Hầu hết những chuyện liên quan đến mệnh lý đều ở trong trạng thái thật giả lẫn lộn khó phân, đều thuộc một loại hình thăm dò và tham vấn không mấy chắc chắn về số mệnh của con người. Lý do nằm ở lỗ hổng trong hiểu biết của bản thân nhân loại về các vị Thần chân chính…

Khi nhắc đến cái tên “Trương Tam Phong”, hầu hết mọi người đều nghĩ đến vị tông sư phái Võ Đang tiên phong đạo cốt với thần công hơn người trong các tiểu thuyết võ hiệp, hay các tác phẩm điện ảnh, truyền hình. Đặc biệt là hình tượng Trương Tam Phong dưới ngòi bút của Kim Dung, quả thực khiến cho những người ngày nay khó có thể quên. Mặc dù những miêu tả về hình tượng của Trương Tam Phong trong văn học và phim ảnh hầu hết là hư cấu, nhưng trên thực tế, Trương Tam Phong ngoài đời thực là một người tu luyện có thành tựu lớn và có ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử. Ngoài việc quảng bá văn hóa Đạo gia Trung Hoa, ông còn là người khai sáng ra môn đạo chính thống và võ công của phái Võ Đang, để lại cho lịch sử một huyền thoại bất hủ.

Theo ‘Liệt truyện – cuốn 187 – Phương kĩ truyền’ thuộc ‘Minh sử’ ghi chép: “Trương Tam Phong, là người Ý Châu, Liêu Đông, tên là Toàn Nhất, một tên khác là Quân Bảo, hiệu là Tam Phong”. Có người cho rằng Trương Tam Phong được sinh ra vào thời nhà Kim, “đầu thời Nguyên cùng học một thầy với Lưu Bỉnh Trung, sau này học Đạo ở cung Thái Thanh thuộc Lộc Ấp”. Đáng tiếc, tình huống cụ thể ra sao đến nay vẫn khó mà xác minh được.

Tuy nhiên, nếu căn cứ theo thông tin thời gian như trên để tính toán, Trương Tam Phong ít nhất cũng phải 150 tuổi, có thể so sánh với số tuổi của Tôn Tư Mạc thời nhà Đường. Tuổi thọ của các đạo sĩ đắc Đạo đều kéo dài như vậy. Đạo sĩ khi duyên đến bắt đầu bước vào Đạo gia tu chân tu thân, vừa tu tâm tính vừa tu mệnh, giữ gìn thân và tâm, đức dày, hiểu được Đạo, từ đó có thể kéo dài tuổi thọ. 

Những ghi chép về Trương Tam Phong trong ‘Minh sử’ còn khá sơ sài, nhưng những thần tích về ông thì được lưu lại rõ ràng hơn một chút, chẳng hạn như: dù là mùa đông hay mùa hạ, ông đều mặc rất ít quần áo, có khi ăn nhiều nhưng cũng có lúc chẳng ăn thứ gì trong vài tháng. Ông có thể đi được bậc ngàn dặm trong một ngày, có thể bị chôn xuống đất rồi sau đó sống lại. Ông vân du khắp nơi, lưu lại tại đó các dấu tích đặc sắc. Những nhân vật tu luyện đắc Đạo như Trương Tam Phong, vốn dĩ trong dòng sông dài của lịch sử nhân loại, chính là những đầu mối và chỉ dẫn lịch sử có ý nghĩa cốt lõi chân chính nhất. Thật đáng tiếc, khi khái niệm khoa học hiện đại chiếm một vị trí thống trị trong thế giới nhân loại ngày nay, nó đã dẫn đến việc rất nhiều những sự tích thần kỳ của các cao nhân giống như Trương Tam Phong ngược lại bị coi thành những câu chuyện giả tưởng về văn hóa ẩn dật tu tiên, trở thành một loại kính ngưỡng hay thậm chí là trò cười cho thế gian. Vì vậy, ý nghĩa nguyên bản của lịch sử và văn hóa thực của nhân loại ít nhiều trở nên khó hiểu đối với đa phần người sống trong xã hội hiện nay.

Trong số đó, kỹ năng bói toán, xem tướng đã có lịch sử lâu đời và từng chiếm vị trí văn hóa quan trọng trong một số giai đoạn lịch sử của văn hóa lịch sử nhân loại. Ví dụ, thể chữ giáp cốt văn mà mọi người biết đến thực chất chính là những văn tự và quẻ bói do cổ nhân thời kỳ Thương – Chu sau khi bói toán lưu truyền lại. Vậy tại sao người xưa lại tin tưởng, hay theo đuổi những câu trả lời mà bói toán dành cho con người đến thế?

Bói toán – một vấn đề vừa mẫn cảm lại vừa vượt qua khỏi tư duy khoa học hiện đại – vẫn cần có thêm nhiều học giả tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và chứng minh. Sở dĩ mọi người không nên xem nhẹ nó, là vì có thể bởi một vài lý do nào đó, việc bói toán chính xác đối với một số người. Ngược lại, nếu bói toán không chính xác, phải chăng cũng là có nguyên nhân?

Đối với những người rất thích thú với việc toán quái, toán mệnh, hoặc những người vô cùng muốn được người khác toán quái, toán mệnh cho mà nói; nếu có thể đọc được phần ‘Tướng bốc thiên’ trong ‘Trương Tam Phong toàn tập’ thì đó là một điều tốt. Vì đọc phần này, người ta sẽ cảm nhận được rằng lý giải về bói toán của người xưa từ lâu đã cực kỳ sâu sắc và chuẩn xác. Đối với chúng ta mà nói, những hiểu biết của người xưa là một loại học vấn chính danh và khai thông tư tưởng mang tính chính diện, đồng thời nó cũng giúp ích cho việc nhân loại có thể lý giải một cách tích cực về nội hàm bản chất của văn hóa bói toán.

Trước hết, Trương Tam Phong chia con người thành ba bậc, đó là bậc trên (thượng), bậc giữa (trung) và bậc dưới (hạ). Đối với từng bậc có kèm theo giải thích tương ứng rõ ràng, những người thuộc bậc trên và bậc dưới đều là người có mệnh. Cái gọi là “có mệnh” thực tế chính là toàn bộ mệnh lý và vận mệnh đều đã được định sẵn, vô cùng khó thay đổi. Khổng Tử từng nói: “Duy thượng tri dữ hạ ngu bất di” (tạm dịch: ‘Chỉ phần trên học rộng hiểu nhiều cùng phần dưới ngu dốt kém cỏi là không đổi’) (‘Dương hóa đệ thập thất’ trong ‘Luận ngữ’). Vì vậy, Trương Tam Phong cũng nói: “Duy thượng dữ hạ, tính thụ nan di’ (tạm hiểu: chỉ có bậc trên và bậc dưới mang tâm tính cùng tư tưởng khó thay đổi). Đạo lý ở đây cùng những gì được nhắc đến trong ‘Luận ngữ’ của Khổng Tử là như nhau. Nói một cách đơn giản, chính là những người cực tốt cùng những người cực xấu đều rất khó thay đổi mệnh vận và mệnh lý của họ.

Nếu đúng như vậy, điều gì sẽ xảy ra với những người thuộc bậc trung (bậc giữa)? Trương Tam Phong cho rằng người thuộc bậc trung là “vô mệnh”, tại sao? Lẽ nào vạn sự vạn vật lại không có mệnh lý chân chính dành cho mình? Trương Tam Phong giải thích cụ thể vấn đề này như thế nào?

Kỳ thực, Trương Tam Phong đã chỉ ra một mối quan hệ mơ hồ và bất ổn định trong mệnh lý của những người thuộc bậc trung. Đó chính là vấn đề: Liệu rằng người bậc trung sẽ thuộc vào tình huống ‘không lên không xuống’ hay tình huống ‘có thể lên và cũng có thể xuống’ giữa hai bậc trên và dưới. Những tình huống này đều là những yếu tố vô cùng không xác định và có nhiều khả năng đa dạng. Vậy nên, người bậc trung có thể được xếp vào loại ‘vô mệnh’, nhưng không hẳn là hoàn toàn không có vận mệnh.

Lão Tử cũng đã nói trong Đạo Đức Kinh: ‘Thượng sĩ văn Đạo cần nhi hành chi. Trung sĩ văn Đạo nhược tồn nhược vong. Hạ sĩ văn Đạo đại tiếu chi. Bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo’ (tạm hiểu: Kẻ sĩ bậc trên nghe Đạo cần cù mà hành xử theo Đạo. Kẻ sĩ bậc giữa nghe Đạo, lúc thì ghi nhớ làm theo, lúc lại quên đi không làm nữa. Kẻ sĩ bậc dưới nghe Đạo, lớn tiếng cười. Không cười thì không đủ được coi là Đạo) (Chương 41, bản thông hành).

Kẻ sĩ bậc trên (thượng sĩ) nghe đến Đạo sẽ lập tức nghiêm túc cố gắng học Đạo, còn kẻ sĩ bậc dưới (hạ sĩ) nghe đến Đạo liền cảm thấy rất nực cười, căn bản sẽ không học Đạo. Thế nhưng, kẻ sĩ bậc trung (trung sĩ) thì sao? Trung sĩ  thuộc về trạng thái ‘lúc có lúc không’, dường như có học Đạo, lại dường như không đang học. Muốn học Đạo liền học, không muốn học liền không học nữa, ở trong trạng thái dao động tùy thời không xác định. Vậy nên những người thuộc bậc trung đều có thể ở trong trạng thái ‘có thể lên có thể xuống, hoặc lên hoặc xuống’ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, dù ở trong tình huống nào, nếu như người trung sĩ không  hoàn toàn thoát khỏi khả năng bị rơi xuống dưới, không hoàn toàn kiên định tự mình học Đạo, vậy thì đều sẽ đánh mất cơ hội, triệt để mất đi khả năng tu Đạo và đắc Đạo.

Đó chính là nguyên nhân vì sao Trương Tam Phong nói: ‘Ly hạ tuyệt hạ nãi phi hạ’ (rời xa tư tưởng tầng thấp, đoạn tuyệt với tư tưởng tầng thấp, thế mới không thuộc tầng thấp). Những người trung sĩ cần kiên định với ý chí của bản thân và từ bỏ những thói quen xấu khiến cho bản thân bị rơi rớt xuống tầng dưới.

Thứ ba, từ điều này có thể rút ra một kết luận: “Tướng tự ngã cải, mệnh tự ngã tạo” (tạm dịch: Tướng do tự mình sửa, mệnh do tự mình tạo). Đây là lời khuyên tốt nhất dành cho đa số những người thuộc bậc trung (trung sĩ). Bản tính và bản tâm của tự ngã chân chính mới là nơi chứa đựng bản chất đích thực của vận mệnh, hơn nữa, con người cũng sẽ tùy theo nó mà nảy sinh các loại thay đổi. Mệnh lý của nhân loại làm sao có thể chắc chắn không thay đổi được?

Thứ tư, Trương Tam Phong đã trực tiếp chỉ ra bản chất của việc đoán trước vận mệnh trong bói toán và xem tướng. Đó là: Dù thầy bói và thầy xem tướng số có tính toán như thế nào đi chăng nữa, thì họ cũng chỉ tính ra được thân mệnh của một người chứ không nhìn ra được tâm tính của người đó; chỉ có thể tính ra được mệnh lý của một người chứ không nhìn ra được phẩm chất đạo đức của họ. Từ những lý lẽ này, chúng ta có thể quay ngược lại mà suy ra rằng: nếu không thể nhìn được tâm tính của một người, vậy làm sao có thể tính được thân mệnh của người đó? Nếu đã không thể thấy được phẩm chất đạo đức của một người, vậy thì làm thế nào có thể tìm ra được mệnh lý của họ? Vì thế, không nên để bản thân dễ dàng bị những người xem tướng mê hoặc, lừa gạt. Những người tâm tính cao, thân tâm ngay thẳng, đó mới là người có tướng tốt đẹp. Cũng không nên để bị những người làm nghề bói toán lừa dối, dùng mưu kế đùa bỡn. Phẩm chất đạo đức của con người là huyền diệu hơn bói toán. Đạo đức kiên định thuần chính, đó là người có vận mệnh tốt.

Thứ năm, cũng là điều cuối cùng, Trương Tam Phong khuyên nhủ con người giữ gìn tâm tính và phẩm chất đạo đức của bản thân, như thế tự nhiên là đang giúp chính bản thân mình tính toán vận mệnh. Đồng thời, Trương Tam Phong cũng khuyên những người xem bói, xem tướng tốt nhất nên nhắc nhở những người đến nhờ họ coi mệnh hãy tự mình tu tâm tích đức, làm một người tốt, một người lương thiện, làm một người có khí phách, dựa theo kinh sách Đại Đạo để suy luận ra vận khí của chính mình.

Qua những điều kể trên, chúng ta biết rằng hầu hết những chuyện liên quan đến mệnh lý đều ở trong trạng thái thật giả lẫn lộn khó phân, đều thuộc một loại hình thăm dò và tham vấn không mấy chắc chắn về số mệnh của con người. Lý do nằm ở lỗ hổng trong hiểu biết của bản thân nhân loại về các vị Thần chân chính khiến cho nhân loại không cách nào vượt ra khỏi giới hạn nhận thức của bản thân, từ đó mới tạo thành những kết quả mờ mịt không rõ ràng. Hy vọng rằng mọi người đều có thể nhận thức một cách chính xác về Đại Đạo mà vận mệnh của mỗi người hướng tới, đạt được sự thăng hoa thực sự, và trở thành một người có đạo đức, có khí phách.

(Tài liệu tham khảo: ‘Trương Tam Phong toàn tập’, do Phương Xuân Dương hiệu chỉnh, Nhà xuất bản sách cổ Chiết Giang, ấn bản 1990)

Phụ lục:

‘Tướng bốc thiên’ của Trương Tam Phong
Thượng nhân hữu tướng, hạ nhân hữu tướng, trung nhân vô tướng.
Thượng nhân hữu mệnh, hạ nhân hữu mệnh, trung nhân vô mệnh.
Duy thượng dữ hạ, tính thụ nan di, bất tất luận dã.

Tư duy nhĩ trung nhân, bất thượng bất hạ, khả thượng khả hạ, hoặc thượng hoặc hạ. Bất thượng bất hạ nãi thị hạ, khả thượng khả hạ do thị hạ, hoặc thượng hoặc hạ chung thị hạ, ly hạ tuyệt hạ nãi phi hạ.

Tướng tự ngã cải, mệnh tự ngã tạo, cổ nhân hữu ngôn bất nhữ khi dã. 

Túc thao tướng toán giả, diệc chỉ tướng nhữ thân, nan tướng nhữ tâm, diệc chỉ toán nhữ mệnh, nan toán nhữ đức. Bất năng tướng nhữ tâm, túc bất năng tướng nhữ thân dã; bất năng toán nhữ đức, túc bất năng toán trạng mệnh dã.

Mạc thụ tướng giả ngu, tâm trí vu tướng dã, tâm thể chính, hảo tướng dã; mạc bị toán giả quỷ, đức thần vu toán dã, đức tính kiên, hảo mệnh dã. 

Ngô nguyện nhĩ thế nhân, tự tướng tự toán; ngô nguyện nhĩ tướng giả, khuyến nhân tu tâm; ngô nguyện nhĩ toán giả, khuyến nhân tích đức.

Nhất thiết cốt khí, thả chiếu thư đàm, nhất thiết vận khí, thả chiếu thư suy, suy dĩ phục ngôn đức, đàm dĩ phục ngôn tâm, ngụ khuyến hóa vu tướng toán chi trung, Ma Y Tam Tổ, Tử Bình tiên sinh, tất tứ nhĩ đẳng y phạn hĩ.

Tạm dịch ‘Tướng bốc thiên’ của Trương Tam Phong:

Người bậc trên có tướng, người bậc dưới có tướng, người bậc giữa vô tướng. Người bậc trên có mệnh, người bậc dưới có mệnh, người bậc giữ vô mệnh. Duy chỉ bậc trên và dưới, tâm tính cùng tư tưởng là khó đổi, không cần bàn đến.

Duy có người bậc trung, không ở trên cũng không ở dưới, có thể lên có thể xuống, hoặc lên hoặc xuống. Không phải ở trên cũng không phải ở dưới, đó vẫn là đang ở dưới, có thể lên có thể xuống vẫn là còn ở dưới, hoặc lên hoặc xuống suy cho cùng cũng là ở dưới, rời xa tầng dưới đoạn tuyệt với tầng dưới đó mới không phải là ở dưới. 

Tướng tự mình đổi, mệnh tự mình tạo, lời của người xưa không hề lừa gạt.

Người làm nghề bói toán xem tướng, chỉ xem được tướng trên thân thể, khó xem được tướng của lòng người, chỉ có thể tính được mệnh, khó mà tính được đức. Không thể xem được lòng người, vậy thì cũng không thể xem đúng tướng trên thân thể; không thể tính được đạo đức, vậy thì cũng không thể tính đúng vận mệnh.

Đừng tiếp nhận những lừa gạt của người xem tướng, giữa tâm trí và tướng số, tâm thân ngay chính sẽ có tướng số tốt; đừng để bị những người coi bói giở trò bịp bợm, giữa đạo đức tinh thần và bói toán, đức tính kiên định ắt sẽ có vận mệnh tốt đẹp. 

Ta mong rằng con người trong thế gian, có thể tự mình tạo tướng tạo mệnh; ta mong rằng những người hành nghề tướng số, khuyên người ta tu tâm; ta mong rằng những người hành nghề bói toán, khuyên người ta tích đức.

Hết thảy cốt khí, đều đối chiếu theo kinh sách mà nói, hết thảy vận khí, đều đối chiếu từ kinh sách mà suy ra. Có như vậy, khi suy ra mới bao hàm cả đức, khi nói đến mới bao hàm cả tâm (lòng người), cân bằng giữa bói toán xem tướng và khuyến thiện, Ma Y Tam Tổ, Tử Bình tiên sinh ắt sẽ ban cho người đó của ăn của mặc. 

Theo Seccret China
Trường Lạc biên dịch