Nòng nọc do nhái, ễnh ương đẻ ra trú ngụ ở mặt ruộng ngập nước được người dân Quảng Ngãi bắt làm món ăn đặc sản.

Vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, người địa phương thường vào rừng từ đầu giờ sáng hoặc lúc chiều muộn để bắt nòng nọc. Lúc này, nước ở các con suối mát và khá yên tĩnh, nòng nọc thường lượn lờ kiếm ăn ở các khe đá nhỏ. Nòng nọc tại đây có hương vị rất ngon bởi chúng là con do ếch đá sống trong rừng đẻ ra, theo Dân Trí.

Chị Phạm Thị Tha, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết, sau mỗi đợt mưa giông đầu mùa, chị đều cùng em gái mỗi người cầm một cái sàng nhỏ, tay thoăn thoắt vục xuống mặt ruộng rồi đứng lên nhặt con nòng nọc vớt được, bỏ vào giỏ tre đeo bên hông. 

Bà Tể bán nòng nọc ở cầu sông Liên. (Ảnh: Phạm Linh).

Ông Phạm Văn Thành (60 tuổi, ở xã Ba Cung) cho biết tháng 3 và tháng 9 âm lịch là mùa sinh sản của cóc, ếch, nhái, ễnh ương nên nòng nọc rất nhiều, theo VnExpress.

Người dân phân biệt, nòng nọc của cóc có màu đen mun thì không ăn được do có độc tố, song trên mặt ruộng rất hiếm khi có loại nòng nọc này. Ngược lại, nòng nọc của nhái và ễnh ương có màu sáng, ngả vàng mới được dùng làm thức ăn. 

Theo những người dân địa phương, nòng nọc là món ăn từ thời cha ông để lại, chứ không phải không có gì ăn mới phải đi bắt.

Tại cầu sông Liên ở thị trấn Ba Tơ, bà Phạm Thị Tể (70 tuổi) mang theo một hộp đựng nòng nọc ngâm nước để bán cho khách. Bà Tể cho biết món đặc sản H’Re gần đây được nhiều người miền xuôi ưa chuộng nên bà bắt bán để có tiền mua dầu ăn, bột ngọt…

Nòng nọc không bán không cần cân mà ước lượng theo lon đong gạo, mỗi lon nòng nọc ngâm nước giá 20.000 đồng. “Mỗi ngày tôi bắt nòng nọc bán được mấy chục đến hai trăm nghìn đồng”, bà Tể nói. Mùa bắt nòng nọc kết thúc khi người dân sửa lại đồng ruộng vào vụ lúa mới.

Liên quan đến việc này, ông Đào Minh Hường – Phó chủ tịch Hội Nông dân Quảng Ngãi, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh cho biết, nòng nọc được người dân miền núi bắt làm món ăn xưa nay là ấu trùng của một loài nhái và một loài ễnh ương, không có độc tố gây hại cho người.

Ở Thanh Hoá, nòng nọc còn được coi là món đặc sản. Miền Tây xứ Thanh khá nổi tiếng với những món ăn mà người Mường làm từ nòng nọc.

Người dân dùng tay bắt nhiều con nòng nọc. (Ảnh: Dân Việt)

Anh Hồ Văn Long, xã Trà Cang cho biết, lúc còn nhỏ đã theo người lớn tuổi trong gia đình bắt chúng. Anh không biết cha ông sử dụng nòng nọc làm thức ăn từ lúc nào, chỉ biết đến mùa bắt về làm thức ăn, theo Dân Việt.

“Ngoài việc bắt ở khe suối, lúc cuốc đất trồng lúa nước sau đợt mưa, nòng nọc sống ở ruộng rất nhiều. Chúng tôi vừa làm, vừa bắt để ngày hôm đó, cả nhà có món ăn thay thế thịt cá”, anh Long nói.

Theo anh Long, nòng nọc là món siêu sạch, vì khe suối trên núi Ngọc Linh, ruộng lúa không có thuốc bảo vệ thực vật hay bị ô nhiễm. Nó cũng là món “siêu” bổ dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh, vừa ngon, vừa mát, giúp lợi sữa, còn với các cụ già sẽ giúp dễ ngủ, ngủ ngon giấc.

Thanh Thanh (Tổng hợp)