“Những nhân chứng lịch sử” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Việt biên soạn, nhằm khôi phục lại những dấu ấn của văn hóa Việt Nam và thế giới qua các thời kỳ lịch sử.

Thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long (1936 – 2007) là hoàng thái tử cuối cùng của Việt Nam. Ông sinh tại điện Kiến Trung trong Đại nội Huế, là con trai của Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Ngày 7 tháng 3 năm 1939, Bảo Long được phong hoàng thái tử khi mới 3 tuổi.

Sau ngày vua cha Bảo Đại thoái vị đánh dấu việc kết thúc nhà Nguyễn, ông cùng các em theo hoàng hậu Nam Phương về cung An Định sống và học tại trường Đồng Khánh cùng với các gia đình bình dân.

Năm 1947, chiến tranh Pháp-Việt nổ ra, hoàng hậu Nam Phương đem Bảo Long và các anh chị em đến Thorenz tại Cannes, thuộc vùng biển Địa Trung Hải Côte d’Azur Pháp sinh sống.

Ông sống một cuộc đời lặng lẽ tại Pháp, sau khi rời khỏi quân ngũ ông theo học ngành Luật và Khoa học Chính trị tại Paris và rồi đi làm cho một ngân hàng của gia đình bên ngoại, rồi ông sống lặng lẽ, không dính đến việc chính trị.

Ông đã từng cộng tác với Hoàng Tử Bảo Vàng (con của vua Duy Tân) trong nhiều dự án về từ thiện, giáo dục và văn hóa cho người Việt Nam.

Buổi lễ tấn phong năm 1939 của vị hoàng thái tử cuối cùng nhà Nguyễn được người Pháp quay lại, đó là đoạn phim màu giúp thế hệ sau biết nhiều hơn về cung điện, quan lại, trang phục…thời Nguyễn.

Thái tử Bảo Long
Thái tử Bảo Long

Thuyết minh video

Lễ thụ phong Hoàng Thái Tử Bảo Long

Những người phụ nữ không được phép can dự vào các công việc của triều đình, nên trong lễ thụ phong Hoàng Thái Tử, Hoàng Hậu cũng không được phép tham dự. Vào ngày lễ thụ phong Hoàng Thái Tử Bảo Long, Hoàng Hậu rời cung điện để tới cung của Hoàng Thái Hậu.

Thượng thư Bộ Lễ, Tông nhân phủ phụ trách các công việc Hoàng gia và đoàn tùy tùng đưa thái tử tới cung điện ngai vàng, nơi sẽ diễn ra lễ thụ phong.

Tới lượt, đoàn tùy tùng hoàng gia tiến về nơi diễn ra buổi lễ.

Sau đó là sự xuất hiện của Toàn Quyền Đông Dương, theo sau là các thành viên các quốc gia thuộc liên minh Pháp.

Trong khi hai chính phủ ký tên vào Cuốn Sổ vàng công nhận Hoàng Tử chính thức là người kế vị ngai vàng, quan lại triều đình cũng cử hành nghi lễ biểu đạt sự chấp thuận. Buổi lễ lớn kết thúc, đoàn tùy tùng hoàng gia quay trở lại cung cấm trong âm thanh của nhã nhạc truyền thống.