây 30 năm.
Khi đó Lao Phu đang làm việc trên đoàn tàu từ Bảo Kê (寶雞) đến Liên Vân Cảng. Có một lần ông đảo đầu máy ở ga xe lửa, sau đó nói chuyện với Giám đốc ga hành khách họ Hầu. Hai người đang nói chuyện, đột nhiên hàng chục người xông vào, cảm giác giống như sắp đánh nhau. Tại sao?
Bởi vì 2 cánh sát của Cục công an Thượng Hải đến giải cứu một người con gái bị bắt cóc. Người con gái này tên là Mạc Hoa (莫華). Cô ấy vốn là một nghiên cứu sinh, 5 năm trước đến Từ Châu khảo sát rồi bị bắt cóc. Cha mẹ của Mạc Hoa đều là giáo sư đại học, một người là Giáo sư Mạc, một người là Giáo sư Ngô, họ đều làm về kỹ thuật hoá chất trong Viện nghiên cứu Hoá học.
Họ đến Từ Châu để cứu con gái. Kết quả họ phát hiện những người đến cứu dường như yếu đuối và nhu nhược, không có dũng khí; còn những người bắt cóc lại hừng hực khí thế (Lý trực khí tráng – 理直氣壯). Khi đó vị trưởng thôn của ngôi làng bắt cóc Mạc Hoa nói với cảnh sát Thượng Hải:
Các anh chấp hành công vụ không dễ, nhưng chúng tôi với tư cách là một cấp tổ chức trong thôn, theo đạo lý là nên phối hợp với các anh.
Nhưng các anh hãy thay tôi mà nghĩ xem, chúng tôi từ xưa đến nay đều nghèo khổ, người thành phố tìm vợ không được thì đến nông thôn tìm. Còn trong thôn chúng tôi, thì những người độc thân 20 mấy, 30-40 tuổi đều mua vợ, không mua không được; nếu không mua thì đoạn tử tuyệt tôn.
Lần này Mạc Hoa bị mua bởi một người đàn ông tên là Mao Đản, nhà họ đã trả tiền rồi. Vì các anh là những người chấp hành pháp luật, nên cho phép anh lấy người đi, nhưng phải trả tiền bồi thường cho Mao Đản vì Mao Đản đã tốn 800 NDT (khoảng 2,7 triệu đồng) để mua người phụ nữ này.
Khi đó cô gái tội nghiệp với quần áo rách rưới, ánh mắt đờ đẫn, giống như một phụ nữ nông thôn, hoàn toàn không giống như nghiên cứu sinh, hơn nữa dường như tinh thần không bình thường, thân thể đã rất yếu.
Lúc đó Giáo sư Mạc giận đến độ run lên khắp người nói: ‘Con gái của tôi bị chà đạp đến mức độ như thế này, rốt cuộc lại còn phải trả tiền (cho Mao Đản)’. Nhưng nếu Giáo sư Mạc không trả tiền, họ sẽ không cho ông đi, lúc đó cảnh sát cũng sợ hãi vì đối phương quá đông, họ còn dẫn theo cả người nhà. Cuối cùng không còn cách nào khác, Giáo sư Mạc cùng mọi người gom góp được 2000 NDT (gần 7 triệu đồng) để trả cho Mao Đản, sau đó gia đình Giáo sư Mạc mới trở về trong an toàn.
‘Quý nữ’ trong gia đình tri thức đã sống trong ‘địa ngục trần gian’
Chuyện này vẫn chưa xong, khi hai bên tranh chấp, người trong thôn đã nói một chi tiết: Mạc Hoa bị bắt cóc kỳ thực đã sinh cho Mao Đản 2 đứa con, nhưng mỗi lần đứa bé sinh ra, cô ấy tự tay bóp chết đứa trẻ. Cái hận của cô ấy sâu đến độ muốn cho kẻ mua cô ấy (tức Mao Đản) phải ‘đoạn tử tuyệt tôn’.
