- Tiếp theo Kỳ 27: Dẹp yên nội loạn
Vận mệnh ngàn cân treo sợi tóc
Trước khi Hồng Quân chạy vạy xoay xở rút về Bắc Thiểm Tây, lực lượng chính của Hồng Quân Trung ương đã bị tổn thất nặng nề, từ hơn tám vạn binh sĩ giảm xuống còn sáu ngàn người, tình thế vô cùng nguy nan cấp bách, vận mệnh ngàn cân treo sợi tóc. Theo phỏng đoán của Bành Đức Hoài, toàn bộ binh lực Hồng Quân dốc sức cũng chỉ có thể đối phó với hai trung đoàn Quốc Quân mà thôi. (Dương Khuê Tùng, “Thăm dò tin tức mới của biến cố Tây An”)
Cuối năm 1936, Tưởng Giới Thạch đích thân đảm nhiệm vai trò Tổng tư lệnh phụ trách tiêu trừ cường đạo tại Tây Bắc, theo hướng Tây An thẳng tiến, bố trí loại bỏ triệt để ĐCSTQ, nhằm tập trung toàn bộ binh lực cho công cuộc kháng Nhật. Thật không ngờ đất trời nhiều phong ba bất trắc, biến cố Tây An đã xáo trộn mọi sự sắp đặt bố trí của Tưởng Giới Thạch. Sau sự việc đó, ông cũng ghi lại trên trang nhật ký của mình những lời phẫn nộ: “Hán khanh đã phá hỏng bàn cờ tốt của ta!”
Hơn thế nữa, ĐCSTQ còn gạt bỏ hoàn toàn những chiến lược sáng suốt cùng quá trình lao tâm nhọc sức cống hiến cho công cuộc kháng chiến chống Nhật mà Tưởng Giới Thạch và chính phủ Quốc Dân đã theo đuổi trong nhiều năm, đồng thời thêu dệt tuyên truyền những thông tin bịa đặt rằng Trương Tác Lâm và Dương Hổ Thành phát động biến cố Tây An nhằm mục đích tạo sức ép buộc Tưởng Giới Thạch chống lại Nhật Bản. Chẳng hạn như vào ngày 1 tháng 9 năm 1936, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã ban hành trong toàn Đảng “Chỉ thị về vấn đề bức bách Tưởng Giới Thạch kháng Nhật”, trong đó nhấn mạnh phương châm tổng quát của Đảng là “gây sức ép buộc Tưởng Giới Thạch chống lại Nhật Bản”. Biến cố Tây An mà Trương – Dương phát động vào ngày 12 tháng 12 xuất phát từ nguyên nhân Tưởng Giới Thạch không có động thái đối đầu với Nhật Bản, vì vậy Trương – Dương buộc phải tạo sức ép để hướng ông ta đi theo chủ trương kháng Nhật. Đưa ra luận điệu rằng biến cố Tây An chính là sự trừng phạt nghiêm khắc mà ông ta (Tưởng Giới Thạch) phải đối mặt vì đã đi ngược lại dòng chảy lịch sử.
Cuộc kháng chiến chống Nhật của Tưởng Giới Thạch được tiến hành không phải do bất kỳ thế lực nào bức bách, mà là vào thời điểm đó ĐCSTQ đang gieo rắc mầm mống tai họa từ bên trong, đồng thời từ bên ngoài Nhật Bản xâm lăng nhăm nhe bờ cõi, Trung Quốc với nội lực quốc gia nghèo nàn yếu nhược, trong tình thế nguy nan khốn đốn ngoại xâm nội loạn, chìm trong sự chỉ trích phê phán mà chân tướng bị bưng bít không minh tỏ, tài năng bị phong kín thui chột trong u tịch, đại trí đại tuệ vùi trong tĩnh lặng.
Trong vòng bao vây
Sau biến cố “918” năm 1931, chính phủ Quốc Dân vì đối phó với sự xâm lược của Nhật Bản nên buộc phải tạm dừng công cuộc bao vây truy quét khu vực Xô – Viết của ĐCSTQ. Bốn tháng sau, Nhật Bản gây nhiễu loạn ở Thượng Hải, châm ngòi nổ cho chiến dịch Tùng Hỗ “1-28”. Đến ngày 30 tháng 1, ngày thứ ba sau khi biến sự khởi phát, ĐCSTQ lập tức phát đi bản tuyên bố: “(Kêu gọi binh sĩ Quốc Quân) hãy ra tay tàn sát các sĩ quan cấp cao của họ để gia nhập Hồng Quân”. Hồng Quân ngày càng bành trướng mở rộng khu vực Xô Viết trên khắp các dải đất Giang Tây, Phúc Kiến, Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, thậm chí trong một dịp còn gần như chiếm lĩnh được Cán Châu, khiến chính phủ Quốc Dân rơi vào vòng bao vây từ tứ phía.

Sau biến cố Tây An, Tưởng Giới Thạch bắt đầu tiến hành đàm phán thương lượng với ĐCSTQ. Kể từ sự kiện “77” năm 1937, Chính phủ Quốc dân chính thức phát động cuộc kháng chiến chống Nhật trên mọi phương diện. Vào ngày 22 tháng 7, ĐCSTQ đã ban hành “Tuyên bố quốc nạn ĐCS cáo phó”, thông báo rằng: Sẵn lòng nguyện ý phấn đấu nỗ lực thực hiện chủ nghĩa Tam Dân; Từ bỏ hành vi phát động bạo loạn đả đảo chính phủ; Chấm dứt chính sách tịch thu ruộng đất của địa chủ; Bãi bỏ chế độ Xô Viết; Biên chế “Hồng Quân” cải tổ thành “Quân đội Cách mạng Quốc Dân”, thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ Quốc Dân, tiến hành thực hiện cuộc kháng chiến chống Nhật dưới sự lãnh đạo của Ủy viên trưởng Tưởng Giới Thạch. Bản Tuyên bố đầu hàng này của ĐCSTQ mang đậm tính bịp bợm, lừa gạt. Dưới cờ hiệu mượn danh nghĩa trên cùng một chiến tuyến thống nhất, bản chất phá hoại của ĐCSTQ chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại.
Tưởng Giới Thạch nhìn thấu bản chất này hơn ai hết. Ngày 25 tháng 10 năm 1937, trong nhật ký của mình ông viết: “ĐCSTQ đầu cơ trục lợi, song có một điểm cần hết sức lưu ý rằng bè đảng này không hề lưu tâm coi trọng tín nghĩa, vì vậy chúng không đáng để lo lắng, chúng ta vốn dĩ dựa vào đạo lý lấy chính áp chế tà, lấy yếu nhược trấn áp xảo trá làm kim chỉ nam để ứng phó”.
Sau hội nghị Lạc Xuyên, Mao Trạch Đông ra lệnh cho Sư đoàn 115 của Lâm Bưu lẻn vào vùng núi Tấn Sát Ký, sư đoàn 120 của Hạ Long xâm nhập vào vùng núi Tấn Tây Bắc, sư đoàn 129 của Lưu Bá Thừa triển khai về phía đồng bằng Lỗ Ký. Với mục đích xây dựng vòng vây bao quanh phía sau quân đối phương, toan tính âm mưu khuếch trương lực lượng. Bởi vì Mao Trạch Đông đã nhiều lần chỉ thị rằng “Bát Lộ quân (tiền thân của quân Giải phóng Nhân dân Trung quốc) nên tránh việc xung đột trực diện với quân Nhật, tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, tiến hành tập kích bao vây từ phía sau quân đội Nhật, nhiệm vụ chủ yếu là mở rộng thế lực của Bát Lộ Quân, đồng thời ở phía sau kẻ thù kiến lập những căn cứ địa kháng Nhật do ĐCSTQ lãnh đạo”. (Trương Quốc Đào, “Hồi ức của tôi” Quyển 3, “Chiến tranh kháng Nhật bài 21”)
Quân đội Nhật Bản đối kháng với Quốc Quân tiến về phía trước chiếm giữ nhiều phần lãnh thổ, trong khi đó ĐCSTQ mượn danh nghĩa kháng Nhật để mở rộng căn cứ của mình từ phía sau. Cái mà họ gọi là “để cho Nhật Bản chiếm nhiều diện tích mới là yêu nước”, thực chất chính là “để cho Nhật Bản chiếm nhiều diện tích mới là yêu Đảng”.
Trong phương châm trọng yếu của công tác chỉnh đốn năm 1940, Tổng tư lệnh quân đội Nhật Bản được điều động đến Trung Quốc – Yasuji Okamura đã đưa ra nhận định: “Thế lực quân đội ĐCSTQ đang từng bước mở rộng trong tư thế ngẩng cao đầu, thậm chí đến giai đoạn thứ ba đã bắt đầu tiến hành xâm chiếm quân đội Trùng Khánh và quân đội ‘tạp hiệu’ (quân đội Quốc dân đảng thuộc các phe phái khác, không trực thuộc hệ thống quân đội Trung ương do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo), thế lực ĐCSTQ phát triển lớn mạnh một cách nhanh chóng, tuyệt đối không thể coi nhẹ xem thường. Nếu không sớm vận dụng các đối sách, Hoa Bắc sẽ trở thành thiên hạ của ĐCSTQ. Vì thế, trọng điểm thảo phạt của cánh quân lúc này, nhất định cần tập trung huy động toàn lực trên mọi phương diện hướng mũi nhọn về phía quân đội của ĐCSTQ”.
Để khống chế kiểm soát sự bành trướng của ĐCSTQ, quân đội Nhật Bản bắt đầu phát động chủ trương diệt quân của ĐCSTQ, cuộc kháng chiến chống Nhật của ĐCSTQ là để tự bảo vệ chính mình chứ không phải để chống lại sự xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản. Quân đội Trung Cộng luôn cố gắng tránh né việc đối đầu trực diện với quân đội Nhật Bản. Thật vậy, trong “lịch sử kháng chiến” của ĐCSTQ chỉ vẻn vẹn có hai “chiến dịch huy hoàng”. “Chiến dịch Bình Hình Quan” năm 1937 là trận đánh đầu tiên trong hội chiến Thái Nguyên do Tư lệnh Quốc Quân chiến khu 2 – Diêm Tích Sơn chỉ huy. Lâm Bưu lãnh đạo sư đoàn 115 của Bát Lộ Quân phối hợp với Quốc Quân chủ lực tập kích đội vận chuyển đồ quân nhu yếu phẩm của Nhật. Trong suốt khoảng thời gian hai tháng của hội chiến Thái Nguyên, “Chiến dịch Bình Hình Quan” chỉ kéo dài một ngày, về căn bản không thể gọi trên danh nghĩa là “Chiến dịch” được. Tiếp đến năm 1940, “Đại chiến Bách Đoàn” do Bành Đức Hoài lãnh đạo cũng chỉ là trận đánh du kích nhằm phá hủy các khu mỏ quặng, đường sắt mà Nhật Bản chiếm đóng mà thôi.
ĐCSTQ từ trước đến nay liên tiếp đưa ra những luận điệu tuyên truyền rằng Tưởng Giới Thạch “không kháng cự”; Trung Cộng thông qua “biến cố Tây An” để “bức bách Tưởng Giới Thạch chống lại Nhật Bản”; “Đại thắng Bình Hình Quan” là trận đại thắng đầu tiên trong cuộc kháng Nhật; ĐCSTQ là “Trụ cột vững chắc”, người lãnh đạo vận dụng cách đánh du kích giành được thắng lợi sau 8 năm kháng chiến; Quốc Dân Đảng thì tháo chạy tránh vào núi Nga Mi, chờ đợi Đảng Cộng sản quét sạch người Nhật Bản, sau đó mới dám xuất sơn “hái đào”.
Theo “Sao lục hội nghị Lư Sơn” ghi chép lại, ngày 31 tháng 7 năm 1959 trong hội nghị Lư Sơn, Lâm Bưu tiến hành kiểm điểm về Chiến dịch Bình Hình Quan, đưa ra đánh giá là “chịu thiệt thòi”, là “đầu óc bốc hỏa”, thoái thác trách nhiệm cho rằng “đây là quyết định của Bật Thời”. Mao Trạch Đông tiếp lời: “Một số đồng chí lầm tưởng rằng Nhật Bản chiếm càng ít diện tích lãnh thổ hơn càng tốt, sau này mới thống nhất nhận ra: Để cho Nhật Bản chiếm nhiều diện tích lãnh thổ hơn mới là yêu nước. Nếu không sẽ trở thành yêu quốc gia của Tưởng Giới Thạch. Trong lãnh thổ đất nước tồn tại quốc gia của Tưởng, của Nhật và của chúng ta, tam quốc chí”.
Bành Đức Hoài cũng ngay lập tức kiểm điểm Đại chiến Bách Đoàn là một sai lầm, nói rằng “Trận chiến này chính là giúp sức cho Tưởng Giới Thạch,… Hội nghị Hoa Bắc đối đầu với chúng ta, sau này việc tuân thủ kỷ luật cần tương đối chú ý hơn nữa”. Mao Trạch Đông trách móc: “Bành Đức Hoài không hề yêu nước, Đại chiến Bách Đoàn đã giúp sức cho Quốc Dân Đảng đánh bại người Nhật, chính là yêu nước của Tưởng Giới Thạch rồi”, “Đại chiến Bách Đoàn sớm đã bộc lộ sức mạnh, thu hút sự chú ý của quân Nhật đối với lực lượng của chúng ta; Đồng thời, khiến Tưởng Giới Thạch tăng cường cảnh giác hơn nữa”. (Lý Duệ, Sao lục hội nghị Lư Sơn, Nhà xuất bản Nhân dân Hà Nam, ấn bản 1996)
Liên lạc viên Quốc tế Cộng Sản trú tại Diên An kiêm đặc phái viên quân sự Cơ quan điện báo thông tin Nga – Vladimirov trong tập “Nhật ký tại Diên An” đã viết: “Vào ngày 9 tháng 7 năm 1942, Vưu Nhậm và Aleyev từ tiền tuyến tuần tra trở về. Họ vô cùng thất vọng chán nản trước tình cảnh mà bản thân chứng kiến. Năm tiểu đoàn của Bát lộ quân (đương nhiên vẫn có Tân Tứ Quân) đã sớm có động thái tạm ngừng việc chủ động xuất binh và phản kích kẻ thù xâm lược. Bất chấp quân đội Nhật Bản đang điên cuồng phát động những đợt tấn công quyết liệt tại Đông Nam bộ Trung Quốc, đồng thời còn nhăm nhe đe dọa xâm lược Liên Xô, tình hình như vậy kéo dài đến nay mà không cải biến. Binh sĩ ĐCSTQ không hề phản công chống cự trước hành động càn quét các khu vực chiếm đóng của Nhật Bản vào thời điểm hiện tại, họ rút lui lên núi hoặc vượt sông Hoàng Hà. Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ coi Quốc Dân Đảng trở thành kẻ thù chủ yếu của mình, dốc hết tâm lực nhằm giành lấy lãnh địa mà Chính phủ Trung ương đang khống chế kiểm soát, còn sử dụng nhiều thủ đoạn mánh khóe nhằm đạt được mục đích. Những hoạt động ly khai này rõ ràng đã gây tổn hại nặng nề đến phong trào giải phóng chống lại kẻ thù xâm lược, làm tăng thêm sự hy sinh của nhân dân Trung Quốc đồng thời dẫn đến việc phát sinh xung đột quân sự với Quốc Dân Đảng”.

ĐCSTQ tuy bề ngoài biểu hiện cúi đầu xưng thần với Tưởng Công, nhưng xuyên suốt cả quá trình luôn khống chế điều khiển Bát Lộ Quân, Tân Tứ Quân trở thành quân tư gia, bằng mặt không bằng lòng, thậm chí còn tấn công đả kích Quốc Quân, phá hoại tiến trình kháng chiến. Nghiêm trọng nhất là “biến cố Hoàng Kiều” diễn ra vào tháng 10 năm 1940. Trần Nghị dẫn đầu chi đội số 1 Tân Tứ Quân, đột kích Hoàng Kiều Tô Bắc, khiến hơn 10.000 binh sĩ Quốc Quân thương vong, kiểm soát chiếm lĩnh được một bộ phận giáp biên của tỉnh Giang Tô. Tân Tứ Quân chính thức trở mặt thành phản quân. Càng nghiêm trọng hơn nữa là, quân đội chủ lực Nhật Bản cách chiến trường Hoàng Kiều mười lăm dặm, chỉ đứng ngoài cuộc quan sát, đợi sau khi Quốc Quân bại trận, mới rút về Thái Hưng. Sự tung hứng ăn ý này rõ ràng là sự thỏa thuận ngầm giữa ĐCSTQ và Nhật Bản.
Tác phẩm “Sa Gia Tân” – một trong tám “Vở kịch mẫu” của Cách mạng Văn hóa có một đoạn hát xướng như sau: “8-13, quân xâm lược Nhật Bản tại Thượng Hải chính thức phát động chiến tranh, khiến lãnh thổ quốc gia Giang Nam rơi vào thảm cảnh tiêu vong thất thủ, hài cốt chất thành núi máu tươi chảy thành sông… Tân Tứ Quân dưới sự lãnh đạo của Trung Cộng dũng mãnh quyết liệt chống lại kẻ thù, theo hướng đông tiến đến Giang Nam tiếp cận quân địch từ phía sau, đã giải phóng nhiều thị trấn và thôn trang làng mạc. Cờ đỏ giương cao tiếng hát vang lên, bách tính mới được thấy ánh mặt trời”. Đây chính là thủ đoạn lợi dụng hình thức văn học nghệ thuật để bóp méo xuyên tạc bằng chứng lịch sử của ĐCSTQ.
(Còn tiếp…)
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
- Xem loạt bài về Tưởng Giới Thạch
Theo Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch
Bài viết chỉ trích dẫn tư liệu lịch sử, không nhất thiết thể hiện quan điểm của DKN
TV.