Nhiều thương lái tuồn tỏi từ đất liền ra huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bán cho du khách với mác đặc sản đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng thương hiệu nông sản nổi tiếng nơi đây.

Tỏi được xem là cây trồng chủ lực của huyện đảo Lý Sơn khi chiếm hơn 70% sản lượng nông nghiệp. Những ngày này, người dân ở “vương quốc tỏi” đang tất bật thu hoạch loại nông sản được ví như “vàng trắng” của đất đảo.

Vụ tỏi năm nay được mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui nhiều người dân ở đây vẫn cảm thấy canh cánh nỗi lo khi tình trạng tỏi nhái, tỏi kém chất lượng ồ ạt tuồn ra đảo đe dọa rất lớn đến thương hiệu tỏi Lý Sơn.

Tỏi nhái, tỏi kém chất lượng ồ ạt tuồn ra đảo Lý Sơn
Tỏi Lý Sơn năm nay được giá, nên thương lái chở tỏi từ địa phương khác đến trà trộn để bán thu lợi bất chính. (Ảnh: Người Lao Động)

Liên tiếp trong tháng 3/2018, Trạm Kiểm soát Biên phòng cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) phát hiện hàng trăm kg tỏi tươi có nguồn gốc từ Ninh Hiển (Khánh Hòa) được vận chuyển ra đảo, trà trộn với tỏi Lý Sơn để bán thu lợi bất chính.

Chia sẻ trên Người Lao Động, bà Sự, thương lái có hơn 10 năm buôn bán tỏi Lý Sơn, cho biết rất khó để phân biệt tỏi Lý Sơn với tỏi có xuất xứ Ninh Hiển đang được bán tràn lan tại “vương quốc tỏi”.

“Hai loại giống hệt nhau, bằng mắt thường không thể phân biệt được. Trong khi giá tỏi Ninh Hiển chỉ khoảng 30.000-40.000 đồng/kg, tỏi Lý Sơn đầu mùa đã lên tới 110.000-120.000 đồng/kg. Chính sự chênh lệch lớn này khiến nhiều người chuyển tỏi Ninh Hiển từ đất liền ra trà trộn vào tỏi Lý Sơn để bán cho du khách. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng tỏi Lý Sơn và những người buôn bán tỏi chính gốc lâu nay như chúng tôi”, bà Sự nói.

Còn ông Thanh, chủ một cơ sở kinh doanh tỏi Lý Sơn, cho biết hiện trên đảo ngoài việc các loại tỏi nơi khác tuồn về “đội lốt” thương hiệu tỏi Lý Sơn còn xuất hiện một số loại tỏi một tép, tỏi đen được làm từ các loại tỏi nơi khác tuồn về.

Lý giải tình trạng này, ông Thanh cho rằng hiện giá tỏi một tép có giá trên 1 triệu đồng/kg và tỏi đen có giá 3-4 triệu đồng/kg. Do vậy, rất nhiều người làm nhái những loại tỏi trên để bán cho du khách.

Theo ông Thủy, chủ một cơ sở kinh doanh tỏi Lý Sơn, phần lớn những hộ trồng tỏi trên đảo Lý Sơn sau khi thu hoạch đều đưa tỏi ra thị trường tiêu thụ nhưng không in bao bì, nhãn mác nên rất dễ bị trà trộn bởi các tỏi từ nơi khác nhập về.

Chia sẻ trên tờ Quân đội Nhân dân ngày 10/4, một lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn cho biết đã giao Hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn xúc tiến in, cấp tem chống giả cho nông dân trồng tỏi và hộ kinh doanh buôn bán tỏi trên địa bàn để dán lên bao bì đóng gói tại đảo Lý Sơn, nhằm ngăn chặn tỏi nhái bày bán trên đảo.

Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra những tàu biển, tàu chở vật liệu xây dựng, nếu phát hiện chở tỏi ra đảo tiêu thụ sẽ tước luôn giấy phép hoạt động.

Nguyễn Trang