Cuộc sống không thể thiếu niềm tin, bởi chính niềm tin sẽ giúp chúng ta vững bước trên suốt chặng đường dài để đến đích cuộc đời. Đã có giai đoạn niềm tin của người Hà Nội đã bị mai một, nhưng giờ đây niềm tin đã trở lại, mang đến tia nắng rực rỡ cho lương tri.

Anh Đức sinh ra ở một làng quê nghèo bên bờ sông Đáy thuộc một huyện ngoại thành Hà Nội. Thuở nhỏ sống trong lũy tre làng với cây đa, bến nước và ngôi đình, trong tâm hồn anh là những câu ca dao, làn điệu hò thấm đẫm văn hóa truyền thống tốt đẹp của người phương Đông. Cũng giống như hầu hết mọi người ở quê, anh sinh ra đã là người tốt, khuôn mặt điển trai ánh lên vẻ rất mộc mạc, thuần phác.

Học hết phổ thông, không thi đỗ đại học, anh xin làm việc rất nhiều nơi, nhưng tình cảnh người nhiều việc ít khiến anh xoay sở mãi mà vẫn thất nghiệp. Nhà nghèo nhưng cũng cố gắng vì con, bố mẹ anh đã tích cóp, vay mượn được ít tiền để anh đi lao động ở Nhật Bản. Anh sống và làm việc ở đất nước này hơn sáu năm. Ông chủ người Nhật vô cùng quý mến anh vì anh là người tốt, ý muốn cho anh ở lại làm thêm, nhưng đã gần ba mươi tuổi, “tam thập nhi lập” nên anh muốn về Hà Nội làm việc.

Văn hóa truyền thống thấm vào anh tự lúc nào không biết, có thể là từ lúc lọt lòng đã có, rồi được nuôi dưỡng trong một gia đình gia giáo, bố làm thầy dạy chữ Hán và kiêm bốc thuốc Nam. Nhà nghèo nhưng lễ giáo lại có phần nghiêm khắc, anh luôn được dạy rằng làm người thì nhất định phải làm người tốt, sẵn sàng giúp đỡ người, làm gì cũng phải nghĩ đến người khác trước tiên, xét xem việc ấy đối với người khác có bị ảnh hưởng không, không được sống tự tư, không được chỉ nghĩ lợi về mình mà hại người.

Anh cũng như hầu hết người ở quê anh đều tin các đạo lý của nhà Phật như luân hồi, nhân quả, làm điều thiện lành thì được hưởng phúc báo, làm điều xấu thì sẽ bị quả báo. Ở quê sợ nhất là bị quả báo, người ta nói là người ấy, nhà ấy ăn ở thất đức nên bị quả báo thì khó sống lắm, không thể sống phớt lờ dư luận và con mắt người quê được, nên ai cũng gắng sống tốt.

Thực tế ở quê luôn có nhiều tấm gương để noi theo, các cụ thường lấy để răn dạy con cái, hãy xem nhà kia, người ta sống có đức nên được hưởng phúc lộc, con cháu đàng hoàng có học hành, được trọng vọng… Chính văn hóa truyền thống tốt đẹp này đã duy trì ước thúc được đạo đức tốt đẹp vốn có của người Việt qua hàng nghìn năm mà không bị tha hóa, băng hoại.

Làng quê nghèo bên bờ sông Đáy nơi a Đức sinh ra: ẢNh dẫn theo wikiwand.com

Anh là người tốt, sống chân thiện, hiền lành, hay giúp đỡ người khác và trong tâm luôn có đức tin đối với Thần Phật. Sang đến Nhật, anh vô cùng choáng ngợp khi thấy đạo đức, tính nhân văn, cái tốt của người Nhật còn tốt hơn anh tưởng nhiều lần. Con người sống thân thiện, chan hòa và trân quý nhau, người ta gặp nhau là cúi đầu chào hỏi.

Đi ngoài đường không tranh giành, bon chen mà rất có thứ tự. Có lần anh đi xe đến ngã tư không có đèn xanh đỏ, từ bốn phía đều có người, tất cả đều dừng lại, ai cũng vội nhưng người nọ dơ tay nhường người kia, không ai dám đi trước. Anh thấy lạ và cứ suy ngẫm mãi vì sao họ lại có thể vì người khác, nhường nhịn nhau đến thế.

Còn về chuyện không trộm cắp, không lấy đồ của người khác, cái gì không phải của mình thì nhất định không được lấy, nếu tham lam lấy cái của người khác thì sẽ bị tội nghiệp rất nặng, sẽ bị quả báo cũng đã được bố anh dạy rồi, nhưng xem ra tại Nhật thì ai cũng hành xử như vậy, như là lẽ hiển nhiên mà không cần ai phải dạy cả.

