Nếu phụ nữ được trả lương họ có thể kiếm được 30 triệu đồng từ những công việc chăm sóc không lương hàng năm.

Bà Nguyễn Phương Thúy, chuyên gia từ ActionAid Việt Nam cho biết, hiện phụ nữ vẫn dành thời gian cho các công việc chăm sóc không lương như nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái…, ngoài ra còn làm các công việc tính vào GDP không được trả lương. Dẫn đến phụ nữ có ít thời gian cho những công việc có lương, nghỉ ngơi, theo VOV.

Một kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ dành trung bình 4,5 giờ/ngày, 32 giờ/tuần, 207 ngày/năm cho công việc chăm sóc không lương. Tính ra, mỗi năm phụ nữ mất gần 7 tháng cho các công việc chăm sóc không lương. Nếu công việc này được trả theo mức lương tối thiểu, họ cũng có thể kiếm được 2,56 triệu đồng/tháng, hơn 30 triệu đồng/năm.

Công việc chăm sóc không lương của phụ nữ lại có đóng góp rất lớn. Hiện nay, số lao động nữ trong độ tuổi lao động ở Việt Nam là gần 33 triệu người trên toàn quốc, đóng góp cho nền kinh tế đạt 996 nghìn tỷ đồng/năm từ khối lượng công việc không lương họ làm hàng ngày.

Theo bà Thúy, điều đáng nói là phần lớn sự đóng góp này của phụ nữ lại không được ghi nhận hay chia sẻ từ chồng, con trai và các thành viên các trong gia đình cũng như cộng đồng.

Ngoài ra, với những phụ nữ có trình độ học vấn cao sẽ tăng thời gian làm việc được trả lương hơn so với việc làm không lương được tính trong GDP. Nhưng họ lại cũng không giảm bớt gánh nặng công việc chăm sóc không lương.

Hiện nay, phụ nữ đã tham gia nhiều vào công việc được trả lương và hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn có quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong việc chăm sóc con cái, nhà cửa, giữ gìn tổ ấm, cũng như nuôi dạy con cái vẫn khó thay đổi. Chính điều này đã ngấm sâu vào tâm thức các trẻ em gái khi còn rất nhỏ.

Để tăng cơ hội tham gia vào các công việc được trả lương ngoài xã hội của phụ nữ, các chuyên gia khuyến nghị cần có những biện pháp nhằm thay đổi những nhận thức, bình đẳng giới đã tồn tại trong nhận thức mỗi người.

Một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ hạn chế tham gia vào các công việc xã hội là thiếu nhà trẻ. Một cuộc khảo sát những năm gần đây, tỷ lệ nhập học cho trẻ dưới 3 tuổi vẫn còn rất thấp. Tỷ lệ quốc gia là 22,7% nhưng ở một số vùng như Đồng Bằng sông Cửu long, Tây Nguyên, tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến trường chưa đến 10%. Có thể thấy, gánh nặng chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi thường đặt lên vai phụ nữ, khiến một số phụ nữ phải nghỉ việc để chăm sóc con cái do không có trường mẫu giáo công lập.

Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia cần ưu tiên đầu tư vào các dịch vụ công như: đầu tư vào các chương trình chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non, đặc biệt là trẻ em từ 6-36 tháng tuổi ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Qua đó, giải phóng thời gian cho phụ nữ, có thể làm các công việc được trả lương và tham gia vào các hoạt động giải trí, tái tạo sức lao động.

Thanh Tùng (TH)