Sau một thời gian chanh dây rớt giá thê thảm khiến nhiều người dân ở Gia Lai đồng loạt phá bỏ, đến nay khi giá chanh dây tăng cao trở lại, người dân lại đua nhau trồng mới.

Theo VTV News, giá chanh dây tại tỉnh Gia Lai đang ở mức cao khoảng 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng chanh dây thu lợi khá lớn nên nhiều hộ trước đây trồng ít, thậm chí phá bỏ giờ lại đầu tư trồng mới với diện tích tăng hơn nhiều.

Đáng chú ý, người trồng đang chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không cân nhắc đến việc sản phẩm này có đầu ra bền vững hay không. Trong khi đó, bài học “vỡ chợ” vì ồ ạt trồng chanh dây của người dân Gia Lai năm 2017 vẫn còn đó.

Cụ thể, vào thời điểm đầu năm 2017, khi thấy giá chanh dây tăng cao lên đến đỉnh điểm 50.000 đồng/kg, ông Đinh Ty ở huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai) đã chặt hơn 200 cây cao su đang thời kỳ kinh doanh để đầu tư gần 30 triệu đồng trồng chanh dây. Nhưng khi chanh dây bắt đầu cho thu hoạch, giá cả lại rớt thảm hại xuống xuống hàng chục lần, chỉ còn 1.500-3.000 đồng/kg. Giá thấp nhưng thương lái cũng chẳng mặn mà đến thu mua khiến những người trồng chanh dây như ông Ty lâm vào cảnh lao đao vì thua lỗ.

Trên thực tế, chanh dây hiện nay không có thị trường đầu ra ổn định, phụ thuộc chủ yếu vào thương lái để bán sang Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc vốn rất “đỏng đảnh”, họ có thể ngừng nhập chanh dây Việt Nam bất cứ lúc nào và khi đó giá chanh dây sẽ lại lao dốc không phanh.

Bên cạnh đó, điệp khúc “trồng chặt – chặt trồng” là một vòng luẩn quẩn không chỉ của riêng cây chanh dây mà còn của một loạt các loại nông sản khác của Việt Nam như tiêu, mía, chuối, dưa hấu… Giá cao thì ồ ạt trồng, khi rớt giá đồng loạt phá bỏ và đến khi được giá lại tiếp tục trồng mới lại là câu chuyện quen thuộc của nông dân Việt Nam. Tình trạng này cho thấy tính bất ổn trong sản xuất của người nông dân và đang thiếu một chính sách căn cơ giúp ổn định đầu ra cho nông sản, đảm bảo sản xuất bền vững.

Nguyễn Trang