Tào Bân là đại thần khai quốc của triều đại nhà Tống. Ông có công thống nhất Tây Vực và Nam Đường. Mặc dù Tào Bân là đại tướng quân oai phong lừng lẫy thiên hạ, nhưng ông lại có tính cách hiền hậu, nhân từ, luôn biết nghĩ cho người. 

Khi Tào Bân trấn giữ ở Từ Châu, có một tên quan nhỏ phạm tội. Chiếu theo quân pháp thì người đó phải bị trừng trị nghiêm khắc. Tào Bân cũng biết điều đó, định tội cho anh này nhưng lại không thi hành án phạt, có ý tha bổng.

Viên quan nhỏ này thấy Tào Bân xử sự như vậy thì cho rằng ông là người hèn yếu, nhu nhược, có thể dễ dàng qua mặt được. Vì thế, viên quan này này tiếp tục không xem quân pháp ra gì, lại tái phạm nhiều lỗi lầm. Một năm sau, Tào Bân hạ lệnh bắt giam viên quan này lại và nghiêm khắc trừng trị.

Mọi người thấy Tào Bân hành xử như vậy thì lấy làm khó hiểu lắm, hỏi rằng: “Nếu như tên tiểu quan kia thực sự có tội không thể tha, thì vì sao ngài lại tha cho hắn một năm rồi mới xử phạt?”.

Tào Bân bèn giải thích: “Lúc ấy ta nghe nói anh ta mới cưới vợ. Nếu như trừng phạt anh ta thì sẽ khiến cho người trong nhà họ nghĩ rằng vừa cưới được một cô con dâu không ra gì, chỉ mang lại xui xẻo, sẽ suốt ngày trách mắng cô ấy. Vậy thì cô gái ấy làm sao mà sống nổi? Cho nên, ta đem chuyện đó hoãn lại một năm, chứ không phải vì thế mà phá hỏng quân pháp”.

(Tào Bân. Ảnh dẫn theo khaiphong.net)

Mọi người nghe xong mới thấu hiểu lòng nhân từ của ông và không ai còn cho rằng ông là người hèn yếu nữa.

Khi Tào Bân dẫn quân tiến đánh Nam Đường, mặc dù đã vây hãm được thành Kim Lăng nhưng ông chưa vội đánh ngay, lệnh cho quân sĩ tạm hoãn công thành, đồng thời nhiều lần gửi thư khuyên bảo Lý Dục, người đang tử thủ trấn giữ trong thành.

Tào Bân nói: “Tình thế đã đến bước này, việc Nam Đường bị tiêu diệt cũng là chỉ chuyện sớm muộn thôi. Chỉ tiếc rằng nếu công phá thành sẽ khiến ngọc đá đều nát, trăm dân phải rơi vào cảnh lầm than. Nếu ngài có thể quy thuận triều Tống thì chính là thượng sách vậy”.

Khi Kim Lăng sắp bị công phá, Lý Dục vẫn ngoan cố chưa đầu hàng. Tào Bân đột nhiên cáo bệnh, không thể tiến quân công phá Kim Lăng khiến các tướng lĩnh đều đến hỏi thăm. Tào Bân nói với các tướng sĩ rằng: “Bệnh của ta không thuốc gì có thể chữa khỏi được. Nhưng chỉ cần mọi người thành tâm, thành ý thề nguyện rằng khi phá thành Kim Lăng quyết không được giết hại một người nào, như vậy thì bệnh của ta tự nhiên có thể khỏi hẳn”.

Ba quân tướng sĩ sau khi nghe lời nói của Tào Bân thì vô cùng cảm kích, dập đầu xin vâng. Họ thắp hương, cắt máu ăn thề, phát thệ nguyện đúng như lời Tào Bân nói.

Nào ngờ lời này của Tào Bân phát ra lại thu phục được tấm lòng của trăm họ nơi đây. Lý Dục vốn ngoan cố nghe xong cũng vô cùng cảm kích, cởi giáp quy hàng. Nhân dân cùng nhau mang túi cơm giỏ nước ra nghênh đón quan quân nhà Tống. Trận này vốn không cần dùng một binh một tốt mà giành chiến thắng, vừa bảo toàn sinh mệnh quân sĩ, lại giúp cho hàng ngàn vạn bá tánh giữ được sinh mệnh.

***

Người quân tử luôn nghĩ về đại cục, nghĩ cho người khác trong từng hành vi, lời nói, việc làm của mình. Sự suy tính kỹ càng của họ khiến nhiều người tưởng họ là phường nhu nhược, không quyết đoán. Trái lại, giữa kết quả và tín nghĩa họ chọn vế thứ hai. Họ chính là “việc mình không muốn thì không làm cho người”.

(Ảnh minh họa: Dẫn theo taman.tv)

Kẻ ác thường vì thỏa mãn mục đích cá nhân mà không chuyện xấu nào không từ, cũng chẳng cần quan tâm đến suy nghĩ, số phận của người khác.

Người nhân nghĩa lại luôn đặt lợi ích của người khác lên đầu, rất tránh làm điều ác, luôn cung kính, khiêm nhường, bề ngoài tưởng là đụt hèn, vô dụng nhưng bên trong lại ẩn chứa nội tâm phi phàm, khí chất xung thiên, chính là bậc anh hùng đích thực.

Họ lấy sự khoan dung, hòa ái là trọng, nói ít làm nhiều, đôi khi không cần lý giải cho hành động của mình dù có chịu tiếng oan đến mấy. Bậc trí giả cũng luôn nhẫn nhịn, kiên nhẫn, nhường việc nhỏ nhưng gặp chuyện bất bình thì sẵn sàng đứng ra vì nghĩa lớn.

Khổng Tử nói: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa không làm thì không phải kẻ dũng vậy). Người nhân nghĩa không vì thấy chuyện nghĩa nhỏ mà không làm, không vì thấy chuyện bất nghĩa nhỏ mà làm.

Văn Nhược