Ví như cửa hàng bán hoa quả ở các vùng ngoại ô, nhiều nơi không có người bán, ai mua thì tự vào chọn hàng, xem giá và tự bỏ tiền vào hòm đựng tiền hoàn toàn tự giác, không ai lấy thừa, cuối ngày người chủ cửa hàng quay lại lấy tiền không thiếu một xu.

Anh cũng là người được chứng kiến thảm họa động đất sóng thần xảy ra ở Nhật hồi năm 2011. Những câu chuyện xúc động lòng người về đạo đức và tính nhân văn của người Nhật đã khiến cả thế giới chấn động. Sau thảm họa, những người mất hết nhà cửa, mất người thân, trong cái lạnh, cái đói nhưng đã không hỗn loạn, không tranh giành thức ăn, họ lặng lẽ xếp hàng đợi đến lượt mình nhận thức ăn cứu trợ.

Câu chuyện cảm động được báo chí nói nhiều là cậu bé 9 tuổi rét run, đứng xếp hàng chờ nhận thức ăn, cả bố mẹ và em gái khả năng đều bị mất hết trong thảm họa. Một người cảnh sát thương cảm đã cởi áo khoác trùm lên người em, vô tình gói khẩu phần ăn tối của người cảnh sát bị rơi ra, anh ấy nhặt lên đưa cho em bé vì lo rằng đến lượt em thì hết thức ăn. Em bé cúi người cảm ơn nhận lấy, rồi bất ngờ đưa phần thức ăn đó lên để vào thùng thức ăn đang phát rồi quay lại xếp hàng tiếp. Em nói còn có nhiều người cũng đói, để phát chung cho công bằng.

Những câu chuyện về đạo đức con người, về lương thiện, công bằng và sự hy sinh cho nhau giống như huyền thoại ở Nhật đã làm anh Đức thực sự xúc động. Chúng khắc sâu vào tâm hồn anh, giúp anh trở thành người tốt hơn. Từ đây anh biết rằng chính đạo đức truyền thống, đức tin vào Thần Phật, cộng với sự chăm chỉ lao động của người Nhật là nguyên nhân tạo nên kỳ tích phát triển của đất nước hoa anh đào này.

Đạo đức truyền thống, đức tin vào Thần Phật, cộng với sự chăm chỉ lao động của người Nhật là nguyên nhân tạo nên kỳ tích phát triển của đất nước hoa anh đào này: Ảnh dẫn theo keywordsuggest.org

Anh tin nếu người Việt cũng có đức tin, cũng khôi phục lại đạo đức truyền thống thì cũng sẽ làm nên được thần tích của mình. Trở về nước, với số vốn nhỏ tích cóp trong 6 năm, sau khi trả nợ và tu bổ sửa sang nhà cửa cho bố mẹ,  anh còn chút ít để làm vốn kinh doanh.

Anh có kinh nghiệm làm ở Nhật, nhưng về nước không tìm được việc gì thích hợp, đành phải quay sang làm thương mại, buôn bán lưu thông hàng hóa đến các vùng sâu vùng xa. Lúc đầu anh chọn địa điểm bán hàng ở Sơn La, vì ở đó có bạn cùng đi lao động về, hiểu nhau và tin tưởng nên phối hợp làm ăn.

Anh áp dụng lòng tin vào kinh doanh và xây dựng mô hình kinh doanh thương mại dựa trên niềm tin giữa các đối tác. Anh cung cấp hàng gia dụng, điện máy đến tận tay cho các cửa hàng bán lẻ ở thành phố Sơn La theo yêu cầu nhập hàng của họ, chịu trách nhiệm về chất lượng chủng loại, chịu trách nhiệm bảo hành đổi trả hàng mới khi có vấn đề, chịu trách nhiệm về giá cả luôn là rẻ nhất.

Trong thời gian ở Nhật anh cũng rất để tâm học tập kinh nghiệm kinh doanh của họ, nó giúp anh thuận lợi hơn khi xây dựng cả một hệ thống kinh doanh bài bản, gồm nguồn hàng đầu vào, kho chứa hàng trung chuyển ở Hà Nội và Sơn La, vận tải hàng về kho và đến tay người mua, hệ thống sổ sách, kế toán.

Nguyên lý cốt lõi của anh là lấy chữ tín làm đầu, tất cả mọi người tham gia vào chuỗi kinh doanh này phải nhất trí hợp tác trên cơ sở niềm tin, đạo đức, trách nhiệm và lòng tự trọng của con người. Anh và những người bạn của anh làm gương thực hiện trước và hướng dẫn cho tất cả mọi người từ người kiểm đếm hàng, đóng gói, bốc vác, giao hàng, người lái xe, người ghi sổ sách, chỉ những ai tâm kính Phật và có đức tin đối với Phật mới được nhận vào công ty anh.

Những người có niềm tin vào Thần Phật, có tâm Kính Phật sẽ tin vào nhân quả, vì thế họ sẽ không bao giờ làm điều xấu, họ là những người thiện lương: Ảnh dẫn theo tansinh.net

Để tạo niềm tin, anh cho người mua lấy hàng trước, trả tiền sau, công việc kinh doanh ban đầu suôn sẻ, nhưng chỉ sau đó xuất hiện rất nhiều vấn đề khó khăn do chưa có kinh nghiệm kinh doanh, vốn ít không đủ để nhập hàng.

Nguồn hàng cung cấp cho anh không ổn định, chất lượng không đảm bảo và chính sách bảo hành không như mong muốn, thường thì chỉ bảo hành đổi trả 1% số hàng, nếu nhiều hơn thì anh phải tự bù, đây chính là nguyên nhân gây lỗ, chỉ sau một năm thì lỗ gần như hết vốn ban đầu.

Nhưng bù lại anh có một lượng khách lớn và có được niềm tin về chữ tín của anh, anh cố gắng bằng mọi cách để duy trì kinh doanh, nhưng nguy cơ phá sản đã cận kề vì quá thiếu vốn.

Rồi may mắn mỉm cười với anh, một ông chủ lớn ở Nhật trong một lần tìm hiểu thị trường Việt Nam đã được nghe tiếng về anh, một người tốt bụng, muốn kinh doanh trên nền tảng chữ tín nên đã gặp mặt và cảm mến người thanh niên này. Lại thêm may mắn kỳ lạ khi ông chủ người Nhật này và ông chủ cũ nơi anh từng làm 6 năm tại Nhật lại là bạn thân của nhau. Ông chủ cũ đã hết lời ca ngợi về anh và có ý nhờ bạn quan tâm đến anh.

Ông người Nhật cùng các chuyên gia cộng sự đi cùng đã trực tiếp kiểm tra cơ sở kinh doanh của anh, anh đã không giấu giếm gì, đưa toàn bộ sổ sách để họ xem xét. Với kinh nghiệm của mình ông biết ngay lỗi ở đâu và cách xử lý nó.

Ông tốt nghiệp xuất sắc trường đại học thương mại Tokyo, ông biết là tri thức kinh doanh rất quan trọng và thay đổi theo từng thời kỳ nên công ty của ông rất coi trọng đào tạo cả lý thuyết và thực tế, có hẳn một trung tâm đào tạo để bổ sung cập nhật kiến thức cho các nhân viên.

Thời nay không thể kinh doanh theo kiểu cảm tính, ông biết lỗ hổng lớn nhất của anh là ở đây, nên ông đã nhận anh là đại lý ở nước ngoài để anh được sang đào tạo 4 tuần ở Nhật. Đồng thời ông chỉ đạo thư ký đưa anh đi học hỏi thực tế ở những cơ sở kinh doanh có mô hình dễ học, anh sang dạ nên tiếp thu rất nhanh, kế hoạch cải tổ kinh doanh do anh viết ra đã được thư ký của ông đánh giá có tính thực tiễn cao.

Sau thời gian ngắn anh đã được làm đối tác trực tiếp từ Nhật với những ưu đãi về buôn bán rất tốt mà những người kinh doanh khác khó có được. Thế là từ địa bàn tỉnh Sơn La đến nay anh đã mở rộng địa bàn kinh doanh đến nhiều tỉnh khác, doanh số và lợi nhuận ngày càng tăng lên, công ty của anh đã có ảnh hưởng lớn trên thị trường.

Anh chia sẻ một bí mật, cũng là muốn để giúp mọi người thêm kinh nghiệm khi làm ăn với người Nhật. Người Nhật khi kiểm tra tính chân thực của số liệu là dựa trên một phần mềm chứ không hề cảm tính, nếu đưa một bảng báo cáo cho họ, thì các số đầu của các dãy số sẽ được nhập vào phần mềm, ngay sau đó họ biết độ chính xác của số liệu khoảng bao nhiêu %.

Cơ sở lý luận là xác suất xuất hiện số 1, số 2 trong tất cả các dãy số tự nhiên bất kỳ đều rất cao, chiếm khoảng 46%, các số còn lại chiếm 54%. Như vậy, xác suất xuất hiện số lớn như 8, 9 rất thấp. Vậy nếu kết quả từ báo cáo mà ngược quy luật này thì khả năng số liệu đã được chế biến, không theo tự nhiên, nên độ chính xác không tin cậy.

Vượt qua khó khăn một cách kỳ diệu, Đức tin là chỉ có Thần Phật mới giúp anh được thuận lợi như thế, bây giờ anh trở nên nổi tiếng trong giới kinh doanh về chữ “tín” và sự thành công nhờ chữ tín, những người hợp tác kinh doanh với anh đều thấy lợi ích khi giữ đạo đức kinh doanh và cũng học tập theo.

Nắng Mới

Xem thêm: