Rạng sáng 28/7, người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Delta Aquarids cùng lúc với nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21.

Theo VnExpress, mưa sao băng Delta Aquarids (hay Bảo Bình) diễn ra từ ngày 12/7- 23/8 hàng năm. Tại Việt Nam, cực điểm là rạng sáng 28 và 29/7, khoảng 20 vệt mỗi giờ.

Như vậy, trận mưa sao băng này trùng với nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21, diễn ra vào rạng sáng 28/7, mọi vùng miền Việt Nam đều có thể quan sát nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.

Người Việt sắp được ngắm mưa sao băng cùng với nguyệt thực dài nhất thế kỷ
Một sao băng được ghi lại ngày 13/7. (Ảnh: Earthsky)

Nguyệt thực sẽ kéo dài hơn 5 tiếng, từ 00h 14′ đến 6h 28′, trong đó nguyệt thực toàn phần bắt đầu từ 2h 30′ đến 4h 13′. Do kéo dài 103 phút nên lần này là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21, theo Dân Việt.

Ngoài ra, trên bầu trời còn có sự bổ sung của một số sao băng từ trận chòm Perseids (cực điểm vào giữa tháng 8) hiện tượng thiên văn khá thú vị với người quan sát.

Theo Vietnamplus, để quan sát hiện tượng này, vào khoảng 2 giờ sáng, người xem cần nhìn về phía chòm sao Bảo Bình ở hướng Đông Nam (là tâm điểm của trận mưa sao băng). Tuy nhiên, cực điểm của mưa sao băng lại đúng lúc trăng tròn nên khó có thể quan sát sao băng.

Video hiện tượng nguyệt thực do NASA ghi lại.

Mọi người có thể quan sát bằng mắt thường hoặc kính thiên văn, ống nhòm… Nên chọn góc nhìn rộng, tránh ánh sáng của đèn cao áp.

Delta Aquarid là trận mưa sao băng trung bình, với mật độ khoảng 20 vệt/giờ khi đạt cực đỉnh. Delta Aquarid xuất phát từ tàn dư bụi của sao chổi Marsden, Kracht, 1P/Halley.

Trên đường đi, sao chổi để lại mảnh vụn, tạo thành những dải thiên thạch dài. Hằng năm khi Trái Đất cắt ngang qua đường đi của sao chổi này, các thiên thạch lao vào khí quyển Trái Đất và cháy sáng.

H.H