Trong cuộc sống xã hội phức tạp ngày nay, mỗi người trong chúng ta đều có những bí quyết và nguyên tắc xử lý tình huống của riêng mình. Tuy nhiên, lời cổ nhân dạy chưa bao giờ là dư thừa.

Chúng ta hãy cùng xem những bậc thầy về xử lý tình huống khi xưa đối nhân xử thế như thế nào qua các câu chuyện dưới đây… 

1. Chiến lược đường vòng

Trong xử lý tình huống, nhiều người thường thích đi thẳng vào vấn đề mà không muốn đi theo đường vòng, kết quả là xôi hỏng bỏng không. Họ hành động như vậy là bởi họ không hiểu được trí tuệ của “chiến lược đường vòng”. 

Vào thời Xuân Thu, Tề Cảnh Công thích nuôi chim. Ông đã nhờ thuộc hạ của mình là Chúc Trâu chăm sóc con chim quý nhất, Chúc Trâu không cẩn thận khiến chim bay mất. Tề Cảnh Công vô cùng tức giận hạ lệnh giết chết Chúc Trâu. 

Đại thần Yến Tử của của nước Tề biết được sự việc này, liền nói: “Được rồi, bệ hạ hãy giết Chúc Trâu để hắn phải đền tội, nhưng trước khi ngài giết hắn, hạ thần muốn mắng hắn 3 câu, để hắn chết được nhắm mắt”. Yến Tử liền sai người trói Chúc Trâu lại rồi trách móc như sau:

Thứ nhất, đại vương yêu thích con chim như vậy mà nhà ngươi dám để nó bay mất. Thứ hai, ngươi để con chim bay mất lại khiến đại vương vì vậy mà phải giết một đại thần. Thứ 3, nhà ngươi chết, tội còn nhẹ, chỉ là thông tin đại vương vì mất một con chim mà giết bỏ đại thần nếu truyền ra bên ngoài, các nước chư hầu và dân chúng biết được sẽ cười chê bậc quân vương của nước Tề coi tính mạng của con chim quan trọng hơn tính mạng con người, đây chẳng phải là hủy hoại thanh danh của đế vương nước Tề sao? 

Tề Cảnh Công nghe xong liền bật cười, nói: “Mau thả người, ta hiểu rồi”. Đây chính trí tuệ ‘đi đường vòng’ của Yến Tử. 

Ảnh: Epoch Times.

2. Tư duy ngược

Tôn Tẫn là một quân sư nổi tiếng thời Chiến Quốc, đến làm khách nước Ngụy nhưng Ngụy vương lòng dạ hẹp hòi, ghen tị với tài hoa của ông nên cố ý gây khó dễ. Ngụy vương nói với Tôn Tẫn: “Nghe nói nhà người rất tài giỏi, nếu như có thể khiến ta bước từ trên chỗ ngồi đi xuống thì ta sẽ để ngươi làm tướng quân”. Ngụy Huệ Vương thầm nghĩ: “Ta sẽ không đứng dậy xem nhà ngươi làm gì được chứ?” 

Tôn Tẫn thầm nghĩ: “Ngụy Huệ Vương đang ngồi tại chỗ của ông, mình không thể cưỡng ép kéo ông ta xuống, bởi vì kéo hoàng đế xuống là mắc tử tội. Phải làm thế nào bây giờ chứ? Chỉ có thể dùng cách suy nghĩ ngược khiến ông ta tự động bước xuống”. Vì vậy, Tôn Tẫn nói với Ngụy Huệ Vương: “Tại hạ thực sự không thể hạ bệ nhà vua khỏi ngai vàng, nhưng tại hạ lại có cách khiến ngài có thể đi từ dưới mà ngồi lên ngai vàng”. Ngụy Huệ Vương nghĩ thầm: “Đây chẳng phải là cùng một sự việc, ta sẽ không ngồi xuống xem ngươi làm gì được”. Vì vậy, Ngụy Huệ Vương liền vui vẻ từ ngai vàng bước xuống. Tôn Tẫn lập tức nói: “Hiện giờ tại hạ chưa nghĩ ra biện pháp khiến ngài ngồi trở lại ngai vàng, tuy nhiên tại hạ đã khiến ngài từ ngai vàng bước xuống rồi”. Lúc này Ngụy Huệ Vương mới biết mình bị lừa, đành phải phong Tôn Tẫn làm tướng quân. 

Ảnh: Shutterstock.

3. Nắm bắt chừng mực

Chuyện kể rằng có một người đã đến chùa Kim Sơn, ngôi chùa nghìn năm tuổi, để rung chuông cầu phúc. Vị sư già quản chuông nói với anh ta rằng đánh chuông chỉ đánh 3 cái: Lần thứ nhất là cầu phúc hỷ lâm môn, lần thứ 2 là cầu thăng quan tiến chức, lần thứ 3 là xin kéo dài tuổi thọ. 

Sau khi đánh chuông lần thứ 3, anh ta cảm thấy trong lòng khó chịu, không tin vào những gì vị sư già quản chuông nói. Lợi dụng thời điểm vị sư già không để ý, anh ta cố tình gõ chung thêm một cái nữa. Vị sư già nghe thấy quá sửng sốt nói với anh ta: “Vậy là xong chuyện rồi, những lần gõ trước đều không được tính nữa”. Anh ta hỏi vị sư già: “Tại sao lại như vậy?” Vị sư già nói rằng đánh chung không thể đánh cái thứ 4, gõ như vậy thì là “tứ đại giai không” rồi! Anh này nghe xong lời giải thích thì không khỏi choáng váng. 

