Tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi sống ở một đất nước xa lạ như Nhật Bản. Nhưng chỉ khi rời xa mảnh đất này, thì tôi mới thấy mình đã được thay đổi một cách tích cực như thế nào.

1. Tôi sẵn sàng giúp đỡ người khác

Một lần, trong khi đi du lịch ở Nhật Bản, tôi đã lỡ chuyến xe buýt chạy đêm theo lịch trình, vì tôi lỡ chuyến xe buýt đó nên cũng có nghĩa là tôi sẽ không kịp giờ làm việc vào ngày hôm sau, điều này rất khó được chấp nhận ở Nhật Bản. Tôi sử dụng vốn tiếng Nhật ít ỏi của mình để hỏi đường đến trạm xe buýt, nhưng tôi đã không hiểu được cách chỉ đường của mọi người. Cuối cùng, tôi cũng nhìn thấy một nhân viên nhà ga, ông cầm một chiếc cặp trên tay, có lẽ ông vừa hoàn thành xong công việc và trên đường về nhà, tôi vội chạy đến với vẻ hoảng sợ và nhờ ông chỉ đường giúp tôi. Thay vì chỉ đường cho tôi, ông đã …. dẫn tôi tới tận trạm xe buýt với quãng đường ít nhất cũng phải gần 2km. Trên đường đi ông không than phiền hay nói tiếng nào và cũng không để tâm tới lời cảm ơn của tôi như thể đây là công việc ông thường xuyên làm.

Những sự việc đôi khi chỉ mất khoảng 10 phút thực hiện và một chút bất tiện của mình nhưng có thể sẽ mang lại cả một ngày tươi đẹp cho ai đó. Ảnh dẫn theo panynj.gov

Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện tương tự từ những người Việt mới sang đây làm ăn và học tập. Người Nhật chỉ cần thấy bạn không rành về ngôn ngữ của họ và đang có vẻ cần sự giúp đỡ thì họ sẽ sẵn sàng bỏ ra cả chục phút đồng hồ để hướng dẫn bạn. Trong siêu thị, nếu một người không rõ vị trí của một món hàng nào đó thì dù đang ở tầng 1, nhiều khách hàng cũng sẵn sàng dẫn họ lên đến tầng 2, tầng 3 để chỉ cho người mua thứ họ cần.

Họ không sợ muộn giờ làm, muộn giờ đón con, muộn giờ đi chơi…Nét đặc trưng trong văn hóa này của người Nhật luôn nhắc nhở tôi rằng tôi cần rộng lượng hơn, thoát khỏi cái vỏ bọc của mình và luôn để tâm giúp đỡ người khác. Những sự việc đôi khi chỉ mất khoảng 10 phút thực hiện và một chút bất tiện của mình nhưng có thể sẽ mang lại cả một ngày tươi đẹp cho ai đó.

2. Tôi ý thức hơn về việc đơn giản như ăn uống hàng ngày

Tôi là một người trẻ và chưa phải đối diện với các vấn đề về sức khỏe, khẩu vị của tôi cũng khá béo ngậy và nhiều chất đạm. Trước khi sống ở Nhật, tôi cứ nghĩ rằng một tô đầy mì, kèm thịt hun khói, phôi mai với rau xanh, bông cải là được một bữa ăn “bổ dưỡng”, nhưng bây giờ tôi đã tránh xa những đồ ăn kiểu này. Ở Nhật, các gia đình truyền thống ăn nhiều loại rau xanh, cá ít béo, gạo trắng và súp miso. Trông có vẻ thanh đạm nhưng lại rất tốt cho sức khỏe.

Không phải tôi đã hoàn toàn ăn thức ăn giống như những gia đình truyền thống Nhật Bản, nhưng tôi ý thức hơn được những đồ ăn nào sẽ tốt hơn cho sức khỏe của mình và giảm bớt sự ham muốn với đồ ăn ngon. Việc ăn uống cũng chỉ là để giúp con người duy trì sự sống, ăn uống vô độ và luôn thèm khát chỉ làm gia tăng dục vọng và khiến cơ thể tích tụ lại rất nhiều độc tố.

Ngồi vào bàn ăn với một tâm thái bình an và thưởng thức món ăn. Ảnh dẫn theo ichibasushi.vn

Có thể nói Nhật Bản là đất nước của Phật giáo, rất nhiều nét văn hóa có nguồn gốc từ đạo Phật. Và lẽ đương nhiên nguyên tắc ăn uống của họ cũng từ đạo Phật mà ra. Một là cần phải kính trọng và biết ơn những công sức của người đã nuôi trồng thực phẩm và chuẩn bị ra món ăn đó. Hai là phải làm những việc tốt xứng đáng với việc được hưởng những món ăn đó. Ba là phải ngồi vào bàn ăn với một tâm thái bình an. Bốn là thưởng thức món ăn để nuôi dưỡng tinh thần bên cạnh việc nuôi dưỡng cơ thể.

3. Học được ý nghĩa thực sự của món quà

Tặng quà là một trong những nét văn hóa đặc trưng của Nhật. Khi người Nhật trở về từ một chuyến công tác hoặc chuyến du lịch, hay chỉ đơn giản là đi đâu đó một thời gian, họ thường tặng bạn bè, đồng nghiệp, người thân những món quà nhỏ như: bánh, kẹo, đồ lưu niệm. Món quà đó được gọi là “Omiyage”. Người Nhật coi trọng các mối quan hệ xã hội nên ý nghĩa của việc tặng quà mang hàm ý là “tôi luôn nghĩ về bạn cho dù tôi ở nơi xa”.

Để bày tỏ lòng biết ơn về những ai đã giúp đỡ mình trong thời gian gần đây, thì mùa đông và mùa hè trong năm, người Nhật có tập quán tặng quà được gọi là Chugen (từ mùng 1 đến 13/7) và Seibo (cuối năm). Mục đích của việc tặng quà trong hai dịp này là để cảm ơn những người đã giúp đỡ mình và gần như là đã gửi một thông điệp đến người nhận là người tặng quà có “mong muốn được gắn bó và phát triển gắn bó bền vững tình cảm hai người với nhau”. Người tặng và người nhận có thể là bố mẹ, các đồng nghiệp, nhân viên và xếp hay các đối tác làm ăn. Họ thậm chí còn cảm ơn người khác trước mặc dù mới gặp lần đầu chưa giúp gì được nhau.

Nét độc đáo tặng quà được gọi là Chugen (từ mùng 1 đến 13/7) và Seibo (cuối năm) của người Nhật. Ảnh dẫn theo zoomingjapan.com

Điểm này khá tương đồng với văn hóa người Việt. Nó cũng nhằm mục đích như sợi dây gắn kết con người lại với nhau. Nhưng khi ở Việt Nam, chuyện tặng quà cho nhau đang có xu hướng lệch lạc bằng việc đánh giá giá trị món quà, lợi dụng việc tặng quà để nhằm mục đích khác chứ không chỉ đơn giản là một lời cảm ơn hay thể hiện sự quan tâm chân tình. Người Nhật thường lại chỉ tặng những món quà có giá không quá cao, có thể đơn giản là rượu Sake, đồ ăn hay những vật dụng gia đình nho nhỏ. Nếu bạn tặng các món quà rất đắt tiền thì người nhận sẽ không hài lòng cho lắm, vì người Nhật không bao giờ suy nghĩ là những món quà là “tiền bạc”, nhưng những món quà cần phải được gói bọc cẩn thận và đẹp mắt, vì người Nhật rất thích cái đẹp và chỉn chu.

Cũng khá giống với người Hàn Quốc, trong các bộ phim dài tập tôi thường thấy họ tặng nhau những bịch giấy vệ sinh làm quà. Thật sự, trong quan niệm của nhiều người Việt, thì có lẽ món quà như vậy thật là khó hiểu, đôi khi còn hơi khiếm nhã. Đã tặng quà thì phải là sơn hào hải vị, có giá trị thì mới có ý nghĩa, nhưng việc đánh giá, vật chất hóa tình cảm và sự chân thành đã trở thành một cách nghĩ lệch lạc và chạy theo hình thức.

Tôi đã quyết định thay đổi như người Nhật, thường xuyên tặng những món quà nho nhỏ nhưng rất thiết thực cho những người quanh mình bằng cả tấm lòng mà không ngượng ngịu vì chúng quá đơn giản, nhỏ bé. Tôi cũng bớt chút thời gian gói gém món quà cẩn thận, viết thêm tấm thiệp hy vọng họ sẽ dùng món đồ thật hữu dụng cùng vài lời cảm ơn chân thành nhưng không hoa mỹ. Tôi tin rằng những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm được tới trái tim.

Tặng quà để nhằm mục đích khác chứ không chỉ đơn giản là một lời cảm ơn hay thể hiện sự quan tâm chân tình. Ảnh dẫn theo euro-japan.de

4. Lái xe cũng là thể hiện của văn hóa

Tham gia giao thông ở Nhật Bản, tôi đã khá bỡ ngỡ với rất nhiều biển báo, vạch kẻ đường, những làn đường đặc biệt, cách lưu thông trái ngược với thông lệ trên thế giới và cả những nét văn hóa khác biệt so với ở Việt Nam.

Nháy đèn pha để cảm ơn nhường đường: Ở Việt Nam, nháy đèn pha từ lâu đã trở thành một thói quen để các tài xế thông báo cho các xe đối diện rằng hãy nhường đường cho tôi, tôi đang tới đây. Tôi cũng hay nháy đèn cho xe đi đằng trước biết rằng mình sẽ vượt nên họ hãy đi cẩn thận và nép vào một bên. Nhưng ở Nhật, khi một xe muốn nhập làn sẽ ra tín hiệu xin xe khác. Nếu xe khác nhường họ, họ sẽ nháy đèn 2 lần thay cho lời cảm ơn.

