Cùng kỳ năm trước, giá chuối chỉ 1.000 đồng mỗi kg thì nay tăng lên 18.000 đồng do thương lái đang thu mua ồ ạt.

Trước đó, Bộ Công Thương cảnh báo việc thương lái Trung Quốc lùng sục mua chuối, theo Zing.

Theo Bộ Công Thương, có thể do diện tích chuối tại Trung Quốc giảm làm giá bán tăng cao trong thời gian gần đây. Một số vùng trồng, người dân lại ồ ạt chuyển sang trồng chuối nên nhiều người lo ngại bài học cơn “sốt ảo” lại tái diễn.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, lượng chuối nhập khẩu từ Việt Nam năm 2017 đạt gần 51.000 tấn, kim ngạch đạt 24,3 triệu USD. Tính đến hết tháng 1, lượng chuối nhập khẩu từ Việt Nam là 5.132 tấn với kim ngạch là 2,8 triệu USD.

Đầu tháng 3, giá chuối tại một số vùng trồng ở Đồng Nai đã tăng đột biến, do thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua. Giá bán tại vườn ở mức 17.000-18.000 đồng/kg. Đây là mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại, cao gấp chục lần so với giá 1.000-2.000 đồng/kg vụ 2017.

Việc giá chuối tăng đột biến khiến nhiều lo ngại là “sốt ảo”. Một số vùng trồng, người dân lại ồ ạt chuyển sang trồng chuối, nguy cơ dư thừa hoàn toàn có thể xảy ra.

Giá bán chuối tăng mạnh tại Đồng Nai trong tháng 3. (Ảnh: Ngọc An)

Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương, cho rằng giá chuối tăng cao thời gian qua có thể do diện tích trồng và sản lượng chuối của Trung Quốc giảm mạnh. Diện tích chuối của quốc gia này đã giảm từ 430.000 ha năm 2015 xuống 230.000 ha năm 2016. Sản lượng cũng giảm từ 12 triệu tấn (2015) xuống 9 triệu tấn (2016).

Tuy nhiên, giá bán lẻ mặt hàng chuối tại Trung Quốc từ đầu năm 2018 không ổn định. Trong 2 tháng đầu năm, giá dao động 3-3,5 NDT/kg, sau Tết Âm lịch giảm khoảng 40%, còn khoảng từ 1,5-2,5 NDT/kg. Chuối nhập khẩu có giá bán lẻ cao hơn chuối nội địa.

Tại các tỉnh giáp biên giới Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam, giá chuối bán lẻ cũng biến động tương tự. Trước và sau Tết giá trên 4 NDT/kg. Đầu tháng 3, giá giảm 40-50%,còn hơn 2 NDT/kg, hiện nay tăng trở lại khoảng 4 NDT/kg.

Theo Bộ Công Thương, nguồn cung và giá chuối tại thị trường Trung Quốc thường diễn biến theo quy luật. Đầu năm giá thường cao do ảnh hưởng tiêu thụ của Tết Âm lịch. Đến giữa năm, giá sẽ ổn định và có thể tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ ổn định. Cuối năm, nguồn cung thiếu do thời tiết giá lạnh, giá lại tăng cao.

Hoàng Kỳ