Người xưa rất chú ý đến mức độ, giống như nói “hăng quá hóa dở”, quá nhiều hoặc quá ít đều không tốt. Mọi sự việc đều có mức độ của nó, háo thắng sẽ không thành công, nóng vội sẽ hỏng việc, có câu: “Dục tốc bất đạt”, sự việc làm quá đi, tưởng được lợi nhưng lại không đạt được gì. Do vậy, chúng ta cần thực hiện trong bổn phận, làm không vì cầu lợi, đây là nắm chắc “mức độ”. 

4. Công chính bình hòa

Công chính bình hòa tức là trung dung. Trung dung là tiêu chuẩn đạo đức của Nho gia. Trong đối nhân xử thế cần bảo trì “công chính bình hòa”. Xưa có một câu chuyện kể rằng: 

Pháp luật của nước Lỗ quy định, nếu ai đó chịu bỏ tiền ra chuộc người bị nước láng giềng bắt về làm nô tỳ thì chính quyền sẽ ban thưởng theo luật định. Tử Cống, một học trò của Khổng Tử, là người rất giàu có và không muốn nhận tiền thưởng. Khổng Tử biết được liền mắng Tử Cống: “Trò sai rồi, hành động của người hiền có thể thay đổi phong tục tập quán, trở thành quy phạm của quần chúng. Sao trò chỉ vì cao hứng nhất thời mà hành động một cách tùy tiện? Hiện tại dân nước Lỗ ít, phần lớn là người nghèo. Trò làm như vậy sẽ vô tình tạo ra tiền lệ xấu, khiến mọi người nghĩ rằng chuộc người mà nhận tiền là việc rất mất mặt, sau này ai còn đi chuộc người về nữa, tinh thần chuộc người cũng dần dần mất đi”. Tử Cống nghe xong cảm thấy mình đã sai, liền cũng suy nghĩ kỹ lại lời dạy của Khổng Tử. 

Qua câu chuyện này, chúng ta cũng có thể thấy rằng Khổng Tử nhất định không phải là một học giả đạo đức đơn thuần. Ông chính là một người công chính bình hòa, chưa bao giờ dùng đạo đức để ép người khác hành động theo, cũng không dùng đạo đức để áp chế bản tính của con người.

5. Khi chuẩn bị làm việc lớn cần phải tĩnh khí

Lúc còn trẻ, Tăng Quốc Phiên khó tránh khỏi những lúc nóng nảy khi xử lý công việc. Thầy của ông là Đường Giám tiên sinh đã đưa cho ông một chữ – “Tĩnh”. Từ đó trở đi, mỗi ngày Tăng Quốc Phiên đều dành một chút thời gian để tĩnh tọa, suy xét về cách đối nhân xử thế và đạo làm quan. Nhờ vậy, ông đã gặt hái được nhiều lợi ích. Đặc biệt là, khi gặp phải những vấn đề lớn, ông không dễ dàng đưa ra quyết định, sau khi tĩnh tọa suy nghĩ, cân nhắc nhiều lần mới nói ra chủ ý của mình. Vì muốn có bầu không khí tĩnh lặng và thơm mát, trước lúc tĩnh tọa, ông thường châm một nén hương thơm trong phòng. Khi thấy ông sửa soạn việc này, người trong gia đình biết ông sắp phải đưa ra quyết định quan trọng nên đều tránh làm phiền. 

Tăng Quốc Phiên nói rằng, dù phải đối diện với bất kể sự việc gì cũng cần giải quyết một cách ôn hòa và bình tĩnh. Nếu hoảng hốt nóng vội sẽ đưa ra quyết định sai lầm. Việc thiên hạ mà thực hiện nóng vội là hành động sai lầm. Giữ tâm bình thản nhẹ nhàng là cách tốt nhất để làm việc lớn. Người luôn hấp tấp vội vàng sẽ khó làm việc lớn, bởi vì thiếu tĩnh khí cùng trí tuệ tường hòa. 

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có ghi lại câu chuyện như thế này: “Sau khi Lưu Bị qua đời, nước Ngụy và Ngô liên kết với các dân tộc thiểu số chia làm 5 cánh quân tiến đánh nước Thục. Lưu A Đấu nghe tin mà sợ chết khiếp, đầu óc các tướng lĩnh cũng bị mộng mị. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng lại tự giam mình trong Tướng phủ 3 ngày không tiếp khách, tĩnh tâm suy nghĩ đối sách. Kết quả là 5 cánh quân tiến đánh liền được hóa giải một cách nhẹ nhàng. Đây gọi là câu chuyện: “An cư bình ngũ lộ” của Gia Cát Lượng. 

Cả Tăng Quốc Phiên và Gia Cát Lượng đều là những nhà chính trị gia “Nội thánh ngoại vương”, nhờ công phu tu luyện chữ Tĩnh mà thành công trong nhiều việc lớn. Trong sách “Giới Tử Thư”, Gia Cát Lượng đã để lại một câu nói sâu sắc: “Người không có tĩnh khí sẽ không thể đi xa”. 

Theo Vision Times
San San biên dịch

Có thể bạn quan tâm:

videoinfo__video3.dkn.tv||c90b7fa55__

Ad will display in 09 seconds