Vì Mạc Hoa muốn chạy trốn nên bị đánh gãy 2 chân, sau đó họ dùng xích sắt xích cô lại… loại ô nhục, tra tấn này không cách nào nói nên lời. Mỗi lần như vậy, cô bị một đám người tiến hành làm nhục, sau đó cô lại có thai… Nói đến đây, Giáo sư Chương cũng nghẹn, không muốn kể thêm vì nó vượt quá sức tưởng tượng và chịu đựng của con người.
Mạc Hoa tuy được cứu, nhưng tinh thần bị xung kích quá lớn, sau đó cô bị bệnh tâm thần nghiêm trọng. Về đến nhà, Mạc Hoa lúc thì thanh tỉnh, lúc thì hôn hôn mê mê; thêm vào đó, vì bị xích, bỏ đói và tra tấn trong thời gian dài, cô bị bệnh nặng; đồng thời Giáo sư Chương đoán rằng cô cũng không muốn sống nữa, bởi vì khi cha mẹ dẫn cô đi trị bệnh thì cô không hợp tác cũng không uống thuốc. Do đó chỉ vỏn vẹn sau 2 tháng về nhà thì Mạc Hoa tạ thế.
Khi cô còn thanh tỉnh, cô kể lại những ô nhục và tra tấn mà cô phải chịu, Giáo sư Mạc nghe xong, thì ‘nhất nguyệt bạch phát’ (tóc bạc trắng sau một tháng). Mẹ của Mạc Hoa là Giáo sư Ngô chịu không nổi việc con gái bị làm nhục và tạ thế, đến một ngày khi Giáo sư Mạc về nhà thì thấy yên tĩnh lạ thường, ông phát hiện trong thư phòng (phòng đọc sách) có bức thư kẹp với chai thuốc kịch độc, trong thư viết: ‘Tôi đi đây, hãy thay Hoa Hoa báo thù’.
Ông vội chạy vào phòng ngủ phát hiện vợ ông ăn mặc chỉnh tề nằm trên giường nhưng đã trúng độc mà chết, diện mạo dữ dằn đáng sợ, Giáo sư Mạc đột ngột ngất đi. Sau khi tỉnh lại, ông xoa xoa mắt vợ mình, dần dần mắt của bà mới nhắm lại. Nhưng đây chưa phải là cao trào của câu chuyện…
Một người bị bắt cóc, trả giá bằng tính mệnh cả làng
Giáo sư Mạc xé bức thư tuyệt mệnh, sau đó giấu chai thuốc kịch độc rồi báo cảnh sát (bởi vì vợ chết phải có lời giải thích nên mới báo cảnh sát). Sau đó toàn bộ việc hậu sự của vợ ông đều do Viện Hoá học làm.
Giáo sư Mạc đã trở nên ngây người từ sau cú sốc đó, ông ngồi suốt ngày trên một cái ghế, không mở mắt, cũng không nói chuyện. Nghĩ đến hoàn cảnh của ông, Viện Hoá học để ông nghỉ ngơi, không cần đi làm nữa. Giáo sư Mạc nói: ‘Qua một đoạn thời gian, tôi muốn đi ra ngoài cho thư thái’. Viện Hoá học đã đồng ý.
Giáo sư Mạc bán ‘căn nhà mà Viện đã cấp’ cho một người họ hàng xa. Tiền có được ông làm gì? Ông quay lại ngôi làng mà con gái bị bắt cóc rồi thuê một căn phòng…
Sau đó ông đến thôn kiểm tra nhiều lần, phát hiện được vị trí giếng mà người trong thôn lấy nước để uống, và áng chừng lượng nước dùng hàng ngày. Ông tính toán nên bỏ bao nhiêu thuốc độc vào giếng, sau đó không ngừng bỏ một lượng thuốc độc vào giếng.
Người trong làng lần lượt chết mà không thể giải thích được, đầu tiên là người già thân thể yếu, sau đó người trẻ cũng bắt đầu tử vong. Người trong thôn sợ quá bèn bỏ đi. Bên trên cũng coi trọng việc này, làm thế nào mà đột nhiên nhiều người chết như vậy, họ bèn phái người đi điều tra.