Không bấm còi: Không bấm còi là văn hóa giao thông nổi bật không chỉ ở Nhật mà hầu hết các nước phát triển. Đặc biệt khi tắc đường, tài xế vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ chứ không nổi nóng bấm còi inh ỏi và tìm cách cướp đường. Tôi nhận ra rằng, khi đường đang đông và tất cả đều phải đứng im không di chuyển được, thì một cú bấm còi đâu có khiến xe đằng trước đi được, họ cũng đang bị tắc mà, tại sao người Việt lại bấm còi trong hoàn cảnh đó?.

Ở Nhật khi tắc đường, tài xế vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ chứ không nổi nóng bấm còi inh ỏi và tìm cách cướp đường. Ảnh dẫn theo ncdot.gov

Nhường đường cho người đi bộ: Nhường đường cho người đi bộ là thói quen thường thấy của tài xế Nhật Bản. Ở đất nước này, người đi bộ chiếm số đông bởi phần lớn sử dụng phương tiện công cộng. Ngay cả ở những đoạn đường không có đèn đỏ hay vạch sang đường, nếu thấy có người đi bộ đang muốn qua đường, các xe sẽ chủ động dừng lại đợi người đi bộ đi qua rồi mới tiếp tục di chuyển. Và tất nhiên, người đi bộ sẽ đi qua thật nhanh với cái gập người cảm ơn.

5. Cách sống không phô trương

Có một quan niệm trong giáo dục ở Nhật Bản đó là phải sống hòa đồng không nên nổi trội trong đám đông. Điều này lý giải cho việc người Nhật không thích phô trương dù họ rất giàu có. Họ không thích xây những biệt thự hoành tráng mà sống trong những căn hộ kiểu truyền thống, thuận tiện cho việc sinh hoạt, đi lại. Người giàu Nhật Bản thích sưu tập, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật truyền thống, không hứng thú lắm với nghệ thuật phương tây, thích đi nghe hòa nhạc, dùng tiền cho học tập, hội họa và đặc biệt là du lịch. Không tốn tiền cho xe sang, nhà đẹp hay quần áo đồ trang sức đắt tiền.

Và dù có giàu có hay không, họ đều không thuê người giúp việc, cha mẹ sẽ chịu trách nhiệm chăm lo nhà cửa, con cái trong gia đình. Người giàu Nhật Bản cũng rất hiểu vị thế của mình trong xã hội và biết nước Nhật cần tiền của họ. Họ đi du lịch nội địa và mua hàng Nhật. Đối với họ đó là thể hiện trách nhiệm công dân. Đồ dùng trong gia đình phần lớn được sản xuất trong nước và họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua rượu Nhật siêu đắt chứ không chọn rượu ngoại.

Tài sản ở Nhật bị đánh thuế rất lớn, thuế thừa kế lên tới 55%. Giới nhà giàu ở Nhật không cho con cái thừa kế nhiều tài sản mà họ để lại cho con những kĩ năng để kiếm tiền. Họ đầu tư cho con cái những cơ hội giáo dục tốt nhất, cho con học các khóa kỹ năng mềm và làm gương cho con noi theo. Đó mới là cách tốt nhất đảm bảo cho tương lai của con mình.

Người Nhật Bản họ không thích xây những biệt thự hoành tráng mà sống trong những căn hộ kiểu truyền thống, thuận tiện cho việc sinh hoạt, đi lại. Ảnh dẫn theo insidekyoto.com

Những ai đã từng sinh sống ở Nhật Bản như tôi chắc sẽ đều thấy kinh ngạc trước nhiều điều ở xứ sở hoa anh đào này. Và như người xưa đã nói “gần đèn thì rạng”, có vẻ như tôi đã ngấm được nhiều điều tích cực từ văn hóa Nhật Bản và ứng dụng được nó trong đời sống của mình. Tất nhiên, ở đâu cũng có những điều tốt và xấu đan xen. Phân biệt được, lựa chọn được hay không là ở chúng ta. Cá nhân tôi thì vẫn tin rằng, duy trì và nhân rộng những điều tốt sẽ giúp đánh bay những điều xấu, và biết đâu như hiệu ứng cánh bướm, một việc làm tốt tôi học được từ người Nhật khi ứng dụng trên đất Việt sẽ quay lại ảnh hưởng được tới những điều xấu ở Nhật Bản hay một nơi nào đó trên thế giới. Bạn đừng hoài nghi về sức mạnh của việc lan tỏa những điều tốt lành, hãy cứ làm với niềm tin và sự say mê. Có thể tôi ngây thơ, nhưng tôi chẳng mất gì cả, và chắc chắn khi làm điều tốt, tôi sẽ được rất nhiều điều. Bạn có nghĩ vậy không?

Vi Viên

Xem thêm: