Số lượng tiêu thụ xe máy của người Việt Nam năm vừa qua đạt hơn 3 triệu chiếc, và với việc phương tiện vận tải cá nhân đang chiếm tới 65% thì nhu cầu đối với xe máy được nhận định là chưa thể sớm bão hòa.  

Số liệu của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM) cho thấy doanh số bán xe của 5 doanh nghiệp thành viên đạt hơn 3,3 triệu chiếc trong năm tài khóa 2018 (tính từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018), tăng 4,8% so với năm tài khóa 2017.

Honda Việt Nam đứng đầu trong số các thành viên của VAMM khi bán được 2,38 triệu chiếc, tiếp theo là Yamaha Việt Nam với hơn 800.000 chiếc, còn lại là của 3 thương hiệu SYM, Piaggio và Suzuki.

Theo dự báo của VAMM, doanh số bán xe máy của các thành viên trong năm tài khóa 2019 thấp nhất cũng sẽ đạt 3,3 triệu chiếc (bằng với năm 2018), còn nếu khả quan hơn sẽ đạt trên 3,4 triệu chiếc.

Nếu tính cả số lượng xe máy nhập khẩu và xe máy của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước, lượng tiêu thụ xe máy toàn thị trường sẽ đạt khoảng 3,5 triệu xe/năm.

Thị trường xe máy vẫn đang tăng trưởng và dự báo sẽ còn tăng tiếp có thể là một tin vui với các doanh nghiệp sản xuất xe máy tại Việt Nam do trước đó từng có lo ngại thị trường đang bão hòa và các thành phố lớn sắp tiến hành loại bỏ xe máy.

Trang tin Vietnamnet dẫn lời các doanh nghiệp nhận định thu cầu xe máy tại Việt Nam chưa thể bão hòa khi dân số đang tăng và số người trưởng thành hàng năm nhiều, nhu cầu về phương tiện đi lại lớn. Trong khi đó, người dân đã quen với việc dùng xe máy để đi lại và xe máy đã trở thành đặc thù của Việt Nam.

Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có số lượng xe máy dày đặc do giao thông công cộng chưa đủ phát triển và lại có nhiều ngõ ngách nhỏ.

Nhu cầu xe máy của người Việt vẫn cao, chưa thể bão hòa?
Hà Nội hiện có khoảng 5,2 triệu xe máy, nhưng đang tìm cách loại bỏ trong 12 năm tới. (Ảnh: Uyên Linh)

Thống kê cho thấy Hà Nội hiện có khoảng 5,2 triệu xe máy. Với mức tăng trưởng hàng năm hơn 6%, dự báo đến 2020 Hà Nội sẽ có 6,1 triệu chiếc, năm 2025 tăng lên 7 triệu chiếc và năm 2030 lên 7,5 triệu chiếc. Tại TP.HCM hiện có khoảng 7,5 triệu xe máy, và với tốc độ tăng trên 5%/năm thì đến năm 2020 dự kiến sẽ có 8,2 triệu chiếc, và năm 2025 có hơn 10 triệu chiếc.

Ngoài việc phù hợp với điều kiện hạ tầng và xã hội của Việt Nam, xe máy còn có ưu điểm là có giá vừa phải, cơ động, thích ứng với nhiều loại đường.

Mặc dù nhu cầu đối với xe số đang giảm dần, nhưng thị trường cũng chưa bão hòa khi xe tay ga đang lên ngôi khi thu nhập của người Việt ngày càng cao hơn.

Thống kê của VAMM cho thấy xe tay ga hiện chiếm 60% tổng lượng số xe máy được tiêu thụ. Tại các đô thị, nhu cầu đối vưới xe tay ga tăng cao, nhiều mẫu xe không đủ cung cấp cho thị trường và luôn trong tình trạng thiếu hàng.

Mặc dù Hà Nội và TP.HCM đang lên kế hoạch cấm xe máy vì cho rằng phương tiện này là thủ phạm gây tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và tắc đường, nhưng nhiều nhận định cho rằng đây là điều rất khó vì tính kinh tế và sự tiện lợi của nó.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy vào năm 2030, khi đó hệ thống vận tải công cộng phải đáp ứng được từ 35-40% nhu cầu đi lại của người dân.

Câu hỏi đặt ra là con số 60-65% phương tiện vận tải cá nhân còn lại là gì nếu không còn xe máy?

Minh Tuệ