Khi điều tra, đúng lúc phía trên thôn họ có một nhà máy hoá chất ô nhiễm nặng, nhân viên điều tra thu thập một lượng lớn không khí, đất, nguồn nước, sau đó kết luận rằng chính nhà máy đã gây ô nhiễm. Nhà máy bị đình chỉ sản xuất. Người dân trong thôn lại lục tục kéo về.
Sau khi trở về lại bắt đầu một vòng tử vong mới. Bởi vì Giáo sư Mạc là chuyên gia hoá học, ông dùng một loại kịch độc mà trong nước (Trung Quốc) hiếm có, cho nên tổ chuyên án không cách nào điều tra được.
Tổ chuyên án lại đến thôn, Giáo sư Mạc lại ngừng việc đầu độc, cho nên vẫn không điều tra ra. Người trong thôn lại bỏ đi. Vị trưởng thôn vì để phối hợp phá án, đành phải ở lại thôn, cuối cùng trúng độc mà chết.
Sau đó Giáo sư Mạc dò la, xác nhận việc trưởng thôn đã chết, ông đã chủ động đến công an đầu thú… Toàn bộ quá trình của câu chuyện được ông giải thích khi đầu thú.
Hậu quả của xã hội không còn công chính
Cả Giáo sư Chương và chúng ta khi xem xong câu chuyện này thực sự không thể nói nên lời. Việc bắt cóc phụ nữ ở Trung Quốc đã phổ biến đến như thế. Những người bắt cóc còn hừng hực khí thế, còn gia đình nạn nhân bị tổn hại quá thê thảm, nhưng không một ai đòi chính nghĩa cho họ. Bởi vì nếu họ thật sự báo cáo lên toà án, toà án có thể nói con của Giáo sư Mạc (tức Mạc Hoa) phạm tội sát nhân.
Giáo sư Chương từng đọc cuốn ‘Tam ngôn nhị phách’ (三言二拍) cũng nói về những câu chuyện như thế này, nhưng đều không thảm như câu chuyện của Mạc Hoa. Loại bi thảm này quả thực một nhà biên kịch không thể viết ra được, nhưng sự việc thực tại ấy đã thật sự xảy ra.
Giáo sư Chương kể, trong ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 1: Đông Chu liệt quốc, có giảng về câu chuyện của Ngũ Tử Tư. Có thể nhiều người cho rằng sự thù hận của Ngũ Tử Tư lớn đến mức là ‘Quật mộ tiên thi’ (掘墓鞭屍: Quật mộ quất xác) Sở Bình Vương. Nhưng khi xem câu chuyện nhà Giáo sư Mạc, Giáo sư Chương không thấy giận họ, mà là thông cảm cho họ.
Nếu Giáo sư Mạc báo cảnh sát hoặc toà án, ông không có cách nào báo thù cho con gái, cho nên ông mới chọn con đường ấy, cuối cùng tất cả đều chết…
Người đến thế gian là món quà của Thượng Đế, tại sao phải làm việc ác để sinh sống?
Những người trong thôn nói rằng ‘vì nghèo, tìm không thấy cô dâu nên phải bắt cóc’, Giáo sư Chương nhìn nhận: Tại sao không nghĩ biện pháp để họ giàu lên, để cho họ nhận giáo dục, học một kỹ năng làm việc… mà phải chọn cách thức cực đoan và mất nhân tính như vậy.
Có người nói ‘thôn ấy nghèo như vậy, phải làm thế nào?’. Là một người có tín ngưỡng chân chính và tinh thần nhân văn, Giáo sư Chương nhìn nhận, một người nghèo hay một địa phương nghèo có quan hệ với nghiệp lực nơi đó. Một người có được hạnh phúc hay ác báo trên thế gian, có tiền hay không tiền… đều liên quan đến việc làm tốt – xấu ở đời này hoặc đời trước.
Một người nghèo nếu muốn thật sự cải biến vận mệnh thì phải bắt đầu từ việc làm người tốt. Khi càng ngày càng tốt, anh ta sẽ tích luỹ phúc phận, như thế ít nhất đời sau anh ta sẽ không nghèo nữa. Cho nên chúng ta thấy ở Tây Tạng, hoặc rất nhiều địa phương du mục, họ rất nghèo nhưng cuộc sống lại vô cùng vui vẻ, bởi vì họ có tín ngưỡng, họ có hy vọng. Họ cho rằng đức tin chân thành đối với Thần Phật sẽ mang lại cho họ phúc báo sau này, thậm chí tương lai họ còn có cơ hội tu luyện.
Do đó Giáo sư Chương nhìn nhận, thật sự đối xử tốt với người khác chính là phải bảo họ làm người tốt, chứ không phải biện hộ cho tội ác của họ.
Giáo sư Chương tin rằng, mỗi người đến thế gian này chính là một món quà của Thần. Thần đã đem bạn đến thế gian, Ngài đã cho bạn một phiếu ăn. Trong Thánh Kinh, Chúa Giê-su nói rằng: “Đừng lo ngày mai ăn gì. Chim trên Trời không trồng trọt cũng như thu hoạch, Chúa Cha vẫn nuôi sống nó”, bởi vì nó đã đến thế gian, nên Thần nhất định sẽ an bài cho nó thức ăn nước uống mới có thể đảm bảo cho nó tiếp tục sinh sống.
Con người đến thế gian cũng nhất định có được con đường sinh sống của mình. Nếu đi chính lộ (正路: đường chính), Giáo sư Chương tin rằng người ấy sẽ có cuộc sống giống như một con người, có tôn nghiêm và lòng tự trọng. Thế thì vì sao lại thông qua tội ác như bắt cóc, tra tấn, chà đạp người khác để duy trì duy hậu duệ? Sinh mệnh này mỗi ngày vẫn tiếp tục gây tội ác, chúng ta nghĩ xem ác báo của họ trong tương lai sẽ đáng sợ như thế nào?
Đây không phải là trường hợp cá biệt, trong một bài trước, Giáo sư Chương đã tính toán sơ bộ: ở Trung Quốc mỗi năm có 100 nghìn người bị buôn bán. Bao nhiêu thảm kịch nhân gian dưới sự thống trị của ĐCSTQ. ĐCSTQ nắm quyền lực vô hạn nên phải có trách nhiệm vô hạn tương ứng. Ở Trung Quốc có khoảng 600 triệu camera giám sát, bạn chỉ cần nói một câu lăng mạ tổ chức này, thì 5 phút sau có cảnh sát sẽ tới bắt. Vậy tại sao không giải quyết được vấn đề bắt có buôn bán phụ nữ?
Nhưng trong bóng tối chúng ta vẫn thấy chút ánh sáng. Ngày 12/2, tờ Epoch Times Hồng Kông đã đăng tin tức rằng: tối ngày 7/2, có gần 100 phụ nữ lái xe đến huyện Phong, thành phố Từ Châu để thăm bà mẹ 8 con đang bị giam ở bệnh viện tâm thần, kết quả bị cảnh sát chặn lại…
Những người phụ nữ này đến và mang theo dòng chữ: “Chị ơi, thế giới không bỏ rơi chị. Chúng em đã đến đây”. Nhưng về cơ bản họ không có cách nào tiếp cận được bệnh viện tâm thần. Nghe nói những người này khi trở về còn gặp rắc rối, cảnh sát triệu tập hoặc tạm giữ một số người.

Sự việc như thế này cho thấy, trên thế giới vẫn còn người có trái tim không lạnh nhạt hoặc bị ‘trơ’ trước cái ác. Đương nhiên, trên thế giới còn rất nhiều rất nhiều người đang làm việc tốt, do đó dù thế nào, chúng ta không được thất vọng đối với thế giới này.
Giáo sư Chương câu chuyện trên không chỉ là kể một câu chuyện bi thảm, mà là muốn nói rằng: người sống trên thế gian này có tốt có xấu, có hạnh phúc và bất hạnh, đều là do nghiệp lực mỗi cá nhân tạo thành. Mỗi người dù trong tình huống gian nan như thế nào, thì trong tim luôn hướng thiện, thông qua chính lộ mà thay đổi dần vận mệnh của mình, không được thông qua việc tạo ác mà có được vui vẻ tức thời.
Mạn Vũ