Mục lục bài viết
Khi Phật giáo truyền nhập vào Trung Quốc trong những năm thời Đông Hán thì không dẫn khởi quá nhiều chấn động. Sau này quốc gia chiến loạn, đặc biệt là tộc Hồ tiến nhập và làm chủ Trung Nguyên, một lượng lớn sĩ tộc đã đi về nam, hình thái ý thức của phương bắc trống rỗng. Đồng thời có rất nhiều cao tăng đã đến Trung Quốc, cộng với sự ủng hộ của Hoàng đế, Phật giáo tại Trung Quốc phát triển và truyền bá nhanh chóng.
Nhưng sự phát triển của Phật giáo tại Trung Quốc không ‘thuận buồm xuôi gió’. Thời kỳ Nam Bắc triều, trước sau đã phát sinh 2 lần diệt Phật trên quy mô lớn. Đây rốt cuộc là chuyện gì?
- Loạt bài Tuỳ Đường thịnh thế
‘Tam Vũ nhất Tông’ là ai?
Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng, theo cách nói truyền thống, Phật giáo có 4 lần pháp nạn, lịch sử gọi là sự kiện diệt Phật ‘Tam Vũ nhất Tông‘ (三武一宗: 3 Vũ 1 Tông).
Cái gọi là ‘Tam Vũ nhất Tông’ là chỉ:
- Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo của Bắc Nguỵ.
- Vũ Đế Vũ Văn Ung của Bắc Chu.
- Đường Vũ Tông Lý Viêm.
- Chu Thế Tông Sài Vinh.
Bởi vì 3 Hoàng đế trước có miếu hiệu (gì gì đó Tổ, gì gì đó Tông) và thuỵ hiệu (gì gì đó Đế) đều có chữ Vũ, cho nên gọi họ là Tam Vũ. Còn Chu Thế Tông Sài Vinh gọi Nhất Tông.
Cái gọi là ‘diệt Phật’ (滅佛) chính là tiến hành cấm chỉ đối với Phật giáo trên toàn quốc. Trong đó thông thường kèm theo:
- Huỷ hoại tự miếu (huỷ hoại chùa chiền).
- Thiêu huỷ Phật Kinh.
- Cưỡng bức hoàn tục, thậm chí giết cả tăng ni.
- …
Vậy thì từ tiêu chuẩn này mà nhìn thì Pháp nạn của Phật giáo nên là 5 lần. Bởi vì cách mạng văn hoá sau khi ĐCSTQ cướp được chính quyền, dù là từ quy mô, thời gian hay mức độ ảnh hưởng… đều vượt qua sự kiện diệt Phật ‘Tam Vũ nhất Tông’. Pháp nạn trước đó dài nhất chỉ là thời gian 6 năm, nhưng CMVH kéo dài những 10 năm (từ 1966 đến 1976).
Pháp nạn lần thứ nhất
Trước khi diệt Phật, Thác Bạt Đảo có quan hệ tốt với tăng nhân
Tiếp theo, Giáo sư Chương sẽ giảng một chút về sự phát triển và trở ngại gặp phải của Phật giáo tại Trung Quốc.
Giáo sư Chương giảng về pháp nạn lần thứ nhất. Chúng ta biết rằng người kiến lập đầu tiên của chính quyền Bắc Nguỵ là Thác Bạt Khuê, con trai thứ hai của Thác Bạt Khuê là Thác Bạt Tự, con trai của Thác Bạt Tự là Thác Bạt Đảo. Đến thời Thác Bạt Đảo đã thống nhất được phương bắc.

Bản thân Thác Bạt Khuê là người vô cùng tôn sùng Phật giáo, con cháu của ông ban đầu cũng tiếp nối truyền thống đó, cho nên Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo ban đầu cũng tôn kính tăng nhân.
Trong ‘Nhị thập tứ sử’ (24 bộ chính sử Trung Quốc) có cuốn ‘Nguỵ thư’ (魏書), cuốn ‘Nguỵ thư’ này không phải chỉ về Nguỵ của Tào Tháo, bởi vì chính quyền Nguỵ của Tào Tháo được ghi chép trong cuốn ‘Tam quốc chí’ của Trần Thọ. Khi chúng ta nói về ‘Nguỵ thư’ chính là lịch sử của Bắc Nguỵ, Tây Nguỵ, Đông Nguỵ.
Quyển thứ 114 của ‘Nguỵ thư’ có một truyện gọi là ‘Thích Lão truyện’ (釋老傳), chính là truyện ghi chép về nhân vật của Phật gia và Đạo gia. Trong đó, liên quan đến Thác Bạt Đảo có một đoạn miêu tả như thế này:
Khi Thác Bạt Đảo mới kế vị vẫn làm theo di nghiệp (sự nghiệp để lại) của Thái Tổ, Thái Tông, thường hay đàm luận với sa môn đại đức. Vào ngày 8 tháng 4 hàng năm (ngày đản sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni), thường đặt tượng Phật lên xe mà du hành, Hoàng đế (Thác Bạt Đảo) tự mình ra ngưỡng cửa mà nhìn, xem rải cánh hoa, vô cùng kính lễ.
Sau này Thác Bạt Đảo còn gặp một vị cao tăng tên là Trương Huệ Thuỷ, câu chuyện này có ghi chép trong chính sử.
Ban đầu Trương Huệ Thuỷ trú tại phụ cận Trường An, khi Đông Tấn bắc phạt, lần bắc phạt cuối cùng này do Lưu Dụ chủ đạo. Khi đó Đông Tấn đã công hãm được Trường An, nhưng rất nhanh nước Tây Hạ đã đến cứu Bắc Nguỵ. Khi đó nước Tây Hạ cũng là một dân tộc thiểu số, quốc vương của hội tên là Hách Liên Bột Bột. Hách Liên Bột Bột đem binh Tây Hạ đã đánh một trận với con trai Lưu Dụ là Lưu Nghĩa Chân, Lưu Nghĩa Chân thất bại.
Sau khi đánh bại quân Đông Tấn, quân Tây Hạ tiến nhập vào Trường An, đi đến đâu thì chém giết cướp bóc đến đó. Khi ấy quân Tây Hạ gặp được tăng nhân Trương Huệ Thuỷ, họ dùng đao và kiếm để chém vị tăng nhân này, phát hiện đao và kiếm không chém được, cho nên vô cùng sửng sốt. Sau đó binh lính báo cáo cho quốc vương Tây Hạ.
Quốc vương Hách Liên Bột Bột đích thân dùng đao kiếm chém Trương Huệ Thuỷ, phát hiện cũng không chém được. Trương Huệ Thuỷ là người ‘đao thương bất nhập’, cho nên quốc vương Tây Hạ lúc đó vô cùng sợ hãi. Thế là Trương Huệ Thuỷ ở tại Trường An mà không bị sao cả.
Trong lịch sử ghi lại, Trương Huệ Thuỷ thường đi trên đất bùn, nhưng chân không bị dính bẩn, vì thế người thời đó gọi ông là ‘Bạch cước sư’ (白腳師: bậc thầy chân trắng). Đến khi Trương Huệ Thuỷ viên tịch đặt trong quan tài, sau 10 năm mở quan tài ra, phát hiện nhục thân bất hoại.
Trương Huệ Thuỷ và Thác Bạt Đảo có quan hệ rất tốt, do đó trước khi Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo diệt Phật, ông đối với tăng nhân rất tốt. Nhưng sau này ông chịu ảnh hưởng của một đại thần là Thôi Hạo.
Thôi Hạo và Thác Bạt Đảo diệt Phật gặp ác báo
Thôi Hạo tự so sánh mình với Trương Lương, ông cảm thấy mình là người rất có tầm nhìn chính trị. Trong quá trình thống nhất phương bắc, Thôi Hạo đã đưa ra rất nhiều chủ ý cho Thác Bạt Đảo, có thể nói là tính toán không lệch sách lược; cho nên Thác Bạt Đảo vô cùng tin tưởng Thôi Hạo.
Thôi Hạo là người khá sùng kính Nho gia, sau này ông biết được một nhân vật Đạo giáo tên là Khấu Khiêm Chi. Trong chính sử cũng có truyện của Khấu Khiêm Chi, người này đã từng sáng lập đạo gọi là ‘Tân thiên sư đạo’ (新天師道). Khấu Khiêm Chi đem ‘Thiên sư đạo’ (do Trương Đạo Lăng sáng lập năm đó) làm một số thay đổi nhất định, sau đó truyền bá ra bên ngoài.
Khấu Khiêm Chi là một nhân vật rất quan trọng của Đạo gia, sau khi ông xuất sơn thì đến gặp Thôi Hạo; Thôi Hạo rất bội phục ông bèn bái Khấu Khiêm Chi làm thầy.
Thôi Hạo bắt đầu tin Đạo giáo, sau đó lại khá tôn sùng những thứ của Nho gia. Thôi Hạo cho rằng, Phật là Thần của người Hồ từ Tây Vực truyền đến, cho nên Thôi Hạo thường nói bên tại của Thác Bạt Đảo những điều xấu về Phật giáo; điều này đã ảnh hưởng đến Thác Bạt Đảo.
Sau đó Thôi Hạo còn giới thiệu Khấu Khiêm Chi cho Thác Bạt Đảo, Thác Bạt Đảo cũng rất tôn kính đối với những đạo sĩ như Khấu Khiêm Chi. Thác Bạt Đảo đã đổi niên hiệu thành ‘Thái bình chân quân’. Mọi người sẽ cảm thấy niên hiệu này giống như đạo hiệu của Thái Thượng Lão Quân.
Lúc này có một người Hung Nô tên là Cái Ngô (蓋吳) tạo phản ở gần huyện Hoàng Lăng, tỉnh Sơn Tây. Đô thành thời ấy của Bắc Nguỵ là Bình Thành, thế là Thác Bạt Đảo tự mình đem binh tây tiến để bình định phản loạn, quân đội của ông đã đến Trường An.
Thời đó ở trong thành Trường An có rất nhiều tự miếu (chùa chiền), trong tự miếu có trồng lúa mạch, sau đó dùng lúa mạch để nuôi ngựa. Thác Bạt Đảo đến chùa xem ngựa, thủ hạ của ông đi khắp nơi trong chùa, đột nhiên họ phát hiện trong tròng của tăng nhân tàng chứa rất nhiều binh khí, thế là họ báo cáo Thác Bạt Đảo.
Thác Bạt Đảo nghĩ: ‘Tăng nhân dùng binh khí làm gì? Tăng nhân chẳng phải không sát sinh sao?’, thế là ông nghi ngờ những tăng nhân này câu kết với Hung Nô tạo phản. Thác Bạt Đảo liền lệnh cho thuộc hạ khám xét ngôi chùa này, kết quả trong chùa tra khám được vàng bạc châu báu do người giàu gửi, còn có cả nữ nhân.
Thác Bạt Đảo cho rằng giới luật thanh quy đã loạn, ông đại nộ, lại thêm Thôi Hạo ở bên cạnh không ngừng nói những điều xấu về Phật giáo. Thế là vào năm 446, Thác Bạt Đảo đã hạ một chiếu thư diệt Phật vô cùng hà khắc. Vũ Đế nói:
Ảnh tượng Phật và sách của người Hồ, đều đập phá và thiêu đốt hết. Sa môn không phân biệt lớn nhỏ, đều chôn hết.
Thác Bạt Đảo hạ lệnh cho Thái tử Thác Bạt Hoảng: ‘Ngươi ở Lạc Dương hãy thi hành chính sách này, hoà thượng không kể tuổi lớn hay nhỏ, toàn bộ đều chôn sống’. Nhưng Thác Bạt Hoảng là người tín phụng Phật giáo, có quan hệ rất tốt với các tăng nhân, cho nên ông đã cố ý trì hoàn việc thi hành mệnh lệnh, như thế hoà thượng có thời gian nghe được chiếu thư liền lần lượt chạy trốn.
Nhưng chúng ta biết rằng, người Trung Quốc có câu: ‘Chạy được hoà thượng nhưng không chạy được chùa’, hoà thượng có thể chạy nhưng tự miếu vẫn còn đó, cho nên tự miếu đã bị đập phá, Phật Kinh bị thiêu đốt. Lần diệt Phật này là sự kiện toàn quốc, là do Thôi Hạo xúi giục.
Thời đó có một người cật lực phản đối Thác Bạt Đảo diệt Phật, đó là nhân vật Đạo gia Khấu Khiêm Chi. Khấu Khiêm Chi đã khuyên Thác Bạt Đảo đừng diệt Phật nữa, sau đó còn biện luận với Thôi Hạo. Nhưng cả Thôi Hạo và Thác Bạt Đảo đều không nghe lời của Khấu Khiêm Chi. Khấu Khiêm Chi đã đưa ra một dự ngôn rằng: ‘Nếu Thôi Hạo huỷ diệt Phật Pháp, tương lai nhất định gặp ác báo’.
Sau này Thôi Hạo phụng mệnh đi chỉnh lý quốc sử Bắc Nguỵ, chính là việc ghi chép lại những sự kiện từ lúc Bắc Nguỵ kiến quốc đến nay. Thôi Hạo cảm thấy bản thân mình có tài, cho nên khi ghi chép lịch sử, ông ghi lại lịch sử Bắc Nguỵ đúng sự thật, nhưng trong đó bao hàm rất nhiều sự việc không mấy vẻ vang.
Thôi Hạo đem lịch sử khắc trên đá, đặt trên đường lớn để mọi người đọc và bình luận, điều này tương đương với việc: những chuyện không mấy vẻ vang của Bắc Nguỵ bị mọi người biết hết. Thác Bạt Đảo đại nộ, hạ lệnh diệt tộc Thôi Hạo, toàn bộ gia tộc của Thôi Hạo đều bị giết.
Thôi Hạo chết rất thảm, trong sách sử viết rằng, trước khi Thôi Hạo đối diện với cái chết, ông “bị ngũ hình” (備五刑: đầy đủ ngũ hình – 5 hình phạt khắc nghiệt thời xưa, Thôi Hạo đều phải chịu hết). Điều này giống như Lý Tư năm xưa trước khi chết cũng như vậy, bị cắt mũi, cắt ngón chân, thích chữ lên mặt… Thôi Hạo chết rất thảm, tiếng thét trước khi chết của ông men theo khắp đường, rất xa có thể nghe thấy. Đây là báo ứng cho hành vi diệt Phật.
- Xem thêm về kết cục bi thảm của Lý Tư: Triệu Cao đã hại Lý Tư thê thảm như thế nào? – Tần Hoàng Hán Vũ tập 4 (2)
Thác Bạt Đảo khi ấy cũng hối hận vì diệt Phật, nhưng ông không thay đổi chính sách của mình. 2 năm sau, tức năm 452, Thác Bạt Đảo vô cùng sủng ái tin tin tưởng một hoạn quan tên là Tông Ái, nhưng chính Tông Ái đã hạ sát Thác Bạt Đảo. Sau này Tông Ái cũng giết 2 người con của Thác Bạt Đảo là Thác Bạt Hàn và Thác Bạt Dư.
Do đó thấy rằng, Thôi Hạo ‘diệt Phật’ bị ‘diệt tộc’, bản thân Thác Bạt Đảo và 2 con trai cũng bị giết.
Sau này Tông Ái bị đại thần Lưu Nê giết. Cháu trai của Thác Bạt Đảo tên là Thác Bạt Tuấn được lập thành Hoàng đế, đây là Văn Thành Đế của Bắc Nguỵ. Sau khi Thác Bạt Tuấn làm Hoàng đế, ông lập tức hạ lệnh khôi phục Phật Pháp, đồng thời bắt đầu khai đục hang Vân Cương, cũng tính như chuộc lại lỗi lầm của tổ phụ Thác Bạt Đảo.

***
Từ năm 446 đến 452 đã xảy ra sự kiện diệt Phật của Bắc Nguỵ, đây là pháp nạn lần thứ nhất của Phật giáo khi truyền nhập vào Trung Quốc. Người tham dự diệt Phật là Thác Bạt Đảo và Thôi Hạo đều gặp phải ác báo.
Năm 452, Văn Thành Đế Thác Bạt Tuấn kế vị, Phật giáo phương bắc lại bắt đầu hưng thịnh trở lại, còn tình huống phát triển của Phật giáo phương nam như thế nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3 tập 4: Diệt Phật hưng Phật.
(**) Ảnh trong bài chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3 tập 4.