Xưa nay, việc nuôi dạy con cái luôn là đề tài khiến bao bậc cha mẹ phải dày tâm suy nghĩ, bởi vậy cổ nhân đã dành bao tâm huyết viết nên những bài học truyền thụ đời sau.

Từ Mạnh mẫu cho đến Nhạc mẫu, từ “Nhan Thị Gia Huấn” cho đến “Giới Tử Thư”, thì hành vi, lễ tiết, đức hạnh giữa cha và con luôn được coi là gia phong. Một dòng họ có thể đời đời hưng thịnh hay không, tất cả đều nằm ở hai chữ “gia phong” này.

Mạnh tử nói: “Thiên hạ chi bổn tại quốc, quốc chi bổn tại gia” (Thiên hạ lấy quốc gia làm gốc, quốc gia lấy nhà làm gốc).

Tư Mã Quang cũng từng nói: “Gia Phạm so với Tư Trị Thông Giám còn quan trọng hơn, nguyên nhân bởi gia phong chính là nền tảng của thế phong”.

Tự cổ chí kim, trải qua hàng ngàn năm lịch sử với bao thế hệ cha ông truyền nối, chúng ta có thể thấy không ít cuốn cổ thư nói về gia phong, chứng minh gia phong là nền tảng của xã hội, là cái gốc trong mọi cái gốc của việc giáo dục thành người. Dưới đây là 11 câu nói thể hiện trí huệ gia phong của cổ nhân:

1. “Gia phong chính tắc hậu đại chính, tắc nguồn đầu chính, tắc quốc chính”  

Cuối những năm nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên viết trong “Gia Thư” rằng, lịch sử thấy rõ ‘Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân, nhất gia đức, nhất quốc hưng đức’. Ở đây có thể hiểu là gia đình mà nhân đức thì quốc gia cũng hưng thịnh nhân đức, gia đình mà trọng đức thì đức của quốc gia cũng hưng thịnh. “Gia phong chính tắc hậu đại chính, tắc nguyên đầu chính, tắc quốc chính” chính là, gia phong một gia đình mà ngay chính thì con cháu hậu thế cũng chính, ngọn nguồn chính, ắt quốc gia chính.

Tăng Quốc Phiên viết trong “Gia Thư” rằng, lịch sử thấy rõ ‘Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân, nhất gia đức, nhất quốc hưng đức’. (Ảnh: dkn.tv)

2. “Tảo giáo lợi công bội”

Trong “Nhan Thị Gia Huấn” viết: “Nhân sanh ấu tiểu, tinh thần chuyên lợi, trường thành dĩ hậu, tư lự tán dật, cố tu tảo giáo, vật thất cơ dã”, trẻ nhỏ tinh thần chuyên tâm, sau khi trưởng thành suy nghĩ tản mát, không tập trung, vì vậy dạy trẻ cần phải dạy bảo ngay từ sớm chớ để lớn lên dễ mất thời cơ.

Khang Hy trong “Gia Huấn Cách Ngôn” nói về vấn đề chú trọng giáo dục sớm như sau: “Dụ giáo nghi tảo, phất cảm từ lao”, ý ở đây chính là dạy con nên dạy từ nhỏ, sau này không sợ khổ cực. Trong cuốn “Quốc Gia Hưng Vong Cùng Gia Đình Môn Phong” thời Đông Hán cũng khuyến khích dạy con cái ngay từ thuở còn thơ.

Thời đó con người rất chú trọng “Thai giáo”, việc Thai giáo được bắt đầu từ các bậc đế vương. Thái hậu khi mang thai Chu Thành Vương thường xuyên nghe những bản nhạc vui vẻ, kỵ ăn đồ chua cay, ngũ vị, khi sinh thái tử ra thì lệnh cho 3 vị quan dạy bảo thái tử, cũng nhờ vậy mà sau này đã thành tựu nên Chu Thành Vương tiếng thơm lưu danh thiên cổ.

3. “Lập chí dĩ thành sự”

Tăng Quốc Phiên trong “Gia Thư” viết: “Chí bất lập, thiên hạ vô khả thành chi sự”, ý nói nếu như không lập chí thì trong thiên hạ này không có việc gì thành, không làm nên được việc gì. “Bất vi thánh hiền, tiện vi cầm thú; bất vấn thụ hoạch, đãn vấn canh vân”, nghĩa là làm người mà không học hỏi các bậc thánh hiền và người bề trên thì cũng như sống cuộc sống cầm thú; làm người thì cần phải học hỏi, không cần phải chú tâm đến kết quả sau cùng ra sao, mà hãy học hỏi quá trình ấy như thế nào.

Trong các sách gia huấn, có rất nhiều phần đều nói tới lập chí, nhấn mạnh lập chí xong thì căn cứ vào đó mà phấn đấu, tự luật tự gắng.

Trong “Nhan Thị Gia Huấn” cũng khích lệ giáo dục lập chí: “Tu thân tề gia, vị học trị thế”, lấy việc tu thân để gìn giữ, chăm sóc gia đình, lấy việc cầu học mà trị vì thiên hạ.

Tăng Quốc Phiên cũng lấy việc dạy bảo hậu thế lập chí để chữa bệnh lười biếng. Trong “Gia Thư” viết : “Thiên hạ cổ kim chi dung nhân, giai dĩ nhất ‘đọa’ tự trí bại”. Tăng Quốc Phiên nói rằng tự cổ chí kim tất cả những người bình thường đều bại bởi một chữ ‘Lười’.

“Nhất xử thỉ tắc bách xử giải” – một nơi buông lỏng, trăm nơi lười nhác; Hay như “Nọa tắc thỉ hoãn”, “Cần tắc y nọa”, lười biếng ắt sẽ bị chậm trễ, cần cù ắt trị bệnh lười nhác. Trăm nghìn cái loạn cũng bắt đầu bởi tính lười khởi phát. Con người sống không có mục tiêu, không có lý tưởng, không lập chí trước thì sau sẽ không thể làm được bất cứ việc gì.

Lấy việc tu thân để gìn giữ, chăm sóc gia đình, lấy việc cầu học mà trị vì thiên hạ. (Ảnh: ent.qq.com)

4. “Lập đức di tử tôn”

Chu Hi trong “Gia Huấn” viết: “Hữu đức giả tuy niên hạ ư ngã, ngã tất tôn chi; bất tiếu giả, tuy niên cao ư ngã, ngã tất viễn chi”, người có đức tuy tuổi nhỏ hơn ta nhưng ta cần tôn kính, người không có đức dù cho tuổi có hơn ta, ta cũng rời xa.

Chu Hi coi trọng đạo đức: “Tu thân như y phục và thân thể không thể rời xa, như thức ăn và dạ dày không thể một ngày không có, không thể không thận trọng”.

Tư Mã Quang trong “Ôn Công Gia Phạm” nhấn mạnh: “Hiền giả cư thế, dĩ đức tự hiển”. Bậc thánh nhân, hiền giả làm người đối nhân xử thế, dùng việc nhân đức để dạy mọi người, lấy đức hạnh của bản thân thể hiện cho nhân thế hiểu.

Trong lịch sử, có gia tộc họ Lâm dùng đức hạnh, thiện, và nhân để dạy bảo hậu thế. Hậu nhân của Lâm thị 4 đời đều làm tể tướng, 3000 con cháu đỗ tiến sĩ, hoàng đế đích thân chủ trì điện thi 201 lần, gia tộc Lâm thị bảng vàng đề danh 183 lần. Câu nói: “Vô Lâm bất khai bảng, khai bảng tất hữu Lâm” (không có người họ Lâm không mở khoa thi, mở khoa thi tất có người Lâm gia trúng bảng đề danh) đã trở thành gia phong điển phạm.

Sau này “Lâm Tắc Từ Gia Huấn” chú trọng hướng tới giá trị lập đức: “Hiền nhi đa tài, tắc tổn kì chí; ngu nhi đa tài, tắc tăng kì quá”, hiền sĩ nhiều tiền của ắt nhụt chí khí, người ngu nhiều tiền ắt gây lỗi lầm.

Đúc kết tất cả những điều trên cho ta thấy, đối với cổ nhân thì việc lấy đức phục người, lấy đức để truyền dạy cho con cháu là việc tối quan trọng.

5. “Huấn kiệm dĩ thị tử”

Tư Mã Quang trong “Huấn Kiệm Thị Khang” viết: “Do kiệm nhập xa dịch, do xa nhập kiệm nan”, người từ cần kiệm để trở thành giàu có thì dễ, còn giàu có mà để tiết kiệm thì khó.

Trong “Giới Tử Huấn” viết cho Tư Mã Khang đã nói rõ về sự tất yếu của “Kiệm” và “Phí”: Kiệm có thể lập danh, phí tất tự bại. Làm người thì điều quan trọng là cần phải biết lấy tiết kiệm cần cù làm gốc, sống hoang phí ắt chuộc bại cho thân.

Gia Cát Lượng cũng tôn dương sự cần kiệm trong “Giới Tử Thư” rằng: “Tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức”, làm người thì cần lấy tĩnh để tu thân, dùng kiệm để dưỡng đức.

Chu Bá Lư viết cuốn “Trị Gia Cách Ngôn” cũng nói về kiệm như: “Nhất chúc nhất phạn đương tư lai xử bất dịch, bán ti bán lũ hằng niệm vật lực duy gian”. Câu này muốn nói rằng làm người cần phải cần kiệm, không nên hôm thì ăn uống no nê, hôm lại bữa cháo bữa cơm, hôm thì lụa là gấm vóc, hôm lại áo chỉ sờn vai, sống như vậy thì dễ, còn thường hằng cần kiệm mới là việc khó làm.

Làm người thì cần lấy tĩnh để tu thân, dùng kiệm để dưỡng đức. (Ảnh: imdb.com)

6. “Trung hiếu dĩ lập thân”

Tô Thức 10 tuổi đọc “Hán Thư” đã rất hâm mộ Phạm Bằng vì trung quên mình. “Phạm Bằng nói với mẹ: ‘Con trung hiếu bất toàn’, mẹ Phạm Bằng liền trả lời con trai: ‘Ta vì con mà kiêu ngạo'”.

Tô Thức hỏi mẹ: “Nếu con như Phạm Bằng thì mẹ sẽ ra sao?”, Mẹ Tô Thức đáp: “Con thành Phạm Bằng, mẹ như Phạm mẫu”.

Trong “Lâm Thị Gia Huấn Gia Quy” nhấn mạnh trung hiếu như sau: “Hiếu thủy ư sự thân, chung ư báo quốc, di hiếu dĩ tác trung, tức hiển thân dĩ toàn hiếu, thử vi đại hiếu”. Chữ hiếu được bắt đầu bằng việc báo đáp công ơn dưỡng dục với người thân, cha mẹ, sau cùng là đền đáp quốc gia; bỏ hiếu lấy trung lại chính là toàn hiếu, nhờ vậy mà thành đại hiếu.

“Hiếu vi lập thân đại bổn, nhược bất hiếu ư thân tắc bất năng trung ư quốc; tất phản vi xã hội chi đố trùng”. Thân làm con báo hiếu cha mẹ phải lấy việc lập thân làm gốc, nếu như không thể hiếu thuận cha mẹ thì chẳng thể trung với quốc, tất thành giống sâu mọt phản lại xã hội.

Vậy nên lấy Trung, Hiếu để lập thân.

7. “Đốc học di lập bổn”

“Liệt Nữ Truyện – Mẫu Nghĩa” viết: “Mạnh Tử sinh hưu thục chất, ấu bị từ mẫu tam thiên chi giáo”, Mạnh Tử thành bậc thánh nhân là nhờ Mạnh mẫu chuyên tâm dạy bảo.

Hồi nhỏ vì gia cảnh nghèo đói, gia đình Mạnh Tử phải ở nơi khu nghĩa địa, suốt ngày nghe kêu khóc thảm thương. Mạnh Tử lại là người thông minh, hiếu động nên bắt chước người ta khóc lóc, thổi kèn. Mạnh mẫu thấy con mình như vậy, nghĩ ở đây lâu ngày sớm muộn cũng hư hỏng nên quyết định chuyển nhà đi nơi khác.

Mạnh mẫu chuyển nhà đến khu chợ, ngày ngày thấy người ta buôn bán nên Mạnh Tử cũng bắt chước chơi trò buôn bán. Mạnh mẫu thấy vậy nên nghĩ ở đây lâu ngày con mình cũng sẽ hư thân nên lại chuyển đi nơi khác.

Lần này Mạnh mẫu chuyển nhà tới gần trường học, hàng ngày Mạnh Tử thấy chúng bạn siêng năng học tập, thông minh lễ phép nên cũng xin mẹ cho đi học.

Một lần khác Mạnh Tử đang học thì ham chơi bỏ về, Mạnh mẫu đang dệt vải thấy con bỏ học liền lấy kéo cắt đứt tấm vải đang dệt. Mạnh Tử sợ quá hỏi mẹ tại sao, Mạnh mẫu trả lời: “Việc học hành của con cũng chẳng khác nào việc mẹ dệt vải, nếu con bỏ giữa chừng thì cũng như tấm vải này vậy”. Từ đó về sau Mạnh Tử chuyên cần đèn sách.

Có thể nói Mạnh mẫu chính là bậc mẫu phạm của việc dạy con để ngàn đời noi theo.

“Nhan Thị Gia Huấn” cũng nhắc đến danh điển đốc thúc học tập: “Nhược năng thường bảo thư bách quyển, thiên tái chung bất vi tiểu nhân”, có thể thường ngày đọc sách, ắt sẽ không thành tiểu nhân; Hay như câu nói: “Bất khả kiêu dật đãi nọa, chỉnh tề môn nội, môn phong bất trụy”, không được kiêu ngạo lười biếng, nhà cửa trong ngoài ngăn nắp, gia phong không được sai lệch.

“Nhan Thị Gia Huấn – Miễn học” viết: “Tích tài thiên vạn, bất như bạc kĩ tại thân. Kĩ chi dịch tập nhi khả quý giả, vô quá độc thư dã”, ý nói rằng con người dù có tích giữ bao nhiêu của cải vàng bạc đầy nhà cũng chẳng bằng học được cái nghề trong tay; tài học và tri thức là điều ai cũng muốn, con người dù có học cả đời thì tri thức vẫn chẳng đủ, ấy vậy mà lại không chịu đọc sách, cũng giống như bụng thì muốn ăn no mà cơm lại không chịu nấu.

Mạnh mẫu trả lời: “Việc học hành của con cũng chẳng khác nào việc mẹ dệt vải, nếu con bỏ giữa chừng thì cũng như tấm vải này vậy”. (Ảnh: audioboom.com)

8. “Phanh thỉ dĩ lập tín”

Trong cuốn “Hàn Phi Tử” ghi một câu chuyện về Tằng Tử. Một hôm Tằng Tử cùng vợ con đi ra chợ, đến nơi đứa con quấy khóc, vợ Tằng Tử vì để dỗ con nên nói: “Về nhà mổ lợn cho ăn”.

Sau khi về nhà, vợ Tằng Tử thấy chồng cầm dao mổ lợn mới ngăn chồng lại nói: “Đó chỉ là câu nói đùa trẻ con”. Tằng Tử nói: “Chuyện nói với con không thể nói đùa” sau cùng vẫn mổ lợn giữ tín.

Cổ nhân đối với việc giữa cha mẹ và con cái là vô cùng nghiêm túc, lời nói ra là phải thực hành, không thể thất tín. Ngoài ra, cổ nhân vô cùng kỵ húy việc cha mẹ và con cái nói chuyện bông đùa.

9. “Khảo sơn cầu nghiêm thực”

Trước khi sáng tác trứ danh “Thạch Chung Sơn Ký”, để tìm ra lai lịch của ngọn núi Chung Sơn này, Tô Thức đã dẫn theo con trai mình đến khảo sát thực địa rồi viết ra tác phẩm lưu truyền ngàn năm thiên cổ.

Cha con Tô Thức khảo sát xong rồi nói: “Việc mà mắt chưa nhìn, tai chưa nghe mà ước đoán vô cớ, thì so với thực tế khác nhau hoàn toàn”.

10. “Thùy Phạm Sắc ‘Nhị Đại'”

Trong tác phẩm kinh điển “Đế Phạm”, tại hơn 12 biến như “Cầu hiền, thẩm quan, nạp gián, sùng kiệm, thưởng phạt, sùng văn”; hay như “Đế Vương Chi Đại Cương Dã” giáo dục thái tử đạo học làm quân, lấy thân làm mẫu. “An nguy hưng phế, hàm tại thử yên” – An hay nguy, thành hay bại, tất cả đều nằm ở chỗ này, cần phải lấy bản thân mình làm gương cho chúng thần noi theo.

Hán Cao Tổ Lưu Bang trong “Thủ Sắc Thái Tử” viết sắc thư cho “Nhị Đại” là Lưu Doanh: “Kim thị nhữ thư, do bất như ngô”, “Nhữ khả cần học tập, mỗi thượng sơ nghi tự thư”. Ý tứ hai câu này là Lưu Bang nói với con trai mình, người mà ông muốn gửi gắm giang sơn kế vị rằng: “Sở học của con bây giờ không bằng cha, con cần phải cố gắng học tập hơn nữa, gặp bài cần phải tự mình viết chứ đừng nên dựa vào người khác. Lưu Bang muốn dạy con mình cần phải đọc sách thánh hiền, dùng hiền tài trị quốc.

Lưu Bang muốn dạy con mình cần phải đọc sách thánh hiền, dùng hiền tài trị quốc. (Ảnh: yule.sohu.com)

Vốn dĩ do lúc đầu khi còn chưa đăng cơ, Cao Tổ Lưu Bang cho rằng việc học hành không quan trọng, nhưng đến khi đăng cơ rồi mới thấy việc học hành là điều cơ bản, là cái gốc để trị vì thiên hạ nên vô cùng chú trọng việc học hành của con cái, “Nhi đại” ở đây là nói đến thế hệ thứ hai kế thừa cơ nghiệp.

11. “Tôn pháp” cảnh hậu thế

Trong “Bao Chửng Gia Huấn” có viết về Tôn Pháp: “Hậu thế tử tôn sĩ hoạn hữu phạm tang lạm giả, bất đắc phóng quy bổn gia; vong một chi hậu, bất đắc táng ư đại oanh, bất tòng ngô chí, phi ngô tử tôn. Khan thạch, lập ư đường ốc đông bích, dĩ chiếu hậu thế”. Bao Chửng dặn con cháu hậu thế sau này làm quan nếu có phạm pháp lạm quyền tham ô thì tuyệt đối không thừa nhận người gia tộc mình; sau khi chết đi không được làm mồ to mả lớn. Nếu không làm theo trí nguyện của ta thì tuyệt đối không phải con cháu ta. Khắc bia dựng ở tường nhà phía đông từ đường để hậu thế noi theo.

Sau này con cháu của Bao Chửng quả nhiên không làm hoen ố gia môn, các con các cháu đều trước sau như một làm quan nghiêm minh liêm chính.

Theo Soundofhope
Minh Vũ