Lãnh đạo huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) cho biết, không có chủ trương thu phí với những hộ nuôi vịt chạy đồng, nhưng cũng không phát hiện việc xã Ân Phong lấy tiền dân theo lệ “công đồng lạc túc” từ nhiều năm qua.

Vào ngày 5/5, UBND huyện Hoài Ân thành lập đoàn kiểm tra và mời lãnh đạo xã Ân Phong tới làm việc. Phòng tài chính huyện cũng cùng các phòng chức năng đi xác minh thông tin liên quan tới việc thu phí của chủ vịt chạy đồng, theo Dân Việt.

Người nuôi vịt xã Ân Phong muốn thả vịt ra đồng ăn mót lúa phải nộp phí “công đồng lạc túc” tiền triệu (Ảnh: Zing)

Ông Hoàng Phi Long – Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, thu phí người nuôi thả vịt ăn mót trên đồng lúa sau khi gặt không phải là chủ trương của UBND huyện. Khi có kết quả kiểm tra, nếu có sai sót sẽ chấn chỉnh ngay.

Theo Báo Giao Thông, lãnh đạo xã Ân Phong nói việc thu phí “công đồng lạc túc” có từ lâu đời, nộp phí trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc với mục đích tạo điều kiện để xã dễ quản lý, điều tiết nước thủy lợi, người nuôi có trách nhiệm trong chăn thả, tránh chồng lấn địa bàn gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Lãnh đạo xã cho biết đã có báo cáo với huyện. Lãnh đạo huyện đang họp bàn, dự kiến tuần tới sẽ có văn bản đưa ra hình thức xử lý.

Muốn vịt chạy đồng phải đóng phí ở Bình Định: Phép vua thua lệ làng?
Cánh đồng ở xã Ân Phong sau mùa gặt. (Ảnh: Dân Việt)

Trước đó, ông Hồ Văn Đương – quyền Chủ tịch UBND xã Ân Phong thông tin, việc UBND xã thu phí của các hộ chăn thả vịt đồng là có hợp đồng ký kết. Cách đây khoảng 15 năm, việc cho thuê diện tích mặt ruộng được xã mang ra đấu giá, có năm lên đến hơn 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi người nuôi vịt gặp khó khăn, chính quyền xã đã hủy bỏ việc này. Thay vào đó, giao khoán diện tích và thu tiền phí từ các hộ nuôi vịt thả đồng với mức phí 25.000 đồng/ha/năm, theo Dân Trí.

Xã có hơn 500ha đất lúa sản xuất, sau khi nông dân gặt xong vụ thì giao khoán thuê mặt ruộng cho các hộ nuôi vịt thả đồng. Mỗi năm, thu về khoảng 14 triệu đồng và nhập vào nguồn ngân sách của xã, phục vụ việc quản lý chung.

Trước đó, một vụ việc tương tự xảy ra tại xã Thiệu Dương, (Thanh Hóa) khi nông dân bị Hợp tác xã (HTX) yêu cầu nộp tiền phí và tiền thế chấp để chăn thả trâu, bò ngoài đồng.

Ngay sau khi việc thu phí sai quy định này bị xử lý, lãnh đạo UBND xã đã phải xin lỗi, hoàn lại tiền cho người dân trước ngày 30/4.

Thanh Thanh