An ủi – cũng giống như các tình huống giao tiếp khác – chân thành là tuyệt kỹ hữu hiệu nhất.

Bạn đã từng có trải nghiệm như thế này chưa:

Bạn vốn dĩ đang rất buồn, rất mong muốn có một người quan tâm an ủi bạn; thế nhưng đối phương vừa nói vài câu khích lệ thì bạn đã cảm thấy tinh thần của mình càng thêm sa sút.   

Càng “an ủi”, càng khiến bạn sụp đổ

Thu từng kể lại trải nghiệm “được an ủi” không mấy vui vẻ của mình. Hôm đó, cô bị lãnh đạo mắng vì biểu hiện không tốt trong công việc. Sau khi tan làm, cô càng nghĩ càng cảm thấy ấm ức: Mình đã chuyên tâm làm việc như vậy, tại sao lãnh đạo lại không nhận thấy điều đó? Đồng nghiệp của mình cũng làm không tốt, dựa vào đâu lại chỉ khiển trách mình? Chẳng lẽ bởi vì mình quá tốt tính nên lãnh đạo mới cố ý lôi mình ra đùa bỡn?

Về đến nhà, Thu kể chuyện này cho chồng nghe, hy vọng được chồng an ủi đôi chút.

Chẳng ngờ, chồng cô vừa nghe xong liền bảo:

“Em cứ để ý vào mấy việc này thì làm sao mà vui được! Đừng nghĩ nhiều như thế, ngồi xuống đây xem World Cup với anh, quên hết mấy cái chuyện ấy đi là xong!”

Lời an ủi chẳng những không khiến tâm trạng của cô tốt lên mà còn làm Thu thêm bực bội, cô cảm thấy chồng chỉ đang qua loa lấy lệ:

“Em đã tủi thân như thế rồi mà anh không an ủi em được chút nào hả?”

Chồng Thu ngồi xích lại gần cô, bắt đầu phân tích một hồi:

“Việc này em không cần phải khó chịu, anh chẳng đã nói với em từ lâu rồi còn gì, trong công việc đừng có nghiêm trọng quá, ngẫu nhiên chịu một chút ấm ức là chuyện rất bình thường. Lần trước anh tiếp khách hàng đi ăn cơm, bởi vì nói sai mấy câu mà bị mắng cho một trận, lại còn phải xin lỗi trước mặt mọi người… Anh có than khổ kêu mệt không?”

Nghe đến đây, Thu chẳng còn chút trông đợi gì nữa, cô đẩy chồng ra rồi bỏ lại một câu: “Thôi bỏ đi, không cần anh an ủi nữa”, sau đó xoay người đi vào phòng ngủ.

Thời khắc đó, cô chỉ cảm thấy càng thêm phiền não nên quyết định gọi điện cho mẹ. Cô kể cho mẹ những chuyện xảy ra trong công việc và phàn nàn về người chồng chẳng biết cách an ủi, nói được vài câu đã làm cho người ta tức đến tăng xông. 

Đợi Thu nói xong, mẹ của cô cũng bắt đầu “an ủi” Thu bằng những lời thành khẩn, sâu xa:

“Thu này, con cần phải học cách buông bỏ. Có câu rất hay rằng: tức giận chính là đem sai lầm của người khác đi trừng phạt chính mình. Tội gì phải như thế? Cả đời người ta đều đi tôi luyện cho mình cái bản lĩnh không tức giận đó con à…” 

Sau vài câu triết lý, mẹ của Thu liền bước vào trạng thái như một thiền sư.

Thu chỉ đành nhanh chóng ngắt lời mẹ:

“Vâng vâng vâng, thôi cũng muộn rồi, mẹ đi nghỉ sớm đi ạ.”

Cúp điện thoại xong, Thu thả mình ngồi phịch xuống giường, cảm giác như có cái gì đó nghẹn ứ ở ngực, tâm trạng càng lúc càng phiền muộn

Thực ra, bản thân Thu hiểu rằng lời của mẹ và chồng cô không sai, nhưng tại sao cô vẫn cảm thấy khó chịu đến vậy?  

Đó là bởi những câu nói ấy thoạt nghe thì giống như an ủi, nhưng chúng lại không hề có chút tác dụng an ủi nào.

Trong cuộc sống, có rất nhiều người từng gặp tình huống như Thu. Mặc dù chồng và mẹ của Thu đều xuất phát từ lòng tốt, họ mong muốn Thu cảm thấy thoải mái hơn nhưng cách thức họ sử dụng không may lại thuộc vào 4 phương pháp an ủi sai lầm mà nhiều người mắc phải:

Rõ ràng có ý tốt an ủi đối phương thế nhưng ngược lại thành ra phản tác dụng, khiến cho người được an ủi càng trở nên đau lòng.

4 cách an ủi không hiệu quả 

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem 4 phương thức an ủi dưới đây sẽ đem đến cho người ta ảnh hưởng như thế nào.

1. Chuyển dời lực chú ý

Điều Thu thực sự quan tâm vốn là những chuyện cô trải qua trong công việc; thế nhưng, chồng Thu lại bảo cô chuyển dời lực chú ý của mình lên những việc vui vẻ và mời cô cùng xem World Cup.

Loại lời nói đột ngột thay đổi chủ đề câu chuyện như thế này sẽ chỉ khiến Thu cảm thấy đối phương căn bản chẳng hề quan tâm xem cô đã gặp phải điều gì, mà chỉ đang qua loa lấy lệ. Vậy nên khi nghe chồng nói, Thu mới cảm thấy tức giận. 

2. So sánh

Lúc Thu đang không vui, chồng cô đã chia sẻ về trải nghiệm thất bại của anh và cố nói với Thu rằng: Em xem, anh còn thảm hơn em đấy, thế mà anh có nói gì đâu vậy nên em cũng không cần khổ sở như vậy.

So sánh kiểu này tựa như đang chê trách Thu là người cộc cằn. Nó chẳng khác nào thêm dầu vào lửa, làm Thu xấu hổ và khó chịu gấp bội. 

3. Gợi ý, phân tích 

Khi nghe Thu tâm sự, cả chồng và mẹ đều trực tiếp đưa ra lời khuyên như: Đừng quá cố chấp, hãy học cách buông bỏ, v.v

Tuy nhiên, đối với cảm nhận của Thu thì đó đều là những lời bình phẩm lạnh lùng như thể nhấn mạnh rằng: Bị như vậy có gì ghê gớm, chẳng phải mọi thống khổ đều do tự mình chuốc lấy hay sao. 

4. Bài học đạo lý 

Mẹ Thu giảng đạo lí cho cô, đổi trọng tâm câu chuyện thành giác độ nhân sinh. Kỳ thực, đằng sau những lời nói đầy trí huệ đó chỉ là những cảm xúc rời rạc. Điều này làm Thu cảm thấy mẹ mình như đang đắm chìm trong thế giới của bản thân bà chứ không thực sự lắng nghe tâm tình của Thu. 

Vì lẽ đó, những lời ân cần an ủi của chồng và mẹ làm cho Thu càng trở nên khó chịu, chỉ muốn mau chóng kết thúc câu chuyện. 

Tuy nhiên, đằng sau đấy còn có một nguyên nhân khác, chính là: Bốn cách an ủi này về bản chất đều đang ức chế cảm xúc của người được an ủi. 

Khi một người cần được an ủi có nghĩa là họ đang chìm trong cảm xúc thống khổ, họ cần được biểu đạt ra để giải tỏa. 

Còn ức chế cảm xúc lại là thuyết phục đối phương rằng: những cảm xúc họ đang có là không đúng, là sai lầm. Điều này sẽ khiến cho đối phương phải cố gắng kìm nén cảm xúc của mình, nó không những không giúp họ cảm thấy tốt hơn mà thậm chí còn tạo thêm cho họ cảm giác thống khổ không lý giải được. Đó là lý do tại sao Thu cảm thấy “như bị tắc nghẽn trong lồng ngực”.

Có những lúc một người muốn được an ủi là vì muốn nhận được sự đồng cảm từ người khác, vậy nên họ mới chia sẻ nỗi đau đó ra, hy vọng làm như thế sẽ khiến cảm xúc tiêu cực trong họ vơi đi phần nào. Những lời an ủi không thỏa đáng, không quan tâm đến cảm xúc của đối phương sẽ làm cho sự liên kết giữa người với người bị cắt đứt. Nếu dùng cách an ủi sai lầm này trong một thời gian dài, đối với hai bên đều sẽ tạo thành thương tổn. 

Đối với người cần được an ủi, nó sẽ làm họ trở nên phong bế vì mọi cố gắng tìm kiếm sự xoa dịu của họ đều vô vọng, thậm chí còn phải nhận thêm thống khổ. Để không bị tổn thương thêm nữa, họ sẽ che giấu đi cảm xúc thật của mình. Trong trạng thái này, tâm tình của họ càng trở nên khó chuyển biến. Năng lượng sống cũng như lực nhẫn chịu cũng sẽ sụt giảm. 

Họ sẽ dần dần mất đi sự liên kết với người khác, bởi vì họ không cách nào nhận được sự cảm thông và thấu hiểu nên tín nhiệm dành cho những người xung quanh cũng giảm sút, thậm chí họ còn xa lánh người khác một cách vô thức.

Cứ mãi như thế, họ sẽ hình thành khoảng cách trong các mối quan hệ, làm cho việc giao thiệp với mọi người trở thành vấn đề khó khăn. Vì lẽ đó, việc bỏ đi những cách an ủi không phù hợp thực sự cần thiết.

Cách xoa dịu hiệu quả là “dung nạp” cảm xúc 

Đọc tới đây, bạn có lẽ sẽ cảm thán:

Nếu những phương pháp bên trên đều không dùng được, vậy phải chăng an ủi người ta là một việc quá khó? 

Không hẳn vậy, xoa dịu người khác thật ra không cần đến chiêu bài cao siêu gì cả mà chỉ cần chúng ta hiểu rõ điểm này: 

Mục đích của việc an ủi là hỗ trợ đối phương biểu lộ cảm xúc 

Quay lại với nhân vật Thu được nhắc đến ở trên, cô từng kể về trải nghiệm ‘được an ủi’ tuyệt vời nhất của mình như sau:

Khi ấy Thu vẫn đang học đại học, vì mới chia tay nên cô buồn đến mức không kìm được nước mắt, cả người run rẩy, luôn miệng tự hỏi “tại sao anh ấy lại đối xử với mình như vậy”. Trong suốt quá trình đó, người bạn thân của Thu vẫn luôn ngồi bên cạnh cô, không nói gì nhiều, không giảng đạo lí, cũng không phân tích, góp ý. Cô ấy chỉ nhẹ nhàng vuốt lưng Thu, lắng nghe nỗi đau của Thu và câu mà cô nói nhiều nhất là:

“Đúng vậy, việc này quả thực làm cho người ta cảm thấy rất khó chịu” 

Cứ như vậy qua một lúc lâu, Thu phát hiện mình không còn run rẩy nữa, trái tim cũng dần bình tĩnh trở lại.

Tại sao một việc làm trông có vẻ đơn giản nhưng lại mang đến hiệu quả trị liệu lớn đến vậy?

Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ một chút.

Nếu nội tâm của con người giống như một cái ly vậy thì khi con người chịu đựng thống khổ, cái ly này sẽ bị lấp đầy bởi các loại cảm xúc tiêu cực, và nó rất nhanh sẽ tràn ra ngoài. Do đó, cách an ủi hữu hiệu chính là giúp họ hứng những cảm xúc “bị tràn ra” này. Đây là việc mà bạn thân của Thu đã làm: để cô biểu đạt cảm xúc ra và còn thể hiện sự thấu hiểu chu đáo của mình với Thu. Điều này tương đương với nói:

“Tớ sẵn sàng chấp nhận nỗi buồn của cậu và sẽ ở bên cạnh cậu” 

Lúc này, cảm xúc vốn tồn tại trong chiếc ly của Thu chầm chậm được rót ra ngoài, trạng thái tâm lý cũng dần hồi phục. 

