Hơn chục người sửa xe, thay bugi miễn phí cho những xe chết máy vì triều cường ở huyện Nhà Bè gần bốn tháng nay. Ấy vậy, đôi khi các anh còn bị nghi oan hoặc phán xét là những kẻ bao đồng.

Chiều tối 7/12, trong khi triều cường dâng cao tại “rốn ngập” Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), thì anh Đoàn Thành Trung (42 tuổi) bước thấp bước cao vì chân bị tật đến ngã tư Nguyễn Bình – Lê Văn Lương dựng bảng “Sửa xe chết máy miễn phí”.

Lúc sau, vài thanh niên trẻ khác chạy xe máy đến, nhập vào.

Xe ngập nước có khi đến tận yên xe (Ảnh Đọc Báo)

Triều cường lên 0,5 m, nhiều người dẫn xe chết máy, bì bõm trong nước. Anh Trung cùng nhóm thanh niên phụ dẫn xe vào bãi đất trống rồi mang đồ nghề hì hục sửa. Ba phút sau, tiếng xe nổ giòn tan.

“Nước ướt bugi thôi, anh chỉ lau khô là xong, em chạy tiếp đi không phải trả tiền gì hết. Ở đây chúng tôi không xài tiền”, anh Trung hóm hỉnh nói với chủ xe tay ga khi cô gái lúi húi định móc tiền trả.

Cô gái tên Kim Thuỷ (24 tuổi) là giáo viên mầm non, xe của cô bị chết máy khi qua đoạn đường trũng, ngập đến nửa bánh. Mỗi lần vậy ghé tiệm sửa hết 50.000-70.000 đồng, nhưng ở đây không lấy tiền nên chị hết sức bất ngờ. Cũng may nhờ các anh mà chị được về nhà sớm.

Những ông bụt, ông tiên giữa đời thường

Tuy vất vả nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi các anh (Ảnh Báo VnExpress)

Anh Trung có hơn 20 năm làm nghề sửa xe tại khu vực. Theo anh, do đường Lê Văn Lương mỗi tháng bị ngập vì triều cường gần 10 ngày nên hàng trăm xe qua lại bị chết máy. Thấy người dân đưa xe vào các tiệm sửa tốn gần cả trăm nghìn đồng anh rất bất bình, lập điểm sửa xe miễn phí hơn bốn tháng nay.

“Xe chết máy sửa rất đơn giản, chỉ cần dựng đứng cho nước từ ống pô ra rồi tháo bugi lau khô, lắp vào là chạy được. Đơn giản vậy mà nhiều tiệm lợi dụng ‘chém’ người ta, tôi không chịu được”, anh Trung vừa sửa xe cho khách vừa kể.

Nghĩ là làm, anh mượn khu đất của người quen rồi đứng ra sửa miễn phí cho những xe chết máy. Mỗi đợt triều cường, anh hoàn tất việc của mình trước 16h rồi mang đồ nghề ra đây giúp người dân.

Lúc đầu nhiều người thấy các anh đón vào sửa cũng bán tín bán nghi, sợ bị chặt chém, đến khi giao xe đã nổ máy, nói miễn phí, họ mới tin. Cũng có người nói các anh là kẻ bao đồng nhưng mỗi lời cảm ơn chính là động lực giúp các anh duy trì công việc này.

Những bugi hỏng sau 1 lần sửa xe (Ảnh Báo Thanh Niên)

Đồng hành cùng anh Trung ngay từ những ngày đầu là mạnh thường quân Lê Văn Nhiều (38 tuổi) – mua những hộp bugi mới để nhóm thợ thay miễn phí cho xe bị hỏng. Bốn tháng nay, anh đã chi nhiều triệu đồng cho việc này.

“Bà con có xe chết máy toàn nghèo. Họ làm công nhân, ngày kiếm được chừng 200.000 đồng mà thay bugi có chỗ chém đến 120.000 thì tiền còn đâu. Mình giúp được ai thì giúp”, anh Nhiều chia sẻ.

Thấy việc làm ý nghĩa của hai anh, nhiều thanh niên sửa xe quanh vùng sau giờ làm cũng đến hỗ trợ. Hiện nhóm sửa xe miễn phí có hơn 10 người, túc trực đến khi triều rút.

Vừa gia nhập nhóm, anh Nguyễn Văn Nghĩa (20 tuổi) cho biết nhà bên Long An, nằm cuối đường Lê Văn Lương. Khi đi làm từ cơ sở sửa xe bên quận 7 về nhà thấy điểm sửa xe miễn phí nên anh nhập hội giúp bà con.

“Không có chi phí gì nhưng mình vui lắm, ba mẹ biết chuyện cũng ủng hộ dù nhiều khi 22-23h mới về nhà”, Nghĩa cười tươi và cho biết đường còn ngập thì còn giúp bà con.

Vào giờ đỉnh triều cường, hàng chục xe chết máy xếp hàng chờ đến lượt sửa. Hơn chục anh thợ làm việc không ngơi nghỉ, tay đầy dầu nhớt, mồ hôi nhễ nhại. Khi xe nổ máy, chạy được, nhiều người rút tiền ra cho nhưng họ kiên quyết từ chối.

“Bà con thấy thì thương, có khi đưa 50.000, 100.000 đồng nhưng nhóm nhất quyết không nhận. Mình nói với họ ‘nếu lấy tiền thì ngồi ở tiệm sửa cho khỏe chứ ra đây làm gì’, bà con đừng áy náy”, anh Nhiều nói.

Công an xã đứng ra bảo lãnh cho nhóm thợ tình nguyện (Ảnh Dailo)

Thấy mô hình ý nghĩa của nhóm anh Trung, Công an xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) đứng ra bảo lãnh, dán tên đơn vị lên bảng sửa xe miễn phí để bà con an tâm.

Sau 22h nước rút, nhóm thợ lại loay hoay dọn đồ đạc, về với gia đình. Có những anh chưa kịp ăn gì thì nhai tạm cái bánh mỳ khô rồi lại cặm cũi làm tiếp…

Một độc giả khi biết chuyện nhận xét : Hoan hô! Của một đồng, Công một nén! Hạnh phúc là đây: Tình người! Thật ấm lòng.

Hoàng Kỳ