Làm người chớ lừa dối lòng mình mà trái với lương tâm. Người xưa nói: “Người đang làm Trời đang nhìn. Có thể dối người nhưng không thể dối Trời”, để nhắc nhở mọi người từng giờ từng phút xem xét mỗi một ý niệm, hành động, việc làm của mình xem có hợp với lẽ Trời hay không.

Vào triều nhà Minh, Tống Chi Tín và Thường Bất Khí là đôi bạn học đồng song, tài học hai người tương đồng, đều tài hoa xuất chúng. Thường Bất Khí có chút nổi tiếng hơn, các khóa thi thường đứng thứ nhất, còn Tống Chi Tín đứng thứ hai.

Tống Chi Tín trong lòng không phục, muốn hãm hại Thường Bất Khí. Vừa dịp đến lúc thi phủ, hai người đều trúng tuyển. Theo lời bình trên bài thi, Thường Bất Khí xuất sắc hơn Tống Chi Tín. Thấy vậy, Tống Chi Tín càng đố kỵ, bèn làm giả thư của các đồng tử (tức những khóa sinh dự thi mà chưa đạt được tú tài), vu cáo nhà Thường Bất Khí giàu có dùng tiền tạo quan hệ, vì thế mới được đứng thứ nhất. Tống Chi Tín đem những thư giả này dán trước nha phủ. Quận hầu tuy biết đây là vu cáo, nhưng nhận thấy Thường Bất Khí đã có những dị nghị như thế này rồi thì cũng không tiện xếp thứ nhất nữa, bèn xếp Thường Bất Khí đứng sau 10 người.

Khi Tống Chi Tín gặp Thường Bất Khí, anh ta lại tỏ vẻ đồng cảm với bạn học, nói lời trách trời đất, oán Thần linh không công bằng, chửi kẻ ngụy tạo phỉ báng, làm ra vẻ bất bình lắm. Thường Bất Khí vì vậy mà cũng không nghi ngờ gì về bạn mình. Hai người đều trúng tuyển và cùng lên tỉnh thi. Giám khảo cho rằng văn chương Tống Chi Tín hay, tiến cử trình lên trên. Quan chủ khảo cũng đánh giá cao văn chương của Tống Chi Tín, nên quyết định xếp anh ta thứ nhất.

Đến ngày yết bảng, quan giám khảo lấy các bài thi ra so sánh rà soát, không ngờ nến đổ đốt cháy hết bài. Mọi người đều cảm thấy kỳ lạ, bèn lấy Kinh thư làm bài thi dự phòng để xếp hạng. Không ngờ bài thi dự phòng cho kết quả người xếp thứ nhất là Thường Bất Khí. Về sau Thường Bất Khí liên tiếp được bổ nhiệm quan hiển đạt, còn về Tống Chi Tín thì chưa đỗ được cống sinh đã chết.

Về sau Thường Bất Khí liên tiếp được bổ nhiệm quan hiển đạt, còn về Tống Chi Tín thì chưa đỗ được cống sinh đã chết… (Ảnh minh họa: sohu.com)

Đố kỵ có nguồn gốc từ lòng dạ hẹp hòi, tự tư, tầm nhìn nông cạn, thấy cái hay cái tốt của người khác thì trong lòng khó chịu, cứ luôn lo người khác hơn mình. Làm người cần hiểu được tôn trọng, đối xử tốt với người, tấm lòng rộng mở, thì sẽ thực sự từ đáy lòng khâm phục, ca ngợi ưu điểm, sở trường và thành tích của người khác. Đồng thời họ sẽ xem xét lại những khiếm khuyết của mình, học hỏi noi gương người khác. Như vậy thì khi thấy người khác có việc tốt, không những không đố kỵ mà còn tận tâm tận lực giúp đỡ, tác thành việc tốt đó, gọi là “thành nhân chi mỹ”.

Tống Chi Tín đố kỵ, hủy hoại phỉ báng bạn học, tâm hành bất thiện, cuối cùng tự mình chịu báo ứng mà hao tổn phúc phận. Quả đúng là:

Trên đầu 3 thước có Thần linh,
Tơ hào khó giấu chớ loạn hành.
Khắc bạc cuối cùng tiêu mất phúc,
Nhân quả báo ứng chẳng nể tình.

Theo minghui.org
Kiến Thiện biên dịch