Từ lâu, Nike và Adidas đã hình thành 2 “thái cực” trên thị trường trang phục và dụng cụ thi đấu thể thao, đặc biệt là bóng đá. World Cup 2018 chính là chiến trường lớn nhất của hai thương hiệu thể thao toàn cầu này.

3

Trước thềm tứ kết, Adidas đã dõng dạc tuyên bố rằng kỳ World Cup trên đất Nga lần này họ đã giành chiến thắng trước Nike. Tuy nhiên càng vào sâu, Nike càng chứng tỏ họ đang có một chiến lược đúng đắn để đánh bại đối thủ.

Có đến 12 trong tổng số 32 đội tuyển tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm nay khoác lên mình trang phục của Adidas, trong khi Nike chỉ nắm được 10 đội. Thậm chí đến vòng 1/8, Adidas vẫn dẫn đầu tuyệt đối khi có tới 8 trên tổng số 16 đội vượt qua vòng bảng sử dụng áo đấu của họ.

Tuy nhiên, chiến thắng của Adidas không duy trì được lâu. Sau vòng đấu 1/8, các đội bóng được Adidas ủng hộ chỉ còn lại Bỉ, nước chủ nhà Nga và Thủy Điển. Đối thủ Nike đã nhanh chóng vượt lên với 4 đội bóng, bao gồm các ứng viên vô địch hàng đầu là Brazil, Anh, Pháp, Croatia và đang mơ tới một trận chung kết hay thậm chí là vòng bán kết toàn Nike.

Không chỉ như vậy, khoảng 60% các cầu thủ tham dự World Cup năm nay sẽ đi giày của Nike, bao gồm một nửa đội hình các đội tuyển Đức, Tây Ban Nha và 3/4 tuyển Nga dù họ đều mặc trang phục của Adidas.

Theo các chuyên gia, mặc dù những nhà sản xuất trang phục thể thao thường bán một lượng lớn hàng hóa trước khi World Cup chính thức khởi tranh, nhưng những thành công trên sân cỏ của các đội bóng mặc áo đấu do họ sản xuất có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa.

Ngược trở về năm 2014, khách hàng Đức chiếm tới 1/3 doanh số bán áo đấu của Adidas, với 10% gia tăng doanh số bán hàng đến từ chức vô địch World Cup năm đó của người Đức. Tuy nhiên, việc nhà đương kim vô địch bị loại ngay sau vòng bảng năm nay đã lập tức có tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của Adidas, khiến cổ phiếu của hãng này rớt giá 2,7% trong phiên giao dịch tiếp theo ngay sau ngày Đức phải xách vali về nước.

Tiếp sau đó, Adidas phải nhận thêm “bàn thua” khi lần lượt các ông lớn Argentina và Tây Ban Nha bị loại. Tương tự, Mexico cũng không thể gỡ bàn cho Adidas khi để thua trong tay Brazil, đội bóng mặc áo của Nike.

Theo thống kê, giá cổ phiếu của Nike đã tăng hơn 3%, chủ yếu nhờ vào các báo cáo tích cực về tình hình kinh doanh và triển vọng bán hàng được công bố tuần trước. Còn Adidas lại phải chứng kiến sự sụt giảm khoảng 5% kể từ khi World Cup bắt đầu khởi tranh hồi giữa tháng 6 vừa qua. Có vẻ như lợi thế đang thuộc về Nike trên hành trình “đoạt cúp” ở World Cup năm nay.

Tại mùa World Cup 2014, Adidas đã giành chiến thắng tuyệt đối trước Nike khi cả hai đội tuyển trong trận chung kết đầu mặc áo đấu của hãng. Adidas đạt doanh thu lên tới 2,4 tỷ USD nhờ các sản phẩm liên quan đến bóng đá và áo thi đấu.

Kiều Ngọc