Trong ghi chép lịch sử Trung Quốc, những đại gian thần dưới đây sống mưu mô thủ đoạn cuối cùng đã phải chết như thế nào, hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. Triệu Cao triều nhà Tần

Ảnh minh họa Triệu Cao (Ảnh: internet)

Triệu Cao (? – 207 TCN), là tể tướng thái giám đầu tiên của Trung Quốc. Ban đầu, bởi vì Triệu Cao tinh thông về pháp lệnh và hình ngục nên nhận được sự khen ngợi của Tần Thủy Hoàng. Vì vậy, Tần Thủy Hoàng đã phá cách phong ông làm Trung xa phủ lệnh, đồng thời sai Triệu Cao dạy dỗ người con trai út của mình là Hồ Hợi. Tháng 7 năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng bị chết trên đường đi tuần du. Sau khi Tần Thủy Hoàng chết, Triệu Cao đã giả mạo chỉ dụ của vua, sửa lập Hồ Hợi, giết chết con trai cả là Doanh Phù Tô, 20 công tử, 10 công chúa và đại tướng quân Mông Điềm. Thời kỳ Hồ Hợi làm vua, Triệu Cao lại hãm hại giết chết thừa tướng Lý Tư rồi lên làm thừa tướng. Triệu Cao vượt quyền trong việc triều chính, sát hại hoàng tộc, đại thần, trắng trợn bịa đặt tội danh cho người đối lập với mình rồi hãm hại. Hơn nữa, Triệu Cao còn trước mặt Nhị Thế mà “chỉ hươu bảo ngựa”. Đến thời Tần Mạt, Triệu Cao lại giết Nhị Thế. Sau khi Hồ Hợi bị giết, Triệu Cao muốn xưng vương ở Quan Trung, bèn bí mật liên lạc với Lưu Bang để xin cùng diệt nhà Tần và chia đôi Quan Trung. Để thực hiện mưu đồ này, ông ta lập Tần Tử Anh (em trai Tần Thủy Hoàng) lên ngôi vua để định sau sẽ giết chết. Nhưng sau 5 ngày lên làm vua, Tần Tử Anh đã cho người giết chết Triệu Cao và tru di tam tộc.

2. Tần Cối, triều nhà Tống

Tượng vợ chồng Tần Cối (Ảnh: internet)

Tần Cối (1091 —1155), tên chữ là Hội Chi, người Giang Ninh. Ông là tể tướng dưới thời Nam Tống  trong lịch sử Trung Quốc. Năm 25 tuổi ông đỗ tiến sĩ và bước chân vào chốn quan trường. Năm 1127, Tần Cối bị bắt đến nước Kim, ham sống sợ chết mà trở thành kẻ thù của nước Tống. Sau khi được trở về triều Tống, ông ta tìm mọi cách để leo lên làm tể tướng nhằm thực hiện âm mưu của mình. Tháng tám năm Thiệu Hưng thứ hai, Tần Cối bị bãi chức tể tướng. Đến đầu năm thứ tám Thiệu Hưng, Tần Cối lại được làm tể tướng bởi vì ông ta có mối quan hệ tốt với nước Kim mà triều đình khi ấy muốn làm hòa với nước Kim. Lúc này, Tần Cối câu kết với bên ngoài, dùng mọi thủ đoạn giết hại đại thần và những người đối lập với nước Kim. Ông ta còn bịa đặt tội danh để giết hại Nhạc Phi, tạo thành án oan thiên cổ. Năm 1155, Tần Cối bị bệnh mà chết. Con trai của Tần Cối bấy giờ mưu cầu kế thừa tướng vị nhưng bị Tống Cao Tông cự tuyệt. Tần gia từ đó trở đi bị thất thế. Về sau, Tống Hiếu Tông đã sửa lại án oan cho Nhạc Phi và liệt Tần Cối là đối tượng “đầu sỏ” gây ra án oan, cũng tước bỏ Vương tước của ông ta.

Tương truyền trong dân gian rằng, dân rất hận Tần Cối nên đã dùng mì làm thành hình tượng ông ta rồi ném vào bên trong chảo dầu sôi để tạc gọi là “Du tạc Cối”, sau này biến thành bánh quẩy như ngày nay.

3. Ngụy Trung Hiền, triều Minh

Ngụy Trung Hiền (1568—1627) hay còn gọi là Ngụy Yêm, nguyên tên là Ngụy Tứ, là người Túc Ninh, tỉnh Hà Bắc. Ông là hoạn quan vào cuối triều nhà Minh. Thời trẻ, ông là một người vô lại, ham mê đánh bạc, ăn chơi trác táng. Vì thua tiền, bị đòi nợ nên uất ức mà tự thiến. Năm 1589, ông vào cung và bắt đầu “một bước lên mây”, mở màn cho “hoạn quan chuyên quyền”. Ông bài xích những người đối lập, kéo bè kết phái. Nhân vật quan trọng của đảng hoạn quan Ngụy Trung Hiền là “Ngũ hổ”, “Thập cẩu”, “Thập hài nhi”, “Tứ thập tôn”. Một nhóm lớn những người bất mãn với Ngụy Trung Hiền đã bị chết thảm trong ngục. Một nhóm lớn những người “vô liêm sỉ” đã a dua theo đuôi Ngụy Trung Hiền. Còn có đám quan đề xướng xây nhà thờ để thờ Ngụy Trung Hiền ở khắp nơi, tiêu tốn vô vàn của cải của dân. Ngụy Trung Hiền lộng quyền triều chính, giết hại người đối lập đến nỗi mà người ta “chỉ biết đến Ngụy Trung Hiền chứ không biết đến Hoàng thượng”. Năm 1627, sau khi Minh Tư Tông kế vị đã khép Ngụy Trung Hiền phạm 10 đại tội và xử theo pháp luật. Ngụy Trung Hiền treo cổ mà chết, đảng phái của ông ta cũng bị quét sạch.

4. Hòa Thân, triều nhà Thanh

Ảnh minh họa (Ảnh: internet)

Hòa Thân (1750–1799), nguyên tên là Thiện Bảo, tên chữ là Trí Trai, là người Chính Hồng Kỳ, Mãn Châu, tộc  Nữu Hỗ Lộc. Năm 10 tuổi ông được đưa vào cung và làm thị vệ. Bởi vì giỏi về ăn nói, xu nịnh nên được vua Càn Long sủng ái. Hòa Thân không từ một thủ đoạn nào, khi lên địa vị cao ông không ngại loại bỏ kẻ đối lập, chiêu mộ những người thân tín, vơ vét của cải. Năm 1799, vua Càn Long băng hà. Chỉ sau 5 ngày, Gia Khánh đế lập tức hạ chỉ cách chức Hòa Thân và bỏ tù. Lúc khám xét nhà phát hiện, trong 20 năm Hòa Thân đương quyền, của cải mà ông ta vơ vét được lên đến 1,1 tỷ lượng bạc, ngoài ra còn có vàng, bạc, đồ cổ, đồ châu báu, lớn hơn tổng số thu nhập trong 15 năm của chính phủ triều đại nhà Thanh. Sau khi vua Càn Long băng hà 15 ngày, Gia Khánh đế đã ban cho Hòa Thân dải lụa trắng để tự vẫn. Hòa Thân là tham quan đệ nhất trong lịch sử Trung Quốc. Người đương thời có câu: “Hòa Thân té ngã, Gia Khánh ăn no” là ám chỉ điều này.

5. Lý Lâm Phủ nhà Đường

Lý Lâm Phủ (683—752 ) tên mụ là “Ca Nô” là người Thiểm Tây là tể tướng triều đại nhà Đường. Lý Lâm Phủ là người giỏi về luồn cúi, mưu kế. Năm 734, Lý Lâm Phủ bắt đầu làm tể tướng. Trong suốt những năm giữ chức vụ của mình, Lý Lâm Phủ chuyên dùng lời bỡ đỡ lấy lòng hoàng thượng, mưu mô hãm hại người khác. Trước mặt, ông ta tỏ ra chân thật lấy lòng người khác để họ trò chuyện nói ra những suy nghĩ của mình, sau lưng ông ta sẽ đem những chuyện đó của họ tấu lên Hoàng thượng. Những người này nếu không bị cách chức thì cũng không thể thăng tiến lên được. Người đời gọi Lý Lâm Phủ là người “miệng mật lòng gươm”, kéo bè kết phái, bài trừ người đối lập, tham ô hối lộ, sống một cuộc sống xa xỉ. Năm 752, Lý Lâm Phủ bị bệnh mà chết. Lý Lâm Phủ vừa chết bị Dương Quốc Trung tố giác, ngay lúc chưa chôn cất liền bị lột bỏ tước vị và được mai táng như dân thường, con cháu bị đày đi Lĩnh Nam.

6. Đổng Trác nhà Hán

Đổng Trác (132 – 192), tên chữ là Trọng Dĩnh, là người huyện Lâm Thao, Lũng Tây. Đổng Trác là người mưu mô, tính tình thô lỗ, có thể lực hơn người. Lúc đầu, ông làm chức phó coi việc quân, trông giữ binh khí và ngựa chiến. Năm 184, khởi nghĩa Khăn Vàng nổ ra, Đổng Trác được dùng làm Đông Trung lang tướng tới Ký châu thay Lư thực đánh quân Khăn Vàng. Nhưng ông đã bị thua trận và bị bãi chức. Đầu năm 189, Hán Linh Đế bị bệnh nặng, không lâu sau thì chết, Hán Thiếu Đế lên ngôi. Đổng Trác sau đó thao túng triều đình và phế Hán Thiếu Đế thi hành hàng trăm chính sách bóc lột đến cùng cực, cướp đoạt của cả. Theo tính toán, số vàng lên đến 1 -2 vạn cân, bạc 4 – 5 vạn cân, gấm lụa chồng chất như núi. Năm 192, Đổng Trác bị chết dưới tay kẻ thân tín là Lã Bố.

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: