Thuế môi trường với xăng sẽ tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít từ năm 2019, tức tăng thêm 1.000 đồng/lít so với mức hiện nay.

Ngày 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít), theo Zing.

Bên cạnh đó, thuế môi trường đối với dầu diesel cũng tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.

Thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết từ ngày 1/1/2019, nhằm giảm tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm nay, đồng thời kiềm giữ lạm phát dưới 4% năm 2018 của Chính phủ.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu điều chỉnh loại thuế này mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15.700 tỷ đồng, là nguồn lớn để đầu tư, xử lý vấn đề môi trường.

Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, tiền thuế thu môi trường phải đưa vào ngân sách và phải chi lại cho bảo vệ môi trường, như thế thì người dân “mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác”.

Trước lo lắng việc tăng thuế môi trường với xăng, dầu sẽ tác động tới lạm phát, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách phân tích trên VnExpress rằng, thời điểm Nghị quyết có hiệu lực sẽ không làm tăng CPI năm 2018, vẫn điều chỉnh được lạm phát năm 2019, từ đó hạn chế việc tác động tới đời sống người dân, hoạt động nền kinh tế.

Ngoài xăng dầu, Nghị quyết lần này cũng điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng có ảnh hưởng đến môi trường, như than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, túi ni lông, các loại thuốc khử trùng thuộc loại hạn chế sử dụng…

Trước đó, Bộ Tài chính đã nhiều lần đưa ra đề xuất tăng thuế môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, tuy nhiên đều vấp phải những ý kiến phản đối. Nhiều người hoài nghi về lý do của việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là gì, hiệu quả bảo vệ môi trường thực sự thế nào, đo lường ra sao.

Một số chuyên gia cho rằng nếu đánh thuế môi trường để giảm tiêu dùng, hạn chế sử dụng sản phẩm đó thì phải đánh vào than, mặt hàng ô nhiễm hơn xăng dầu rất nhiều.

Thiện Duyên (Tổng hợp)