Bí thư huyện Sóc Sơn cho rằng, nhà của gia đình ca sĩ Mỹ Linh và phủ Thành Chương là những công trình lớn, không thuộc thẩm quyền cấp huyện, nếu phá dỡ phải có ý kiến từ cấp trên.

Đầu tháng 10/2018, sau khi bị dư luận, báo chí lên tiếng, Hà Nội đã chỉ ra 45 công trình “xẻ thịt” đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, trong đó có 27 trường hợp ở Minh Trí và 18 trường hợp ở xã Minh Phú.

Hồi cuối tháng 10, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở Sóc Sơn, thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ, nếu không thực hiện thì cưỡng chế. Việc tháo dỡ các công trình, trả lại đất rừng thực hiện xong trong tháng 11/2018.

vu xe thit rung soc son lanh dao huyen noi ve so phan nha my linh phu thanh chuong
Khuôn viên nhà vườn đồ sộ của ca sĩ Mỹ Linh. (Ảnh: Lao Động)

Trong cuộc phỏng vấn Báo Dân Trí ngày 19/11, ông Phạm Xuân Phương – Bí thư huyện Sóc Sơn cho biết, huyện đang xử lý 18 công trình vi phạm, dự kiến xong trong tháng 11.

Theo ông Phương, các công trình trong diện đang xử lý không có nhà của ca sĩ Mỹ Linh, Việt Phủ Thành Chương vì “đây là những công trình lớn, không thuộc thẩm quyền của cấp huyện nên phải chờ”.

Phóng viên Dân Trí thắc mắc, 2 công trình này đều được thanh tra các cấp chỉ ra sai phạm từ nhiều năm trước, tại sao huyện Sóc Sơn không căn cứ vào đó để xử lý luôn thì ông Phương cho rằng, từ năm 2006, khi Thanh tra Chính phủ kết luận, các công trình đã được xây dựng hoàn thiện.

“Thực tế, công trình hoàn thiện, thẩm quyền xử lý lại không phải nằm ở cấp huyện.

Ngay cả 18 công trình vi phạm nằm trong danh sách cưỡng chế ở xã Minh Phú, nhiều gia đình vừa làm vừa nghe ngóng. Bởi khi huyện Sóc Sơn thông báo cưỡng chế, các gia đình thuê luật sư và đem đơn lên tận Chính phủ. Chủ các công trình này cho là đang trong giai đoạn thanh tra thì không được cưỡng chế”, bí thư Sóc Sơn nói và quả quyết việc tháo dỡ hay không 2 công trình này phải do UBND TP. Hà Nội chỉ đạo.

Vị này nói thêm, với trường hợp nhà của ca sỹ Mỹ Linh, trong sổ hiện nay cho xây dựng là 400 m2 đất làm nhà và 200 m2 đất trồng cây ăn quả, còn lại 11.600 m2 đất vẫn là đất rừng. Nhưng hiện nay công trình nhà ca sĩ Mỹ Linh đã xây dựng hơn 500 m2. Như vậy, gia đình ca sĩ Mỹ Linh phải dỡ phần sai phạm đó. Nhà ca sĩ Mỹ Linh thuộc diện không phải xin phép (nhà tạm) xây dựng vì đây là nhà kết cấu khung thép.

Với phủ Thành Chương, bí thư Sóc Sơn cho rằng, phá dỡ là lãng phí, bởi đây không phải là đất rừng, mà đất nông nghiệp. Nhưng nếu Hà Nội chỉ đạo xử lý phủ Thành Chương, huyện vẫn sẽ chấp hành đầy đủ.

“Bây giờ chỉ làm chuyển đổi mục đích sử dụng đất của phủ Thành Chương thôi, nếu làm được như vậy thì tốt. Tôi cũng hi vọng là làm được. Bản thân tôi cũng là người lên đó đầu tiên. Thời điểm đầu, đất đai ở đây hoang hóa, chính ông ấy vun vén mới được như ngày nay”.

Cũng trong ngày 19/11, trong buổi tiếp xúc đại biểu HĐND TP. Hà Nội trước kỳ họp thứ 7 HĐND khóa XV, cử tri huyện Sóc Sơn lần lượt chỉ ra hàng loạt sai phạm vụ “xẻ thịt” đất rừng ở xã Minh Phú và Minh Trí. Tuy nhiên, vị đại diện MTTQ huyện liên tục ngắt lời khi đề cập về vấn đề này.

Cử tri Trần Đức Phương (xã Minh Trí) đưa ra đánh giá, từ thành phố, huyện đến xã quản lý đất đai rất kém. “Đất đai bị lấn chiếm lung tung cả, nhưng các vụ vi phạm lại không được giải quyết kịp thời, giải quyết không dứt điểm, nên đến bây giờ càng nặng thêm”.

Theo cử tri xã Minh Trí, ngoài việc các công trình vi phạm trên đất rừng, đất công cũng bị chiếm dụng. Những vi phạm liên quan đến đất đai rõ ràng, nhưng kiến nghị của người dân không được giải quyết.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Văn Nhạc (xã Tân Hưng) nhận định, những vi phạm đất đai tràn lan như vậy là do sự yếu kém của dàn lãnh đạo cấp xã. Ông Nhạc đề nghị TP và huyện rà soát cán bộ xã, nếu ai làm sai thì mạnh tay loại ra khỏi bộ máy.

Ông Dương Văn Chuốt (xã Minh Trí) phản ánh tường tận 27 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng ở xã này và 18 trường hợp “xẻ thịt” đất rừng ở xã Minh Phú. Ông Chuốt cho rằng, những vi phạm trật tự xây dựng như vậy ngoài trách nhiệm cán bộ xã hiện nay còn liên quan cả những lãnh đạo trước đây. Do đó, cần có biện pháp xử lý mạnh tay với cán bộ tiếp tay cho sai phạm.

Khi cử tri phát biểu, ông Trương Văn Nhung – Phó Chủ tịch MTTQ huyện Sóc Sơn liên tục ngắt lời và đề nghị phát biểu tập trung vào vấn đề chứ “không bình luận”. Hành động này khiến cử tri phản đối gay gắt.

Hoa Liên (Tổng hợp)