Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam đang thay đổi rất nhanh. Trong tương lai, người tiêu dùng ở Việt Nam có thể chuyển hẳn sang mua sắm online và thanh toán không cần tiền mặt.
 

Được đánh giá là thị trường hấp dẫn của cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế, ngành bán lẻ ở Việt Nam đang có nhiều thay đổi lớn khiến các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, mạnh mẽ hơn để không bị tụt lại phía sau.

Phát biểu tại hội thảo Xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam 2018-2020 do Liên hiệp HTX Thương mại Tp. HCM (Saigon Co.op) tổ chức ngày 7/11, ông Jason Moy, Giám đốc điều hành BCG Singapore, cho rằng bán lẻ thế giới và bán lẻ Việt Nam đều thay đổi rất nhanh. Nhà bán lẻ cần tập trung vào tiếp thị số và các ứng dụng bán hàng trực tuyến (online). Đây là xu hướng chung giúp các nhà bán lẻ nhanh chóng tiếp thị đến khách hàng những cái họ muốn, làm cho những trải nghiệm dễ dàng, thuận tiện hơn.

Thế nhưng, việc áp dụng công nghệ số trong bán hàng cũng cần có những phương án phù hợp bởi khách hàng có thể chuyển hẳn qua kênh online và bỏ kênh mua sắm truyền thống (offline) dù kênh này mang lại những trải nghiệm thực tế thú vị.

Ngoài ra, ông Jason Moy còn cho biết thêm, hiện nay các nhà bán lẻ quốc tế cũng có xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), robot trong chuỗi cung ứng nhưng thực tế chi phí cho khoản này rất cao. Điển hình là Amazon dành 16 tỷ USD và Alibaba dành hơn 5 tỷ USD cho AI.

Theo bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc đối tác nhà bán lẻ của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chi tiêu nhiều hơn vào các nhóm hàng ngoài tiêu dùng nhanh như hàng điện tử, dược phẩm, du lịch, bất động sản… Điều đó cho thấy xu hướng nâng tầm cuộc sống của người tiêu dùng Việt. Mặc dù vậy, thị trường tiêu dùng nhanh cũng đang dần hồi phục tốc độ tăng trưởng.

Bà Trang đánh giá Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ nổi bật với sự chi phối lớn của bán lẻ truyền thống (chiếm 76%). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ này rất chậm, chỉ 1%. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần nhưng đang tăng trưởng 2 con số, ở mức 11,8%.

tuong lai nganh ban le viet nam nguoi tieu dung se chuyen han sang mua sam truc tuyen
Bán lẻ truyền thống dù vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đang ở mức 1%, quá thấp so với mức gần 12% của kênh bán lẻ hiện đại. (Ảnh: Dân Việt)

Bà Trang cho rằng những xu hướng bán lẻ trong tương lai sẽ định hình theo những đặc điểm chính như nhu cầu về sự tiện lợi, cao cấp hóa nâng tầm đời sống, người tiêu dùng kết nối. Đây là đối tượng mục tiêu khách hàng lớn của nhà sản xuất và bán lẻ trong tương lai.

Theo các chuyên gia, trong tương lai, nhiều dịch vụ khách hàng sẽ được ảo hóa bằng công nghệ, cho phép nhà kinh doanh biết khách hàng mình là ai, muốn gì trước khi phục vụ họ. Kết nối internet đang tạo điều kiện cho việc mua sắm đa kênh phát triển, kèm với đó là xu hướng mua sắm không tiền mặt.

Việt Nam đang trong giai đoạn tốt của ngành bán lẻ, sẽ phát triển hơn nữa và thịnh vượng. Nhà bán lẻ muốn cạnh tranh và đi nhanh hơn đối thủ thì phải làm chủ công nghệ, làm chủ kênh mua sắm mạng cũng như tạo ra sự khác biệt.

(Tổng hợp)