Thầy Khoa mang trong mình căn bệnh xơ cứng bì phải chữa trị tốn kém, song vẫn dồn hết tiền lương lo từng bữa ăn cho các học trò trường Tiểu học Kim Đồng. 

11 năm làm hiệu trưởng, thầy Trần Đăng Khoa (45 tuổi, Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Ia Tul, huyện Ia Pa, Gia Lai) chứng kiến bao thế hệ học trò thành đạt và cũng nhiều em bỏ giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn.

Thầy Khoa cho Báo Dân Việt biết, ở khu vực vùng sâu, vùng xa này học sinh đa số là con em đồng bào Jrai, việc dạy và duy trì sĩ số vô cùng khó khăn. Các em chỉ đến trường buổi sáng, chiều còn rải rác một vài em đi học lại.

Với học sinh lớp 1, nghỉ một buổi thì mất một con chữ, mai lên trường lại “trả chữ cho thầy”. Vì vậy, để tạo điều kiện cho học trò có thể toàn tâm học hành, thầy bỏ tiền mở luôn bếp ăn buổi trưa để các em nghỉ ngơi tại trường, chuẩn bị cho tiết phụ đạo buổi chiều.

thay giao o gia lai mac benh hiem gap van lo tung bua an giac ngu cho hoc tro vung cao
Người thầy giáo dành hết lương của để xây dựng bếp ăn rồi tự tay chuẩn bị bữa cơm trưa cho học trò. (Ảnh: Dân Trí)

Đầu năm học 2018-2019, thầy hiệu trưởng đã bỏ ra 40 triệu đồng để mua gạo, các vật dụng nhà bếp và tận dụng phòng thư viện cũ để làm chỗ nấu ăn. Thầy còn nhờ thợ đến cưa một số cây trong trường rồi tự tay đóng giường cho các em ăn xong có chỗ ngủ trưa…

Theo thầy Khoa, mỗi bữa ăn trưa của các trò trường Kim Đồng sẽ mất 500 nghìn, trung bình một tháng 15 triệu. Thầy sẽ góp 10 triệu tiền lương, còn lại kêu gọi từ bạn bè, nhà hảo tâm để xin gạo, thịt, sách…

“Tôi đã dành số tiền lương hàng tháng của mình để xây dựng bếp ăn buổi trưa cho các em học sinh lớp 1. Sau này có điều kiện sẽ mở rộng ra các khối 2, 3, 4…”, thầy Khoa chia sẻ với Báo Dân Trí.

thay giao o gia lai mac benh hiem gap van lo tung bua an giac ngu cho hoc tro vung cao
Nhờ có bữa cơm trưa ở trường mà các em học sinh lớp 1 không phải lo chỗ ăn, chỗ ngủ và yên tâm theo học tại trường. (Ảnh: Dân Trí)

Vợ thầy cũng là giáo viên nên hiểu được ý nghĩa công việc chồng đang làm. Mọi chi tiêu trong gia đình đều lấy từ lương của cô, còn thầy trích tiền lương để duy trì bếp ăn trưa.

Có tấm lòng tận tâm với học học trò nghèo nhưng bản thân thầy lại mang trong mình căn bệnh xơ cứng bì hiếm gặp. Ngoài làm việc thiện, thì gia đình chắt chịu được bao nhiêu tiền đều dồn hết vào đưa thầy chữa trị bệnh nhưng không khỏi. Bàn tay thầy ngày càng cứng dần, không thể co duỗi được, thậm chí, hàm răng dưới cũng đã rụng hết.

Vậy mà thầy Khoa lúc nào cũng hết lòng vì việc trường việc lớp, coi sự trưởng thành của học sinh là động lực để tiếp tục đóng góp sức mình vào sự nghiệp giáo dục nơi mảnh đất Tây Nguyên.

Hoàng Kỳ (Tổng hợp)