Sau khi rà soát, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã đề xuất di dời một số cơ quan bộ, ngành Trung ương khỏi khu vực nội đô.

Không thể ngoài cuộc

Mới đây, từ những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương 6 kiến nghị. Trong đó có kiến nghị triển khai các phương án để giảm bớt ùn tắc giao thông đô thị, được dư luận quan tâm.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và chính quyền các thành phố lớn, nhất là chính quyền thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị; khẩn trương đề xuất và thực hiện các giải pháp để giảm ngập úng, ùn tắc giao thông; rà soát, điều chỉnh lại những dự án chậm tiến độ gây lãng phí, ảnh hưởng đến giao thông và phát triển đô thị”, kiến nghị của cử tri nêu rõ.

Với thực trạng giao thông nội đô Hà Nội, những năm qua có rất nhiều phương án, giải pháp được đưa ra. Một trong những giải pháp được đánh giá sẽ tạo sự chuyển biến cao trong giải tỏa ùn tắc  giao thông nhưng đề xuất vẫn chỉ ở mức dè dặt, đó là quy hoạch, di dời trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể cho tới các sở của Hà Nội.

Trên thực tế, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã rà soát 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương thuộc khu vực nội đô lịch sử giới hạn từ bờ nam sông Hồng đến đường vành đai 2, trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ (không tính đến cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở trung tâm Ba Đình).

Trong số  này đã có 11 cơ quan được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời. Đó là các bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê.

Có 9 cơ quan nằm trong diện xem xét chưa di dời, là các cơ quan có chức năng đặc thù an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, trụ sở làm việc đã được đầu tư xây dựng cải tạo mới, gồm các bộ Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Văn phòng Quốc hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước. Được biết, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cũng đề xuất di dời Bộ Quốc phòng để bảo tồn thành cổ Hà Nội và di dời Văn phòng Quốc hội sau khi công trình nhà làm việc Quốc hội xây dựng xong.

Trong dự thảo quy hoạch di dời trụ sở các bộ, ngành, hiện có các quy hoạch vị trí xây dựng trụ sở mới tại hai khu vực là trung tâm tây hồ Tây và khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia tại Mễ Trì. Quỹ đất để bố trí các cơ quan đề xuất chưa di dời khoảng 77ha.

Trong đó, khu trung tâm tây hồ Tây có quy mô khoảng 27ha, dự kiến sẽ bố trí trụ sở mới các bộ. Khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia tại xã Mễ Trì có quy mô khoảng 30-50ha, dự kiến bố trí trụ sở mới cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội.

Nhấc chân không dễ

Dù chủ trương di dời đã được nhiều lần thông qua, như ngày 18/10,  Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận tại cuộc họp về việc Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở các bộ, ngành tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Tuy nhiên, không dễ để “nhấc chân” các Bộ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dời trụ sở hiện tại.

Nhiều nguyên nhân được các Bộ, đơn vị đưa ra, trong đó là những băn khoăn về  đất  trụ sở mới. Nhiều bộ cho rằng với quy mô diện tích 20ha chia đều cho các bộ, khoảng 2ha/bộ là không hợp lý, trong khi một số bộ hiện có diện tích hiện tại rộng hơn rất nhiều.

“Mục đích của việc di dời các bộ, ngành là để tránh tập trung các cơ quan đầu não ở trung tâm gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển hạ tầng giao thông. Nếu sau khi di dời lại phê duyệt cho xây dựng nhà ở thì không ổn vì chắc chắn gây ách tắc thêm…” một lãnh đạo của Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích trên báo giới.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia giao thông, thực hiện được việc di dời các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể  tới các sở của Hà Nội chắc chắn giảm được quá tải về giao thông cho thủ đô. Nhưng với nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích trực tiếp, việc “mời” công chức ra ven đô sẽ chẳng dễ dàng.

Thanh Tùng (TH)