Làm thế nào cân bằng giữa Uber và taxi truyền thống? Thụy Sĩ đã giải quyết được bài toán đó. 

Trong khi các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải dựa trên ứng dụng di động như Uber và Grab đang đặt ra bài toán quản lý tại Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới thì Thụy Sỹ đã đưa loại hình kinh doanh này vào diện quản lý rất chặt. Bên cạnh đó, Thụy Sỹ cũng đã đưa ra những quy định nhằm hạn chế những ưu thế cạnh tranh của Uber so với taxi truyền thống, theo TTX.

Thụy Sỹ là một chính phủ liên bang, do đó tài xế Uber phải chịu sự điều chỉnh của những quy định khác nhau của từng bang khi đi qua các vùng khác nhau, nhưng tựu chung lại, các tài xế Uber đều phải có giấy phép hành nghề taxi. Các tài xế Uber phải đóng bảo hiểm xã hội dù họ không làm việc cho một công ty nào, đây như một dạng thuế.

Ngoài ra, giống như nhiều ngành nghề khác tại Thụy Sỹ, luật pháp Thụy Sỹ quy định rất chặt về việc phải tham gia đóng các loại hình bảo hiểm khác nhau (người dân Thụy Sỹ hàng năm phải chi tới 21% thu nhập cho các loại bảo hiểm). Riêng với nghề lái xe Uber, tài xế phải có Bảo hiểm bất trắc. Đây là loại hình bảo hiểm chi trả trong trường hợp nếu lái xe chở người lạ hay người nước ngoài thì phải có bảo hiểm này để đề phòng hành khách có hành vi vi phạm pháp luật Thụy Sỹ thì người tài xế không bị phạt vì liên quan.

Tài xế phải đóng thuế thu nhập, tiền lãi kiếm được bắt buộc phải khai đóng thuế. Làm tài xế Uber có thể là một nghề phụ với nhiều người nhưng một khi thu nhập từ hoạt động này vượt quá 2.300 CHF/năm (khoảng gần 2.500 USD), người lái xe phải đăng ký với cơ quan thuế và đóng bảo hiểm xã hội. Nếu không làm và bị phát hiện thì lái xe sẽ bị phạt. Tới nay, Uber vẫn tránh việc đóng thuế Giá trị gia tăng (VAT) và dồn trách nhiệm này lên người tài xế. Tại Thụy Sỹ, người lái xe sẽ phải đăng ký khai thuế VAT và trả khoản thuế đó một cách nghiêm túc.

Việc khai thuế tại Thụy Sỹ được tiến hành tới từng người dân, hàng năm cơ quan thuế đều gửi các biểu mẫu khai và đóng thuế về tới từng hộ gia đình. Dựa trên việc quản lý thông tin về thu nhập trên hệ thống điện tử, từng người đi làm phải tiến hành khai thuế và đóng thuế thu nhập cá nhân. Nếu không đóng hoặc khai thuế gian dối sẽ bị phạt tiền rất nặng hoặc bị tù giam và nhiều hệ lụy tài chính-xã hội khác.

Thụy Sỹ còn đánh một dạng phí đặc biệt đối với tài xế Uber là tiền bản quyền dùng radio vì dùng Uber là dùng thiết bị kết nối Internet.

Về chia lợi nhuận, tỉ lệ chia giữa Uber và lái xe cần tương đương như tỉ lệ chia giữa các hãng taxi truyền thống với lái xe của họ. Lưu ý là tài xế Uber có thể không có tiền boa vì tiền đã trừ trong ứng dụng.

Mọi lái xe sử dụng Uber kiếm tiền đều phải có giấy phép lái xe Taxi và gắn thiết bị tachographs, đây là thiết bị theo quy chuẩn châu Âu để biết được tốc độ xe chạy, biết người lái xe đã cầm lái được bao lâu. Thiết bị này còn cho phép giám sát việc tuân thủ giờ làm việc của tài xế vì luật pháp Thụy Sỹ quy định mỗi người tài xế một tuần làm tối đa 53 giờ, và không quá 13 giờ ngày, phải nghỉ ngơi sau mỗi 4,5 giờ lái xe trong vòng từ 20 đến 60 phút.

Riêng tại bang Zurich, nơi có trung tâm tài chính lớn thứ hai châu Âu và là thành phố đông dân nhất Thụy Sỹ, chính quyền tại đây quy định rõ nếu lái xe dùng ứng dụng Uber đưa đón khách là không hợp lệ và có thể bị phạt đến 10.000 CHF (tương đương khoảng gần 11.000 USD). Nếu tài xế bị phát hiện nói dối hành khách trên xe là bạn mình có thể bị phạt đến 3 năm tù.

Chính vì những quy định trên nên giá Uber ở Thuỵ Sỹ khá cao và khiến ngành vận tải này tuy phát triển nhưng không quá nóng. Nếu đi trên đường phố tại Thụy Sỹ, cũng dễ dàng thấy taxi tại đây rất ít và chi phí rất cao do taxi được xếp hạng là một phương tiện vận tải công cộng, cũng có đường đi riêng như xe bus và phải đóng nhiều loại thuế khác nhau mới được hoạt động.

Thái Nguyễn