Mục lục bài viết
Xin chào mọi người, hình tượng lịch sử của Tào Tháo khá là phức tạp, vì vậy trong lịch sử có một số người không thích Tào Tháo, nhưng cũng có một số người rất thích ông, vậy chúng ta sẽ cùng nhau đàm luận về vấn đề này…
- Tiếp theo Phần 1
Vậy hình tượng của Tào Tháo trong lịch sử là một người như thế nào? Trong lịch sử lưu truyền hơn một ngàn năm, hình tượng của ông đã được diễn biến ra sao? Và trong quá trình diễn biến lịch sử đó có những câu chuyện nào về Tào Tháo là không thật?
Những tác phẩm chính viết về thời Tam Quốc
Nói đến Tam Quốc, chúng ta không thể không nhắc đến “Tam Quốc diễn nghĩa”. Tên đầy đủ của “Tam Quốc diễn nghĩa” gọi là “Tam Quốc Chí thông tục diễn nghĩa”, nó có nghĩa là gì vậy? Chính là một cuốn tiểu thuyết lịch sử phổ biến dựa trên “Tam Quốc Chí”. Vậy “Tam Quốc Chí” lại là cuốn sách gì? Nó là một bộ chính sử được viết bởi Trần Thọ sống vào thời nhà Tấn. Vào lúc “Tam Quốc Chí” được viết xong, khi đó đưa cho mọi người xem, cuốn sách này được mọi người đánh giá rất cao. Khi ấy có một đại tài tử tên là Hạ Hầu Trạm, Hạ Hầu Trạm cũng đang viết về sử sách, lúc đó ông ấy không phục, ông ấy nói mọi người dựa vào đâu mà cho rằng sử sách của Trần Thọ viết rất hay chứ, tôi phải xem qua một chút mới được, thế là Hạ Hầu Trạm cầm lấy “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ mở ra xem, sau khi xem xong Hạ Hầu Trạm quay trở về nhà liền làm ngay một chuyện, đó là chuyện gì vậy? Hạ Hầu Trạm đem toàn bộ sử sách của mình ra tiêu hủy.
Tại sao Hạ Hầu Trạm lại làm như vậy? Chính là vì sử sách do Trần Thọ viết thực sự là quá hay. Nói đến Chu Du mọi người có phản ứng gì? Ông ấy cảm thấy con người của Chu Du lòng dạ hẹp hòi, tầm nhìn thiển cận, lúc nào cũng chỉ muốn hại Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán của chúng ta. Hình tượng này được “Tam Quốc diễn nghĩa” xây dựng nên, có thể nói là xây dựng rất thành công. Vậy hình tượng Chu Du trong “Tam Quốc Chí” thì như thế nào? Trong “Tam Quốc Chí Bùi Tung chi chú” có nhắc đến nước Ngô có một đại thần tên Trình Phổ, Trình Phổ từng đánh giá Chu Du như thế này: “Giao thiệp với Chu Công Cẩn, như uống rượu mạnh, không thấy mình say”. Có nghĩa là qua lại với Chu Du cũng giống như uống một loại rượu ngon vậy, say sưa trong đó lúc nào không hay biết. Lời đánh giá này dành cho Chu Du thực sự là quá cao. Bạn thử nghĩ xem, chơi với một người như thế nào mà có thể khiến bạn say như uống rượu ngon được? Làm tôi cũng muốn gặp Chu Du luôn rồi. Điều này chứng tỏ rằng Chu Du trong lịch sử có khí thế hào hùng, là một người có phong thái vô cùng hấp dẫn. Vì vậy chúng ta thấy đó, hình tượng nhân vật trong “Tam Quốc Chí” và “Tam Quốc diễn nghĩa” không giống nhau chút nào.
Chúng ta cùng nhìn lại hình tượng của Tào Tháo. Khái niệm chủ yếu về hình tượng Tào Tháo của chúng ta ngày nay đều bắt nguồn từ “Tam Quốc diễn nghĩa”, nhưng bộ tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa” được viết vào thời nhà Minh. Từ thời nhà Minh đến thời Tam Quốc có khoảng cách lịch sử là hơn một ngàn năm. Vì vậy hình tượng lịch sử của nhân vật Tào Tháo không phải được hình thành một cách dễ dàng một sớm một chiều, nó đi từ câu chuyện này đến câu chuyện khác trong dòng chảy lịch sử được lưu truyền hơn một ngàn năm, từng bước hình thành nên hình tượng nhân vật mà chúng ta nhìn thấy ngày nay. Hôm nay chúng ta sẽ phân tích từng chi tiết nhỏ trong lịch sử để khám phá toàn bộ, để xem hình tượng của Tào Tháo được diễn biến như thế nào trong dòng chảy lịch sử.
Ba nguyên nhân khiến hậu thế hiểu lầm về hình tượng anh hùng Tào Tháo
Trước khi nói về hình tượng lịch sử của Tào Tháo, chúng tôi sẽ nói cho các bạn biết một chuyện, đó là tại sao Tào Tháo trong những đời sau lại không được một số người yêu thích? Có một số nguyên nhân chủ yếu như sau:
Nguyên nhân thứ nhất, rất nhiều người cho rằng Tào Tháo soán Hán. Nguyên nhân thứ hai, trong quá trình Tào Tháo thống nhất phương Bắc, vì rất nhiều lý do khác nhau mà giết hại một số người, ví dụ như Khổng Dung, Dương Tu, và cả Hoa Đà. Điều này đã để lại bằng chứng hùng hồn cho người đời sau công kích Tào Tháo. Nguyên nhân thứ ba, cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, chính là Tào Tháo là con cháu của hoạn quan, có người nghĩ, hoạn quan thì đương nhiên là danh tiếng không tốt rồi, có gì ghê gớm đâu chứ. Cái này phải nói đến một sự kiện rất lớn gây ảnh hưởng triều chính gọi là “họa đảng cố” diễn ra vào cuối thời Đông Hán. “Họa đảng cố” này là một cuộc bức hại chính trị quy mô lớn nhắm vào tầng lớp trí thức cũng tức là các sĩ phu do hoạn quan phát động. Vì vậy thái độ của tầng lớp trí thức đối với toàn bộ giai cấp hoạn quan trong thời Tam Quốc thậm chí là sau thời Tam Quốc một thời gian rất dài được hình dung bằng 4 chữ, chính là “ghét cay ghét đắng”…
Một điều trùng hợp là, ông nội của Tào Tháo chính là một hoạn quan, mà còn là một hoạn quan có thế lực. Ông nội của Tào Tháo tên là Tào Đằng, chức quan là Đại trưởng thu, là một chức hoạn quan rất lớn vào cuối thời Đông Hán. Tào Đằng không có khả năng sinh con, nên ông ấy nhận nuôi một đứa con trai. Đứa con trai này tên Tào Tung, mà con trưởng của Tào Tung chính là Tào Tháo. Vì vậy Tào Tháo hoàn toàn là con cháu của hoạn quan. Vì thế rất nhiều người của thời bấy giờ hoặc là các thế hệ sau đều lấy điều này ra để công kích Tào Tháo. Ví dụ nổi tiếng nhất là gì? Trận Quan Độ trong thời kỳ Tam Quốc, khi đó Viên Thiệu muốn đánh Tào Tháo, nhưng xuất binh phải có lý do chính đáng, đầu tiên cần phải chiếm ưu thế về mặt dư luận, vậy phải nói sao đây? Viên Thiệu kêu Trần Lâm viết một bài “thảo Tào hịch văn”.
Trần Lâm là một trong bảy người con của Kiến An, là một nhà văn nổi tiếng, văn chương bay bổng. Tào Lâm viết bài “thảo Tào hịch văn” rất xuất sắc, có thể nói là một trong những bài hịch văn hay nhất trong lịch sử. Trong bài hịch này, Trần Lâm chửi mắng Tào Tháo rất thậm tệ, đến độ như là cách một tờ giấy mà vẫn có thể cảm thấy nước bọt đang bắn vào mặt mình. Trần Lâm nói như thế nào vậy? Nguyên văn của ông ấy là: “chuế yêm di xú, bổn vô ý đức”, là ý gì đây? Muốn nói rằng tổ tiên của Tào Tháo vào ở nhà hoạn quan, Tào Tháo chính là con cháu xấu xí còn sót lại của gia đình hoạn quan, Tào Tháo không chỉ xấu xí mà còn không có một chút phẩm chất tốt đẹp nào cả. Đây chính là lời mắng chửi của Trần Lâm đối với Tào Tháo khi đó.
Lời mắng chửi này có hơi khó nghe, chúng ta nói ngoài lề một chút, con người của Tào Tháo cũng rất rộng lượng, vì vậy sau này khi Trần Lâm đầu quân cho Tào Tháo, Tào Tháo vẫn rất trọng dụng Trần Lâm, rất nhiều công văn của Tào Tháo đều là do Trần Lâm biên soạn. Cũng có nghĩa là, Tào Tháo là con cháu của hoạn quan, điều này trở thành một lý do để cho những người trí thức thời bấy giờ và cả những hậu nhân sau này không thích Tào Tháo và công kích ông. Bắt đầu từ Trần Lâm trong thời Tam Quốc, rất nhiều thế hệ sau này đều dùng điều này để công kích Tào Tháo. Đây chính là ba lý do mà người đời sau không thích Tào Tháo.

“Tào Man truyện” – Tác phẩm làm sai lệch hình tượng Tào Tháo
Tiếp theo chúng ta sẽ đi theo mốc thời gian, bắt đầu từ thời kỳ Tam Quốc, nói về quá trình diễn biến hình tượng lịch sử của Tào Tháo cùng với một số câu chuyện thú vị trong đó, sẵn tiện chúng ta sẽ kiểm chứng tính chân thật của những câu chuyện này. Trong thời kỳ Tam Quốc có một tác phẩm liên quan đến Tào Tháo, thật ra nó là một bộ tiểu thuyết tên là “Tào Man truyện”, “Tào Man truyện” thật ra là một bộ tiểu thuyết do kẻ địch của Tào Tháo là người nước Ngô viết. Vì vậy trong đó có rất nhiều câu chuyện liên quan đến mặt xấu của Tào Tháo, nhưng thật ra có một số câu chuyện không phải là thật. Hôm nay chúng tôi sẽ mang đến cho các bạn một câu chuyện, câu chuyện này cũng rất nổi tiếng.
Trong “Tào Man truyện” kể rằng Tào Tháo lúc nhỏ không có học vấn và tài cán gì, không chịu học tập cho tốt, Tào Tháo có một người chú, người chú này không chịu nổi nữa, nói rằng: thằng nhóc này không lo học tập cho tốt, sau này lớn lên phải làm sao? Làm mất mặt nhà họ Tào chúng ta hả? Vì vậy người chú này suốt ngày gây khó dễ cho Tào Tháo, không chỉ làm khó Tào Tháo mà còn thường xuyên chạy đến chỗ của cha Tào Tháo phàn nàn, kêu ông ấy dạy dỗ con cho tốt, nếu không sẽ thế này thế kia…
Tào Tháo thấy vậy, trong lòng rất buồn bực người chú này, nói rằng, chú quan tâm chuyện của nhà con như vậy làm gì? Rảnh quá nên kiếm chuyện hả? Sau này có một lần Tào Tháo đang đi đường thì gặp được chú mình. Lúc đó Tào Tháo có biểu hiện gì đây? Lúc đó Tào Tháo giả vờ bị đột quỵ, giả vờ làm méo mặt méo miệng, chú của Tào Tháo nhìn thấy liền quan tâm lo lắng, hỏi Tào Tháo, con bị làm sao vậy? Lúc đó Tào Tháo trả lời rằng: Con bị trung phong rồi! (trung phong là cách gọi của bệnh đột quỵ thời xưa). Chú của Tào Tháo liền la lên: Ôi lớn chuyện rồi! Ông vội vàng chạy về tìm cha của Tào Tháo, ông nói với Cha của Tào Tháo là: Huynh mau đi xem con trai của huynh đi, lớn chuyện rồi, nó bị trung phong rồi! Cha của Tào Tháo nghe xong vô cùng lo lắng, vội vàng chạy đi tìm Tào Tháo, khi nhìn thấy Tào Tháo, cha Tào Tháo cảm thấy hình như thằng bé này không làm sao cả, liền hỏi Tào Tháo, nói rằng thúc phụ của con nói với cha là con bị trung phong rồi, cha thấy con hình như cũng không bị làm sao cả. Tào Tháo nói, người thúc phụ này của con thường xuyên ly gián quan hệ của hai cha con chúng ta, thúc ấy không thích con, cha đừng có tin chú ấy nữa. Từ đó về sau cha của Tào Tháo là Tào Tung không còn để ý đến người em trai của mình nữa…
Câu chuyện này rất ‘hấp dẫn’, khắc họa hình tượng gian trá, xảo quyệt của Tào Tháo một cách sinh động như thật. Vì vậy người đời sau khi đọc câu chuyện này đều cảm thấy Tào Tháo từ nhỏ đã làm ra những chuyện không tốt rồi, lớn lên cũng không làm được chuyện gì tốt đẹp, điều này là hết sức bình thường, đúng không? Mặc dù câu chuyện này rất hay nhưng đáng tiếc nó không có thật. Nó có một sơ hở rất lớn. Là sơ hở gì vậy? Tào Tháo không có thúc phụ. Thúc phụ chính là chú, là em trai của cha mình. Nhưng lúc nãy chúng ta nói về thân thế của Tào Tháo đã nhắc đến một vấn đề, đó chính là ông nội của Tào Tháo là một hoạn quan, ông nội Tào Tháo không có khả năng sinh con, chỉ nhận nuôi một đứa con trai, đó chính là Tào Tung, cha của Tào Tháo. Cha của Tào Tháo không có anh em nào cả. Nếu như cha của Tào Tháo không có anh em, thì Tào Tháo lấy đâu ra chú vậy? Tào Tháo không có chú. Vì vậy người chú được nhắc trong “Tào Man truyện” là từ đâu mà có? Chỉ có một khả năng, chính là tác giả của “Tào Man truyện” tự bịa đặt ra gán ghép cho Tào Tháo, vì vậy câu chuyện này không phải là thật. Đây chính là “Tào Man truyện” trong thời kỳ Tam Quốc.
Sau thời kỳ Tam Quốc là đến Tây Tấn, trong thời kỳ này những đánh giá về Tào Tháo khá công bằng khách quan, đánh giá tương đối cao. Ví dụ như “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ được viết vào thời Tây Tấn. Trần Thọ đã khen ngợi Tào Tháo như thế nào trong “Tam Quốc Chí”? Đương nhiên là nói rất nhiều lời lẽ tốt đẹp, hôm nay chúng ta sẽ không kể chi tiết, mà chỉ nói về câu cuối cùng mà thôi. Câu cuối cùng nói Tào Tháo là: “Là người phi thường, là hào kiệt siêu thế”, câu này muốn nói rằng Tào Tháo không phải là người tầm thường, mà là anh hùng hào kiệt siêu việt người đời.
Vào cùng thời kỳ, tại Đông Ngô có một đại đô đốc tên là Lục Tốn, Lục Tốn có một đứa cháu trai tên Lục Cơ, Lục Cơ viết một bài thơ, trong bài thơ khen Tào Tháo như thế này, nói con người của Tào Tháo: “Uy tiên thiên nhi cái thế, lực đãng hải nhi bạt sơn”, ý nghĩa của câu thơ này muốn nói rằng Tào Tháo được xem là anh hùng cái thế. Nhưng đến vương triều Đông Tấn thì không còn đánh giá như vậy nữa. Tại sao vậy? Bởi vì Đông Tấn là một vương triều sống chui lủi ở một góc. Kinh đô Kiến Khang của Đông Tấn khi đó chính là Nam Kinh của ngày nay, lãnh thổ của Đông Tấn chính là khu vực sông Dương Tử ngày nay. Đông Tấn chui lủi một góc và Thục Hán chui lủi một góc về mặt hình thức là giống nhau. Vì vậy ở Đông Tấn có rất nhiều sĩ đại phu, rất nhiều tri thức, rất nhiều học giả càng ngày càng đồng tình với Thục Hán của Lưu Bị, đặc biệt thời bấy giờ có một nhà sử học tên là Tập Tạc Xỉ, khi đó Tập Tạc Xỉ bẩm tấu với hoàng đế của Đông Tấn, nói rằng Đông Tấn của chúng ta không nên giống như Tây Tấn, không nên đưa Tào Ngụy lên làm chính thống, mà chúng ta nên đưa Thục Hán lên làm chính thống. Bắt đầu từ Đông Tấn cách nói Tào Tháo soán Hán, và cách nói đưa Thục Hán lên làm chính thống đã trở thành chủ đề bàn luận chính trong giới sử học.
[Còn tiếp…]
Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch