Bóng đá mang đến cho chúng ta niềm vui và sự phấn khích nhưng có lẽ bạn sẽ thất vọng khi chứng kiến viễn cảnh đầy hỗn loạn và toan tính của bóng đá hiện đại.

Sự kiện Barcelona 160 triệu euro chiêu mộ Phillipe Coutinho từ Liverpool thời gian vừa qua khiến không ít người cảm thấy tiếc cho sự tồn tại của lò đào tạo La Masia vang bóng một thời.

Trong những năm tháng hoàng kim và rực rỡ nhất của mình, Barcelona thống trị bóng đá châu Âu bằng chính những sản phẩm “Made in La Masia” như Sergio Busquets, Xavi Fernandez, Andres Inesta, Carles Puyol, Victor Valdes, Lionel Messi,… Họ không chỉ là những ngôi sao hàng đầu thế giới mà còn là linh hồn của Barca, là những gì tinh túy nhất được lò đào tạo La Masia gây dựng lên.

Sau nhiều trắc trở, cuối cùng Phillippe Coutinho cập bến Barcelona với giá chuyển nhượng 160 triệu euro. (Ảnh: Habertürk)

Nhưng nhiều năm trôi qua, những trụ cột của của Barca như Busquets đã 30 tuổi nhưng không có người thay thế hay Inesta đã 34 tuổi vẫn phải cày ải trên nhiều đấu trường, cộng thêm việc lò La Masia không thể sản sinh ra nhân tài mới phục vụ đội bóng khiến ban lãnh đạo phải chi tiền mua những cầu thủ tài năng bên ngoài. Những bản hợp bom tấn chấn động làng bóng thế giới đã được Barca kích hoạt như Luis Suarez, Neymar, Dembele hay gần đây nhất là Coutinho đã ngốn hết gần nửa tỷ bảng nhưng những con người này không đem lại nhiều thành công hơn cho Barca như những đứa con La Masia đã từng mang về.

Điều đáng buồn hơn là gã khổng lồ xứ Catalonia đầy kiêu hãnh đang đi lại chính con đường của đại kình địch Real Madrid đang thực hiện trong suốt nhiều năm qua: “Vung tiền chiêu mộ các chân sút tài năng trên khắp thế giới”.

Người ta cho rằng nếu Barca đi theo con đường phát triển của Real Madrid thì trong tương lai không xa, người ta sẽ không thể chứng kiến trận siêu kinh điển El Clasico đúng nghĩa vì nó đã mất đi một phần giá trị trong nó. Những trận El Clasico trong quá khứ là sự đối đầu nảy lửa giữa dàn “lính đánh thuê” đắt tiền của Real và tiểu đội “cây nhà lá vườn” của Barca, mà chính sự khác biệt này làm nên tính đặc biệt của những trận Siêu kinh điển.

Siêu kinh điển El Clasico là nơi đối đầu của 2 đội bóng hàng đầu thế giới đồng thời là những cuộc đối đầu giữa 2 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới thời điểm hiện nay: Messi và Ronaldo. (Ảnh: Daily Post)

Không chỉ riêng gì Barca mà nhiều ông lớn ở châu Âu như Manchester United, Chelsea, Liverpool,… cũng phải bán đi những tài năng trẻ của mình để dọn đường cho việc mua những cầu thủ tài năng bên ngoài về phục vụ cho đội bóng. Phần lớn những cầu thủ mà các ông lớn châu Âu mua về đều là những cầu thủ tài năng ở những câu lạc bộ nhỏ nhưng họ không thể phát triển tài năng của mình cũng như câu lạc bộ chủ quản không thể đáp ứng lương bổng mà họ mong muốn. Điều này cho thấy những lò đào tạo không mấy tên tuổi cũng cũng có thể sản sinh ra những cầu thủ tài năng không kém những lò đào tạo tên tuổi trên thế giới.

Ví dụ điển hình cho trường hợp này là Southampton. Đây là một câu lạc bộ tầm trung tại giải Ngoại hạng Anh nhưng những sản phẩm từ lò đào tạo của đội bóng này lại trở thành những siêu sao hàng đầu thế giới như Gareth Bale, Luke Shaw, Sadio Mane, Theo Walcott,…. khi chơi cho các đội bóng lớn ở Anh và châu Âu.

Nhưng có một thực tế đang diễn ra hiện nay là việc Premier League cũng trở thành “sân sau” cho Laliga, tự nguyện đóng góp những cầu thủ tài năng nhất của mình cho Barca và Real thì những lò đạo tạo như La Masia với Castilla còn ý nghĩa gì? Cần gì phải đào tạo cầu thủ cho nhọc sức khi mà các đội bóng Premier League rồi sẽ bán các tài năng của họ cho Real hay Barca sau khi lục sùng những “mỏ vàng” trên khắp châu Âu, rước về một viên ngọc thôi và mài dũa cho nó sáng long lanh.

Năm 2013, Coutinho chuyển từ Inter Milan sang Liverpool chỉ vỏn vẹn 8,5 triệu euro mà chẳng một ai biết anh ta thời điểm đó. Nhưng rồi sau đó thì sao, chỉ mất 4 năm cả thế giới phải thừa nhận đẳng cấp của Coutinho và khiến Barca phải bỏ ra 160 triệu euro mang anh về san Nou Camp. Cristiano Ronaldo hồi mới chuyển đến Manchester United chỉ là một thanh niên gầy gò, cò hương, múa máy loạn xạ nhưng Premier League và Sir Alex Ferguson đã mài dũa anh trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Và viên ngọc sáng loáng này đâu qua được con mắt chứa đầy tham vọng của Real Madrid.

Man United cũng không giữ được Ronaldo trước sức hút của Real Madrid. (Ảnh: prodwuire.ga)

Tương tự là các trường hợp của Luis Suarez, Gareth Bale, Thierry Henry, Micheal Owen, Mascherano,… Tất cả họ đều được Premier League phát hiện, đào tạo thành siêu sao và khi đã thành danh, người Anh rất sẵn lòng bán họ sang La Liga. Premier League đang hài lòng với việc chiêu mộ được những ngôi sao hạng B của thế giới và nhường lại sao hạng A cho Real hoặc Barca.

Nếu điểm lại trong lịch sử bóng đá, đâu chỉ mình Liverpool bất lực trước những lời mời hấp dẫn đến những ngôi sao hàng đầu của họ mà ngay cả Man United, Chelsea hay Arsenal cũng đành bó tay khi những “cái vòi hút máu” của Real hay Barca gõ cửa. Vậy nên nhìn từ phía Barca mà nói, cần gì phải mất công đào tạo những Messi, Xavi, Iniesta phiên bản 2, cũng chẳng cần nuối tiếc La Masia làm gì, họ đã có Premier League đang đóng vai trò của một La Masia hay đó thôi.

Thực tế trong quá khứ, chẳng phải Barca cũng bỏ tiền ra mua những ngôi sao Ronaldo (Rô béo), Rivaldo, Ronaldinho, Eto’o… về đó thôi. Đối với các đội bóng hiện nay, danh hiệu và sự nổi tiếng là trên hết; mua siêu sao sẽ hút được nhiều khán giả, nhiều đối tác và tăng cơ hội vô địch. Vì vậy đối với Barca mà nói thế hệ Messi, Xavi, Iniesta, Busquest giống như một món quà mà Chúa trời ban tặng đội bóng này vậy.

Không còn thời những cầu thủ từ La Masia là trái tim của Barca. (Ảnh: fcbarcelona.fr)

Bóng đá hiện đại không chỉ là một môn thể thao mà nó còn là nơi những ông chủ giàu có kinh doanh và kiếm bội tiền từ tiền những thương vụ chuyển nhượng cầu thủ bạc tỷ hay tiền từ việc quảng cáo, tiền bản quyền truyền hình. Tiền bản quyền truyền hình là một nguồn siêu lợi nhuận mà bất cứ đội bóng cũng muốn có thật nhiều nhưng đồng nghĩa với việc này là việc các đội bóng phải căng sức ra thi đấu trên nhiều đấu trường hơn. Điển hình nhất là giải Ngoại hạng Anh.

Trong khi các giải đấu khác ở châu Âu cho phép nghỉ lễ Giáng Sinh và năm mới thì lịch thi đấu giai đoạn Ngoại hạng Anh và năm mới vô cùng dày đặc, các đội bóng không chỉ thi đấu ở Premier League mà còn phải chơi ở các đấu trường khác như Champion League, FA Cup… Trong năm 2017, lượng khán giả đến sân tại Ngoại hạng Anh chạm mốc kỷ lục 96,5% số ghế trung bình mỗi trận nhưng trong dịp Lễ tặng quà và năm mới, con số này lần lượt tăng lên 98,7% và 97%.

Các cầu thủ bị vắt kiệt sức vì phải thi đấu quá nhiều trận trong một thời gian ( thông thường là 3 ngày 1 trận), họ bị biến thành những con robot phải làm việc liên tục không ngừng nghỉ để đem lợi ích cho những ông chủ hay những nhà quản lý bóng đá, chứ không phải thi đấu vì niềm đam mê, cống hiến hết mình vì người hâm mộ.

Giai đoạn đoạn Boxing Day thật sự là một cơ ác mộng cho các câu lạc bộ tại Premier League vì họ phải thi đấu liên tục tại nhiều đấu trường. (Ảnh: Bongdanet.vn)

Thêm vào đó, lượng khán giả truyền hình và khán giả đến sân đều tăng khi các đội thi đấu vào ngày nghỉ. Ngoài ra, các đội cũng được hưởng lợi từ việc bán đồ lưu niệm, dụng cụ thi đấu cũng như kiếm thêm tài trợ nếu thi đấu những ngày này.

Không những những cầu thủ vì đồng tiền quên mất đi tình yêu, lòng trung thành mà chính họ cũng vì đồng tiền mà bất chấp tất cả tham gia vụ gian lận và dàn xếp tỷ số.

Điển hình là Calciopoli – vụ bê bối lớn nhất của bóng đá Italy khiến câu lạc bộ hùng mạnh Juventus bị tước chức vô địch mùa giải 2005 và 2006, đồng thời khiến Bà đầm già thành Turin phải xuống chơi tại Serie B trong mùa giải 2006- 2007. Hai nhân vật chính trong vụ Calciopoli là Tổng giám đốc Juventus, Luciano Moggi và một giám đốc khác của đội bóng này, Antonio Giraudo. Hai quan chức trên tạo một đường dây dàn xếp tỷ số liên quan tới nhiều cầu thủ, trọng tài và cả các quan chức trong liên đoàn bóng đá Italia.

Calciopoli 2006 khiến Juventus mất 2 chức vô địch Serie A 2005 và 2006, đồng thời Bà đầm già thành Turin phải xuống chơi tại Serie B trong mùa giải 2006- 2007. (Ảnh: Contra)

Hay scandal dàn xếp tỷ số của bóng đá Italia năm 2011 tuy chỉ là phần nhỏ so với Calciopoli nhưng đây là minh chứng cho việc gian lận tỷ số bóng đá chưa bao giờ bị hủy diệt ở Italia. Tiền đạo lừng danh một thời của Italia là Giuseppe Signori cùng một hàng ngũ những người khác đã bị cảnh sát Italia bắt giữ do bị tình nghi dàn xếp tỷ số bóng đá, đa số những con người này đều bị tình nghi có ảnh hưởng đến kết quả, dàn xếp tỷ số bóng đá trong 18 trận bóng tại giải Serie A.

Chẳng cần nói đâu xa hết, bóng đá Việt Nam trong quá khứ cũng nhiều lần chao đảo vì những vụ bán độ của những cầu thủ.

Vụ bán độ tại tại Sea Game 25 của cầu thủ U23 Việt Nam thực sự là cơn địa chấn đối với bóng đá nước nhà và khu vực Đông Nam Á, nó đã hủy hoại đi những cầu thủ tài năng và hứa hẹn là tương lai cho bóng đá Việt Nam, trong đó là có Nguyễn Văn Quyến- thần đồng bóng đá nổi tiếng xứ Nghệ.

Quốc Vượng và đồng phạm trước tòa. (Ảnh: VTC News) 

Gần đây nhất là bê bối dàn xếp tỷ số của 10 cầu thủ thuộc câu lạc bộ bóng đá Ninh Bình tại AFC Cup (cúp C1 châu Á) năm 2014 khiến dư luận trong nước cũng như thế giới phải sửng sốt, bàng hoàng. Câu chuyện này một lần nữa dấy lên hồi chuông về đạo đức nghề nghiệp của các cầu thủ bóng đá, họ chấp nhận vướng vào vòng lao lý chỉ vì những đồng tiền bất chính.

Thời gian trôi qua càng nhanh thì bóng đá càng ngày càng thay đổi khó lường, thời đại bóng đá hiện nay là thời đại kim tiền khi mà danh hiệu, bản quyền truyền hình, quảng cáo đem về cho các câu lạc bộ bóng đá lợi nhuận khổng lồ để họ thực hiện những mục tiêu riêng mình nhưng bản sắc và ý nghĩa nhân sinh mà bóng đá mang lại cho mọi người đàn trở nên phai nhạt dần theo năm tháng.

Thời thế là vậy, chúng ta gần như không còn được thấy những tinh túy và nghệ thuật đỉnh cao trong bóng đá, thay vào đó là những toan tính và tiền bạc, thế giới bóng đá hôm nay thật sự không còn như tên gọi thường ngày mà chúng ta vẫn nhắc tới nữa.

Sơn Tùng