TIN TỐT ĐẸP ngày 5/8 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Câu chuyện về người đàn ông liệt chân chế tạo xe, thang máy cho người khuyết tật’.

Liệt hai chân từ năm lên 7 tuổi nhưng sự thiệt thòi này không thể khiến ông Võ Văn Trang (Nghệ An) đầu hàng số phận. Hơn 40 năm qua, người đàn ông giàu nghị lực vẫn miệt mài chế tạo ra thiết bị, máy móc hữu dụng cho người khuyết tật.

Trong ngôi nhà 2 tầng nằm gần Quốc lộ 48E (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) ông Trang bồi hồi nhớ lại câu chuyện mấy chục năm trước. Khi sinh ra vốn lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng năm 7 tuổi, ông bị đau khớp cổ chân. Sau một thời gian dài điều trị không đúng cách, đôi chân của ông ngày càng teo rồi mất khả năng vận động. Bố mẹ đưa ông chạy chữa khắp nơi nhưng nhận lại chỉ là những cái lắc đầu của bác sĩ.

“Hàng ngày, thấy các bạn vui đùa ngoài sân còn mình lại phải ngồi một chỗ, tôi buồn lắm, nghĩ tương lai đã khép lại. Mỗi khi nhìn thấy bố mẹ buồn rầu, lén quay mặt lau nước mắt, lòng tôi lại quặn đau và thấy mình phải sống có ích”, ông Trang tâm sự với Báo Nghệ An.

Ông Trang xin bố mẹ được tiếp tục tới trường. Hàng ngày, trên con đường làng dài hơn 1km, ông dùng hai bàn tay kéo lê cơ thể di chuyển. Dù bàn tay sưng vù, rớm máu nhưng cậu bé Trang khi ấy chưa một lần bỏ cuộc.

Nhà nghèo nên sau giờ trên lớp, ông Trang xin làm thuê cho tiệm sửa xe đạp gần trường để học nghề, quan trọng hơn là được ăn bữa cơm trưa miễn phí. Cố gắng đến năm 16 tuổi, ông đành gác lại giấc mơ tới trường do nhà túng quá, mà trường cấp 3 xa, không thể tự mình di chuyển quãng đường hơn 10km.

Nghị lực của người đàn ông liệt chân chế tạo xe, thang máy cho người khuyết tật
Tinh thần lạc quan và tình yêu lao động là liều thuốc quý giúp ông Trang vượt qua khó khăn. (Ảnh: Báo Nghệ An)

Để mưu sinh, ông mở lán sửa xe đạp ven tỉnh lộ 534 (nay là QL 48E). Với tài đoán “bệnh” xe, đôi tay lại nhanh nhẹn, tháo vát, nhiều khách hàng đã tìm đến quán của ông.

Công việc sửa xe đã giúp ông Trang bén duyên với bà Hoàng Thị Chanh. Chiếc xe đạp của bà Chanh hay bị đứt xích, thủng săm. Hầu như buổi chợ nào bà cũng phải ghé nhờ ông Trang xem giúp. Từ cảm phục rồi chuyển sang cảm thương, bà đồng ý thành đôi cùng ông.

Nghị lực của người đàn ông liệt chân chế tạo xe, thang máy cho người khuyết tật
Không quảng đường xa, ông cùng vợ vượt hàng chục cây số để giao từng thiết bị máy móc.(Ảnh: Báo Nghệ An)

Cưới nhau chưa được bao lâu, ông Trang trở bệnh nặng, toàn thân sưng phù, tay chân co rút. Gạt nước mắt, bà Chanh chạy vạy, vay mượn khắp nơi để có tiền đưa chồng đi chữa bệnh. May mắn, ông vượt qua cơn nguy kịch, nhưng sức khỏe đã giảm sút, tay chân co rút, lưng gù ngày càng nặng.

“Lúc tôi yêu và quyết định lấy ông Trang gia đình và bạn bè ai cũng phản đối. Mọi người bảo tôi bị dở, lấy người lành lặn chưa chắc đã có cơm ăn, chứ đừng nói lấy người tàn tật ngồi một chỗ, chỉ khổ cả đời. Nhưng tôi yêu và tin ông ấy”, bà Chanh cười chia sẻ.

Lán sửa xe mở cửa trở lại, tiếng cười của ông “Trang gù” vang lên vui vẻ. Thời gian cứ thế trôi đi, lán sửa xe đơn sơ ngày nào nay đã trở thành cơ ngơi khang trang, rộng rãi.

Nghị lực của người đàn ông liệt chân chế tạo xe, thang máy cho người khuyết tật
Ông Trang sửa lại chiếc xe lăn ba bánh cho khách hàng. (Ảnh: Báo Giao Thông)

Theo Báo Giao Thông, ngoài việc sửa xe, ông Trang còn dùng thời gian rảnh rỗi tìm hiểu về thiết kế và sửa chữa máy móc. Ông Trang “gù” dần nổi tiếng khắp vùng với khả năng sửa thiết bị điện tử và đồ gia dụng từ radio, ti-vi cho tới mô-tơ, máy đập bột, máy gặt…

Năm 2007, trong một lần đi lấy hàng, ông thấy một số người khuyết tật có thể tự di chuyển cả 100km nhờ xe ba bánh, nhưng giá thành chẳng hề rẻ. Ông quyết định sẽ cải tiến xe lăn thành xe máy ba bánh để di chuyển dễ dàng hơn, lại tiết kiệm, chi phí. Sau 5 năm tìm tòi, thực nghiệm, chiếc xe máy ba bánh đã ra đời.

“Giờ đây, tôi có thể đi lại dễ dàng hơn trên đôi chân của chính mình. Thấy chiếc xe đi lại thuận tiện, nhiều người khuyết tật trong và ngoài tỉnh đã đến đặt hàng tôi làm. Đến nay, tôi đã chế tạo thành công hàng trăm chiếc xe ba bánh, xe lăn cho thương binh, người khuyết tật”, ông Trang cười hạnh phúc.

(Video: Báo Nghệ An)

Sau nhiều năm chăm chỉ, ông dựng được căn nhà 2 tầng khang trang. Thương vợ nặng gánh phải cõng mình lên tầng, ông Trang lại mày mò, thiết kế thang máy mini đặt trong nhà. Nhiều chủ cửa hàng thiết bị cho người khuyết tật đã tìm ông đặt hàng. Đến nay, ông Trang cũng không nhớ đã làm ra bao nhiều chiếc thang cho người khuyết tật.

Nghị lực của người đàn ông liệt chân chế tạo xe, thang máy cho người khuyết tật
“Thang máy” do ông Trang tự thiết kế. (Ảnh: Báo Nghệ An)

Ông Lê Văn Minh, tổ trưởng tổ dân phố và cũng là bạn học của ông Trang cho biết: “Không chỉ là tấm gương vượt lên số phận, từ người khuyết tật trở thành một “nhà sáng chế” nổi tiếng trong vùng, ông Trang còn tích cực ủng hộ làm tiền đường, đóng góp xây dựng quỹ “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”…

Dù mang trong mình nỗi đau thể xác nhưng không vì thế mà ông Trang sống vô ích, trở thành gánh nặng của xã hội. Bằng sự nhiệt huyết, cần mẫn, ông đã đã khẳng định mình tấm gương “tàn nhưng không phế”.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều cuối tuần nhiều may mắn và yêu thương!

———–

Đại Kỷ Nguyên News