Lương không đủ sống, hàng loạt công nhân bỏ việc, ngành đường sắt lâm cảnh thiếu hụt nhân lực.

“Dứt áo ra đi” sau nhiều năm gắn bó

Theo thống kê của Tổng công ty đường sắt, năm 2016 có 266 người chấm dứt hợp đồng lao động. Năm 2017, con số này không dừng lại, thậm chí còn “tăng vọt”. Trong 6 tháng đầu năm đã có 207 người nghỉ việc, trong đó có 194 người nghỉ hưu trước tuổi dưới 2 năm.

Tại những công ty con trực thuộc Tổng công ty, số người nghỉ việc được nhận định là tăng mạnh nhưng chưa có con số thống kê cụ thể, tập trung chủ yếu ở nhân lực trẻ.

Chia sẻ với phóng viên Lao động, chị Trần Thị Gái (ở Khâm Thiên, Hà Nội) sau hơn 28 năm làm nhân viên soát vé trên tàu Thống Nhất, đã quyết định nghỉ hưu non để về nhà chạy xe ôm Grab. Chị Gái cũng cho biết thêm, cả tổ tàu Thống Nhất làm với chị trước đây đều đang chạy thêm xe ôm công nghệ trong đó có cả người đã nghỉ việc lẫn người đang đi làm.

Chị Trần Thị Gái hiện đang chạy xe ôm công nghệ. (Ảnh: Lao động)

Theo VnExpress, gia đình anh Đoàn Văn Minh (Công ty đường sắt Hà Hải) có 5 người làm trong ngành đường sắt, riêng anh đã có 13 năm làm nghề gác chắn nên việc chuyển nghề không khỏi khiến anh băn khoăn.

Anh Minh tâm sự, nhiều năm qua, lương nhận về sau khi trừ các khoản là 3,1-3,2 triệu mỗi tháng.

Trong khi đó, việc gác chắn đường ngang khu vực ga Hà Nội đến Ngọc Hồi rất căng thẳng vì lưu lượng giao thông lớn. Mỗi ngày làm 12 giờ, nhân viên gác chắn còn luân phiên cả vào ban đêm.

“Sau 13 năm làm việc, dịp hè vừa qua tôi đành xin nghỉ, chuyển sang phụ xe, không phải làm đêm và thu nhập 6-7 triệu mỗi tháng”, anh Minh nói.

Nguyên nhân của thực trạng

Ông Nguyễn Đào Việt Phương – Đội trưởng chắn đường ngang Giáp Bát (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay đội đã có 10 công nhân xin chấm dứt hợp đồng lao động. Mỗi người có một lý do riêng như sức khỏe yếu, muốn về quê làm việc…, song phần lớn là do thu nhập thấp trong khi công việc vất vả.

Ông Đào Việt Phương. Ảnh: C.T.V

Khu vực từ Trường Chinh đến Ngọc Hồi (Hà Nội) có 18 chắn đường ngang với lưu lượng phương tiện cao; 50-60 chuyến tàu mỗi ngày đêm. Mỗi lao động phải làm 21 ban một tháng (mỗi ban 12 giờ) thì mới được tính đủ lương khoảng bốn triệu đồng. Theo ông Phương thì “Khối lượng công việc đó là quá sức với nhiều người, họ kêu không có thời gian nghỉ ngơi”.

Không chỉ chế độ lương mà cả những chính sách mới của BHXH cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự biến động nhân lực của ngành đường sắt. Nhiều lao động ngấp nghé tuổi hưu, thậm chí cả lãnh đạo đơn vị cũng xin nghỉ hưu non để “tận dụng” cơ chế vì theo quy định trước ngày 1/1/2018, nếu đã đủ tuổi mà nghỉ sớm, người lao động hưởng lương BHXH cao hơn đi làm.

Hiện nay, những người còn trên 1-2 năm đủ tuổi nghỉ hưu mà về sớm, ngoài tiền lương hưu, họ được khoản tiền hỗ trợ của doanh nghiệp lên tới vài chục triệu đồng.

Những giải pháp tình thế 

Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam – Mai Thành Phương thừa nhận tình trạng trên tác động rất lớn gây mất cân đối nguồn lao động và dẫn tới tình trạng thiếu cục bộ.

Để giải quyết tình thế, ngành đường sắt đang tiến hành điều tiết nội bộ, đồng thời cố gắng động viên giữ chân người lao động. Tuy nhiên, “đây là giải pháp cục bộ và nếu hết cách thì phải tuyển thêm” – ông Phương khẳng định.

Còn theo ông Đoàn Duy Hoạch – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty rất băn khoăn, trăn trở về mức thu nhập của công nhân, nhất là công nhân gác chắn, duy tu, phục vụ trên tàu và đang nỗ lực đổi mới chất lượng dịch vụ, tăng sản lượng để tăng doanh thu, từ đó mới tăng thu nhập cho anh em.

Trước mắt, để đảm bảo sản xuất kinh doanh bình thường, an toàn trong thời điểm thiếu lao động, Tổng công ty đã chỉ đạo doanh nghiệp thành viên có giải pháp đảm bảo các vị trí làm việc theo ban kíp phải bố trí đầy đủ; đồng thời tăng cường kiểm tra an toàn tại các vị trí liên quan đến chạy tàu.

Các đơn vị cũng thực hiện việc điều chuyển công nhân duy tu đã được đào tạo nghiệp vụ gác chắn, chuyển sang hỗ trợ gác chắn tại các điểm đang thiếu nhân lực.

Thanh Tùng (TH)