‘Tố Thư’ chỉ có 6 chương, 132 câu, 1.360 chữ, một quyển sách mỏng như vậy nhưng lại chứa đựng đầy trí huệ, mỗi chữ như châu ngọc, mỗi câu đều là danh ngôn.

‘Tố Thư’ tương truyền là trước tác của Trương Lương, giảng đạo đối nhân xử thế. Cũng có người cho rằng ‘Tố Thư’ do Hoàng Thạch Công sáng tác vào cuối thời Tần, đến thời nhà Hán được ca ngợi là Thiên Thư.

Tương truyền Hoàng Thạch Công ở trên cầu đánh rơi chiếc giày, 3 lần thử Trương Lương, sau khi thấy Trương Lương có phẩm hạnh tốt, mới đem bộ Thiên thư này truyền cho. Sau này Trương Lương đã dựa vào sách ‘Tố Thư’ phò tá Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Võ, xây dựng cơ đồ nhà Hán.

Tố Thư chỉ có 6 chương, 132 câu, 1.360 chữ, một quyển sách chỉ mỏng như thế này lại chứa đựng đầy mưu lược, có địa vị trọng yếu trong lịch sử. Sách có ngôn từ vô cùng cô đọng súc tích, mỗi chữ như châu ngọc, mỗi câu đều là danh ngôn. ‘Tố Thư’ đối với nhân tính, nắm bắt được chính xác độc đáo, đối với sự biến hóa của sự việc, quan sát đến chân tơ kẽ tóc, đối với mưu lược, vừa khéo đạt đến đúng độ.

Xin được chia sẻ 15 câu trong sách Thiên thư này.

1. Đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ, 5 điều này là thể thống nhất, không thể phân tách

Nguyên văn: Phù đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ, ngũ giả nhất thể dã

Làm người, phải thuận theo Đạo, dựa theo đức, có lòng nhân, có đủ nghĩa, tuân theo lễ, đó mới là người mà cổ nhân gọi là “Hiền nhân quân tử”. Trong sách “Đạo đức kinh”, Lão Tử nói: “Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ, thất lễ nhi hậu pháp”, có nghĩa là “Đạo mất rồi mới sinh đức, đức mất rồi mới sinh nhân, nhân mất rồi mới sinh nghĩa, nghĩa mất rồi mới sinh lễ, lễ mất rồi mới sinh pháp luật”.

Điều đó có nghĩa là, đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ, theo thứ tự giảm dần, không những là 5 cấp độ cảnh giới làm người, mà còn là tiêu chuẩn quan trọng đánh giá mức độ văn minh của một xã hội.

Phù đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ, ngũ giả nhất thể dã
Đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ, theo thứ tự giảm dần, là 5 cấp độ cảnh giới làm người. (Ảnh: youtube.com)

2. Làm hết chức trách mà không lơ là; giữ vững nghĩa khí mà không suy chuyển; bị hiềm nghi mà vẫn có thể giữ nghĩa khí, không lay chuyển; trước cái lợi, hiểu rõ không kiếm lợi trái đạo lý; người như thế, có thể gọi là bậc kiệt xuất trong nhân quần

Nguyên văn: Thủ chức nhi bất phế, xử nghĩa nhi bất hồi, kiến hiềm nhi bất cẩu miễn, kiến lợi nhi bất cẩu đắc, thử nhân chi kiệt dã

Con người ở vị trí của mình, phải chăm lo mưu sự công việc đó. Yêu nghề làm hết chức trách, đó không phải là khẩu hiệu, mỗi người đều phải có đạo đức nghề nghiệp cao thượng, bất kể là chức vụ lớn hay nhỏ, quyền hạn trách nhiệm nặng hay nhẹ, còn một ngày tại vị, thì phải trung thành làm hết chức trách.

Trong cuộc sống, cần có những nguyên tắc mà bản thân mình kiên trì giữ vững, cho dù đối diện với xung đột lợi ích, sống chết, cũng phải kiên trì giữ vững giới hạn của mình. Cho dù bị người ta hiểu lầm, nghi kỵ, bản thân đứng giữa thị phi, vẫn không vì sợ hãi, vì bị nghi kỵ mà thoái thác trách nhiệm của mình.

Trước sự mê hoặc của sắc đẹp, danh lợi, phải dựa vào trí tuệ của bản thân mà có sự lựa chọn bình tĩnh, chính xác. Người có đủ các phẩm đức trên, ắt sẽ thành đại sự.

3. Bỏ những thị hiếu không tốt, cấm những dục vọng không đúng bổn phận, như vậy có thể tránh được nhiều hệ lụy. Ức chế những hành vi không đúng đắn, giảm thiểu các hành vi xấu, như vậy có thể tránh được sai lầm

Nguyên văn: Tuyệt thị cấm dục, sở dĩ trừ lụy. Ức phi tổn ác, sở dĩ nhượng quá

Người xưa luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trừ bỏ dục vọng. Khổng Tử nói: “Vô dục tắc cương”, nghĩa là “Không có dục vọng ham muốn thì ắt sẽ mạnh mẽ kiên cường”. Bỏ đi những dục vọng dư thừa, mới có thể cương trực không a dua người. Nhưng những đạo lý này nói ra rất dễ, làm được lại rất khó. Ví như “thị hiếu”, “dục vọng” đều là những cái khó mà nhất thời thay đổi được. Nếu thực sự có thể thực hiện được, cần phải lý giải sâu sắc, sau đó dựa vào ý chí kiên cường, lớn mạnh để thực hiện, thì mới có thể thay đổi được.

Tuyệt thị cấm dục, sở dĩ trừ lụy. Ức phi tổn ác, sở dĩ nhượng quá
Buông bỏ những dục vọng tầm thường mới không đi sai đường, mới có thể kiên định ý chí. (Ảnh: wikipedia.org)

4. Muốn chí hướng kiên định, dốc sức thực hiện, thì phương pháp tốt nhất, không gì bằng đa mưu suy nghĩ sâu xa; phương thức an toàn nhất, không gì bằng an lòng chịu nhẫn nhục; nhiệm vụ quan trọng ưu tiên nhất, không gì bằng tu đức

Nguyên văn: Phù chí, tâm độc hành chi thuật. Trường một trường ư bác mưu, an một an ư nhẫn nhục, tiên một tiên ư tu đức

Toàn tâm dốc sức thực hiện chí hướng, thì đó là cái gốc của lập thân, thành tựu danh vọng. Tầm quan trọng của lập chí cũng không cần nói nhiều. “Chim sẻ, chim én sao biết được chí chim hồng, chim hộc”, từ xưa đến nay, người trong lòng ôm chí lớn đều cô độc. Hoàng Thạch Công gọi đó là: “Tâm độc hành”. Muốn lập chí lớn, làm được đại sự, không thể không an tâm dưỡng đức, dũng cảm chịu nhẫn nhục, mưu tính kế hoạch tỉ mỉ kỹ lưỡng.

Như sách “Đại học” nói: Biết dừng thì sau đó mới định, định thì sau đó mới có thể tĩnh, tĩnh thì sau đó mới có thể an, an thì sau đó mới có thể nghĩ, nghĩ thì sau đó mới có thể đắc được.

5. Trước mặt kẻ dưới mà hiển thị khoe thông minh thì rất ngu xuẩn 

Nguyên văn: Dĩ minh thị hạ giả ám

Lãnh đạo vốn ở địa vị, vị thế cao, nếu cộng thêm thông minh tuyệt đỉnh, thì sẽ làm người dưới sợ. Vì những người lãnh đạo tự cho mình thông minh, thường phạm vào hai sai lầm. Thứ nhất là không nghe được ý kiến bất đồng, luôn cho rằng mình là chính xác, chuyên quyền áp đặt. Thứ hai là không tin tưởng người khác, trong công việc có xu hướng việc gì cũng đích thân làm.

Lãnh đạo tự cho mình thông minh, cấp dưới sẽ không thể phát huy đầy đủ trí tuệ và tài trí của họ, họ cũng không dám phát biểu ý kiến bất đồng, trong công việc cũng không có cảm giác thoải mái làm việc, luôn có cảm giác có gánh nặng trên lưng, khiến cho họ không thoải mái.

Dĩ minh thị hạ giả ám
Người có vị trí càng cao càng cần phải biết bao dung, như thế mới có thể tập trung chí tuệ của mọi người, cũng vì thế mới có thể làm nên việc lớn. (Ảnh: sohu.com)

6. Hạnh phúc là do tích thiện tích đức; tai họa là do làm nhiều việc bất nghĩa

Nguyên văn: Phúc tại tích thiện, họa tại tích ác

Ngạn ngữ có câu: “Cứ làm việc tốt, thì không phải hỏi tiền đồ”. Chỉ cần hành thiện tích đức, tự nhiên phúc thọ bình an, do đó hoàn toàn không cần phải lo lắng tiền đồ hung cát như thế nào. Tu trăm điều thiện tự sẽ có trăm điều phúc. Làm nhiều việc tốt, dần dần sẽ tạo thành ảnh hưởng tốt đối với tâm lý, đó chính là giờ nào phút nào tâm cũng yên tĩnh bình thản. Điều này đương nhiên là niềm vui lớn nhất của đời người.

7. Trong lòng đã có tài năng, ngậm miệng không nói, thuận ứng với thời cơ, như thế có thể tránh xa oán hận và không bị tội lỗi. Có tài năng để dựa vào nên không dao động, có chỗ đứng nên không bị trở ngại, như thế ắt sẽ lập được công danh. Cần cù lại chăm chỉ, thiện lương lại thiện lương nữa, như thế ắt sẽ đảm bảo lâu dài. Lập công không gì bằng biết giữ gìn, đảm bảo lâu dài không gì bằng không mắc lỗi”.

Nguyên văn: Quát nang thuận hội, sở dĩ vô cữu. Quyết quyết cánh cánh, sở dĩ lập công. Tư tư thục thục, sở dĩ bảo chung

Làm việc kiên định không lay chuyển, chính trực kiên cường, như thế mới có thể lập công dựng nghiệp.

Làm người cố gắng, nỗ lực, tâm địa thiện lương, như thế mới có mở đầu đẹp và kết thúc đẹp.

(Còn tiếp)

Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch