Mục lục bài viết
Có được gia đình toàn vẹn là một trong những điều tuyệt vời nhất trên thế gian này. Mặc dù mọi người trong gia đình yêu thương lẫn nhau nhưng đôi khi không thể tránh khỏi bất đồng.
Bài thơ Bát Chí (Tám cái nhất) của thi sĩ Lý Dã viết vào thời Thịnh Đường đề cao mối quan hệ giữa vợ và chồng như sau:
Bát chí
Chí cận chí viễn đông tây,
Chí thâm chí thiển thanh khê.
Chí cao chí minh nhật nguyệt,
Chí thân chí sơ phu thê.
Dịch nghĩa
Tám Cái Nhất
Gần nhất xa nhất là sự vật.
Sâu nhất cạn nhất là suối trong.
Cao nhất sáng nhất là mặt trăng mặt trời.
Thân nhất sơ nhất là vợ chồng.
Bởi vì vợ chồng là người thân không có quan hệ huyết thống, khi ở bên nhau là một thể, khi xa cách lại là người xa lạ, thậm chí có trường hợp đến hết cuộc đời cũng không liên lạc với nhau.
Hầu hết các cặp vợ chồng trên thế giới chọn dành cả cuộc đời cho nhau vì họ hy vọng sẽ mãi yêu nhau như lúc ban đầu, nhưng có bao nhiêu cặp vợ chồng thực sự có thể cùng nhau vượt qua những rào cản cuộc sống để nắm tay đến cuối con đường?
Sau khi kết hôn, không phải là tình cảm của hai người đã phai nhạt và không còn yêu nhau như trước, chỉ là tình yêu trong sáng ban đầu đã bị xen lẫn với quá nhiều bộn bề của cuộc sống khiến mối quan hệ giữa hai người dần thay đổi một cách vô thức.
Với các cặp vợ chồng, họ sẽ có bốn lần tương ứng với bốn giai đoạn trải qua những giông tố trong hôn nhân. Nếu vượt qua hết, họ chắc chắn sẽ hạnh phúc mãi mãi và gặt hái được quả ngọt của tình yêu. Nếu không vượt qua được, họ sẽ xung đột, chiến tranh lạnh và chia ly.
Yêu nhau thì dễ nhưng đến với nhau không đơn giản.
Yêu nhau thì dễ nhưng để sống chung được cùng nhau lại là một thử thách khó khăn.
Khi hiểu được bốn giai đoạn trắc trở thường gặp trong hôn nhân, bạn sẽ thấy cuộc sống vợ chồng sau này nhẹ nhàng và thấu đáo hơn, hạnh phúc cũng theo đó mà tìm đến.
Những năm đầu tiên sau khi cưới
Hai năm đầu là giai đoạn thích ứng, các cặp đôi có được sự thấu hiểu trong giai đoạn này về sau sẽ càng hòa hợp tốt đẹp hơn. Khi mới ở chung với nhau, đôi bên đều dành cho đối phương trạng thái tốt nhất. Họ không ngần ngại bày tỏ tình cảm với người kia, mỗi ngày đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì những lời ngọt ngào, thân mật. Hoóc môn trong giai đoạn yêu nồng nàn sẽ khiến người ta cảm thấy đối phương chính là người phù hợp để đi cùng mình cả đời.

Tuy nhiên, chưa bao giờ có chuyện một cặp đôi tự nhiên đã hòa hợp, họ cần học cách bao dung và thấu hiểu lẫn nhau, thay đổi những thứ không phù hợp giữa bản thân và đối phương.
Chúng ta thường nghe ví von: “Nam châm trái dấu thì hút nhau”. Nhưng theo thời gian, sự khác biệt về sở thích, tính cách dễ khiến sợi dây tình cảm sẽ giảm dần sự liên kết. Thay vì khăng khăng giữ lấy cái tôi cá nhân, sẽ tuyệt hơn nếu bạn cùng bạn đời cùng chia sẻ những thú vui, sở thích của nhau, hoặc thử học một điều mới mẻ để tăng nguồn cảm hứng yêu thương và thêm phần gắn kết.
Trong bộ phim “Tình cha mẹ”, tình yêu trọn đời của Giang Đức Phúc và An Kiệt chính là như thế. Lúc đầu, hai người đều cảm thấy đối phương và mình không xứng đôi, không thể phù hợp: Giang Đức Phúc là một người kém văn hóa còn An Kiệt lại là tiểu thư khuê các khéo léo, tinh tế. Khi mới kết hôn, hai người đúng là có nhiều xung đột, nhưng ngày tháng trôi qua, hai người chung sống với nhau, bỏ qua mâu thuẫn, giao tiếp với nhau rồi ngày càng bao dung lẫn nhau. Sau đó, một người ‘thô tục’ như Giang Đức Phúc đã dần thích loại cà phê mà ‘tiểu thư khuê các’ An Kiệt ưa chuộng, học cách ăn đồ ăn phương Tây giống như An Kiệt. Về phần An Kiệt, cô cũng dần chấp nhận thói quen sinh hoạt có phần thô lỗ của chồng mình, trong lúc ăn cơm ngẫu nhiên cũng sẽ vô tình chẹp miệng
Và để cuộc hôn nhân trở nên hạnh phúc, cả hai cũng cần thiết lập thêm các mối quan hệ đa dạng trong cuộc sống hai người.
Đầu tiên là mối quan hệ người yêu, hãy nhớ bày tỏ tình yêu với nhau.
Thứ hai là quan hệ đối tác, bạn phải vững tin rằng đối phương sẽ không dễ dàng chấm dứt hợp tác với bạn.
Cuối cùng là tình bạn, các bạn cần tìm hiểu nhau, phát hiện ra những điểm chung để có thể cùng nhau chơi đùa, tâm sự.
Nếu muốn xây dựng quan hệ gần gũi giữa hai vợ chồng trên cơ sở tình yêu thì chúng ta nên dựa vào sở thích và đặc điểm của người kia để phân công, giúp đỡ nhau làm việc nhà. Trong cuộc sống hôn nhân, hai người nên hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau trải qua những thăng trầm của cuộc đời thay vì ngày càng hời hợt với nhau để rồi một người sống như độc thân, một người sống như cha/mẹ đơn thân.
Romain Rolland từng nói: “Hôn nhân là sự kết hợp của tình yêu, bao dung và nhường nhịn lẫn nhau”. Vì vậy, hãy từ từ bước vào, dần dần bao dung, cho mình và đối phương thời gian để sửa chữa khuyết điểm, chầm chậm cảm nhận hương vị hạnh phúc.
Giai đoạn người phụ nữ mang thai và sinh con

Sau khi mang thai, tâm trạng của người phụ nữ sẽ rất mẫn cảm do cơ thể không thoải mái. Một khi người chồng không thông cảm cho vợ, hai người càng dễ dàng nổi nóng và dẫn đến cãi vã.
Có bao nhiêu cặp vợ chồng đã không vượt qua giai đoạn này?
Người chồng nghĩ: Không phải chỉ là sinh con thôi sao? Phụ nữ ai chả sinh con, vì sao vợ lại làm quá mọi chuyện lên như vậy? Anh còn phải kiếm tiền nuôi gia đình. Người vợ trong lúc đó cảm thấy: mình thật khó chịu, mình muốn một người quan tâm mình, hiểu mình, biết được khó khăn của mình, bao dung với những thay đổi của cơ thể mình.
Lúc này, nếu không khéo giao tiếp và bày tỏ ý kiến của bản thân thì giữa hai vợ chồng rất dễ tạo ra ngăn cách. Giữa vợ và chồng xuất hiện rạn nứt, tạo cơ sở cho mâu thuẫn vợ chồng leo thang trong tương lai.
Sau khi sinh con, khi cả gia đình chỉ xoay quanh em bé và coi người vợ như “máy sản xuất sữa” thì đa phần người phụ nữ trong tâm sẽ tủi thân, cảm thấy mình chỉ là một cỗ máy sinh sản. Nếu như sống chung với mẹ chồng thì người vợ còn chịu tác động từ những thói quen sinh hoạt không thể thống nhất giữa các thành viên trong gia đình. Trong giai đoạn này, người vợ đặc biệt cần sự giúp đỡ, che chở, chăm sóc của chồng.
Nếu là một người quan tâm tới Cbiz, chắc hẳn bạn đã biết tới chuyện tình của Viên Hoằng và Trương Hâm Nghệ. Không lâu sau khi Trương Hâm Nghệ sinh con, cô và Viên Hoằng tham gia chương trình “Quý Ông Nội Trợ”. Để chăm sóc vợ đang cho con bú, Viên Hoằng trở thành người chồng nội trợ, thành thạo giặt giũ, nấu nướng và chăm sóc con cái.
Viên Hoằng nói: “Một người đàn ông thực sự tốt không bao giờ ‘giúp’ phụ nữ làm việc nhà, bởi vì việc nhà không phải của riêng người vợ, nó phải được chia sẻ; khi một người đàn ông làm việc nhà, gia đình cũng trở nên ấm áp hơn”.
Trương Hâm Nghệ bày tỏ: Sau khi có con, cô đã bị biến đổi mạnh mẽ, nhưng cô rất hạnh phúc vì có Viên Hoằng ở bên. Sau kết hôn, cặp đôi cùng nhau vượt qua nhiều thử thách và hiện đang có cuộc sống hạnh phúc bên nhau.
Mang thai là giai đoạn quan trọng khiến người vợ thay đổi, trong lúc này nếu người chồng quan tâm đến vợ nhiều hơn thì người vợ sẽ không cảm thấy tủi hờn vì không có chỗ nương tựa. Như vậy sau này, người vợ sẽ càng sẵn lòng bao dung chồng vì sự quan tâm ân cần trong giai đoạn này, người vợ sẽ ghi nhớ và biết ơn chồng.
Thời điểm con cái trưởng thành

Trong giai đoạn này, về cơ bản tình cảm vợ chồng trở nên bình lặng hơn, cuộc sống hầu như không thay đổi, ít có sự mới mẻ. Tuổi trung niên áp lực ập đến, đôi bên đều mong có được sự thông cảm và yêu thương của đối phương nhưng lại khó có thể thấu hiểu cho nhau nên thỉnh thoảng xảy ra cãi vã, dần dần hai người thành ra không ưa nhau. Những bất đồng trong việc giáo dục con cái càng khiến mâu thuẫn giữa hai vợ chồng trở nên nghiêm trọng. Thời gian dài như vậy, người chồng có thể sẽ không thích về nhà, cảm thấy về nhà thật chán nản và sẵn sàng ra ngoài tìm bạn uống rượu tán gẫu. Khi trở về cả người nồng nặc mùi rượu, nằm xuống là lăn ra ngủ, vợ chồng không có cơ hội để nói chuyện trao đổi. Sáng sớm hôm sau, đưa con đi học rồi đi làm, ngồi xuống lại phải dốc sức cho công việc của ngày hôm đó, cũng không còn thời gian để nghĩ đến chuyện gia đình nữa. Khi đi làm về lại cũng như vậy, họ sẽ đột nhiên cảm thấy cuộc sống chính là thế, mỗi ngày đều lặp lại và có thể cả đời sẽ cứ vậy trôi qua.
Lúc này, hai người sẽ càng ngày càng xa cách, thậm chí có thể một hoặc cả hai bên đều thay lòng đổi dạ. Vậy nên trong cuộc sống vợ chồng cũng cần có sự điều chỉnh, chúng ta không nên biến hôn nhân trở thành đầm nước đọng. Cuộc đời này còn rất dài, hãy sống sao cho thú vị và ý nghĩa.
Diễn viên Hoàng Lôi từng chia sẻ về mối quan hệ giữa vợ chồng trong hôn nhân như thế này: “Tôi rất phản đối việc vợ chồng trở thành người thân của nhau, ví dụ như bố, mẹ, con gái là người thân của chúng ta nhưng vợ lại là người thương, người yêu, người bạn của mình, cô ấy là khác biệt.”
Vợ chồng khác với trẻ nhỏ và người già, hai người cần một chút mãnh liệt và bí ẩn khi bên nhau. Vì vậy, đừng biến “chồng” thành “bố của con” và “vợ” thành “mẹ của con”. Ngay cả những cặp vợ chồng lớn tuổi cũng cần có sự lãng mạn và dịu dàng, ví dụ như một cái ôm sau chuyến công tác, cùng nhau xem phim, đi ăn mà không có người già, trẻ nhỏ… Điều này không chỉ để đối phương bỏ qua những vấn đề nhỏ nhặt và tận hưởng thế giới hai người mà còn mang đến cảm giác lãng mạn, từ đó tăng cường mối quan hệ giữa vợ và chồng.
Khoảng thời gian “tổ ấm trống rỗng”
“Tổ ấm trống rỗng” là khoảng thời gian sau khi con trẻ đến tuổi trưởng thành và rời khỏi ngôi nhà chúng lớn lên. Lúc này những đứa con đã đi học đại học, đi làm hoặc kết hôn. Các cặp vợ chồng ở giai đoạn này cuối cùng cũng có thể dành thời gian cho riêng mình nhưng nhiều người lại bối rối không biết phải làm gì.
Có một số cặp vợ chồng cảm thấy mình và người kia không còn hòa hợp và họ cũng không muốn chịu đựng thêm xung đột nữa nên lựa chọn ly hôn ngay cả khi đã gần hết cuộc đời.
Những cặp vợ chồng khác thì dành thời gian làm chuyện mình thích, chồng chơi cờ và đánh bài với bạn bè còn vợ đi khiêu vũ ở quảng trường, dù sao thì họ cũng tìm được niềm vui riêng và tận hưởng khoảng thời gian đó.
Trên thực tế, sự độc lập của con cái có thể giúp các cặp vợ chồng thoát khỏi những công việc tẻ nhạt trong việc nuôi dạy và kỷ luật con. Thời gian rảnh rỗi, họ có thể phát triển sở thích và niềm vui của riêng họ. Những cặp đôi như vậy có thể giữ cho mối quan hệ hôn nhân của họ ở giai đoạn hoàng kim ngay cả trong thời kỳ “tổ ấm trống rỗng” và tận hưởng trọn vẹn hương vị ngọt ngào của tình yêu.
Trên mạng xã hội, tôi cũng có quen một cặp vợ chồng lớn tuổi như vậy – họ là bố mẹ của bạn tôi: bác gái tính cách cởi mở còn bác trai thì ít nói nhưng nấu ăn ngon. Bởi vì chỉ có một cô con gái nên sau khi cả hai về hưu họ dành thời gian đi du lịch và tham gia các hoạt động của hội người cao tuổi. Thông tin trên mạng xã hội của họ được cập nhật mỗi ngày đều phong phú và nhiều màu sắc. Người bạn kia của tôi cũng rất vui khi thấy bố mẹ mình sống hạnh phúc như vậy.
Trên thực tế, nếu các cặp đôi có thể cùng nhau vượt qua cột mốc đầu tiên thì cột mốc thứ tư này sẽ không xảy đến.
Bất cứ cặp đôi nào cũng đều sẽ phải trải qua những cột mốc quan trọng này, vậy nên đừng dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Chỉ khi chúng ta vượt qua được nó, bạn mới có thể gặt hái được tình yêu mà bạn hằng mong muốn.
Gặp nhau không dễ, thân nhau lại càng khó hơn, hãy trân trọng người trước mắt để những năm tháng sau này không phải hối hận hay nuối tiếc, cũng không để vuột mất món quà trời ban cho hai người được nên duyên vợ chồng kiếp này.
Chúc các cặp đôi trên khắp thế giới mãi mãi hạnh phúc bên nhau.
Theo Aboluowang
Thu An biên dịch