Có một nước chư hầu vẫn may mắn tồn tại sót lại sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, mãi đến năm 209 TrCN mới bị mất dưới triều Tần Nhị Thế. Cho đến khi đó, thời gian nó phát triển phồn thịnh ở vùng Trung Nguyên được tổng cộng 838 năm. Thế rồi chỉ vẻn vẹn sau 3 năm nước Vệ mất, đế quốc đại Tần hùng mạnh thế mà chỉ trong thời gian ngắn ngủi đã bị nhấn chìm trong dòng thác cuồn cuộn của những cuộc đại khởi nghĩa nông dân!

Nước Vệ, nước may mắn hy hữu

Theo một tác phẩm về gia phả dòng họ có từ thời nhà Đường tên «Nguyên hòa tính soạn» và sách «Thông chí – Thị tộc lược» của sử gia nổi tiếng thời Nam Tống là Trịnh Tiều (郑樵) ghi lại, sau khi Chu Vũ Vương diệt nhà Thương liền phong đất cho em trai là Khang Ấp (con Văn Vương), người mà dân gian vẫn gọi là Khang Thúc. Sau khi dẹp xong loạn Tam Giám (ba nhà quý tộc: Quản Thúc, Thái Thúc, Hoắc – ND), Chu công (em Vũ Vương) lại lấy vùng đất này phong cho Khang Thúc, lập ra nước Vệ, định đô ở Triều Ca. Sau đây xin nói qua về quá trình tồn tại hơn 800 năm của nước Vệ:

Sau Thúc Ca 7 đời thì đến Vệ Khoảnh hầu, Khoảnh hầu dùng nhiều vàng bạc hối lộ Chu Di vương, nước vệ được phong tước Hầu (tước xếp thứ 2 trong 5 tước, gồm: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam – ND). Sau Khoảnh hầu 2 đời thì đến Vệ Vũ công (năm 771 TrCN, tức năm thứ 42 Vệ Vũ công, nước Vệ do có công giúp nhà Chu mở mang về phía đông nên lại được phong lên tước Công). Thời Vũ công nước Vệ rất hùng mạnh, sáng sủa. Vũ công tại vị được 55 năm thì qua đời, con Trang công lên thay.

Vệ Trang công tại vị được 32 năm thì qua đời, con Vệ Hoàn công lên thay. Hoàn công cưng chiều người em Châu Hu, tại vị được 16 năm (717 TrCN) thì bị Châu Hu giết chết. Thế rồi sau đó một người em khác của Hoàn công lại giết chết Châu Hu và kế vị qua 19 năm thì mất. Thời Vệ Tuyên công, nhiều công tử nước Vệ tranh giành ngôi báu khiến người kế tục Tuyên công là Vệ Huệ công vừa đăng cơ được 3 năm đã bị phế truất. Sau 8 năm Huệ công lại giành lại ngôi vị, từng liên kết với nước Yên đánh Thiên tử Chu Huệ vương.

Huệ công tại vị được 31 năm thì mất, con là Vệ Ý công tiếp nhận ngôi vị. Ý công xa xỉ dâm loạn, thích hạc trắng, không quan tâm triều chính, tại vị được 9 năm thì quân Bắc Địch đánh nước nước Vệ và giết chết Ý công, chút nữa thì nước Vệ mất theo.

Vệ Văn công được Tề Hoàn công giúp đỡ đã phục quốc và dời đô về Sở Khâu. Văn công tại vị được 35 năm thì mất, con là Vệ Thành công lên ngôi. Trước đây Văn công từng vô lễ với Tấn Văn công khiến Thành công lên ngôi được 3 năm (632 TrCN) thì Tấn diệt Vệ, Thành công chút nữa cũng bị hạ độc chết. Sau này Thành công được tha về nước lại làm vua được 35 năm.

Tiếp đó đến Vệ Mục công. Mục công tại vị được 11 năm thì mất, nhường ngôi cho con Vệ Định công. Định công tại vị 12 năm thì mất, con là Vệ Hiến công lên ngôi. Hiến công tại vị được 18 năm thì bị trục xuất, sau 12 năm mới khôi phục lại. Hiến công tại vị được 33 năm thì mất, con là Vệ Tương công lên ngôi. Tương công tại vị được 9 năm thì mất, con là Vệ Linh công lên ngôi. Linh Công tại vị 42 năm thì mất, cháu là Vệ Xuất Công đánh bại cha ruột Khoái Hối tự lập vị.

Từ năm 492 TrCN đến 477 TrCN là thời gian nước Vệ đại loạn, hai cha con Khoái Hối và Xuất công tranh đoạt ngôi vị làm nước Vệ ngày càng suy yếu. Xuất công tại vị được 37 năm thì mất, người chú là Vệ Điệu công đánh bại con của Xuất công lên ngôi. Điệu công tại vị được 5 năm thì mất, con Vệ Kính công lên thay. Kính công tại vị 19 năm thì mất, con là Vệ Chiêu công kế vị. Chiêu Công tại vị được 6 năm thì bị Vệ Hoàn công giết chết. Hoàn công tại vị được 11 năm lại bị Thận công giết. Thời Vệ Thận công, Tam Tấn cường thịnh (chỉ 3 nước Triệu, Ngụy, Hàn – ND), nước Vệ phụ thuộc vào nước Triệu. Thận công tại vị 42 năm thì mất, nhường ngôi cho con là Vệ Thanh công. Vệ Thanh công tại vị được 11 năm thì mất, nhường ngôi cho con là Vệ Thành hầu (năm 346 TrCN, tức năm thứ 16 Thành hầu, nước Vệ tự hạ mình xuống tước Hầu). Thành hầu tại vị được 29 năm thì mất, con là Vệ Bình hầu lên thay. Bình hầu tại vị 8 năm thì mất, con là Vệ Tự quân lên thay (năm 320 TrCN, tức năm thứ 5 Tự quân, nước Vệ tự hạ mình xuống tước Quân). Lúc này nước Vệ chỉ còn ở Bộc Dương. Tự quân tại vị được 42 năm thì mất, nhường ngôi cho con là Vệ Hoài quân. Năm thứ 31 Hoài quân (254 TrCN), Hoài quân vào yết kiến Ngụy vương. Ngụy An Li vương giết chết Hoài quân, nước Vệ bị diệt.

Năm 252 TrCn, nước Ngụy cho khôi phục nước Vệ, Ngụy vương lập con rể là Vệ Nguyên quân tại vị. Năm thứ 14 Nguyên quân (239 TrCN), nước Tần đánh chiếm Bộc Dương, nước Vệ di dời đến Dã Vương. Nguyên quân tại vị 23 năm thì mất, con là Giác quân kế vị. Năm thứ 9 Vệ Giác quân (221 TrCN), nước Tần thống nhất thiên hạ, vì khi đó nước Vệ là nước duy nhất quá nhỏ yếu nên để tiếp tục tồn tại.

Năm thứ 21 Giác quân (209 TrCN), Tần Nhị Thế phế bỏ tước vị của Giác quân, nước Vệ bị mất. Nước Vệ tồn tại được 838 năm, truyền 35 đời quân chủ.

“Cây cao vượt rừng, gió tất bẻ gẫy” (mộc tú vu lâm, phong tất tồi chi), nước Vệ tồn tại được là do nó nhỏ yếu, không ai thèm chú ý; thêm nữa nó biết khôn khéo ở giữa các nước lớn, biết nhìn vào thực tế để tiến thoái hợp lý. Vận mệnh của nước Vệ chứng minh cho câu nói của Lão Tử: “Mình không tranh với ai thì không ai tranh với mình” (phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh).

Theo secretchina

Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm: