Khải Huyền là cuốn sách cuối cùng trong Kinh Thánh, là dự ngôn chuẩn xác nhất và cũng toàn vẹn nhất về lịch sử nhân loại. Khải Huyền nổi tiếng với những lời tiên tri về ngày tàn của thế giới, về cuộc đại thẩm phán, về Thiên Chúa và sự phục sinh, v.v. Đây là cuốn Thiên thư vĩ đại ẩn chứa nhiều huyền cơ mà trong lịch sử chưa có ai giải khai được trọn vẹn.

Những gì chúng ta biết và chiêm nghiệm từ Khải Huyền, dường như mãi mãi chỉ là lời suy đoán nông cạn của kẻ phàm nhân khi đứng trước những Thần dụ quá đỗi thâm sâu và huyền ảo. Vậy nên trong loạt bài dài kỳ này, người viết không tham vọng có thể giải mã Khải Huyền, mà chỉ mong muốn đóng góp một góc nhìn nhỏ bé, để mỗi chúng ta khi đọc lại Khải Huyền sẽ cùng suy ngẫm về thời khắc đặc biệt của lịch sử hôm nay. Bởi ‘trí tuệ không ở nơi người viết mà thuộc về độc giả’, rất mong sớm nhận được ý kiến vàng ngọc từ các bạn hữu xa gần.

Kỳ 1: Tác giả Khải Huyền – Thánh John tông đồ

Sau cuộc đóng đinh trên thập tự giá, 12 tông đồ của Chúa Jesus đều lần lượt bị bức hại tàn khốc. Có người bị quất bằng roi, có người bị ngựa kéo, có người bị gươm đâm, lại có người bị ném đá cho đến chết. Câu chuyện tử vì đạo của các vị tông đồ đã viết nên huyền thoại trong lịch sử Cơ Đốc giáo.

Nhưng có một tông đồ đã không tử vì đạo, ngài dù bị đánh đập rồi lại bị dìm vào vạc dầu đang sôi lên ùng ục nhưng vẫn bình thản bước ra mà không hề hấn gì. Ngài là Thánh đồ duy nhất đứng dưới chân thập tự giá trên đồi Calvary, là sứ đồ đầu tiên tin rằng Chúa sẽ phục sinh, cũng là người đón Đức Mẹ Maria về chăm sóc theo lời căn dặn cuối cùng của Chúa. Tên ngài là John – “người môn đệ mà Chúa yêu quý”.

Sử sách kể rằng, Thánh John đã trải qua nhiều thử thách gian khổ để chứng minh cho đức tin kiên định của mình. Khi Hoàng đế La Mã Domitianus lùng bắt và bức hại các tín đồ Cơ Đốc, ngài đã bị đưa về Rome xử tử. Nhưng dẫu đánh đập tàn khốc, dẫu bị nhúng vào vạc dầu sôi, thì hết thảy mọi cuộc hành quyết đều trở nên vô hiệu, cuối cùng quan án sợ hãi không dám hành hạ nữa mà chỉ ra lệnh đày ải ngài ra đảo Patmos. Cũng chính tại nơi đây, Thánh John nhìn thấy những cảnh tượng trên Thiên quốc và lĩnh nhận mặc khải của Thần về tương lai nhân loại. Tất cả những điều ấy đã được ngài ghi chép lại trong một cuốn sách, cũng chính là Khải Huyền mà chúng ta biết ngày nay.

Thánh John viết “Khải Huyền” khi đang ở trên đảo Patmos (Ảnh: chanhkien.org)

Vậy bối cảnh mà Thánh John nhận được mặc khải của Thần như thế nào? Chúng ta hãy cùng đọc lại Khải Huyền.

Thiên sứ đến bên Thánh John để mặc khải lời của Đức Chúa Trời

“Mặc khải của Ðức Chúa Jesus Christ, mà Ðức Chúa Trời đã ban cho Ngài, để tỏ ra cho các đầy tớ Ngài biết những điều sắp xảy đến. Ngài đã sai thiên sứ Ngài đến tỏ cho Giăng đầy tớ Ngài biết điều đó. Giăng đã làm chứng về lời Ðức Chúa Trời và về lời chứng của Ðức Chúa Jesus Christ, tức những gì ông đã thấy”. (1:1-2) 

Tác giả của Khải Huyền là Thánh John tông đồ, khi đang bị giam giữ trên đảo Patmos

“Tôi, Giăng [1], anh em và bạn cùng chia sẻ hoạn nạn, cùng hưởng vương quốc, và cùng kiên trì chịu khổ với anh chị em trong Ðức Chúa Jesus, đang ở trên một đảo tên là Pát-mô, vì cớ Ðạo của Ðức Chúa Trời và vì lời chứng về Ðức Chúa Jesus”. (1:9)

Cuốn sách Khải Huyền là ý chỉ của Thần dành cho nhân loại, mượn ngòi bút của Thánh John mà viết ra

“Vào ngày của Chúa, tôi được ở trong Ðức Thánh Linh, và tôi nghe đằng sau tôi một tiếng lớn như tiếng kèn, bảo rằng, “Hãy viết những gì ngươi thấy vào một cuốn sách, rồi gởi cho bảy hội thánh tại Ê-phê-sô, Si-miệc-na, Pẹc-ga-mum, Thy-a-ti-ra, Sạt-đe, Phi-la-đen-phia, và Lao-đi-xê”. [2] (1:10-11) 

Tôi quay lại để xem tiếng của ai đã nói với tôi; vừa quay lại, tôi thấy bảy cây đèn bằng vàng, ở giữa các cây đèn ấy có ai trông giống như Con Người, mình mặc áo choàng dài tới chân, ngang ngực có thắt đai bằng vàng. Ðầu và tóc Ngài trắng như lông chiên trắng, như tuyết, mắt Ngài như ngọn lửa hừng, chân Ngài như đồng đánh bóng đã được luyện trong lò lửa, tiếng Ngài như tiếng của nhiều dòng nước. Ngài cầm bảy ngôi sao trong tay phải; từ miệng Ngài thoát ra một thanh gươm hai lưỡi sắc bén, và mặt Ngài như mặt trời lúc đang nắng chói. (1: 12-16)

Khải thị của thần đối với John. (Ảnh: chretiens2000.com)

Khi thấy Ngài, tôi ngã quỵ nơi chân Ngài như người chết. Bấy giờ Ngài đặt tay phải Ngài trên tôi và nói, “Ðừng sợ. Ta là Ðấng Ðầu Tiên và Ðấng Cuối Cùng. Ta là Ðấng Sống. Ta đã chết, kìa, nay Ta sống đời đời vô cùng. Ta cầm trong tay chìa khóa của Tử Thần và Âm Phủ. Vậy hãy ghi lại những gì ngươi đã thấy, những gì đang diễn ra, và những gì sẽ xảy ra sau nầy. Ðây là huyền nhiệm của bảy ngôi sao ngươi thấy trong tay phải Ta và của bảy cây đèn bằng vàng: bảy ngôi sao là bảy thiên sứ của bảy hội thánh, còn bảy cây đèn là bảy hội thánh”. (1:17-20)

Sau đó tôi nhìn, và kìa, một cánh cửa trên trời mở ra, và tiếng tôi đã nghe trước đây có âm vang như tiếng kèn nói với tôi, “Hãy lên đây, Ta sẽ chỉ cho ngươi những điều sẽ xảy ra sau các việc ấy””. (4:1)

Và ngay sau tiếng nói ấy chính là những cảnh tượng trên Thiên quốc mà Thánh John được nhìn thấy – hình ảnh về các vị Thần, về đại chiến chính-tà, về cuộc thẩm phán đối với nhân loại, về sự phục sinh và một kỷ nguyên mới của tân thiên, tân địa, tân nhân. Đó là những nội dụng chính yếu nhất của Khải Huyền mà chúng ta sẽ có cơ hội đề cập tới trong các kỳ tiếp theo.

Tâm Minh

Chú thích:

  • [1] Nhân vật “tôi” là Thánh John. Trong các bản tiếng Việt của Kinh Thánh, tên gọi của Thánh John còn được viết là “Giăng” hoặc “Gioan”. 
  • [2] Tên tiếng Anh của bảy hội thánh lần lượt là Ephesus, Smyrna, Pergamum, Thyatira, Sardis, Philadelphia, Laodicea.