20 triệu đồng là mức xử phạt hành chính đối với chủ sở hữu tài khoản trang facebook có hành vi tung tin sai sự thật về dịch tả heo châu Phi.

Theo thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, chiều 11/3, đại diện cục đã có buổi làm việc với chủ trang facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami xung quanh việc tài khoản này đã có những thông tin sai sự thật về dịch tả heo châu Phi trên mạng xã hội.

Theo báo Tuổi Trẻ, kết thúc buổi làm việc với cơ quan chức năng, chủ tài khoản facebook này đã chấp thuận ký vào biên bản vi phạm hành chính với mức phạt 20 triệu đồng. Dự kiến, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử sẽ ra quyết định xử phạt chính thức trong tuần này.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hòa Bình lấy mẫu máu xét nghiệm để phát hiện vi rút DTLCP. (Ảnh: BHB/Dân Việt)

Như báo Dân Việt thông tin, ngày 8/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức có văn bản số 1669/BNN-VP do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý thông tin đăng tải không chính xác về dịch tả lợn châu Phi.

Theo văn bản này, để công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả, đúng yêu cầu, vừa bảo vệ sản xuất, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội.

Giấy mời của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử mời chủ fanpage Đầm bầu thời trang Mami lên làm việc liên quan đến thông tin đăng tải về dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Dân Việt)

Ngay sau khi Bộ NNPTNT có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm những đối tượng đăng thông tin không chính xác về dịch tả lợn châu Phi, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin – Truyền thông) đã có giấy mời gửi chủ tài khoản facebook Đầm bầu Mami đến làm việc để làm rõ thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi đã đăng tải.

Chủ trang facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami đăng thông tin đính chính tin thất thiệt về dịch tả heo châu Phi. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Theo báo CAND, trước đó ngày 4/3, trang fanpage Đầm bầu thời trang Mami đã gỡ bỏ nội dung này và gửi thông tin đến các đối tác thông báo những nội dung đã đăng tải về dịch tả lợn châu Phi có lây sang người là không đúng sự thật. Bên cạnh đó, fanpage Đầm bầu thời trang Mami cũng đăng tải thư xin lỗi những người theo dõi trên trang này về những thông tin liên quan đến dịch tả lợn châu Phi khiến người đọc hoang mang.

Khôi Minh (tổng hợp)