Chuyện này gợi cho tôi nhớ đến một cuộc cuộc khảo sát mà tôi đã từng thực hiện ở nước ngoài, câu hỏi được đưa ra cho những vị khách đã tiếp nhận tư vấn tâm lý là:

Lúc được tư vấn, bạn cảm thấy bác sĩ tâm lý giúp đỡ mình nhiều nhất là khi nào?

Chúng ta thường nghĩ rằng khi người ta đau khổ, họ khát khao được nghe những lời nói đầy trí huệ hoặc những lời phân tích sắc bén, nhưng kết quả lại không phải vậy. Nhiều người được phỏng vấn biểu đạt rằng mình cảm thấy được giúp đỡ nhiều nhất thường là lúc bác sĩ tâm lý chẳng nói gì mấy, thay vào đó bác sĩ chân thành nhìn họ, chú ý lắng nghe họ kể lại sự việc hoặc là khi nghe xong thì đơn giản đáp lại rằng:

“Vâng, việc này đúng là không hề dễ dàng”

Những khoảnh khắc đó đều có điểm chung là bác sĩ tâm lý giống như một vật dung chứa, “hứng lấy” những cảm xúc thống khổ của người cần tư vấn. Những cảm xúc đó sau khi chầm chậm được thanh lọc ra thì nội tâm con người sẽ dần có thêm không gian để đối mặt với những vấn đề trước mắt. Do vậy chúng ta thường phát hiện rằng khi một người đang ở trong cảm xúc kịch liệt thì những góp ý dù tốt đến mấy cũng nghe không lọt.  

Ngược lại, đợi cảm xúc được bộc lộ ra hết, những vấn đề trước đó sẽ dần không còn là vấn đề nữa. 

Đồng thời, khi người được an ủi biểu đạt tâm tư và người an ủi nhìn nhận cảm xúc của người đó, giữa hai người sẽ hình thành một mối liên kết. Bản thân mối quan hệ như vậy đã có hiệu quả trị liệu, cũng tiếp thêm năng lượng giúp người khác đối mặt với khổ nạn.

Làm thế nào để dưỡng thành cách an ủi hiệu quả?

Tôi xin được chia sẻ về chủ  đề này từ hai góc độ:  “Người an ủi” và “người được an ủi”.

Đầu tiên, nếu bạn là người đi an ủi:

1. Bạn nên buông bỏ ý nghĩ “muốn đối phương nhanh chóng bình ổn trở lại”.

Khi chúng ta vội vàng muốn kéo đối phương ra khỏi thống khổ, theo bản năng chúng ta thường dùng cách làm ức chế cảm xúc để xoa dịu đối phương. Lúc đó, chúng ta sẽ không nghe thấy được cảm nhận của đối phương và nó tạo thành sự rạn nứt trong tình cảm, dẫn đến việc dù ta có lòng tốt nhưng lại chỉ khiến tình huống tồi tệ hơn. 

Người an ủi rất mệt mỏi, người cần được an ủi cũng mệt mỏi không kém.

Vì vậy, đối mặt với những thổ lộ của người khác, bạn hãy nói với chính mình rằng:

Những ưu phiền và khổ nạn của đối phương sau cùng vẫn phải do họ tự mình đối mặt, điều chúng ta cần làm ở đây chỉ là ở bên cạnh họ trong lúc họ đối mặt với thống khổ. Không nhất thiết phải yêu cầu bản thân đạt được “thành quả” nhất định trong “việc an ủi”, ngược lại tốt nhất là đặt trọng tâm vào việc đối thoại, mang lại sự đồng hành nồng nhiệt.

2. Dù bạn rất muốn phân tích hoặc đưa ra góp ý, nhưng trước tiên xin bạn hãy đồng cảm.

Kỳ thực, 4 cách an ủi sai lầm được đề cập đến trong bài viết cũng không phải hoàn toàn vô dụng, chỉ là chúng ta không thể lập tức dùng ngay.

Chìa khóa của việc an ủi trước hết là cần tiến gần hơn tới cảm xúc của đối phương vào lúc đó. 

Khi con người đang ở trong dòng cảm xúc mạnh mẽ thì năng lực suy nghĩ cũng bị hạn chế rất nhiều. Lời người khác nói ra dù thấu tình đạt lý đến mấy cũng sẽ khó lòng tiếp nhận. 

Phân tích và góp ý là những việc còn lại sau khi đã có sự đồng cảm về mặt cảm xúc giữa người an ủi và người được an ủi, có thể nói nó giống như hành động dệt hoa trên gấm, dù không làm cũng sẽ không gây ra ảnh hưởng gì quá lớn. 

Tình huống thứ hai, nếu bạn là bên được an ủi:

1. Khi đối phương an ủi bạn một cách thô lỗ làm tổn thương đến bạn, nhất định phải nói ra!

Như khi Thu được chồng và mẹ an ủi xong lại trở nên càng khó chịu, tôi thiết nghĩ lúc đó cô ấy nên kịp thời nói với đối phương rằng cách an ủi như vậy chỉ khiến cô thêm buồn khổ và khuyên đối phương ngừng lại. Nhiều lúc những người bên cạnh không phải cố ý làm tổn thương chúng ta mà chỉ là họ thật sự cho rằng làm thế có thể an ủi người khác. Nếu không kịp thời nhắc nhở, có thể sau này họ vẫn sẽ sử dụng phương thức an ủi như vậy. 

Đồng thời, bạn cũng có thể nói với đối phương bản thân bạn hy vọng được an ủi như thế nào.

Chúng ta dễ tưởng rằng cách an ủi của đối phương là không thể cải biến nên rất ít trao đổi với họ về điều này. Nhưng có lúc, việc trao đổi giữa hai bên có thể giúp tình huống trở nên tốt hơn.

Lúc trước có một người bạn mỗi lần nhìn thấy tôi buồn đều đến nói với tôi rất nhiều lời động viên. Thế nhưng, việc này lại mang đến áp lực cho tôi, tôi chỉ mong anh ấy yên lặng ở bên cạnh mình vậy nên tôi đã nói với anh ấy những suy nghĩ chân thật đó, hy vọng lần sau anh ấy không nói chuyện mà chỉ cần vỗ vỗ vai tôi là đủ. Anh ấy ngay lập tức điều chỉnh, từ đó “vỗ vai” trở thành cách hiểu ngầm giữa hai chúng tôi. 

2. Khi sự an ủi của đối phương không được như chúng ta kỳ vọng, ta nên nói ra những khổ não trong lòng một cách hợp lý.

Nếu bạn đã dùng hết cả hai cách trên để thử điều chỉnh lại biện pháp an ủi của đối phương nhưng vẫn thất bại. Lúc này tôi góp ý rằng bạn nên chia sẻ khổ não trong lòng với đối phương một cách có lựa chọn, hoặc tìm một người khác thực sự hiểu bạn để dốc bầu tâm sự. 

Đương nhiên, không phải tất cả mọi ưu phiền của bạn đều sẽ có người thấu hiểu, nên việc lưu lại một phần để bản thân tự chịu đựng hoặc tìm đến tư vấn tâm lý cũng là những giải pháp đáng được cân nhắc.

Lời kết: 

An ủi, cũng giống như những tình huống giao tiếp khác của con người – chân thành là phương pháp hữu hiệu nhất. Quan trọng là bạn có một tấm lòng sẵn sàng quan tâm đến người khác. Lúc an ủi người khác, cho dù chỉ chân thành nói một câu: 

“Mình rất muốn giúp bạn, nhưng mình không biết làm thế nào, nhìn bạn như vậy, mình rất buồn.”

Nó cũng đã khởi tác dụng trị liệu rồi.

Theo Aboluwang
Trường Lạc biên dịch

Từ Khóa: