Cách đây 20 năm, có một bộ phim sinh ra tại châu Á nhưng lại toả sáng trên đất Mỹ, được khán giả bình chọn là phim hoạt hình hay nhất trong Lễ hội Điện ảnh Quốc tế Thiếu nhi tại Chicago, Mỹ. Bộ phim ấy có tên là “Bà ngoại ma thuật” (tên tiếng Anh: “Magic Grandma”) của đạo diễn Đài Loan – Vương Tiểu Lệ.

Không gay gấn như các màn biểu diễn phép thuật trong Harry Potter, cũng không để lại nhiều ấn tượng như màn hoá phép làm biến mất tượng Nữ thần Tự Do của ảo thuật gia David Copperfield, “Bà ngoại ma thuật” chỉ nhẹ nhàng sâu lắng, chỉ thủ thỉ tâm tình, nhưng lại sống mãi trong lòng biết bao thế hệ người xem.

Và dẫu cho bạn đã từng xem hay chưa, thì có lẽ thông điệp từ bộ phim cũng gợi lại trong mỗi chúng ta những giây phút về tuổi thơ trong sáng cùng những cảm xúc lắng đọng và nhẹ nhàng của con người Á Đông.

(Một cảnh trong phim “Bà ngoại ma thuật”)

Câu chuyện bắt đầu khi mẹ Đậu Đậu ra nước ngoài chăm sóc cha cậu sau tai nạn, kể từ đó Đậu Đậu phải về quê sống với bà ngoại, một bà lão có vẻ ngoài ‘gớm ghiếc’. Ban đầu Đậu Đậu không thể chung sống được với bà ngoại, cậu cảm thấy giữa bà và mình có khoảng cách thế hệ, hơn nữa, ở quê ngoại đa số người già đều nói tiếng địa phương nên cậu không thể hiểu được bà.

Bà ngoại có một khả năng rất đặc biệt, đó là bắt nhốt những con quỷ hại người nên đám quỷ xấu rất sợ bà. Ban đầu, Đậu Đậu không biết rằng bà có con mắt âm dương, có thể nhìn thấy hồn ma và vong linh. Sau này tình cờ lau mắt cho bà mà cậu nhìn thấy hình ảnh của chúng trong những giọt nước mắt.

Trong đó, có con quỷ bị nhốt trong một cái lon. Đậu Đậu ham chơi đã vô tình để nó trốn thoát. Con quỷ muốn đối phó với bà ngoại nên đã dụ dỗ Đậu Đậu cất giấu 3 giọt nước mắt của bà, hòng ngăn bà thu phục nó.

Bóng dáng bà ngoại trong những ngày tháng ấu thơ êm đềm

Dẫu không hoàn toàn hiểu những gì mà bà ngoại nói, thì mỗi người chúng ta đều có một bà ngoại để hoài niệm.

Vào một kỳ nghỉ hè, Đậu Đậu về sống với bà ngoại tại một thị trấn nhỏ ở Cơ Long. Và cũng từ đây, cậu bắt đầu cuộc sống đầy màu sắc với “những người anh em tốt” của mình.

Ban đầu Đậu Đậu rất sợ bà ngoại, bởi vì bà nói tiếng địa phương mà cậu nghe không hiểu. Trông bà còn đáng sợ hơn cả “những người anh em tốt” – đó là hồn ma của một chú rắn và một chú cá voi. Bà lại còn hay quát thét Đậu Đậu, nhưng kỳ thực tất cả những gì bà làm đều là để bảo vệ cậu khỏi con quỷ xấu A Phiêu.

Bởi Đậu Đậu quen sống ở thành phố nên giữa hai bà cháu cũng có đôi chút khoảng cách, nhưng bà ngoại vẫn cố gắng dành những điều tốt nhất cho đứa cháu trai bé bỏng của mình.

Khi còn nhỏ, hầu hết chúng ta đều được bàn tay bà ngoại chăm sóc. Chúng ta vẫn thường cho rằng bà ngoại hơn ta biết bao nhiêu là tuổi, bà toàn kể những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa, cách chúng ta xa vời vợi. Những câu chuyện bà kể ta thường không hiểu, nhưng một già, một trẻ, ông nói gà, bà nói vịt lại thường trở thành những người bạn tốt nhất của nhau.

(Một cảnh trong phim “Bà ngoại ma thuật”)

Bạn còn nhớ khi bị cha mẹ mắng, bà ngoại luôn là người đầu tiên che chở cho bạn không? Điều mà “Bà ngoại ma thuật” muốn nói chính là trong những năm tháng tuổi thơ của mỗi người, bà ngoại luôn là người tuyệt vời nhất trên đời!

Tranh chấp nhất thời qua đi trong giây lát, chỉ có gia đình mãi là nơi hậu thuẫn kiên cường

Bình thường, bà ngoại kiếm sống nhờ vào quầy cá viên. Bà có con mắt âm dương, có thể nhìn thấy quỷ thần mà mắt người không thấy. Bà cũng có thể dẫn hồn cho người chết. Con gái bà luôn cho đó là “mê tín”, quá cách biệt với xã hội hiện đại. Quan niệm của hai mẹ con bất đồng dẫn đến mâu thuẫn nảy sinh, tình cảm mẹ con tưởng như đã phai nhạt.

Nhưng khi con gái dẫn cháu ngoại về nhờ bà trông giúp, thì bà lập tức đồng ý không mảy may suy nghĩ. Dường như bà đã quên hết những giận dỗi, trách móc và sự lạnh nhạt của con gái dành cho mình khi xưa.

Dù cho Đậu Đậu chưa từng gặp bà, nhưng bà vẫn cố hết sức để cháu mình được vui. “Ta muốn bán bà ngoại đi!” – Ban đầu, Đậu Đậu ghét bà ngoại nên đã hứa với chú mèo bị ma nhập rằng, cậu sẽ thu thập 3 giọt nước mắt của bà để con quỷ giúp cậu bán bà đi. “Cậu có thể dùng số tiền bán bà ngoại để mua nhà tặng cho ba mẹ!”. Nhưng dẫu Đậu Đậu muốn bán bà đi, thì bà ngoại vẫn không hề trách móc cậu.

Ở đây, bà ngoại là điển hình cho những người mẹ Á Đông: Dù con cháu có phạm phải những lỗi lầm gì thì cuối cùng mẹ vẫn luôn bao dung hết thảy, tha thứ hết thảy. Dẫu nhất thời có những tranh cãi kịch liệt thì gia đình mãi mãi vẫn là nơi hậu thuẫn kiên cường nhất cho chúng ta khi sải bước trên đường đời.

(Một cảnh trong phim “Bà ngoại ma thuật”)

Cuộc sống vất vả hơn nữa thì mẹ vẫn không rơi nước mắt

“Ta muốn bán bà ngoại đi!” – Sau giao kèo với con mèo bị ma nhập, Đậu Đậu bắt đầu thu gom nước mắt của bà ngoại. Cậu tìm mọi cách khiến bà phải khóc. Mặc dù chỉ cần 3 giọt nước mắt là đủ, nhưng trong suốt bộ phim bà ngoại chỉ khóc có 3 lần, trong đó 2 lần bà rớt nước mắt là vì Đậu Đậu, đứa cháu trai bé bỏng của bà.

Giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống là khi bà tưởng Đậu Đậu biến mất. Sau khi tìm thấy Đậu Đậu, bà mừng mừng tủi tủi ôm chầm lấy cậu, giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má. Lần thứ hai là khi bà ngoại thả đèn lồng xuống sông, bà đã khóc vì không nỡ để người bạn thân của mình rời đi. Còn giọt nước mắt cuối cùng là trong một cuộc điện thoại, con gái bà thông báo sẽ đón Đậu Đậu về thành phố. Nghĩ tới cảnh bà cháu sắp phải xa nhau, bà ngoại không thể kìm lòng, đã nhỏ giọt nước mắt thứ 3.

Nhưng sau một thời gian ở cùng bà ngoại, Đậu Đậu đã sớm quên mất lời hứa về 3 giọt nước mắt ngày nào…

Có thể nói, “Bà ngoại ma thuật” là đại diện cho những người phụ nữ Á Đông với sức nhẫn nại bền bỉ, có thể gánh chịu mọi thách thức trên vai. Dẫu tuổi tác đã cao, và dẫu phải sống một mình cô quạnh thế nào bà ngoại cũng đều âm thầm chấp nhận.

Bà đã sớm nhìn thấu kiếp nhân sinh, nên hầu như không chuyện gì có thể khiến bà rơi lệ. Đặc biệt là trước mặt cháu ngoại, bà lại càng tỏ ra kiên cường hơn, nên Đậu Đậu mới không dễ dàng thu gom 3 giọt nước mắt của bà.

Hồn ma không phải là yêu quái, mà là “người anh em tốt” của con người

Thông thường khi nhắc tới ma quỷ, chúng ta thường liên tưởng tới những hồn ma chuyên làm chuyện xấu xa hại người. Rất nhiều bộ phim cũng thường dùng cảnh đổ máu để mô tả quỷ ác. Nhưng trong “Bà ngoại ma thuật” thì hồn ma lại là những “anh em tốt” mà con người không nhìn thấy được.

Trong phim, Đậu Đậu đã trở thành bạn tri kỷ của “Tiểu Biển” – một chú rắn bị xe chở hàng cán bẹp dí. Chú rắn nhỏ này cũng có tình cảm như con người, biết quấn quýt vui đùa mỗi khi gặp Đậu Đậu, và biết rơi nước mắt khi đôi bạn phải xa nhau. Hay đại ca ngốc A Minh của Đậu Đậu vốn là chú cá voi đã chết vì mắc cạn. Đậu Đậu đã nỗ lực đạp xe dẫn cá voi lên núi xuống biển, làm đèn lồng trôi sông vì mong A Minh có thể được đầu thai vào một gia đình tốt, được sống một cuộc đời hạnh phúc hơn.

(Một cảnh trong phim “Bà ngoại ma thuật”)

Trong quan niệm của nhiều dân tộc Á Đông, hồn ma không hề xấu xa, mà ngược lại họ chỉ đơn thuần là “những người anh em” ở thế giới bên kia. Mỗi năm vào Rằm tháng 7 – “tháng cô hồn”, nhà ai cũng bận tíu tít.

Theo tục lệ, các gia đình đều chuẩn bị đủ loại đồ ăn và bánh kẹo mâm cao cỗ đầy để khoản đãi những người anh em tốt này. Bởi ngay cả hồn ma cũng cần được quan tâm, không thể để họ trở thành “cô hồn dã quỷ”. Phong tục dân gian này cho thấy người Á Đông luôn đề cao thiện niệm trong từng phút từng giây và quan tâm chân thành tới những sinh mệnh đau khổ ở quanh mình.

Cùng xem lại một tập phim “Bà ngoại ma thuật”:

***

“Bà ngoại ma thuật” là bộ phim kể về tình cảm chân thành giữa bà và cháu, được đạo diễn Vương Tiểu Lệ sản xuất vào năm 1997 và phát sóng năm 1998 trên các kênh truyền hình Đài Loan. Tác phẩm được mô phỏng theo thủ pháp sản xuất của Disney, từng đoạt giải phim hoạt hình hay nhất do khán giả bình chọn trong Lễ hội Điện ảnh Quốc tế Thiếu nhi tại Chicago, nước Mỹ.

Sau đó “Bà ngoại ma thuật” còn lọt vào vòng Cúp Ngựa Vàng, được cư dân mạng bình xét là bộ phim kinh điển, đỉnh cao của phim hoạt hình Á Châu.

Hiểu Liên biên dịch

Xem thêm:

Từ Khóa: