Từ 2016 đến nay, diện tích chè của tỉnh Lâm Đồng giảm gần một nửa do cho thu nhập thấp, thậm chí không đủ chi phí, nông dân chuyển sang cây trồng khác, chấp nhận uổng phí vốn đầu tư.

Thời  điểm cuối năm 2015, toàn tỉnh Lâm Đồng có 21.000 ha chè, tập trung chủ yếu ở huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc vì vùng đất này có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Nhưng tính đến tháng 9 năm nay, toàn tỉnh chỉ còn 13.000 ha, theo báo VnExpress đưa tin.

Chè nở hoa ở trang trại Cầu Đất – Đà Lạt. (Ảnh: MD)

Điều đáng nói là người dân Lâm Đồng đã gắn bó cùng cây chè gần 100 năm nay, với những danh trà nổi tiếng trong và ngoài nước có xuất xứ từ vùng chè B’ Lao hay Cầu Đất – Đà Lạt. Thế nhưng, hiện tại nhiều vườn chè đang bị chủ nhân phá bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác cho thu nhập cao và thị trường ổn định hơn.

Theo tính toán của một số hộ trồng chè ở xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, thì một ha chè chất lượng cao mỗi năm cho thu nhập khoảng 160 triệu đồng, sau khi trừ  chi phí người trồng chỉ lãi trên 50 triệu, thua nhiều loại cây trồng hiện nay, trong khi cây chè cần rất nhiều công lao động từ khâu chăm sóc và thu hái. Giá cả vật tư đầu vào và nhân công vài năm gần đây tăng là một trong những nguyên nhân khiến người trồng khó có lãi.

Là loại cây trồng chủ lực, gắn bó với người nông dân từ hàng chục năm nay, cây chè ở Lâm Đồng trải qua không ít thăng trầm. Nhưng một điều có thể khẳng định, đây là loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu; hiệu quả SX đã được chứng minh.

Thực tế, những diện tích phá bỏ là giống chè cũ, lâu năm, năng suất thấp. Tuy nhiên, việc người dân “quay lưng” cây chè, không tái canh mà chuyển sang các loại cây trồng khác là rất đáng lo.

Gắn bó với cây chè hàng chục năm, ông Đoàn Trọng Phương, Giám đốc Cty CP Chè Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam không khỏi trăn trở: “Nông dân làm chè vất vả nhưng thu nhập phập phù, năm được năm mất. Mấy năm nay, thời tiết thất thường, giá cả bấp bênh, công lao động và giá cả vật tư tăng cao, làm chè chẳng có lãi, bà con không còn thiết tha…”.

12-02-29_h1_bi_1_-_cnh_nong_dn_thue_my_xuc_ph_bo_cy_che_dien_r_nhieu_noi_trong_tinh_lm_dong
Nông dân thuê máy xúc phá bỏ cây chè

Nhiều nông dân phản ánh, mặc dù có một số công ty, doanh nghiệp đến thu mua, song sản phẩm tiêu thụ rất chậm và bán giá thấp. Trong đó có cả chuyện o ép khi thu mua khiến không ít người trồng nản lòng. Nhiều tháng sau mới nhận được tiền bán nợ. Bà con khó xoay sở để có vốn nuôi vườn chè.

Tại hai xã Xuân Trường và Trạm Hành (TP Đà Lạt), nhiều diện tích chè chất lượng cao đã bị nông dân phá bỏ. Ông Trần Như Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết, có khoảng 40 hộ dân phá bỏ 20ha chè Kim Tuyên, Tứ Quý… chuyển sang trồng cà phê, rau. 

Hiện công ty thu mua với giá từ 15 – 18 nghìn đồng/kg chè búp tươi, cao hơn giá trong hợp đồng (10 nghìn đồng/kg) nhưng nông dân vẫn không có lãi do chi phí đầu vào quá cao, thậm chí bị lỗ. Chính quyền đã vận động bà con không chặt bỏ chè, tiếp tục tìm hướng giải quyết…

Hoàng Kỳ (tổng hơp)