Một container hàng từ lúc cập cảng Hải Phòng cho đến khi đủ điều kiện để thông quan, phải qua bao nhiêu công đoạn? Mỗi công đoạn cần “lót tay” bao nhiêu thì mới “toại lòng nhau”?

Nghề khai thuê hải quan

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tại Hải Phòng, hiện có hơn 300 doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ khai thuê hải quan, cùng với đó là hàng ngàn nhân viên “chạy lệnh”. Đa phần họ còn trẻ, là nam giới, hoạt bát, nhanh nhẹn và hiểu biết.

Hằng ngày, từ trụ sở các công ty, họ tụ về 4 Chi cục Hải quan lớn của Hải Phòng để “chạy lệnh”. Sau đó, tùy vị trí xuống hàng, họ xuống gần biển hơn, ngược xuôi giữa hệ thống 14 cảng và 21 kho (bãi hạ) để tiếp tục công việc của mình.

Các “chạy lệnh” viên đang làm thủ tục thông quan cho hàng hóa.

PV Lao Động được Dũng, 33 tuổi, nhân viên “chạy lệnh” của công ty A tọa lạc trên phố Lê Hồng Phong (Q. Hải An – TP.Hải Phòng) nhận lời chỉ dẫn công việc. Ngày đầu nhập môn, Dũng tự hào giới thiệu: 7 năm trong nghề. Mọi ngóc ngách ở cảng Hải Phòng, cậu đều in dấu chân. Và mọi thủ tục khó khăn, cậu đều tìm được cách giải quyết.

Rồi Dũng mang ra 1 tập giấy A4, vẽ lằng ngoằng các đường mũi tên và các khối hình hộp đan xen nhau, giảng giải: Thông thường, công việc của 1 nhân viên “chạy lệnh” sẽ bắt đầu khi hàng theo tàu cập cảng và kết thúc lúc hàng rời đi với đầy đủ thủ tục, giấy tờ. Không ít trường hợp, khách muốn nhận hàng ở địa phương khác hoặc nhiều hôm sau mới có thể lấy hàng thì mình cũng giúp luôn dịch vụ kho bãi và vận tải.

Theo nội dung tờ giấy được Dũng ghi chú, khâu nào “đụng” hải quan thì khâu ấy đều mất tiền “bôi trơn“.

Theo đó, khi tàu cập cảng, việc đầu tiên nhân viên “chạy lệnh” là lên hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu (thường nằm ở trung tâm thành phố) để lấy hồ sơ của hàng hóa (còn gọi là lệnh). Sau đó, nhân viên sẽ nhập toàn bộ thông tin hàng hóa lên Hệ thống Hải quan điện tử chờ đợi phân luồng.

Mọi mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam đều được Hải quan phân vào 3 luồng ứng với các màu xanh, đỏ và vàng. Luồng xanh tức là mọi thứ ổn, không vướng mắc gì, chỉ cần làm đủ thủ tục hành chính là thông quan trơn tru. Luồng vàng cần rà soát lại giấy tờ. Còn luồng đỏ thì khá nhiêu khê, phải kiểm tra hàng hóa trong container bằng 2 phương pháp: Kiểm hóa và máy soi.

Trong đó, nếu kiểm hóa là phải cắt chì, mở container để cán bộ hải quan kiểm tra bằng mắt thường thì máy soi là đưa toàn bộ hàng hóa qua hệ thống máy chiếu X-quang. Ở Hải Phòng, hiện có 2 hệ thống máy soi, 1 là máy soi cố định Tasa nằm trong 1 gian nhà xưởng lớn trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chiếc còn lại là máy soi di động, gắn với 1 chiếc ôtô có thể chạy đi chạy lại, thường nằm ở cảng Nam Hải – Đình Vũ.

Chi cục Hải quan Đình Vũ.

“Xanh, đỏ, vàng, tím gì thì cũng đều phải “lót tay” cả. Đúng cũng “lót”, mà sai càng phải “lót”. Càng gặp nhiều hải quan thì chi phí càng tăng” – Dũng thủng thẳng kết thúc buổi chia sẻ với PV Lao Động bằng những đúc rút của 7 năm kinh nghiệm. Vừa hay, phía công ty báo có 1 lô hàng luồng xanh cần thông quan…

Ngày đầu ở chi cục Hải quan Đình Vũ

Chi cục Hải quan Đình Vũ là 1 tòa nhà bề thế nằm trong khu vực cảng Nam Hải – Đình Vũ với sảnh tầng 1 rất rộng. Các công chức hải quan ngồi sau dãy bàn dài, ngăn cách với phần còn lại bởi 1 bục gỗ cao có vách kính. Thời điểm PV Lao Động có mặt, hàng trăm nhân viên “chạy lệnh” ra vào nườm nượp, kẻ đứng người ngồi huyên náo. Bên cạnh những người đi lại, PV Lao Động cũng thấy nhiều người ngồi tỉ mẩn nhét tiền vào giữa các tờ giấy trắng, gấp nếp, kẹp gim rồi lại nhét vào giữa những tập hồ sơ.

Nhân viên “chạy lệnh” tập trung tấp nập ở Chi cục Hải quan Đình Vũ.

Không khó để chứng kiến cảnh “bôi trơn” khá nhộn nhịp tại Chi cục Hải quan Đình Vũ. Theo quan sát, có 2 khâu mà 100% cánh “chạy lệnh” đều phải “xì” tiền ra, là: Nộp lệ phí Hải quan và nộp Tiếp nhận Hải quan.

Nếu như khâu Lệ phí Hải quan, tờ tiền sẽ được kẹp nhẹ nhàng vào bộ tờ khai để tuồn vào trong thì khâu ở Tiếp nhận, tờ tiền sẽ được bọc gói và kẹp gim cẩn thận hơn.

Tất nhiên, trong cả 2 khâu, không chỉ “chạy lệnh” viên thản nhiên, mà cả cán bộ hải quan phụ trách cũng đưa tay nhận bộ tờ khai (có tiền kẹp bên trong) rất nhanh gọn. Hầu như không thấy thắc mắc, cự cãi giữa các bên.

Dễ dàng để quan sát cảnh gấp tiền tại đây.

Dũng cười giải thích: “Khâu nào có giá sẵn khâu đó rồi, cứ thế mà làm, cần gì phải nói. Với Hải quan Lệ phí, hàng lẻ (nhiều đơn hàng ghép vào 1 contanier) thì 100.000 đồng/bộ tờ khai; hàng nguyên container thì 120.000 đồng/cont. Hàng tạm nhập tái xuất thì 200.000 đồng/cont. Bao nhiêu cont thì nhân lên thành bấy nhiêu tiền. Còn Hải quan Tiếp nhận thì 100.000 đồng/ bộ tờ khai”.

– “Hồ sơ mình chuẩn cũng phải tiền à?”- PV Lao Động hỏi.

– “Đúng. “Luật” rồi. Sai thì tùy cơ ứng biến”- Dũng đáp.

– “Ở đâu cũng thế à?” – PV Lao Động hỏi tiếp.

– “Đúng. Đó là mức quy định chung cho tất cả các Chi cục Hải quan tại Hải Phòng”- Dũng nói.

Đoạn, Dũng lấy ra 1 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng, kẹp vào trong 1 tờ giấy A4 gập đôi rồi nhét vào giữa bộ hồ sơ công ty vừa giao rồi ngoắc tay, dẫn PV Lao Động tới khu vực có dòng chữ in trên kính “Nộp lệ phí hải quan”. Khu vực này hiện đã có 3, 4 người khác chờ đến lượt. Dũng rỉ tai: “Quy định của nhà nước chỉ 20.000 đồng/bộ tờ khai. Nhưng “luật” ở đây là thế, không thể làm khác”.

Khi PV Lao Động đang chờ thì từ đâu tất tả sộc đến 1 thanh niên còn rất trẻ, hổn hển hỏi: “Các anh ơi, em mới đi làm không biết. Ở đây bao nhiêu nhỉ?”. Dũng xem qua hồ sơ của cậu trai trẻ, có tới 6 container cần làm thủ tục, rồi dơ ngón tay báo hiệu.

Cậu này hiểu ý, hồn nhiên lôi ví ra đếm tiền loạch xoạch ngay trước mặt mọi người, toan nhét vào bộ tờ khai. Lập tức, nhân viên hải quan ngồi phía sau quầy đứng phắt dậy, giọng giận dữ: “Làm cái gì thế kia. Đi ra ngoài ngay!”. Dũng cũng hốt hoảng, vội nhắc: “Đi ra kia mà kẹp. Lát lại vào”.

Một quy trình gấp tiền đầy đủ để chuẩn bị “bôi trơn“.

Mặc dù vừa tỏ ra rất bực mình, nhưng nhân viên hải quan nọ vẫn rất chuyên nghiệp khi làm việc với Dũng. Sau vài phút, nhân viên “chạy lệnh” kỳ cựu nhận lại bộ tờ khai mà dấu hiệu nhân biết duy nhất là có thêm 1 chữ ký nháy, lập tức lật giở cho PV Lao Động xem.

Đồng 200.000 đã biến mất, thay vào đó là những tờ tiền mệnh giá thấp hơn, tổng cộng 80.000 đồng…

Một nhân viên hải quan đang kiểm tra số tiền hàng triệu đồng vừa được nhân viên “chạy lệnh” nhanh chóng đưa vào.

Tương tự, tại quầy của Hải quan tiếp nhận, Dũng chủ động kẹp 100.000 đồng vào giữa bộ hồ sơ. Dũng bảo, khâu này thường bị “ngâm” hồ sơ, có khi mất cả ngày nên cứ đúng giá mà kẹp tiền. Bởi đưa thừa cũng không được thối lại như những khâu khác.

 “Vậy là mỗi container cần “bôi trơn” 220.000 đồng cho Hải quan?”, PV Lao Động hỏi. Dũng cười: “Nào đã hết”, rồi giục PV Lao Động nhanh chân di chuyển xuống dưới cảng. Lô hàng của công ty đang nằm tại kho SITC Đình Vũ. Muốn lấy được hàng, PV Lao Động cần qua thêm 1 “ải” nữa của Hải quan Giám sát. Nhưng đấy mới chỉ là hàng của luồng xanh…

Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, bình quân mỗi ngày tại Hải Phòng, Cơ quan Hải quan tiếp nhận và xử lý khoảng 7.600 tờ khai.

Trong khi đó, tỉ lệ luồng xanh, vàng và đỏ của toàn ngành tương ứng: 60%, 35% và 5%. Một tờ khai ứng với từ 1 đến 30 container. Sử dụng số liệu tối thiểu, có thể thấy, mỗi ngày, ít nhất có 7.600 cont hàng cần làm thủ tục các Chi cục Hải quan Hải Phòng.

Theo Lao Động