Nếu đến ngày 1/7/2019, khi Luật Cạnh tranh 2018 với nhiều quy định mới chính thức có hiệu lực, vụ việc Grab mua lại Uber vẫn chưa được xử lý xong và đang trong quá trình điều tra thì có thể được xử lý theo quy định mới.

Theo Báo Giao thông, tại Hội thảo Phổ biến Luật Cạnh tranh diễn ra ngày 13/9, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết vụ việc Grab thâu tóm Uber có dấu hiệu vi phạm quy định tập trung kinh tế, chậm nhất đến ngày 18/11 sẽ có kết quả điều tra chính thức.

Đáng chú ý, vụ việc đang được điều tra, xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004. Thế nhưng, nếu đến ngày 1/7/2019, khi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) 2018 có hiệu lực thi hành, vụ việc vẫn chưa kết thúc thì có thể được xử lý theo quy định mới.

Cụ thể, theo Điều 118 (Điều khoản chuyển tiếp của Luật Cạnh tranh 2018), vụ Grab thâu tóm Uber sẽ được tiếp tục xem xét theo hai trường hợp: Nếu hành vi đang bị điều tra không vi phạm Luật Cạnh tranh 2018 thì sẽ được đình chỉ điều tra, xử lý. Còn nếu bị xác định là vi phạm Luật Cạnh tranh 2018 thì sẽ tiếp tục bị điều tra theo luật mới.

Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo ngại Luật Cạnh tranh 2018 với nhiều quy định mới được sửa đổi so với Luật cũ khó có thể hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Theo đại diện Phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng), sự khác biệt rất rõ nét nhất giữa Luật Cạnh tranh 2004 và Luật Cạnh tranh 2018 liên quan tới vấn đề tập trung kinh tế và thống lĩnh thị trường.

Cụ thể, quy định của Luật Cạnh tranh 2004 nêu rõ doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên được coi là thống lĩnh thị trường hay có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Trong khi đó, theo Luật Cạnh tranh 2018, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp tạo nên thị phần trên 30% chưa chắc đã vi phạm Luật Cạnh tranh nếu doanh nghiệp thống lĩnh không gây tác động hoặc tác động không đáng kể đối với thị trường.

Điều đó đồng nghĩa với Luật Cạnh tranh mới không cấm các doanh nghiệp tạo nên thị phần thống lĩnh với điều kiện không gây tác động bất lợi tới thị trường, không làm thay đổi cấu trúc thị trường, không ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh và người tiêu dùng.

Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 quy định xử phạt hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm tài chính liền kề trước đó. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mức phạt 10% doanh thu năm tài chính là quá thấp, không đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng), mức phạt này thấp hơn mức thấp nhất của Bộ Luật Hình sự. Đây chính là điểm yếu trong việc xử phạt doanh nghiệp vi phạm về cạnh tranh.

Ngày 26/3, Grab tuyên bố hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam. Thương vụ này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Grab độc quyền thao túng giá tại Việt Nam khi không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Theo Grab, việc kết hợp thị phần với Uber trên thị trường Việt Nam khiến tổng thị phần vẫn thấp hơn 30% nên hãng không cần thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch.

Tuy nhiên, kết quả điều tra sơ bộ của Cục Cạnh tranh công bố ngày 16/5 cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.

(Tổng hợp)